Cổ nhân dạy người đời sau rằng: “Nhân quý cửu phẩm”, mang ý nghĩa phẩm chất của con người đáng quý nhất nằm ở 9 điều quan trọng. Trải qua năm dài tháng rộng sống trên đời, tôi cũng có đúc kết thêm một số kinh nghiệm xoay quanh những điều đó.
1. Trung thực
Chúng ta chỉ nghĩ trung thực là “không nói dối”, tuy nhiên điều này cần đòi hỏi sự nghiêm khắc với bản thân và dũng cảm đối mặt với lỗi sai của chính mình. Sống trung thực ngoài xây dựng sự tin tưởng và yêu mến từ người khác, chúng ta còn nâng cao được bản lĩnh và phát triển cuộc sống lên một tầm cao mới.
2. Thừa nhận lỗi sai
Không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận bản thân mình có khuyết điểm. Thừa nhận lỗi sai là một điều rất khó bởi đổ lỗi là cách dễ nhất để che giấu đi sự thua kém. Thực ra, không thừa nhận sai sót tự nó đã là một sai lầm. Người đáng quý là người biết mình chưa hoàn thiện, sẵn sàng thay đổi để trở nên tốt hơn từng ngày.
3. Thành tín
Sống ở đời quan trọng nhất là niềm tin giữa con người với nhau. Cổ nhân coi chữ tín luôn ở vị trí hàng đầu trong đối nhân xử thế. “Nhân nhi vô tín, vị tri kỳ khả” nghĩa là thành tín mới được coi trọng, uy tín mới có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Người giữ lời hứa thì luôn giải quyết vấn đề bằng sự trung thực của mình.
4. Lương thiện
Thời hiện đại tốt xấu lẫn lộn, người thiện lương thường hay bị thiên hạ chế giễu. Nhưng cổ nhân dạy rằng: “Người tốt được mọi người kính trọng, đạo trời che chở, phước báo theo sau, điều tà tránh xa, thần linh bảo vệ”. Nội tâm trong sáng, thiên lương là cách duy nhất giúp chúng ta bảo tồn đạo đức, vượt qua mọi nghịch cảnh.
5. Khoan dung, độ lượng
“Biển lớn dung nạp trăm sông”, có bao dung mới có thể trở nên vĩ đại. Kẻ chỉ luôn giữ hiềm khích, thù hận trong lòng chỉ càng khổ đau, mỏi mệt. Người độ lượng biết hóa giải hận thù, khiến đối thủ cũng phải ngả mũ kính phục. Trên tất cả, khoan dung với người khác là cách để để chúng ta có được sự thanh thản trong tâm hồn.
6. Lắng nghe và thấu hiểu
Trong giao tiếp, quan trọng nhất không phải là bày tỏ luận điểm của mình mà đó chính là thấu hiểu và lắng nghe. Bên cạnh sự khoan dung thì thấu hiểu là thứ kết nối trái tim, giao cảm trong tâm hồn. Muốn thấu hiểu một người, chúng ta không cần đánh giá mà phải học cách lắng nghe và đồng cảm với hoàn cảnh của họ.
7. Khiêm tốn
Có câu nói : "Một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu". Tự cổ chí kim, người càng có tài thì lại càng khiêm tốn. Họ biết rằng tầm nhìn của mình có thể hạn hẹp hơn bất kỳ ai trong đời. Núi cao còn có núi khác cao hơn. Khoe khoang thứ gì thì tương lai càng dễ dàng mất đi chính thứ đó. “Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu” là vậy.
8. Nhu hòa
Như trên đã nói, người khiêm nhường mới thể hiện được nhân cách và sự tu dưỡng. Từ đó, họ không cố chấp mà chỉ nắm vững những nguyên tắc đạo đức và tôn trọng người khác. Nhu hòa chính là uyển chuyển tùy cơ ứng biến, giữa người với người cần dùng tấm chân tình thiện đãi nhau, vậy mới nắm vững được chữ “độ” (chừng mực) trong cuộc sống.
9. Biết buông bỏ
Cuộc sống đôi khi được ví như chiếc vali, khi cần hãy nâng lên, khi không cần nữa thì hãy đặt xuống. Vào thời điểm nên buông xuống mà lại không chịu buông thì chẳng khác gì kéo lê chiếc vali nặng nề, tâm hồn chì chạc, chỉ lưu giữ toàn những điều vô nghĩa.
Cổ ngữ nói: “Nâng lên được, đặt xuống được”, nâng lên được chính là năng lực, là có thể chịu trách nhiệm, có đẩy đủ bản lĩnh. Đặt xuống được lại là trí tuệ, là tiêu dao tự tại, là giải thoát. Cho nên, trong cuộc sống cần biết việc gì nên nắm giữ thì nắm giữ, việc gì không nên thì hãy buông bỏ.
Kết: Trên đây vừa là 9 đặc điểm của người mang phẩm chất cao quý mà cổ nhân đã khuyên răn con cháu đời sau noi theo, vừa là những đúc kết kinh nghiệm cá nhân của tôi. Hi vọng bạn có thể áp dụng được một số vào cuộc sống của mình, từ đó sống nhẹ nhàng, bình an và có nhiều ý nghĩa hơn.
* Bài viết của Trương Di chia sẻ tại box Cafe Danner
“Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”, nếu bạn cũng đang trên con đường tu tâm dưỡng tính , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận