Hiếm có bộ phim truyền hình Việt Nam nào lại lấy đi của tôi nhiều nước mắt như Hương Vị Tình Thân. Một tác phẩm có đủ vị ngọt tình yêu’ vị đắng của cuộc đời và cả vị mặn của nước mắt. Đi qua mỗi tập phim, tôi lại càng thấy được giá trị nhân văn qua câu chuyện của các nhân vật. Để rồi từ chỗ xúc động, chúng ta thấy hiểu cho hoàn cảnh của họ.
Tôi cảm thấy lời khen lớn nhất chắc chắn phải dành cho đạo diễn và biên kịch của Hương Vị Tình Thân. Bởi họ đã biết cách tiết chế những drama, biến chúng trở thành chất xúc tác giúp nhân vật đối diện với hoàn cảnh éo le và bộc lộ tính cách. Vì vậy mà bên cạnh những cảnh gay cấn, hồi hộp, chúng ta mới có những phân đoạn đầy cảm xúc, buồn đau đến nhói tim.
Nam òa khóc trong vòng tay ông Sinh mà ngỡ là bố Tuấn
Lần đầu tiên tôi khóc khi xem Hương Vị Tình Thân có lẽ là cảnh Nam đi lang thang rồi gặp ông Sinh trong tập 69. Cô khóc ôm chầm lấy ông, khóc nức nở như một đứa trẻ vì tưởng đó là bố Tuấn. Thời điểm ấy, mọi biến cố cứ rủ nhau kéo đến và đổ ập xuống đầu Nam. Cô chỉ muốn thoát ra khỏi căn nhà tù tú, nơi người mẹ nuôi - bà Bích luôn gây họa rồi trút mọi gánh nặng lên đầu mình.
Nam đi lang thang không điểm dừng, để rồi đến trước một ngôi nhà, cô thấy bố Tuấn - người bố quá cố mà cô luôn yêu thương. Lúc này, Nam chạy đến ôm bố Tuấn khóc tức tưởi, vì uất ức, vì mệt mỏi, vì lo sợ.
Cô sợ ngôi nhà của bố sẽ bị bà Bích đem đi bán để lấy tiền bồi thường cho bà Sa. Cô uất ức vì bất công cứ đổ xuống đầu mình. Cô mệt mỏi vì chuyện tình yêu chẳng đi đến đâu, vì bị bà Xuân đụng đến lòng tự trọng mà cô luôn đề cao.
Nhưng một hồi lâu sau, Nam mới nhẩn a đó là ông Sinh, chứ không phải bố Tuấn. Đau đớn thay, ông Sinh nhìn con đau khổ trước mặt nhưng chẳng thể làm gì, đến việc xoa đầu vỗ về con gái thôi cũng khiến ông lưỡng lự rồi buông tay.
Sao cuộc đời lại oan trái và éo le với Nam và ông Sinh như thế. Nhìn hai bố con bất lực, đau khổ với câu chuyện riêng, khiến tôi không thể kìm được nước mắt.
Ông Sinh đưa Nam về quê, song không thể nói ra sự thật với con
Còn gì đau đớn hơn việc một người cha nhìn thấy con trước mặt mà chẳng thể nào ôm ấp, yêu thương, che chở, hay thậm chí là nhận mặt. Thế mới thấy được nỗi niềm của ông Sinh suốt từng ấy năm phải xa cách con, phải giả vờ như không quen biết vì sợ bản thân liên lụy, ảnh hưởng đến tương lai của con.
Trong lần chị gái - bà Nhàn trở bệnh nặng, không thể cầm cự được nữa, ông Sinh buộc lòng gọi con gái ruột là Nam trở về quê để thực hiện di nguyện của bà. Sau khi bà Nhàn ra đi lặng lẽ và mãn nguyện, ông Sinh đau đớn vật vã, khóc nghẹn không nên lời.
Nhìn biểu cảm quằn quại, chỉ biết ôm đầu, cắn chặt răng mà nước mắt ròng ròng. Nỗi đau của ông Sinh như cuộn vào bên trong khi vừa mất đi người thân yêu, mà con gái kế bên nhưng không dám nhận mặt.
Xem cảnh này, tôi đã khóc từ đầu tới cuối vì thương cho ông Sinh. NSƯT Võ Hoài Nam diễn quá xuất sắc, cách mà ông thể hiện nỗi đau không qua một câu thoại nào nhưng vẫn làm người xem phải nhói lòng.
Cụ Dần xin con trai cho vào viện dưỡng lão
Nhắc đến tình mẫu tử trong phim, chắc chắn không thể nào quên được sự hiếu kính của ông Khang dành cho cụ Dần. Sau vụ Thiên Nga cho bà nội uống thuốc ngủ đến mức nhập viện, dì Liễu sang tận nhà bà Xuân để làm lớn chuyện.
Thay vì ăn năn hối lỗi thay cho cháu gái, người phụ nữ chua ngoa này đổ hết lỗi cho cụ Dần quá quắt, khiến Thiên Nga phải cố gắng nuông chiều đến mức stress. Nghe những lời bà Liễu xúc phạm mẹ của mình, ông Khang không chịu nổi mà tranh cãi rồi đuổi mụ ta đi về.
Nhưng người đau đớn và suy nghĩ nhiều nhất khi nghe cuộc hội thoại ấy lại chính là cụ Dần. Từ trong nhà, cụ đã chứng kiến được hết sự việc, để rồi bà nội Long nói với ông Khang: “Con cho mẹ vào viện dưỡng lão đi”. Cụ tự trách mình vì gây rắc rối cho mọi người, khiến cho con trai và cháu nội phải khổ sở chịu đựng.
Ít ai biết được rằng cụ Dần là một mẹ, người bà đã hy sinh nhiều và chẳng tiếc gì cho gia đình. Suốt từng ấy năm, bà chịu nhịn con dâu, che giấu tội cho cháu dâu chỉ mong cả nhà được êm ấm, hạnh phúc. Cũng chính cụ Dần là người hy sinh cả thanh xuân để một mình nuôi con khôn lớn. Để rồi đến cuối đời, già yếu bệnh tật, cụ lại vì con cháu mà mặc cảm, muốn mọi người bớt khổ vì bản thân mình.
>>> Xem thêm: Đám cưới của Nam ai cũng vui, chỉ có bố Sinh là tội nghiệp nhất
Nam gào khóc van xin bố nhận con
Trong tập phim mới đây, Phương Oanh tiếp tục cho thấy khả năng diễn xuất ngày một tiến bộ của mình thông qua phân cảnh gào khóc xin bố nhận mình. Sau khi phát hiện ra những vật dụng trong nhà ông Sinh đều liên quan tới quá khứ của mình, Nam ngỡ ngàng và nhận ra người đàn ông luôn âm thầm bên cạnh, bảo vệ mình bấy lâu này chính là người bố ruột cô hằng mong mỏi.
Vừa nhìn thấy ông Sinh, Nam vội vàng òa khóc nức nở. Nghe đến câu thoại “con đã làm gì sai mà sao bố không chịu nhận con” của nữ diễn viên khiến tôi xót xa, đau đớn. Chắc phải lâu lắm rồi, tôi mới thấy một diễn viên chịu hy sinh hình tượng, chẳng quan tâm xấu đẹp để hóa thân trọn vẹn vào nhân vật như Phương Oanh. Nhìn cô nước mắt nước mũi lèm bèm, biểu cảm nhăn nhó mà thấy thương và bất giác tôi cũng rưng rưng từ lúc nào không hay.
Cảnh quay đắt giá này khiến tôi nhói đau, đau vì Nam khóc lóc van xin được bố nhận mình, cô khao khát có được tình thân dù cho quá khứ của ông Sinh có là gì đi chăng nữa. Còn ở phía bố ruột của Nam, ông phải nuốt ngược nước mắt vào trong, bịa ra câu chuyện với bố Tuấn để che giấu đi sự thật, vì muốn con gái được an toàn, hạnh phúc.
Ông Sinh câm lặng nhìn con cưới
Cuối cùng, phân cảnh khiến tôi thấy cảm động và cũng là đau đớn nhất chính là lúc ông Sinh khóc nghẹn nhìn con gái cưới. Tôi không nhớ mình đã xem đi xem lại cảnh này bao nhiêu lần nhưng vẫn chẳng thể nào kìm được nước mắt.
Sau khi từ quê Chiến “chó” trở về, ông Sinh bần thần vì làm mất đi chứng cứ có thể rửa oan cho bản thân. Cơ hội được nhận con gái như đóng sập trước mắt, song ông Sinh vật tạm gác lại nỗi lòng này để diện lên mình bộ vest Nam đã chuẩn bị, lên đường đến đám cưới con gái.
Nhìn cái cách ông Sinh ngó nghiêng quang cảnh, chỉnh đốn lại trang phục cho đến sự long lanh trong ánh mắt, đã đủ để hiểu ông vui và háo hức thế nào trong ngày trọng đại của con gái. Như bao người bố khác, ông Sinh cũng muốn được dắt tay con vào lễ đường, được chứng kiến khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời cô.
Nhưng niềm vui ấy chợt tắt khi ông Sinh nhìn thấy bà Sa và lão Sinh cũng có mặt trong đám cưới. Chưa kịp bước chân vào bên trong, ông Sinh đã vội thay đổi sắc mặt rồi ngậm ngùi quay đầu.
Ông Sinh chỉ biết cắn răng mà khóc nghẹn, rồi từ từ quay lưng bước đi. Sự đối lập giữa một bên là đám cưới đông vui, hạnh phúc với một bên là ông Sinh đang cô độc, nhốt mình trong sự đau khổ khiến tôi cảm thấy nhói lòng.
Không đến đám cưới của Nam, ông Sinh sẽ tiếc nuối và buồn đấy nhưng đổi lại, con gái của ông sẽ được an toàn, sẽ không ai biết về quá khứ của ông rồi dựa vào đó mà làm khó Nam được. Suy cho cùng, ông Sinh là vì muốn tốt cho con gái mà chịu sự đau đớn, luyến tiếc, hụt hẫng một mình. Quả là một người cha bất hạnh nhưng trên cả tuyệt vời.
>>> Xem thêm: 3 lần diện vest của NSUT Võ Hoài Nam toàn dịp trọng đại đời người
Những câu chuyện chìm trong nước mắt của Hương Vị Tình Thân hẳn là những gì đọng lại trong tâm trí tôi nhiều nhất. Không chỉ mang lại cảm xúc cho khán giả mà những phân cảnh ấn tượng ấy còn khiến cho giá trị nhân văn của phim được đẩy lên một tầm cao mới.
*Bài viết của Hoa Lê gửi về DienAnh.Net.
Đừng quên follow DienAnh.Net để cập nhật những thông tin phim ảnh, chuyện hậu trường nhanh nhất, chính xác nhất nhé!
Facebook - bình luận