Vũ trụ điện ảnh quái vật là một trong những nước đi “đắt giá” của nền điện ảnh Hollywood, trải qua hơn 2 thập kỷ, mình thấy đề tài này chưa bao giờ “nguội” đi bởi mình nghĩ khán giả luôn thích được thấy những gì họ tưởng tượng. Và nếu Hollywood đã có cả một khối gia sản với những Anaconda, Rampage, Godzilla, Jurassic World… thì xứ Chùa vàng học cách nối gót và không ngừng phát triển điện ảnh ở quốc gia họ.
Bằng chứng Quái Vật Sông Mekong là tác phẩm được xây dựng dựa trên chủ đề quái vật kinh dị, đầu tiên của Thái Lan. Tuy nhiên tổng thể mà nói, mình nghĩ nhà làm phim cần cải thiện và cố gắng hơn nhiều, đặc biệt là cốt truyện.
Quái Vật Sông Mekong lấy bối cảnh tại vùng quê Bueng Kan của Thái Lan, trong khi mọi người đang hưởng cuộc sống yên bình. Bất thình lình một con quái vật xuất hiện làm thay đổi cuộc sống của họ, phá hủy tất cả mọi thứ và không ngừng khiến từng người một thiệt mạng.
Trong đó có May, em gái của Lin và Keng, chuyện xảy ra với cô bé sau một sự tò mò tìm đến quả trứng đang ấp của con quái vật hung tợn ấy. Cô bé vô tình mất tích không dấu vết, điều đó khiến Keng và Lin ráo riết đi tìm và bị con quái vật tấn công.
Có thể nói, ngay khi biết Quái Vật Sông Mekong ra mắt, mình khá háo hức và kỳ vọng nhiều thứ ở bộ phim, chứ không đơn thuần là tạo hình quái vật. Điều mình mong chờ nhất, chính là cách nhà làm phim lựa chọn lối kể như thế nào, diễn giải câu chuyện ra sao để khiến mình đủ sức hấp dẫn với Quái Vật Sông Mekong.
>>> Xem thêm: Trailer Quái Vật Sông Mekong: Kỹ xảo ổn, tạo được không khí hỗn loạn
Tuy nhiên với thời lượng gần 2 tiếng, mọi thứ trong phim khiến mình nghĩ rằng dự án này được làm một cách mau lẹ và không có sự trau chuốt tỉ mỉ. Nguồn gốc xuất thân của con quái vật không được nhà làm phim đưa ra rõ ràng, họ chỉ tạo nên một câu chuyện với những luân lý Phật giáo thường thấy như những bộ phim trước, và buộc mình phải tự hiểu rằng xuất thân của con quái vật thông qua những câu nói ấy.
Đây chính là điều khiến mình khó chịu vì với một dự án xây dựng chủ đề quái vật đầu tay của Thái Lan, mình nghĩ ít nhất nhà làm phim cũng nên khiến nó đơn giản hóa đi, phần nào giúp trải nghiệm điện ảnh dễ dàng và không gây “xoắn não” với mình.
Tuy nhiên chính cách lựa chọn có phần “nghệ thuật hóa” của nhà làm phim. Mình thấy tổng thể Quái Vật Sông Mekong chưa đáp ứng được cái hay về kịch bản của một bộ phim điện ảnh.
Quái Vật Sông Mekong mở đầu bằng việc một con quái vật xuất hiện trên sông sau khi một nhóm người có ý định cuỗm mất quả trứng của nó. Chính điều này, vô tình khiến mình biết được chắc chắn cả bộ phim là con quái thú hung tợn ấy sẽ đi tìm con, không khác gì hành trình tìm con của Hai Phượng với câu cửa miệng quen thuộc “Con tao đâu”.
Lỗ hổng thứ hai chính là việc nhà làm phim thiết lập các góc quay chưa đủ tinh tế. Vì mình thấy nhiều dự án cùng chủ đề, họ mở rộng bối cảnh và làm rõ các phân đoạn quái vật với con người đối diện với nhau. Tuy nhiên ở Quái Vật Sông Mekong, những phân đoạn này nếu không phải làm mờ quái vật, thì cũng làm mờ nhân vật.
Nó khiến mình ngầm hiểu rằng kỹ xảo của họ chưa đủ trình để có thể làm ra một phân cảnh toàn diện và một con quái thú trông ghê rợn. Cách “lấp liếm” lỗ hổng này có phần khá khiên cưỡng.
>>> Xem thêm: Giải thích cái kết của Kisaragi: Nhà Ga Nuốt Chửng
Những góc quay khi con người và quái vật tấn công nhau, mình thấy nhà làm phim chỉ chọn một bộ phận của quái thú để tương tác với nhân vật, chứ không hoàn cho thấy cả người và thú cùng “combat” nhau.
Có lẽ điểm cộng duy nhất mà mình thấy chính là màn hóa thân của nữ diễn viên Aom Sushar trong vai Lin, khác với những hình tượng nhân vật trước đây chị từng thể hiện. Với Lin, một người chị tần tảo, một tay quản việc nhà và trông nom hai đứa em.
Mình thấy so với những vai diễn tiểu thư, yêu kiều, Aom Sushar lần này trưởng thành hơn trong cách diễn xuất. Mặc dù mình thấy gương mặt baby của chị khó để vào vai một người phụ nữ đứng đắn, nhưng với vai Lin, mình thấy được sự nỗ lực của chị.
Nói về thông điệp, mình thấy Quái Vật Sông Mekong vẫn tuân thủ những lời gửi gắm quanh các bài thuyết giảng về Phật giáo, những câu chuyện ác lai ác báo hay gieo nhân nào gặt quả nấy. Mình nghĩ đây có thể văn hóa làm phim của xứ Chùa vàng khi họ đưa yếu tố tôn giáo vào tác phẩm.
Mình nghĩ mọi thứ sẽ ổn hơn nếu Quái Vật Sông Mekong hạn chế những bài thuyết giảng mang tính giáo lý, thay vào đó nhà làm phim có thể sử dụng hành động của nhân vật hoặc đi kèm những thước phim bắt mắt hơn là dùng lý lẽ để diễn giải câu chuyện ở hồi cuối. Chính điều này, mình thấy bộ phim càng về cuối, càng thiếu sức hấp dẫn rõ ràng.
Tóm lại, Quái Vật Sông Mekong vẫn chưa thật sự đạt được trình độ của một bộ phim chủ đề quái vật so với kỳ vọng của cá nhân mình. Tổng thể chưa ấn tượng, diễn biến lại dễ đoán là những gì mình đánh giá về bộ phim.
* Bài viết của Bánh Đúc chia sẻ tại box Phim khác
Nếu bạn yêu thích điện ảnh xứ Chùa vàng cùng những câu chuyện kinh dị về quái vật , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Quái Vật Sông Mekong? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận