Bạn có cảm thấy áp lực khi phải ra quyết định không? Ngay cả việc xác định thực đơn cho bữa tối hoặc một điểm đến cho kỳ nghỉ tiếp theo đều có thể là một nhiệm vụ khó nhằn. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy khó khăn khi đưa ra quyết định. Vậy tại sao không cố gắng trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này bằng những gợi ý sau đây của tôi:
1. Đừng sợ chấp nhận rủi ro
Nỗi sợ hãi về hậu quả sẽ khiến ta do dự, thiếu quyết đoán. Nhiều lần, chúng ta bỏ lỡ những cơ hội lớn vì bản thân không sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Thế nên, cách tốt nhất là cứ bước ra khỏi vùng an toàn và nghe theo tiếng gọi con tim. Bạn sẽ vui khi thấy mình đã bước ra một bước lớn.
2. Phân tích ưu và nhược điểm
Mặc dù kết quả của các quyết định không nằm trong tay chúng ta, nhưng ta vẫn có thể tự tạo cơ hội cho chính mình. Bằng cách cân nhắc ưu và nhược điểm của từng trường hợp, tính đến các khía cạnh cảm xúc, xã hội và kinh tế của mọi quyết định trước khi dứt điểm. Giả sử bạn nhận được một lời mời làm việc trong một công ty cách xa nơi bạn sống, bạn sẽ phải xem xét tình hình tài chính, lợi ích kinh tế lâu dài, thậm chí là sự an toàn khi lái xe...
3. Một số quyết định phải tự phát
Chẳng hạn như mua một chiếc váy, xem phim, đi café, ăn gì và ăn ở đâu, có thể là tự phát. Những quyết định này thường gắn liền với tâm trạng của chúng ta và không có ảnh hưởng tổng thể lâu dài đến cuộc sống. Đôi khi, tính cảm xúc tự phát áp dụng được cho các sự kiện lớn nhưng chúng nên được cân nhắc thấu đáo.
4. Đừng suy nghĩ quá nhiều
Suy nghĩ quá nhiều đôi khi lại là nguyên nhân gốc rễ của hầu hết mọi vấn đề. Những điều cứ liên tục xoay quanh trong tâm trí, thực sự cản trở khả năng ra quyết định của ta. Chúng ta lựa chọn, phân vân, và khó để thoát ra khỏi sự ám ảnh của “những điều có thể tốt hơn”. Một vài trường hợp khác, ta bị quá khứ thất bại che phủ và sợ hãi khi mắc phải tình huống tương tự.
5. Tình thế tiến thoái lưỡng nan, hãy nghe trực giác mách bảo
Khi bạn gặp rắc rối giữa việc xử lý các lựa chọn của lý trí và trái tim, hãy nghe trái tim mách bảo. Ở một vài trường hợp quan trọng, chúng ta thường tự biết phải làm gì, đó là “cơ chế sinh tồn” của con người qua hàng triệu năm tiến hóa. Chính kiến thức này tạo thành nền tảng cho trực giác. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, trực giác thường đúng ở những cảnh ngặt nghèo.
6. Bạn không thể luôn luôn đưa ra quyết định đúng đắn
Con người không có khả năng nhìn thấy tương lai để biết hệ quả thực sự từ các quyết định của mình. Có những thứ trong cuộc sống mà bạn muốn nó trở nên thật hoàn hảo, tuy nhiên đây chỉ là tưởng tượng. Cuộc sống không hoạt động theo cách này. Đôi khi bạn thành công, đôi khi bạn thất bại và bạn sẽ phải đối mặt với cả hai.
"Nếu mọi thứ xảy ra theo ý muốn của bạn, điều đó thật tốt. Nhưng nếu mọi thứ không xảy ra theo ý muốn của bạn, thì nó thậm chí còn tốt hơn. Bởi vì sau đó mọi thứ sẽ xảy ra theo ý muốn của Tạo Hóa và nó sẽ luôn muốn điều tốt đẹp đến với bạn.” – Khuyết danh
7. Nghe lời khuyên nhưng hãy tự quyết
Lắng nghe lời khuyên từ mọi người nhưng hãy dừng lại nếu bạn cảm thấy các đề xuất đang bắt đầu khiến bản thân bối rối. Bản chất của việc xin ý kiến bên ngoài là hỗ trợ việc ra quyết định của bạn. Đây là lý do tại sao quyết định cuối cùng phải là của bạn; không đẩy trách nhiệm cũng như không cho phép bất kỳ ai ảnh hưởng tiêu cực đến bạn.
Ví dụ, khi bạn mua một chiếc váy, có những người sẽ khen nó tuyệt đẹp. Và cũng có người sẽ đặt câu hỏi tại sao bạn lại mua một thứ tệ như vậy. Những đánh giá tiêu cực này không có nghĩa là bạn nên quyết định trả lại chiếc váy, mà hãy tự bản thân cảm thấy nó có phù hợp với cơ thể mình hay không.
Kết: Chúng ta đưa ra vô số các quyết định trong cuộc sống của mình, ngay cả khi quyết định đó trở nên tồi tệ và khiến bạn gặp rắc rối, điều đó không có nghĩa là bạn ngừng chấp nhận chúng. Vậy nên, tôi nghĩ rằng điều tiên quyết là đừng ngại rủi ro, ít nhất bạn sẽ không hối tiếc bởi vì cuộc sống là không chắc chắn. Không ai trong chúng ta biết mình sẽ như thế nào trong giây phút tiếp theo.
* Bài viết của Trương Di chia sẻ tại box Cafe Danner
Cuộc đời là một chuyến hành trình thay đổi để hoàn thiện hơn, nếu bạn có những quan tâm về phát triển bản thân , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận