Wukong vừa xem xong Warhunt (Rừng Săn Người) của đạo diễn Mauro Borrelli, phải nói đây là tác phẩm khiến mình gục lên gục xuống liên tục, vì nội dung phim hoàn toàn lỗi thời, không có một điểm nhấn nào khiến mình ấn tượng. Tất cả chỉ toàn xoay quanh những nữ phù thủy khát máu các binh sĩ.
Trước hết mình sẽ điểm lại nội dung để mọi người có cái nhìn tổng quan về Rừng Săn Người nhé! Lấy bối cảnh Thế Chiến II diễn ra vào năm 1945 khi một máy bay quân sự Mỹ thực hiện nhiệm vụ tuyệt mật ở phía sau phòng tuyến quân thù, dẫn đầu bởi một Trung sĩ kỳ cựu Brewer (Robert Knepper) và một nhân viên tình báo quân đội Walsh (Jackson Rathbone), dưới lệnh của Thiếu tá Johnson (Mickey Rourke). Nhiệm vụ của họ là phải đi thu thập tài liệu mật, có thông tin nhằm làm thay đổi cục diện cuộc chiến.
Những gì họ cần làm là phải đi vào rừng sâu, nơi chứa đầy những cạm bẫy và nguy hiểm đang rình rập bởi mọi thế lực tâm linh, bí ẩn. Chính vì thế cả đội quân, lần lượt từng người một sớm thiệt mạng dưới tay của ba nữ phù thủy.
Nhìn chung, Rừng Săn Người có một câu chuyện không mới vì tất cả những gì diễn ra trong phim đều thuộc lịch sử và mang tính chất chiến tranh nhiều hơn. Bản thân mình là một tín đồ của điện ảnh kinh dị, đòi hỏi mức độ ám ảnh và nội dung của phim phải được xây dựng cực kỳ ấn tượng để sau khi xem phim, bản thân vẫn có gì đó đọng lại nhất định.
Vì thế Rừng Săn Người không hoàn toàn là một tác phẩm hay, gắn mác kinh dị nhưng những gì bộ phim đem đến chỉ là tính chất tâm linh trong một bối cảnh chiến tranh.
Ban đầu mình trông chờ Rừng Săn Người sẽ có chút đột phá hoặc cái kết như Rừng Hiến Tế, thậm chí xuyên suốt diễn biến mình vẫn không hiểu rõ thông điệp nhà làm phim muốn truyền tải là gì.
Điểm hay duy nhất đó là bộ phim đã kết hợp được màu sắc của chiến tranh với chất liệu kinh dị. Tuy vậy đó cũng là một “con dao 2 lưỡi” bởi so với hiện nay, rất nhiều kịch bản và ý tưởng được khai thác một cách tân tiến khi tập trung thêu dệt các yếu tố tâm linh bằng cách thiết kế hẳn dạng anthology film (tuyển tập) hoặc làm hẳn một sê-ri truyền hình nếu nội dung cần dàn trải để người xem hiểu hơn.
Wukong thấy thị hiếu người xem bây giờ họ ưu ái các dạng phim kỹ thuật số, nền tảng nên nếu không hẳn là một tác phẩm có “một không hai” thì chắc chắn “ăn hành” liền.
Rừng Săn Người chỉ thể hiện cho mình thấy cách nhà làm phim lạm dụng đầy rẫy những yếu tố ma quái, tà thuật, siêu nhiên, đem những phân đoạn thảm khốc, nồng nặc mùi tanh của “huyết đỏ” lên màn ảnh. Ồ quao! Thế mới là kinh dị ư?
>>> Xem thêm: Chuyện "Ma" Đô Thị: Nặng đô hơn phần 1, coi xong hết dám ngủ
Bên cạnh đó, đạo diễn cũng không ngớt tay khi tạo hẳn những phân cảnh trần trụi, xác thịt trong Rừng Săn Người như để thể hiện ý đồ rằng: Nhắc tới rừng, thiên nhiên là phải lột trần mọi thứ. Chính vì thế, khi xem phim mình không khỏi ngáp lên ngáp xuống bởi những phân đoạn “hót hòn họt” như muốn tra tấn đôi mắt mình.
Mang tiếng là một tác phẩm chiến tranh pha trộn tính chất kinh dị nhưng hầu như gần 1 tiếng đồng hồ mình hiếm khi nào thấy được những phân đoạn ẩu đả hay thể hiện sự chiến đấu của các binh sĩ. Dường như lạc vào chốn rừng thiên nước độc, họ bị lột trần mọi thứ và sẵn sàng trở thành miếng mồi ngon cho các ả phù thủy kia.
>>> Xem thêm: WarHunt: Phim sinh tồn làm không tới, cái kết chán chẳng muốn nói
Wukong nghĩ khi xem trailer hoặc đọc nội dung trước đó, Rừng Săn Người sẽ là một câu chuyện hứa hẹn khi khai thác chủ đề tâm linh, kinh dị trong một thước phim chiến tranh của những năm 80. Nhưng mình nghĩ, nếu được làm vào những năm 80, đầu năm 90 thì chắc chắn các bộ phim hạng B như vậy sẽ là dấu ấn, biết đâu làm nên tác phẩm kinh điển trong thời hoàng kim ấy.
Tính đến thời điểm hiện tại, các bộ phim kinh dị tương tự đã được đón nhận một cách tích cực và mở hẳn một chuỗi phim nhượng quyền, với những cái tên máu mặt như Scream, Halloween, Thứ 6 Ngày 13…
Do đó, mọi thứ trong Rừng Săn Người đã không còn đáng sợ với mình nữa. Ta nói xem phim mà gục lên gục xuống hoài luôn là hiểu lý do vì sao Rotten Tomatoes ném hẳn 21% “thối rình” luôn.
Thời lượng phim là 1 tiếng rưỡi, thế nhưng trải qua từng hồi cũng như các diễn biến, mình thấy kịch bản xuống cấp dần, lê thê hết mức và kéo dài như để làm đủ mục tiêu đề ra ban đầu.
Nguyên nhân khách quan mà nói đạo diễn và các nhà làm phim cố gắng đẩy một tác phẩm thời chiến, đưa các binh sĩ bước ra từ Thế Chiến II và xuất hiện trên màn ảnh trong vỏ bọc của điện ảnh kinh dị là điều khó khăn. Hiện tại mình thấy nhiều tác phẩm kinh dị ngày nay như đi vào thoái trào và không có vẻ vang hay ấn tượng như những năm trước.
Dù là nhân vật trung tâm nhưng Trung sĩ Brewer hay một Walsh mưu mẹo vẫn khó tỏa sáng bởi bộ phim, được thủ vai bởi hai ngôi sao Robert Knepper và Jackson Rathbone, những nhân vật họ đảm nhiệm dường như đã rất cố gắng làm tròn vai. Tuy nhiên chính kịch bản của Rừng Săn Người đã khiến hai nhân vật mờ nhạt và thiếu điểm nhấn.
Có một chi tiết khá buồn cười đó là cả ba nữ phù thủy tưởng chừng rất mạnh và mình mong chờ màn thi triển phép thuật như Wanda Maximoff. Kết quả là cả ba chị đều đánh tay đôi với Walsh và Johnson, chưa kể kết cục thảm bại là do ăn “kẹo đồng” và hít phải khí gas như người thường. Phù thủy này hơi phế!
Tựu trung, Mauro Borrelli là một đạo diễn có kinh nghiệm lâu năm trong việc xây dựng bối cảnh nghệ thuật cho loạt phim Cướp Biển Vùng Caribbean, Captain America: The First Avenger, Dark Shadows, Dracula Untold… Thế nhưng anh vẫn không tạo được ấn tượng với Wukong khi cầm trịch Rừng Săn Người.
Cảm giác như phí thời gian cho một bộ phim không có điểm nhấn và hoàn toàn lỗi thời. Vì thế, Rừng Săn Người không phải là một tác phẩm hay so với các bom tấn như Doctor Strange 2, Chuyện “Ma” Đô Thị.
*Bài viết của Wukong gửi về DienAnh.Net.
Xem đầy đủ thông tin và review hay về Rừng Săn Người tại Thư Viện Phim và The Amazing Film nhé.
Facebook - bình luận