Được một phen trải nghiệm bộ phim Shark Bait (Mồi Cá Mập) của đạo diễn James Nunn. Tuy là chủ đề quen thuộc về việc sinh tồn giữa biển khơi và cố thoát khỏi hàm răng sắt nhọn của “hung thần đại dương”. Nhưng bộ phim vẫn làm cho mình đôi chút hoảng vía và thật sự không còn hứng thú đi biển luôn.
Trước khi vào bài “rì viu” mình sẽ nói cảm nhận chung của mình về chủ đề cá mập. Chắc chắn một điều tác phẩm Jaws của Steven Spielberg là một trong những bộ phim kinh điển về “hung thần đại dương”, nhờ tác phẩm này mà tên tuổi của vị đạo diễn trở nên nổi tiếng. Đồng thời, chủ đề này cũng trở nên thu hút với đông đảo khán giả vào những năm 90.
Lấy bối cảnh ngoài đại dương, bản thân các nhân vật có tồn tại hay không phụ thuộc vào việc họ đấu tranh vì sự sống của mình. Thế giới phim về loài cá mập luôn đề cao những thông điệp về việc sinh tồn và giá trị của cuộc sống.
Theo Wukong biết, bộ phim ăn khách Jaws (Hàm Cá Mập) đã phải khiến nhiều người xếp hàng chỉ để thưởng thức tác phẩm đầu tiên về chủ đề sinh tồn, viễn tưởng này. Spielberg không thể biết được ông đã tạo ra một bước đệm lớn thế nào cho nền điện ảnh trong tương lai.
Mặc dù ngày này, hiếm có được bộ phim cá mập nào tạo được ấn tượng tốt và ít “sạn” như những tác phẩm trước năm 2000, một phần cũng vì các nhà làm phim lạm dụng quá nhiều kỹ xảo mà bỏ quên đi cốt truyện và kịch bản.
Do đó hầu như những bộ phim về chủ đề này trong những năm trở lại đây, Wukong chỉ thấy phim tập trung xây dựng theo chiều hướng thẩm mỹ nhiều hơn và được dịp để các diễn viên, người mẫu ảnh bìa khoe những đường cong “nuột nà” qua vài cảnh diện đồ tắm hở hang.
Tuy vậy, nhưng Shark Bait lại được thiết kế theo một cách dễ hiểu và nội dung cực kỳ đơn giản. Wukong khá ngạc nhiên vì những gì bộ phim mang lại và mình đánh giá cao điều đó.
>>> Xem thêm: Chuyện "Ma" Đô Thị: Nặng đô hơn phần 1, coi xong hết dám ngủ
Shark Bait xoay quanh câu chuyện một nhóm bạn thân của Nat (Holly Earl) quyết định dành kỳ nghỉ bên một bờ biển. Mọi chuyện diễn ra vô cùng thuận lợi cho đến bình minh sáng hôm sau, khi cả nhóm phát hiện và lấy hai chiếc mô tô nước lái ra biển. Thế nhưng, một cuộc va chạm xảy ra, khiến một trong hai chiếc mô tô hỏng và Greg (Thomas Flynn) gặp chấn thương.
Đường về đất liền trở thành ác mộng khi loài cá mập hung tợn đang rình rập họ. Từ chỗ là những vị khách tận hưởng bữa tiệc sôi động, họ đứng trên bờ vực trở thành miếng mồi ngon cho hung thần đại dương.
Ngay từ tiêu đề, cũng đã thể hiện rõ đại ý của bộ phim khi báo hiệu những bi kịch thương tâm sẽ xảy ra trong phim bởi cuộc dạo chơi, vờn mồi của một con cá mập. Có thể nói James Nunn đã hoàn thành tốt vai trò đạo diễn khi tạo ra một bộ phim gay cấn, bất ngờ với nhịp phim nhanh dần, chuyển cảnh mượt mà hợp lý.
Hình ảnh cá mập siêu bạo chúa trong Shark Bait được thể hiện tỉ mỉ và ấn tượng khiến mình khó thể rời mắt khỏi màn hình. Các góc quay tuy không sáng tạo, nhưng vẫn làm tròn nhiệm vụ gây “thót tim”.
Vỏn vẹn trong 90 phút có đến vài lần những nhân vật “được” ở cạnh hàm răng sắc nhọn dài gần 20cm của con cá mập, chỉ cách chừng vài gang tay. Ngoài ra, Wukong thấy Shark Bait có vài cảnh quay được lấy cảm hứng từ hai bộ phim về cá mập nổi tiếng Jaws và Deep Blue Sea. Nếu là fan hai tác phẩm thuộc hàng kinh điển về hung thần đại dương này, sẽ không khó để bạn nhận ra những khung hình khá quen thuộc đâu.
Suốt quá trình diễn biến xảy ra, Wukong thấy các nhân vật như là những vị khách không mời mà đến lãnh địa uy quyền của con cá mập trong phim. Khác với các tác phẩm tiền nhiệm, vị hung thần của Shark Bait không được tập trung xây dựng quá nhiều, đa phần các cảnh quay xoay quanh cá mập chỉ là động lực để giúp nhân vật chính cố gắng sinh tồn và tìm cách thoát khỏi hàm răng trắng, nhọn hoắt.
Vì thế mình thấy Shark Bait là một bộ phim rất đơn giản. Ngay khi cảnh phim đầu tiên xuất hiện, bạn chỉ cần xem vài phút là có thể biết được diễn biến sau đó.
Bạn sẽ biết ai là người đầu tiên “dính trấu”, ai là người sống sót cuối cùng. Ngay cả khi chuyện tình tay ba giữa Tom-Milly-Nat diễn ra, bạn cũng biết rằng ý nghĩa của việc này là gì.
Wukong nghĩ Shark Bait không phải loại phim điện ảnh đỉnh cao như Jaws hay những bộ phim cùng chủ đề vì vậy sẽ rất khó để đánh giá nó dưới góc nhìn là một bom tấn hay siêu phẩm.
Shark Bait chỉ có thể đánh giá dựa trên những gì mà các bộ phim tương tự đã làm được trong những năm gần đây. Chẳng hạn so với 47 Meters Down hay Crawl, thì bộ phim đã áp dụng “công thức” làm phim tốt hơn. Do đó tuy Shark Bait không thực sự nổi bật, nhưng bộ phim của James Nunn cũng không phải là một thất bại hoàn toàn.
Với những kỹ xảo điện ảnh, mỗi cảnh quay trở nên gay cấn hơn bao giờ hết và khiến mình cảm thấy đại dương trông thật bao la và đáng sợ.
Xét về diễn xuất, mình ấn tượng nhất vẫn là “nữ chiến binh cuối cùng” Nat, do Holly Earl thủ vai. Cô khá chắc chắn và biết kiểm soát khả năng cũng như làm chủ bối cảnh, là người dẫn dắt mạch phim đến phút cuối cùng.
>>> Xem thêm: 578 Phát Đạn Của Kẻ Điên: Cảnh hành động trải dài từ đầu đến cuối
Các vai diễn khác cũng đều được thực hiện một cách nghiêm túc. Rõ ràng các nhân vật được xây dựng khá kỹ lưỡng. Tuy tình huống và động cơ tạo ra có phần chưa hấp dẫn mình hoàn toàn, nhưng suy cho cùng các diễn viên chính là “ngọn đuốc” để thắp sáng cả mạch phim, đưa cảm xúc chủ đạo vào từng cảnh quay.
So với đa số những bộ phim về chủ đề cá mập trong những năm gần đây, Shark Bait là tác phẩm ít đầu tư và cũng không hoàn toàn nổi bật, nhưng ít nhất bộ phim cũng không gây phản cảm cũng như việc lạm dụng những cảnh quay “ướt át” với mình. Với những ai là fan của chủ đề cá mập nổi tiếng, Shark Bait vẫn là một bộ phim nên xem ít nhất 1 lần.
*Bài viết của Wukong gửi về DienAnh.Net.
Xem đầy đủ thông tin và review hay về Shark Bait tại Thư Viện Phim và The Amazing Film nhé.
Facebook - bình luận