Tôi nhận thấy rằng, nhiều người còn trẻ, mới có ít kinh nghiệm mà đã luôn tự cho mình hay ho, mà lại không tự nhận ra rằng càng kiêu ngạo thì chỉ càng sớm té đau mà thôi. Người có tài còn cần biết khiêm tốn, sẵn sàng học hỏi thì mới được trọng dụng, đánh giá cao.
1. Đừng đánh giá cao bản thân rồi sinh ra tự mãn
“Tự tin là khi bạn tin vào bản thân, tin vào năng lực của mình; kiêu ngạo là khi bạn nghĩ mình giỏi giang hơn người khác và hành xử kiểu thượng đẳng. Cũng có thể nói kiêu ngạo là một hình thức tự tin lệch lạc và những người thể hiện sự ngạo mạn làm vậy cốt để xoa dịu những khiếm khuyết bên trong." - Stewart Stafford
Những người kiêu ngạo thường muốn khẳng định mình và đạt được cảm giác vượt trội hơn người khác, nhưng những người tự tin hiểu giá trị của họ mà không cần chứng minh điều đó. Kiêu căng thường đi kèm với lòng tự trọng thấp, người như thế luôn sợ bị người khác lấn át và cảm thấy rằng họ cần phải có lập trường phòng thủ. Người tự tin biết mình có gì nên không cần phải khoe khoang. Chính vì vậy mà người ta thường nói giữa tự tin và tự mãn chỉ cách nhau lằn ranh mỏng manh.
Người tự mãn còn hay có dấu hiệu ngủ quên trên chiến thắng khi họ nghĩ rằng mình đã đạt được thành tựu hơn người khác rất nhiều lần. Chưa đi hết đường dài, không thể biết được ai mới là người lợi hại nhất. Vì vậy, ai đang có sự tự mãn nên điều chỉnh lại hành vi của mình.
2. Thận trọng với những lời khen
Không phải lời khen nào cũng thật lòng, đôi khi đó chỉ là lời xã giao. Vui vẻ chấp nhận lời khen nhưng đừng để bản thân rơi vào ảo tưởng. Đôi khi, “cách tốt nhất để hủy hoại một người không phải là liên tục vùi dập họ bằng lời nói, mà là không ngừng khen ngợi họ." - Charlie Munger. Để cảm xúc lấn át lí trí khiến ta quên mất mình là ai, dẫn theo khuynh hướng tự đề cao bản thân.
Hãy luôn tự nhắc nhở mình nỗ lực nhiều hơn để gặt hái thành tích ấn tượng hơn nữa. Bản thân ta tự đánh giá được năng lực của bản thân để xem công sức ta bỏ ra có xứng đáng với những lời khen đó hay không. Nếu cảm thấy ta chưa được thì đừng nản chí, mà cố gắng nhiều hơn nữa. Ngược lại, lấy đó làm động lực để cố gắng với thái độ tích cực hơn. Chính bản thân ta mới quyết định được ta là ai chứ không phải là lời khen hay nhận xét của người khác.
3. Tác hại của việc tự mãn lâu ngày
Tự mãn làm con người ta ảo tưởng về sức mạnh của bản thân. Điều này gây ra chán nản khi họ không còn cảm thấy hứng thú để học tập hay rèn luyện nữa. Thế nên, động lực để tiến xa hơn ngày càng lụi mất. Tuy nhiên, núi này cao còn có núi khác cao hơn. Không một ai có thể hoàn hảo cả.
Tự nhận thức bản thân là một cách để bản thân không quen thói tự mãn sớm. Kiến thức ta học được chỉ là hạt cát giữa sa mạc, có thể bắt kịp hôm nay nhưng nhanh chóng lỗi thời vào ngày mai.
Những người có tính tự mãn thường không nhận được hảo cảm của mọi người. Bởi họ luôn cho rằng mục tiêu, hành động của những người khác thật tầm thường, không xứng với bản thân. Lắng nghe và tiếp thu là điều cơ bản để làm việc tập thể. Điều đơn giản này không đáp ứng được thì làm sao có thể đi xa hơn.
Hãy luôn không ngừng nỗ lực, đừng để bản thân chìm đắm trong thành công quá lâu. Tự thức tỉnh bản thân để nhìn nhận vấn đề, mang trong mình ý chí cầu tiến trên hành trình hoàn thiện bản thân.
Kết: Tự mãn là nét tính cách tiêu cực của con người. Ta có thể sửa đổi hoặc ngăn chặn bằng việc làm chủ bản thân, học hỏi không ngừng, học cách công nhận người khác và nhìn nhận lại bản thân. Tự tin nhưng không tự cao, nhờ đó ta mới trưởng thành và nhanh chóng hoàn thiện mình hơn, nâng cấp bản thân lên phiên bản ngày càng tốt.
* Bài viết của Trương Di chia sẻ tại box DAN FC
Đời người là cuộc hành trình vượt qua thử thách, nếu bạn có những tâm đắc về cuộc sống , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận