Với cách khai thác những mặt tối của gia đình và sức nặng của đồng tiền thông qua chủ đề đám tang, Đêm Tối Rực Rỡ đã mang lại thành công cho điện ảnh Việt trong thời gian qua.
Tất nhiên, mình cũng hy vọng sắp tới chủ đề này được đâu đó các nhà làm phim tận dụng, xoáy sâu thêm ở những khía cạnh liên quan. Chính vì vậy, ngay khi có thông tin của Tang Lễ Đầu Xuân, mình đã không ngại “săn” liền 1 vé để đi xem, tuy nhiên bộ phim hoàn toàn gây thất vọng với mình.
Tang Lễ Đầu Xuân xoay quanh đám tang của người cha già bất hạnh khi có hai cậu con trai đều không nên người. Anh cả Ho Sung trong quá khứ từng ngồi “bóc lịch” 8 năm, trở về để dự đám tang nhưng cả nhà đều coi thường và ngó lơ với anh, kể cả hai đứa con Eun Ok và Dong Hyeok, duy chỉ có bà mẹ già là hỏi han, quan tâm.
Người em trai là Jong Sung là kẻ chuyên gây rối cho dòng họ, đã gần độ tuổi xế chiều nhưng vẫn chẳng chịu lập gia đình. Mọi chuyện sẽ không có gì khi đám đàn em cũ của Ho Sung kéo đến dự đám tang.
Tất nhiên, nơi đâu có “yang hồ”, đầu gấu là chỗ đó trở thành địa bàn cho chúng hoạt động, ăn chơi. Dần dần đám tang trở thành tụ điểm bài bạc khi Ho Sung sử dụng tiền phúng điếu để làm giàu ngay tại đám tang của cha mình.
Đầu tiên, mình phải công nhận, các tác phẩm xoay quanh chủ đề đám tang luôn là một ý tưởng được nhiều khán giả mong chờ, vì hơn hết đó là lúc để những nhân vật dưới ngòi bút của các biên kịch lộ rõ bộ mặt thật sự. Điều đó hoàn toàn được thể hiện thông qua Đêm Tối Rực Rỡ trước đây.
Đến với Tang Lễ Đầu Xuân, một lần nữa bầu không khí đầy hương khói, người người lũ lượt ra vào để viếng người đã khuất và những mặt tối của lòng người dần được hiện lên thông qua bàn tay nhào nặn của đạo diễn Lee Dong Ku.
>>> Xem thêm: Lightyear: Pixar chưa bao giờ làm tôi thất vọng, và lần này cũng vậy
Tang Lễ Đầu Xuân mang một màu sắc tươi sáng, thoạt nhìn thì rất nhộn nhịp, nhưng thật chất mọi thứ diễn ra đều chậm chạp. Sự nhộn nhịp, ồn ào bắt nguồn từ sự cười đùa, giễu cợt, tiếng xào bài tại buổi lễ tang trong phim. Và đúng thật, người đã khuất không thể nào yên nghỉ nổi với điều này, chung quy đều do hai người con: Ho Sung và Jo Sung làm nên.
Tang Lễ Đầu Xuân mang cho mình những 3 phân cảnh mình thấy khá thích. Cảnh đầu tiên xuất hiện ở đầu phim mô tả cho mình hiểu thêm về nghi thức tang lễ của Hàn Quốc, từ việc bó chân người đã khuất đến hành động đặt ba đồng xu lên mặt của họ. Dù chỉ xuất hiện không quá 5 phút, nhưng mình nghĩ chi tiết này có thể giúp khán giả phân biệt được phần nào đó tập tục truyền thống, văn hóa trong tang lễ của Hàn Quốc.
Cảnh thứ hai đó là đoạn hai cha con Ho Sung cùng ngồi đếm tiền phúng điếu. Đây là phân đoạn mình thấy khá chân thật, có thể là cách đạo diễn phê phán thói hư tật xấu của một số gia đình có thói quen lợi dụng tiền của khách viếng để làm điều có lợi cho bản thân. Càng hay hơn nữa là Ho Sung có thái độ chỉ trích những bao thư mỏng, vài đồng lẻ và ông lại tỏ vẻ trân quý những ai đi bao thư dày chừng cả xấp tiền.
Cảnh thứ ba là ở đoạn cuối, sau khi Ho Sung ngủ dậy và ông lật đật gọi: “Mẹ ơi!” như một thói quen trước đây, nhưng rồi lại nhận ra bà đã “đi xa” và một mình ngồi nhìn tuyết rơi ngoài trời. Ở phân đoạn này, nam diễn viên Son Hyun Joo không có bất kỳ lời thoại nào, mọi diễn xuất và suy nghĩ đều được thể hiện qua cảm xúc của gương mặt.
Theo dõi bộ phim, mình nhận ra chỉ có duy nhất bà mẹ già là người sẵn sàng tha lỗi cho Ho Sung, không những vậy, bà vẫn chăm sóc anh mọi lúc, bất kể anh có đối xử với bà ra sao. Ngay cả hai đứa con Eun Ok và Dong Hyeok không dám nhìn mặt cha mình, tỏ thái độ coi thường vì những việc làm của ông trong quá khứ.
Cái hay của bộ phim đó là đưa đồng tiền làm chủ thể chính, thao túng mọi suy nghĩ của Ho Sung. Bất kể trong hoàn cảnh nào, chủ đề nói chuyện của anh cũng đều liên quan đến đồng tiền. Tuy nhiên, cách khai thác cũng như đưa chủ thể này vào giữa phim, khiến nhịp phim trước đó hoàn toàn chậm và cực kỳ lê thê.
Tang Lễ Đầu Xuân sở hữu thời lượng là 90 phút, nhưng phải tốn gần 30 đến 40 phút đầu tiên bộ phim mới có thể giới thiệu câu chuyện chính và các tuyến nhân vật xuất hiện. Hơn nữa, câu chuyện nền của nhân vật Ho Sung lại không được làm rõ, mọi “chiến tích” thời còn làm kẻ xấu phiêu bạt của anh chỉ được thuật lại qua những đoạn buôn chuyện cùng người hàng xóm.
Ngoài ra, các nhân vật như Eun Ok, Dong Hyeok và ông cậu bên nước ngoài trở về, đều chỉ là bồi đắp thêm vào tuyến nhân vật, làm nền cho Ho Sung. Mình nghĩ nếu đạo diễn có thể xây dựng thêm đất diễn cho ba nhân vật này trong một cuộc tranh cãi với nhân vật chính, hoặc là yếu tố giúp Ho Sung nhận ra mọi thứ, thì cái kết sẽ trọn vẹn được phần nào.
So với Đêm Tối Rực Rỡ, bộ phim của Lee Dong Ku hoàn toàn không đọng lại cho mình điều gì ngoài 3 cảnh phim ấn tượng nhất. Ngay cả việc gắn kết với chủ thể chính trong phim (đồng tiền) thì Tang Lễ Đầu Xuân hoàn toàn chỉ do Ho Sung đảm đương việc đó.
Nếu có thể, mình sẽ ví bộ phim như một quả bom nổ chậm, vì các diễn biến dàn trải một cách lê thê và không cần thiết, làm nhịp phim hoàn toàn chậm rãi như một tác phẩm mang hơi hướng của những phim indie. Mãi đến gần cuối phim, quả bom ấy mới bắt đầu phát nổ. Điển hình là trận ẩu đả của bọn côn đồ ngay tại đám tang. Chính vì vậy, Tang Lễ Đầu Xuân chưa thật sự làm mình “sởn da gà” khi phim khai thác chủ đề này.
>>> Xem thêm: Trailer Tang Lễ Đầu Xuân: Đề tài về đám ma như Đêm Tối Rực Rỡ
Tang Lễ Đầu Xuân không thật sự là một bộ phim hoàn hảo và điều đó hoàn toàn phá vỡ quan điểm cứ phim Hàn là hay, phim Hàn là dễ lấy nước mắt của mình. Mình khẳng định bộ phim của Lee Dong Ku không thể lấy nổi một giọt nước mắt của mình, đổi lại có những phân đoạn mình cười hả hê vì cách trào phúng về bối cảnh diễn ra trong phim, còn lại mọi thứ chỉ lướt qua cực kỳ chóng vánh. Nếu được, Tang Lễ Đầu Xuân chỉ chiếm 4.5/10 với mình.
Còn bạn. Bạn nghĩ sao về phim này? Hãy để lại bình luận cho mình nhé.
* Bài viết của Bánh Đúc chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn mê phim Hàn , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Tang Lễ Đầu Xuân? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận