“Ta thực sự là ai?”. Câu hỏi xuất phát từ chính nội tâm nhạy cảm của tôi và của bạn khi chúng ta được một mình chìm đắm trong sự cô đơn. Thật hiếm thấy nó bật ra từ miệng của một ai đó và trở thành đề tài để giao tiếp dễ dàng giữa một tập thể luôn xem trọng tính thực dụng và những chủ đề thường thức, dễ nắm bắt.
Khám phá thế giới chi bằng hãy tìm hiểu nội tâm của mình thông qua sự tĩnh lặng
Khi chúng ta tư duy về một vấn đề trừu tượng, nghĩa là đối tượng để ta tập trung suy nghĩ của mình vào đó không tồn tại hoặc không hiện hữu. Vậy thì ta đang thực sự suy tư về “điều gì”? Và cái suy tư của ta mang hình dáng của “cái gì”? Tất cả những vang vọng tồn tại trong tâm trí ta phản ánh một mức độ cao cấp hơn những quan niệm thường có về thế giới vật chất.
Chúng ta chưa bao giờ thấy được vũ trụ cũng như định vị hay định lượng được nó, nhưng nhờ vào những mảng suy nghĩ rời rạc được kết nối lại với nhau trong khi ở một mình cùng với nỗi cô độc, chúng ta đưa tâm thức của mình lên một tầm cao mới. Ta có thể tự giả lập được một vũ trụ hoàn chỉnh với những thiên hà và hành tinh đặc biệt mà chỉ có tâm trí kỳ dị của ta mới tạo ra được.
Chỉ bằng cách vui vẻ cùng nỗi cô đơn, ta mới thấy được mục đích tồn tại của bản thân mình là gì
Nó không hề vô lý bởi nếu thế thì tư duy của chúng ta chỉ đơn giản là một bãi rác chứa những suy nghĩ điên rồ thôi sao. Nó cực kỳ hợp lý và logic theo cách riêng của mỗi cá nhân mà chỉ khi chúng ta thực sự suy ngẫm về vạn vật một cách trừu tượng, không ai dám chối bỏ những hình thái kỳ quặc đặc trưng chỉ tâm trí con người mới có thể tạo ra.
Tĩnh lặng sẽ không xuất hiện nếu không có sự vắng mặt của âm thanh. Hẳn nhiên chúng ta sẽ nghĩ như vậy về việc hình thành một sự tĩnh lặng bao trùm quanh không gian chúng ta đang sống. Vấn đề thường xuyên gây ra những tranh cãi trong nội tâm chúng ta là việc làm sao ta có thể tiếp xúc được với sự tĩnh lặng nếu không triệt tiêu đi những âm thanh đủ các thể loại đến từ thế giới bên ngoài.
Im lặng không phải là không còn âm thanh, nó là sự thay thế của tiếng ồn bằng “âm thanh tĩnh lặng”
Thực tế thì âm thanh vốn luôn tồn tại dưới dạng này hay dạng khác và cũng không bao giờ bị mất đi. Tĩnh lặng chỉ là một sự cảm nhận từ các giác quan của chúng ta đối với những động tĩnh đến từ ngoại cảnh và của chính nội tâm mình. Chúng ta vốn cho rằng sự im bặt các thứ tiếng mới dẫn đến không gian của tĩnh lặng nhưng đúng hơn thì trong bản chất của vạn vật, không bao giờ có thứ được gọi là im ắng một cách tuyệt đối.
Một hiểu lầm rằng con người thường xem sự tĩnh lặng và nỗi cô độc như kẻ thù, luôn phải tự tìm kiếm lý do để né tránh và loại bỏ chúng một cách triệt để vì những hệ quả tiêu cực mà chúng mang lại cho cuộc sống. Đó là những cảm giác lo lắng, bồn chồn, bất an và khó chịu vì nỗi cô độc và sự tĩnh lặng đem đến những mâu thuẫn tâm lý hay những mối bất hòa trong suy nghĩ của chúng ta.
Âm thanh của tự nhiên đủ sức đánh thức mọi giác quan và giúp chúng ta hiểu về nội tâm của mình
Tuy nhiên khi chúng ta ở trong một môi trường hạn chế âm thanh, hoặc tĩnh lặng hoàn toàn, khi tâm trí ta không thực sự suy nghĩ về bất kỳ một điều gì cả và khi nhận thức của ta dừng hẳn thì bản thân cái nhận thức đó vẫn còn tồn tại nhưng ở trên một phương diện khác. Đó là một quan niệm về nhận thức tuy không thực sự rõ ràng nhưng có thể được hiểu theo ngôn ngữ trừu tượng có trong Phật giáo "Vô ngã".
Khi đặt câu hỏi: “Ta là ai?”, nếu có đủ thời gian và định lực, ta sẽ có câu trả lời đáng kinh ngạc. Ta có thể thấy được ta là sự tiếp nối của tổ tiên. Cha mẹ và tổ tiên ta có mặt trọn vẹn trong mỗi tế bào cơ thể ta, ta là sự tiếp nối của cha mẹ, tổ tiên. Ta không có một cái ngã riêng biệt. Nếu lấy cha mẹ và tổ tiên ra khỏi ta thì ta cũng không tồn tại.
Chúng ta là sự tiếp nối của tổ tiên, cha mẹ, và rất nhiều người khác nữa
Ta biết rằng mình được kiến tạo nên bởi những yếu tố như nước, đất, lửa, khí. Lấy những nguyên tố đó ra thì ta không thể tồn tại. Ta biết rằng ta cũng được làm bằng ánh sáng. Không có ánh sáng mặt trời thì không có gì có thể tồn tại trên trái đất này. Nếu tiếp tục quán chiếu, ta sẽ thấy rằng ta được làm bằng mặt trời, một trong những vì sao lớn nhất trong dãy ngân hà.
Tôi cũng biết rằng, trái đất, cũng như chính tôi và bạn, được làm bằng các vì sao. Vì vậy, chúng ta là những vì sao. Ta không chỉ là hình hài nhỏ bé như ta thường nghĩ về bản thân mình. Vào những đêm trời trong, nhìn lên trời, ta có thể thấy được ta là những vì sao trên trời.
*Bài đóng góp của thành viên mạng xã hội DienAnh.Net.
Facebook - bình luận