Trong bầu không khí ảm đạm của thị trường phim kinh dị nửa đầu 2022, The Black Phone xuất hiện như một điểm nhấn mang đến cho mình những trải nghiệm thỏa mãn, vừa sợ hãi lại vừa thấy hay. The Black Phone không chỉ là câu chuyện sinh tồn mà còn kết hợp nhuần nhuyễn với các yếu tố siêu nhiên cực mạnh.
Kịch bản The Black Phone được xây dựng dựa trên truyện ngắn cùng tên xuất bản vào năm 2004 của tác giả Joe Hill. Bối cảnh phim nhuốm màu hoài cổ khi quay về miền Colorado nước Mĩ những năm 1978. Hai anh em nhà Shaw bao gồm Finney (Mason Thames) và Gwen (Madeleine McGraw) sống cùng người cha thường xuyên uống rượu.
Trong thị trấn cũng dấy lên lời đồn về kẻ ác mang tên The Grabber (Ethan Hawke), hắn thường xuyên rình rập và “giữ tạm thời” những đứa trẻ. Finney cũng không ngoại lệ khi rơi vào tay hắn.
>>> Xem thêm: Trailer The Black Phone: Không khí căng thẳng gợi nhớ về phim IT
Ở nơi The Grabber giữ Finney, phương tiện liên lạc kì lạ là một chiếc điện thoại mất kết nối nhưng lại liên lạc được với những đứa trẻ đã từng ở trong căn hầm. Bên ngoài kia, em gái cậu cũng ra sức hợp tác với đội điều tra nhằm tìm ra anh mình. Gwen dùng khả năng ngoại cảm để tìm ra anh trai.
Điều đầu tiên mà The Black Phone khiến mình thấy ấn tượng đó là cách lồng ghép các yếu tố tâm linh vào câu chuyện mang tính chất sinh tồn.
Việc một nhân vật nào đó bị bắt bởi kẻ ác sau đó tìm cách trốn thoát thì quá đỗi bình thường rồi và mình cũng đã hoàn toàn bị đánh lừa như thế sau khi xem trailer. Mình đã ngỡ rằng những đứa trẻ vang lên từ chiếc điện thoại kia cũng có cùng số phận, đồng hiện với Finn nhưng chúng lại đến từ quá khứ.
>>> Xem thêm: The Black Phone: Góc tối nước Mỹ vào những năm 70 có gì đáng sợ?
Kết cấu câu chuyện phim cũng được diễn ra song song, ngoài việc Finn dựa theo lời chỉ dẫn để tự cứu mình thì cô em gái Gwen phía bên ngoài cũng có một hành trình riêng cứu anh trai mình. Tuy kết cấu song song được diễn ra như Gwen và Finn lại có sự liên kết chặt chẽ khi tìm về những đứa trẻ trong quá khứ, đây cũng là điểm cộng cho phim.
Nhân vật Finn do Mason Thames thể hiện đã làm rất trọn vẹn vai trò sinh tồn. Từ một cậu nhóc nhút nhát, sợ sệt mọi thứ thì Finn lại trở nên can đảm qua những tình tiết phát triển hợp lí và sau cùng là chống trả lại The Grabber. Hai anh em nhà Shaw là Gwen và Finn cũng đã có những tương tác rất ăn ý vào cuối phim.
Chiếc điện thoại không dây cũng là một chi tiết ẩn dụ sâu sắc trong phim. Nó không chỉ tạo nên chất rùng rợn đúng kiểu Scott Derrickson mà còn là chìa khóa nối kết từng nhân vật về với quá khứ không mấy hạnh phúc của mình.
Từng vụ việc “bắt giữ tạm thời” những đứa trẻ cũng được tái hiện nhằm tô đậm sự độc ác của The Grabber. Nửa đầu phim không chú trọng vào yếu tố khai thác backstory mà dẫn dắt nhanh gọn lẹ vào diễn biến chính. Các lớp lang backstory chỉ thực sự được lần giở lúc cần thiết khi từng cuộc gọi từ những đứa trẻ trong quá khứ hiện về.
The Grabber chuyên đi tác động vật lí với người khác là thế cũng là do những kí ức tuổi thơ không mấy tốt đẹp của hắn ta. Khi những kí ức ấy ùa về, hắn trở nên yếu mềm, ám ảnh như một đứa trẻ vậy. Rõ ràng, nhân vật phản diện này được khắc họa rất đa chiều. Ác thì ác thôi rồi luôn nhưng thực sự cũng rất đáng thương.
Một điều thú vị nữa mà Derrickson cố ý lồng ghép đó là cách thể hiện mặt nạ của The Grabber trong từng lần gặp Finn. Mình thấy mỗi lần hắn đều đeo một mảng khác nhau và việc ghép từng mảng miếng lại giống như đang chơi giải đố vậy.
>>> Xem thêm: The Black Phone: Góc tối nước Mỹ vào những năm 70 có gì đáng sợ?
Điều này cũng góp phần tạo nên sự bí ẩn cho khuôn mặt của chàng thơ Ethan Hawke. Kẻ ác được khắc họa chủ yếu qua đôi mắt và khuôn miệng là nhiều. Mình thấy đây cũng là một cách làm hay để hình tượng hóa The Grabber, nhân vật này sẽ được ghi nhớ nhiều hơn chứ không phải chỉ là khuôn mặt của diễn viên thể hiện nó.
Hình tượng của The Grabber cũng được kinh điển hóa với dấu ấn đặc trưng là những chiếc bóng bay màu đen thường được chứa bên trong xe tải.
Các dựng nên không gian căn hầm cũng là thành công của Derrickson. Không gian tù túng đến lạ thường, ẩm ướt và trống trải nhưng lại trở nên bí bách mỗi khi có sự xuất hiện của Grabber.
Mình thấy căn hầm này cũng gợi ra sự ghê sợ giống như trong The Room vậy đó. Các khoảng tường trống trải cũng gợi ra những tháng ngày miên viễn của Finn, cứ cảm giác như chỗ này là một mê cung vô tận, không biết ngày tháng và cũng không biết lối ra luôn.
Một điều mà mình phải dành lời khen cho The Black Phone nữa đó là giải quyết ổn thỏa thời lượng kịch bản để cái kết được giải quyết trọn vẹn. Thông thường thì với một phim kinh dị, cái kết thường xuyên trở thành điểm yếu nhưng Derrickson đã nói không với điều này. Mọi thứ đều diễn ra một cách có tính toán nhưng được thể hiện tự nhiên và không khiên cưỡng.
Nhìn chung, mình nghĩ The Black Phone sẽ là một món ăn vừa quen mà vừa lạ cho các tín đồ kinh dị bởi phong cách rất kinh điển gợi nhớ những năm xưa cũ. Tuy nhiên, câu chuyện cũng tạo được sự mới lạ bởi các yếu tố siêu nhiên như thể một trò chơi sinh tồn. Hãy ra rạp và trải nghiệm phim này nhá.
Nếu bạn đã xem phim, hãy comment để lại bình luận bên dưới nha.
* Bài viết của Xì Bàng chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn quan tâm đến phim kinh dị và nhất các bom tấn Hollywood , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim The Black Phone (Điện Thoại Đen)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận