Trong dòng chảy phim kinh dị thời gian gần đây, mình có thể hoàn toàn khẳng định rằng Điện Thoại Đen (tựa gốc: The Black Phone) là vượt trội hơn tất thảy, thậm chí còn xuất sắc hơn một vài bộ phim kinh điển thời từ xưa đến giờ.
Điện Thoại Đen sẽ cho ta hoài niệm về những ngày xưa cũ vào thập niên 70, thời điểm mà kinh tế còn khó khăn, đời sống người dân chưa được nâng cao như bây giờ. Dĩ nhiên thì an ninh cũng không được đảm bảo khi tung hoành khắp phố là tên xấu xa chuyên đi bắt nạt người khác.
Đó là hình tượng nhân vật Grabber của tài tử màn ảnh Ethan Hawke – một nỗi khiếp sợ chốn nhân gian của bao đứa ở khu ngoại ô nghèo trong phim. Hắn ta thường lỡn vỡn quanh thành phố để tìm “con mồi” cho chính mình.
>>> Xem thêm: Trailer The Black Phone: Không khí căng thẳng gợi nhớ về phim IT
Lần này, Grabber đã để mắt đến Finney Shaw, cậu nhóc 13 tuổi đang phải chịu nỗi bất hạnh vì cảnh tủi hổ bởi người cha nát rượu và lỗ mãng. Vất vả như nhân đôi trên vai Finney, từng cơn ác mộng cứ ồ ạt xô về phía cậu bé khi The Grabber đã bắt cậu đến một căn hầm bí ẩn và chính thức mở ra những chuỗi ngày chiến đấu sinh tồn hãi hùng.
Tại nơi tồi tàn này, công cụ duy nhất khiến niềm hy vọng le lói trong tầm hồn cậu bé chính là chiếc điện thoại đen, dù bị ngắt kết nối nhưng điều diệu kỳ đã khiến chiếc điện thoại có thể liên lạc được với những nạn nhân trong quá khứ của tên mặt nạ quái đản kia. Những linh hồn đã cố gắng chỉ dẫn Finney có thể đánh bại The Grabber để cứu sống chính cậu ấy và mãi mãi không ai sẽ là nạn nhân tiếp theo nữa.
Nếu nhìn sơ qua có thể thấy cốt truyện khá đơn giản và có phần “tầm thường”, nhưng chính cách những đứa trẻ chiến đấu vì sự sinh tồn của bản thân, những đứa trẻ đang cố vẫy vùng để thoát khỏi hiện thực quá đỗi đáng sợ là thứ khiến mình phải ám ảnh trong những thước phim kinh dị của Điện Thoại Đen mang lại.
Khi đặt nhân vật Finney, một cậu trai có phần yếu ớt, nhút nhát và kỹ năng sinh tồn gần như bằng không, nhưng khi đối mặt với ranh giới của sự sống, đối mặt với tên thủ ác hung tàn thì niềm khát khao sự sống trỗi dậy. Đó là lúc mà con người ta trở nên mạnh mẽ và phi thường nhất, có thể làm mọi thứ để giành giựt lấy mạng sống của chính mình.
Nhà làm phim đã khéo léo cài cắm như vậy để hợp lý hóa tiến trình phát triển tâm lý của nhân vật của mình, đây là một điểm cộng khá lớn mà mình đã dành cho siêu phẩm kinh dị của vị đạo diễn Scott Derrickson lần này.
Song song với nhân vật “cá ra khỏi nước” – tuyến nhân vật buộc phải hành động như Finney thì còn có phần xuất hiện của cô em gái nổi loạn Gwen như sự bổ trợ cho những khiếm khuyết về người anh trai của mình. Cô bé có đầy đủ năng lực và sự cáu kỉnh cần thiết khi đối đầu với hiểm nguy, điều này khác biệt hoàn toàn với những e dè ở Finney.
Tiếp đến là kẻ phản diện hiểm ác Grabber với những vết xước thời quá khứ vì từng phải chịu cảnh đòn roi từ gia đình. Derrickson muốn dùng chính những vết sẹo thời thơ ấu của nhân vật mà tạo ra một con “quái thú” trong phim của mình.
Đó là hình tượng một Grabber đã đánh mất lý trí trước suy nghĩ cực đoan của kẻ điên loạn, người có quan điểm bị đầu độc bởi sự ngược đãi trẻ vị thành niên. Và anh ta chọn cách gây ra nỗi đau giống hệt cảm giác mình đã từng trải như một cách để xoa dịu những tổn thương của chính mình. Đây thật sự đúng theo nghĩa của câu nói “kẻ tổn thương lại muốn làm tổn thương người khác” trong truyền thuyết luôn.
Hay sự tinh tế của Derrickson còn nằm ở chỗ khai thác triệt để bóng ma tâm lý của nhân vật. Trong khi Finney và Gwen là hai đứa trẻ thường xuyên ám ảnh bởi những trận đòn từ chiếc thắt lưng “uy quyền” của người cha thì trong tâng hầm, Grabber lại dùng chính hình ảnh chiếc thắt lưng đó mà thúc đẩy cậu bé Finney có thể cố gắng hết sức để trốn thoát trong trò chơi mà hắn đặt ra.
Cuộc tháo chạy của Finney lúc này không đơn thuần là chạy trốn tên ác nhân kia mà nó còn bao trùm lên việc chạy vụt khỏi những nỗi sợ trong lòng cậu bé, đó là cách mà cậu có thể chiến thắng bản thân, chiến thắng nỗi sợ hãi trong mình.
Điện Thoại Đen còn được truyền tải là những thước phim ghê rợn trong mọi chi tiết, dẫn dắt cảm xúc của mình hồi hộp theo từng hồi chuông điện thoại reo. Mỗi khi Finney áp tai nghe điện thoại thì không khí lại trở nên lạnh lẽo, có thể cảm nhận rõ từng nhịp đập của cậu bé khi cố gắng lắng nghe lời chỉ dẫn của những linh hồn đã mất mà vừa phải nom nóp lo sợ tên mặt nạ kia phát hiện.
Derrickson đã tự tin, tỉ mỉ và bài bản đến mức không có khung ảnh nào trong phim là lãng phí. Tầng hầm của Grabber khiến mình có cảm giác nó lớn hơn một dinh thự khi trong bóng tối lần tìm mãi chẳng có lối ra, nhưng khi hắn ta thình lình xuất hiện, nơi này lập tức chỉ thu nhỏ lại bằng chiếc quan tài có thể chôn vùi nạn nhân bất cứ lúc nào.
Điện Thoại Đen là một câu chuyện kinh dị có nhiều khía cạnh đáng sợ, tàn khốc nhưng đâu đó vẫn lé lói niềm hy vọng mà những nhân vật đã xây dựng nên. Điển hình là trong căn hầm tử thần thì vẫn hiện diện chiếc điện thoại diệu kỳ đóng vai trò như là chìa khóa mở cánh cửa cho sự sống của nhân vật.
>>> Xem thêm: The Black Phone: Góc tối nước Mỹ vào những năm 70 có gì đáng sợ?
Với những cảm nhận như trên thì chắc chắn rằng mình sẽ khuyến khích các bạn nên đi xem siêu phẩm kinh dị này rồi, đảm bảo sẽ là những trải nghiệm xứng đáng với thời gian mà bạn đã bỏ ra để ngồi thưởng thức Điện Thoại Đen đó nha.
* Bài viết của Salonpas chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn là người đam mê thể loại kinh dị và loạt tác phẩm của Scott Derrickson , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim The Black Phone (Điện Thoại Đen)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận