Với hai anh em nhà Russo ngồi ghế đạo diễn (người đứng sau hàng loạt bom tấn nhà Marvel), cùng sự góp mặt của những ngôi sao lớn như Ryan Gosling, Chris Evans, Ana de Armas, mình hoàn toàn có thể hiểu tại sao The Gray Man lại là bom tấn được Netflix đẩy mạnh đầu tư, quảng bá và được khán giả mong chờ đến vậy. Thế nhưng, với tâm thế là một người đã nếm trải quá nhiều tác phẩm hành động nông cạn từ Netflix, mình cũng không kỳ vọng quá cao vào tác phẩm này.
The Gray Man sở hữu một kịch bản đơn giản khủng khiếp, đến mức bạn sẽ có cảm giác như đã từng thấy nó ở đâu đó rồi. Một tên tội phạm được được chiêu mộ và đào tạo để trở thành một đặc vụ ngầm. Trong một phi vụ, anh được giao tiêu diệt tên đầu sỏ nhưng từ đó lại tình cờ khám phá ra được sự thật bị che đậy phía sau. Điều này khiến anh trở thành mục tiêu tiếp theo bị săn đuổi và phải làm mọi cách để đưa mọi chuyện ra ngoài ánh sáng.
Kỳ thực khi nhìn vào một cốt truyện như vậy, mình phải tự hỏi rằng liệu điều gì khiến The Gray Man trở nên khác biệt vậy?
The Gray Man hoàn toàn không có yếu tố gây bất ngờ cho người xem. Xuyên suốt bộ phim là những motif hành động lặp đi lặp lại đến nhàm chán. Các nhân vật cứ rượt đuổi, đấu súng trong các phân cảnh cháy nổ diễn ra liên tục khiến mình phải ngộp thở. Và tệ hơn nữa là nó hỗ trợ tối đa cho khả năng sinh tồn của nhân vật chính.
Sierra Six được xây dựng theo đúng hình mẫu của một người hùng, không có khuyết điểm, không có sai lầm, mọi thứ anh làm đều chính xác một cách khó tin. Ngay cả câu chuyện quá khứ giúp định hình nên tính cách nhân vật cũng không có. Nói cách khác, Six chỉ như một cỗ máy vô cảm và không có bất cứ điều gì để người xem ghi nhớ.
Điều ấy dẫn đến thắc mắc thứ hai của mình. Tại sao dàn diễn viên lại đồng ý tham gia một bộ phim có kịch bản mất não và xàm xí đến như vậy, cho dù sự nghiệp của họ không hề thiếu những kiểu vai tương tự?
Với bộ ba diễn viên chính, chắc chắn thực lực là điều không cần phải bàn cãi. Ryan Gosling thành công khi thể hiện được phong thái lạnh lùng, quyết đoán cùng kỹ năng chiến đấu điêu luyện của nhân vật Sierra Six. Chris Evans đích thị là một kẻ tâm thần, một tên khốn sặc mùi toxic từ lời nói, suy nghĩ, hành động cho tới bộ râu y chang Hitler. Còn Ana de Armas? Ừ thì cũng thể hiện vừa đủ vai trò của một người hỗ trợ nam chính.
Nhưng cũng giống như kịch bản, điều mình không thích ở ba diễn viên này chính là hình ảnh của họ trong The Gray Man toát lên thứ năng lượng mà khán giả đã từng thấy trước đây ở các dự án khác. Cả ba ít có sự thay đổi mà người hâm mộ tìm kiếm.
Ngay cả với Chris Evans, dù đã rất thành công trong nỗ lực thoát khỏi cái mác Captain America chính trực, đứng đắn khi đảm nhận một Lloyd Hansen kệch cỡm, điên loạn nhưng kiểu nhân vật ồn ào, mưu mô như vậy chúng ta đã từng bắt gặp trong Knives Out rồi.
Điều hiếm hoi khiến mình ấn tượng với The Gray Man là các cảnh võ thuật được biên đạo vô cùng mạch lạc và đẹp mắt. Đây vốn luôn là thế mạnh của anh em nhà Russo, điều đã được chứng minh qua bộ phim Captain America: The Winter Soldier. Hơn nữa, chuyển động máy quay cũng đem đến một trải nghiệm hoàn toàn khác lạ và choáng ngợp, tạo cảm giác như đang ngồi trên chuyến tàu lượn siêu tốc và lắc lư theo khung hình vậy.
Nhìn chung, The Gray Man đối với mình là một bộ phim phù hợp để giải trí hơn một trải nghiệm điện ảnh xuất sắc. Nó chỉ gây ấn tượng trong những phút ban đầu bằng một vẻ ngoài hào nhoáng, hoành tráng nhưng thực ra lại dễ trôi tuột ra khỏi đầu vì kịch bản quá sức tầm thường.
* Bài viết của Châu Hải Bình chia sẻ tại box Mọt phim Review
những tin tức mới nhất về các bộ phim Âu Mỹ, nhất là các phim Netflix , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim The Gray Man? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận