Tôi công nhận nhân vật bà Nga (NSƯT Thanh Quý) trong phim Thương Ngày Nắng Về mang mẫu số chung của rất nhiều bậc cha mẹ ngoài kia, vì thương con mà lúc nào cũng bận tâm, lo lắng cho con đủ đường, nhất là đường tương lai, chuyện học hành, sự nghiệp. Trong phim, bà Nga rất áp lực với con gái út - Vân Vân (Ngọc Huyền) trong chuyện chọn trường, chọn ngành, khiến tình cảm mẹ con ít nhiều bị sứt mẻ. Liệu bà Nga có đang làm đúng?
>> Xem thêm: Thương Ngày Nắng Về: Bà Nga thương con nhưng không hiểu con
Tại sao bà Nga không cho con gái tự do chọn ngành, chọn nghề mà nó thích? Tôi nghĩ, phần đông bố mẹ, nhất là những người ở thế hệ trước, sẽ đồng cảm được với bà Nga và giải đáp được câu hỏi này rất dễ.
Kỳ thực, bố mẹ nào cũng luôn mong muốn rằng đời con cái mình sẽ có cuộc sống tốt hơn, an nhàn hơn, “nở mặt nở mày” hơn mình. Với những bố mẹ của thế hệ trước, họ sẽ đo lường sự hạnh phúc, tiện nghi của cuộc sống bằng địa vị xã hội, bằng học thức, hay chí ít là phải “ổn định”.
Sự ổn định có nghĩa là có một công việc 8 tiếng, lương bổng định kỳ, chế độ phúc lợi đảm bảo, sáng xách cặp đi, chiều xách cặp về. Những công việc mang tính bay nhảy, nghệ sĩ, thời vụ, hay phục vụ bưng bê,… luôn nằm trong “blacklist”. Chung quy, bố mẹ sợ con cái mình học sai ngành, chọn sai nghề thì đời sẽ khổ.
Cho nên, ở góc độ nào đó, chúng ta có thể hiểu được nỗi lòng của bà Nga. Nhất là ở hoàn cảnh gia đình bà ấy nữa, ông chồng chính vì theo nghiệp vẽ mà cả đời lận đận. Bà cấm Vân Vân vẽ vời, chủ yếu là sợ nó theo vết xe đổ của bố mẹ.
Bà cảm thán, “Đã thức khuya dậy sớm, đầu tắt mặt tối là mong cho chúng mày có điều kiện học hành đàng hoàng, chứ không phải thành cái dạng người như thế này. Mày thử nói tao nghe, mày muốn giống mẹ mày à?… Mày nhìn thấy cả cuộc đời khốn khổ của mẹ mày, mà mày không rút ra được tí kinh nghiệm cho bản thân mình à?”.
Dĩ nhiên Vân Vân có biết những khó khăn mà cô bé sẽ đối diện. Trong dòng hồi tưởng của mình, cô từng hỏi bố vẽ vời nghèo lắm sao. Ông trả lời: “Nghèo nhưng vui, chỉ cần con gái của bố vui, bố sẽ luôn ủng hộ”. Chính câu trả lời này tạo động lực sống cho Vân Vân, nhưng nó cũng khiến cô có bất đồng với mẹ, kiểu như tại sao bố luôn ủng hộ mình, nghĩ cho niềm vui và hạnh phúc của mình mà mẹ thì lại nhất quyết không là không, lẽ nào mẹ không thương mình?
Thế rồi, cô phản kháng mạnh mẽ: “Mẹ nuôi con đến bằng này, nhưng đã bao giờ, mẹ hỏi con là con thực sự muốn gì, thích gì và hạnh phúc khi làm gì chưa ạ? Hay lúc nào mẹ cũng tiền, tiền, tiền… Sao chị Khánh, chị Trang làm gì mẹ cũng ủng hộ. Còn con thì mẹ cấm đoán… Đây là lựa chọn của con, nếu có sai thì đó là lựa chọn của con…".
Tôi thấy những phản ứng này hết sức quen thuộc, hầu như đứa con nào rơi vào cảnh bị bố mẹ áp đặt cũng sẽ có suy nghĩ và phản ứng như thế. Chỉ là nói ra miệng thẳng thắn được như Vân Vân là cả một vấn đề. Nhiều đứa con không dám nói. Rồi nếu có nói, thì liệu bố mẹ có hiểu, có đồng ý theo hay không? Đó lại là một vấn đề khác nữa. Như trong phim, dù nói xuôi nói ngược, bà Nga vẫn kiên quyết giữ vững thành kiến của mình. Mọi người thấy có khổ tâm không?
Tôi cũng biết, ngoài kia, còn nhiều bố mẹ như bà Nga lắm. Thực sự, tôi tha thiết mong muốn mọi người nghĩ thoáng hơn, không phải cứ làm theo ý mình là đời con cái sẽ không khổ. Ngược lại, nếu con cái vì chiều bố mẹ, phải làm những điều không thực sự thích làm, phải sắm vai người khác, sống cuộc đời như người khác, thì đó mới là bất hạnh thực sự, bởi vì có phút giây nào được vui vẻ là chính mình đâu. Cá nhân tôi thấy đó mới là khổ hạnh.
Phải công nhận, bộ phim Thương Ngày Nắng Về đặt ra nhiều tình huống gia đình - xã hội hết sức “thời sự”, khiến cho chúng ta phải theo dòng nghĩ suy, bàn luận và đúc tỉa kinh nghiệm cho cuộc sống của mình. Vậy nên, mọi người đừng bỏ lỡ, nhớ theo dõi phim cùng tôi, rồi mình cùng chia sẻ những góc nhìn thú vị xoay quanh bộ phim nhé!
>> Xem phim: Thương Ngày Nắng Về: Bí quyết chọn chồng của bà Nga
*Bài viết của NNgân trên DienAnh.Net
Nếu bạn cũng mê phim Việt thì theo dõi nhiều bài viết hơn tại đây nha! Còn muốn “hóng hót” tin tức hay ho về những phim khác thì nhanh tay click vào mạng xã hội DienAnh.Net để đọc thêm nhiều điều hay ho nha.
Facebook - bình luận