x

Đăng nhập

Comming soon...

Review phim

Việt

Trạng Tí Phiêu Lưu Ký: Nội dung đơn giản nhưng không tệ như đồn đoán

Hoa Le 14:00 - 01/05/2021

*Chú ý bài viết Review phim Trạng Tí Phiêu Lưu Ký có tiết lộ “sương sương” một phần nội dung

Trạng Tí Phiêu Lưu Kí - tác phẩm điện ảnh nhẹ nhàng dành cho thiếu nhi nhưng lại có một cuộc đời khá lận đận và sóng gió từ khi chưa ra rạp. Hết gặp phải dịch, phim của Ngô Thanh Vân lại vướng phải vô số lùm xùm, tranh cãi và bị cộng đồng mạng đòi tẩy chay. Nhưng tạm gác những vấn đề bên lề này lại, tôi muốn được công tâm nhận xét Trạng Tí dưới góc độ điện ảnh để xem đây có thực sự là một tác phẩm chất lượng, chỉn chu hay không? Hãy cùng tôi cảm nhận và đưa ra đánh giá chân thực về về bộ phim này, tôi là Hoa Lê - người sẽ đồng hành cùng các bạn trong chuyên mục Phim Chiếu Rạp.

Trạng Tí Phiêu Lưu Ký có câu chuyện đơn giản phù hợp với thiếu nhi nhưng lê thê với người lớn

Lấy cảm hứng Thần Đồng Đất Việt của họa sĩ Lê Linh, Trạng Tí cũng bê nguyên bộ tứ trong truyện lên phim: Tí (Hữu Khang), Sửu (Bảo Tiên), Dần (Hoàng Long) và Mẹo (Đức Anh). Phim kể về mẹ Tí - cô Hai Hậu (Oanh Kiều) có mang sau khi ngủ quên trên một tảng đá nên cậu không hề có cha, điều này làm Tí trường bị bạn bè trêu chọc, khinh thường. Sau đó, cậu đã cùng 3 người bạn quyết tâm đến chùa Phật Quang để hỏi thầy Thích Thông Tuệ (Trung Dân) về cha của mình vì nghe tin thầy sư này cái gì cũng biết. Trên đường đi, 4 đứa trẻ gặp vô số rắc rối và bị tướng cướp Ba Ba (Hoàng Phi) bắt cóc để trả lời câu đố ở đền Thần Hổ, bởi hắn tin rằng đó là nơi mở ra cánh cửa kho báu quý giá. 

>>> Xem thêm: Trúc Anh lột xác, Salim ma mị xuất thần trong Thiên Thần Hộ Mệnh

Không có quá nhiều drama hay plot twist, câu chuyện của Trạng Tí nhẹ nhàng và ít cao trào, đủ để cho các khán giả nhí hiểu. Tôi nhận ra đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã thay đổi nguyên tác truyện, hợp thức hóa hành trình của Tí bằng việc để cậu bé bị bạn bè trêu chọc chuyện không có cha. Thông qua chuyến đi với đủ những khó khăn ấy, Tí nhận về bài học ý nghĩa về tình bạn, hiểu được những lời gièm pha, cay nghiệt chẳng thể nào chiến thắng được tình yêu mẹ dành cho mình. 

Mặc dù Tí trong phim của Ngô Thanh Vân vẫn mang cốt cách của một cậu bé thông minh, lanh lợi thông qua việc giải hàng loạt câu đố, nhưng với một người ghiền truyện Thần Đồng Đất Việt, tôi xin khẳng định đầu óc tính toán, tư duy sáng tạo của Tí phiên bản điện ảnh không bằng một góc nhân vật trong nguyên tác của họa sĩ Lê Linh. Song nhờ vào những yếu tố gây cười của các nhân vật, phim tạo được sự phấn khích cho khán giả nhí trong rạp. Riêng phần này, tôi thấy nhà làm phim vẫn nắm được tâm lý của trẻ nhỏ. Có thể nói, phim rất phù hợp để vừa giải trí vừa giáo dục đối với thế hệ khán giả nhí, nhất là các em nhỏ học cấp 1, cấp 2. 

Đấy là đối với các bạn nhỏ còn dưới góc độ của một người trưởng thành xem phim, tôi nhận thấy nội dung bị dài lê thê đến mức có thể cắt 30 phút thời lượng thì khán giả vẫn hoàn toàn có thể hiểu được toàn bộ phim. Phần xử lý cao trào cuối phim khá nhạt nhòa chỉ bằng một câu đố. Nhiều chi tiết bị kéo quá lâu, không hiểu xuất hiện để làm gì khiến tôi chỉ muốn ngủ gục trong rạp. Ví dụ như viên ngọc Tí luôn mang theo, nó chỉ phát sáng khi vào hang Thần Hổ đúng một lần, nhưng mặc nhiên đạo diễn không hề nói cho tôi biết nó có tác dụng gì, có liên kết như thế nào đối với thể lực siêu nhiên. Hay khi vào đến hang Thần Hổ, phim giải thích rất rõ ràng đây là nơi chứa kho tàng tri thức nhân loại nhưng câu hỏi của Tí là về cha của mình và Dần muốn biết ai là người ăn cắp gà của mẹ cậu. Tôi thiết nghĩ, Thần Hổ phải giới thiệu mình là Biết Tuốt, bởi 2 câu hỏi của Tí và Dần đâu có liên quan tới tri thức.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu tôi đã cảm thấy lý do của hành trình này thật sự vô lý. Thay vì chăm chỉ học tập để mẹ được nở mày nở mặt như trong truyện, Tí của Ngô Thanh Vân lại mặc cảm, tự ti với thân phận của mình và khao khát đi tìm cha. Đọc truyện suốt cả tuổi thơ, tôi cũng không hiểu tác giả cố bắt Tí đi tìm cha để làm gì. Và thực sự người dân làng Phan Thị cũng quá vô lý, chỉ vì một cậu bé không có cha mà bàn tán như thể sắp tận thế.

Trạng Tí Phiêu Lưu Ký có dàn diễn viên nhí tự nhiên, dễ thương bao nhiêu thì thầy sư vô lý, giáo điều bấy nhiêu

Sở hữu dàn cast chính chủ yếu là diễn viên nhí, nên ban đầu tôi có hơi lo về chất lượng diễn xuất của phim. Nhưng thực tế thì các bé làm khá tròn vai, khiến phim trở nên nhẹ nhàng và đáng yêu. Tính cách của Tí, Sửu, Dần, Mẹo rõ ràng, sắc nét khiến người ta dễ nhớ. 

Sửu vẫn giữ tính cách bánh bèo, mau nước mắt. Dần là cậu nhóc tin người, thật thà nhưng ham ăn. Mẹo là cậu nhóc có phần chảnh chọe vì là con nhà giàu. Tí thì đặc biệt thông minh, lanh lợi. 

>>> Xem thêm: Review Thiên Thần Hộ Mệnh: Sự trở lại của ông hoàng kinh dị Victor Vũ

Nhưng để bình chọn một diễn viên ấn tượng nhất, tôi sẽ dành trọn phiếu bầu cho cậu bé Mẹo (Đức Anh). Mặc dù nam chính Hữu Khang từng có kinh nghiệm diễn xuất trước đây nhưng vẫn bị lu mờ trước sự nhí nhảnh, tự nhiên của Đức Anh. Cậu bé là điểm sáng trong diễn xuất của cả bộ phim, khi vừa có thể mạnh miệng trêu chọc bạn bè nhưng lúc sau lại ngại ngùng, lo lắng cho bạn. Biểu cảm của cậu nhóc này cũng rất thú vị, bên cạnh đó là các câu thoại hài hước được cài cắm khiến nhân vật Mẹo càng nổi bật. Mặc dù Dần cũng được trao gửi nhiều lời thoại gây cười nhưng chưa thể nào tấu hài bằng Mẹo của Đức Anh.

Cô bé Mùi (Kim Thư) cũng là nhân tố khiến tôi bất ngờ, khi vừa hóa thành nam vừa vào vai nữ và còn làm gián điệp cho cha của mình. Phân cảnh cuối, lúc cô bé lao vào hang Thần Hổ giải câu đố cho cha dạt dào cảm xúc. Dù Ba Ba chỉ là cha nuôi của mình, nhưng Mùi vẫn thương yêu ông và coi ông như ruột thịt, đây có lẽ là khoảnh khắc khiến mình xúc động nhất trong phim. Cách cô bé Mùi thể hiện tình cảm với cha có sức nặng hơn nhiều so với Tí nói lời yêu thương với mẹ ở cuối phim. Hữu Khang tỏ ra khá yếu trong những phân cảnh cảm xúc, cần chiều sâu nội tâm nên tôi có cảm giác đạo diễn như đang bắt cậu bé đọc lại đoạn thoại dài lê thê như văn mẫu cấp 2. 

Bên cạnh đó, một điểm khiến tôi chưa hài lòng đó là nửa cuối phim đạo diễn bắt tụi nhỏ khóc nhiều quá. Nên nét diễn của các bé cứ nhăn nhó, gượng ép. Nhân vật Tiểu Tị (Hoàng Duy) cũng khiến tôi bị phấn khích với những màn võ thuật ngang ngửa Thích Tiểu Long hồi đó. Cuối phim, phần after credit đầu tiên còn hé lộ vị tiểu sư này là người giữ viên ngọc vàng, tương tự với viên ngọc đỏ mở cánh cửa hang Thần Hổ. Điều này làm tôi đoán rằng cậu bé có một sức mạnh thần bí nào đó, hoặc cậu chính là hậu duệ của Thần Hổ và sẽ là nhân tố tiềm năng tiếp theo trong một bộ phim nào đó trong tương lai. 

Bên cạnh đó, dàn diễn viên người lớn bao gồm Hoàng Phi, Quang Thắng, Phi Phụng, Trung Ruồi cũng như bước ra từ trang sách, thể hiện tích cách giống nguyên tác Thần Đồng Đất Việt. Đây là các nhân tố giúp nâng dàn sao nhí lên rất nhiều. 

Tuy nhiên, nhân vật khiến tôi thất vọng nhất lại là thầy sư Thích Thông Tuệ. Nghệ sĩ Trung Dân diễn thì không chê vào đâu được, rất tròn vai, chỉ có điều ngay từ đầu nhiên vật này được xây dựng với đầy nhược điểm làm khán giả như tôi thấy nhức mắt. Bên cạnh sự điểm đạm, từ tốn của một nhà sư mẫu mực, đạo diễn còn tham vọng hơn khi gửi gắm vào vị sư này những yếu tố hài hước. Điển hình như câu chuyện thầy kể cho lũ trẻ về lý do mình có cái tên Thích Nhất Tuệ, rằng khi xưa lúc được nhận nuôi vào chùa, sư phụ thấy thầy ngu ngốc nên đặt tên vậy để mong thầy thông minh hơn. 

Sau đó, cậu bé Dần liền nói muốn hỏi thầy một câu nhưng thầy đã không thông minh như lời đồn thì không cần hỏi làm gì. Điều này không khiến hình ảnh thầy chùa trở nên gần gũi hơn mà ngược lại, nó là một cách thể hiện nhân vật kiểu đùa cợt, thiếu tôn trọng. Không những vậy, đạo diễn còn thường xuyên nhét những câu thoại mang tính giáo dục vào nhân vật thầy sư. Để rồi lũ trẻ phải ngồi nghe thầy giảng về sự tưởng tượng, cách sống vô thường,... những điều này tôi tin rằng vượt xa so với suy nghĩ của các bạn nhỏ. Nên đâm ra, phim đến khúc này trở nên giáo điều một cách khiên cưỡng. 

Trạng Tí Phiêu Lưu Ký có ngoại cảnh hoành tráng nhưng kỹ xảo chưa ổn

Phim lấy bối cảnh là Làng Phan Thị - một miền quê yên bình, bao quanh bởi núi non hùng vĩ. Và tôi có lời khen cho ngoại cảnh trong phim khi khắc họa một cách sống động từng nếp nhà tranh, từng bộ trang phục và phục dựng một nếp sống đậm đà màu sắc nông thôn Việt Nam thời ấy. Ê-kíp của Ngô Thanh Vân đã đầu tư mạnh tay để có thể ghi hình ở nhiều nơi như đầm Vân Long (Ninh Bình), cây gạo thôn Đoài (Bắc Ninh), chùa Keo (Thái Bình), Vườn quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai),... 

Tuy nhiên, phần ngoại cảnh hoành tráng đến đâu thì kỹ xảo tệ đến đó. Bộ phim được sáng tạo thêm màu sắc thần thoại, cổ tích bằng sự xuất hiện của Thần Hổ nên sử dụng khá nhiều CGI. Song phần kỹ xảo này đôi lúc bị giả trân, ví dụ như cảnh đom đóm trong rừng hay hình ảnh Thần Thật Thà và Thần Dối Trá như các pho tượng trong chùa nhưng phiên bản gọt giũa chưa kỹ càng.  

Một điều khiến tôi cảm thấy phiền hơn cả về mặt kỹ thuật phim đó chính là việc lạm dụng slow motion. Ngay cả những cảnh như lũ trẻ chạy đi chơi giữa làng Phan Thị, bộ tứ nhân vật chính đi gặp thầy Thích Thông Tuệ hay lúc Tí khóc vì cãi nhau với bạn cũng được sử dụng slow motion, dù cảnh không quá đẹp hay nội dung cũng chẳng có gì đặc sắc. Nên tôi thắc mắc, không biết ý đồ của nhà làm phim là gì, hãy chỉ làm để kéo dài cho đủ thời lượng 100 phút. 

Để tạo nét cuối phim, đạo diễn mạnh tay chơi tới 3 after credit. Nhưng tôi cá là lúc đó lũ trẻ đã về hết, nên việc để khán giả xem được hết cả 3 phần này thì thật là khó. Song after credit của phim cũng không mở ra được điều gì mới. Ngoài việc hé lộ thân phận tiềm năng của tiểu sư, sự trở lại của bé Mùi và cuối cùng là đất để Ngô Thanh Vân tiếp tục nói về nữ quyền hay cụ thể hơn là câu chuyện về những bà mẹ đơn thân. 

Nói tóm lại, Trạng Tí không phải là một bộ phim tệ như lời đồn, nhưng cũng chẳng xuất sắc. Phim có lẽ phù hợp nhất với lứa tuổi thiếu nhi nhưng nếu khán giả trưởng thành muốn tìm một bộ phim cho mình thì tôi nghĩ mọi người sẽ hơi hụt hẫng. Nên tôi sẽ dành cho bộ phim này số điểm 7/10. Song, nếu bạn cần tìm một thước phim để thư giãn, giải trí thì theo tôi Trạng Tí vẫn là sự lựa chọn khá ổn trong thời gian này. 

Phim Chiếu Rạp là chuyên mục mà chúng mình khai thác đặc thù về tất cả các phim đã đang và sắp chiếu. Nơi bạn có thể tìm kiếm mọi thứ về điện ảnh từ các bài tham khảo, phân tích, đánh giá, nhận định đến bàn tán, cung cấp thông tin… một cách nhanh chóng, chính xác và dễ hiểu nhất. Là một “mọt phim” có tâm, chúng mình sẽ mang đến cho các bạn những bài viết hay và thú vị nhất.

Đừng quên theo dõi fanpage DienAnh.Net để cập nhật tin tức cũng như như bài review chất về phim ảnh nhé!

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Trẻ trâu không đùa được đâu: Đậm chất rock, tình cảm “gà bông”

Nga Cao

Nga Cao

Trẻ trâu không đùa được đâu là bộ phim Thái Lan xây dựng câu chuyện về thiếu nhi và thanh thiếu niên. Tác phẩm có nhiều điểm đáng nhớ dù tồn tại thiếu sót.

Paris Has Fallen: Bộ phim hành động cực đã, cuốn hút từng tập trên K+

Hải Lệ

Hải Lệ

Lấy bối cảnh Paris, các tập phim Paris Has Fallen trên K+ xoay quanh âm mưu của một kẻ khủng bố cực đoan với kế hoạch đe dọa an ninh quốc gia và chính phủ Pháp.

Công tử Bạc Liêu gần gũi với thế hệ gen Z như thế nào?

Nga Cao

Nga Cao

Phim điện ảnh Công tử Bạc Liêu - Tác phẩm mới của Song Luân hứa hẹn thu hút đối tượng khán giả gen Z vì khắc họa tính cách nam chính Ba Hơn trẻ trung, gần gũi.

Làm Giàu Với Ma: Phim kinh dị còn nhiều thiếu sót của Hoài Linh

Nga Cao

Nga Cao

“Làm giàu với ma" - phim có Tuấn Trần, NSƯT Hoài Linh đóng chính kết hợp phong cách tình cảm - gia đình với kinh dị.

Quỷ Ăn Tạng (Tee Yod): Vẫn giữ được sự rùng rợn của nguyên tác

Nga Cao

Nga Cao

Quỷ Ăn Tạng xứng danh là bộ phim kinh dị "nặng đô" đạt doanh thu cao nhất tại "Xứ Chùa Vàng", phim vẫn giữ được những điều cốt lõi của câu chuyện nguyên tác.

Quỷ Cẩu: Truyền tải được nhiều thông điệp nhưng làm kỹ xảo chưa tốt

Lindo

Lindo

Quỷ Cẩu có nội dung chỉn chu, quy tụ dàn diễn viên thực lực của cả hai miền Nam - Bắc nhưng phần hiệu ưng, kỹ xảo của phim được làm chưa thực sự tốt.