Cũng là phim kinh dị nhưng Vô Diện Sát Nhân chọn khai thác thể loại slasher (kẻ phản diện là những tên có vấn đề tâm lý, dùng những thủ đoạn động tay động chân để hãm hại người khác) mang đến cho mình một trải nghiệm mới mẻ.
Dòng phim kinh dị slasher ở nước ngoài đã có rất nhiều bộ phim kinh điển như Scream, Happy Death Day, Halloween,... nhưng ở Việt Nam lại có phần hơi khan hiếm vì đó không phải là thế mạnh của nước mình.
Lần “mở bát” cho dòng phim kinh dị slasher trong năm 2022 của Vô Diện Sát Nhân mặc dù chỉ dừng lại ở mức tạm ổn với mình vì có ý tưởng tốt nhưng nhìn chung tổng thể vẫn rời rạc và thiếu tính thuyết phục. Tuy nhiên, từ đó mình cũng có thể thấy được tiềm năng khá lớn của thể loại này trong tương lai.
Vô Diện Sát Nhân xoay quanh nữ chính Phương Anh (Phương Anh Đào), hằng đêm cô đều gặp ác mộng có một kẻ xấu rình rập, truy đuổi và tìm mọi cách để làm cô “bay màu”. Những giấc mơ đó ngày càng trở nên “thật” đến mức cô không biết đâu là thực, đâu là mơ.
Phương Anh trở nên hoảng loạn và tìm đến bác sĩ tâm lý để điều trị. Qua cuộc nói chuyện với bác sĩ Trọng (Ngọc Tưởng), những nỗi sợ trong quá khứ của Phương Anh dần được hé lộ. Bác sĩ Trọng cũng cung cấp cho Phương Anh một manh mối quan trọng đó là phải nhớ lại những kí ức đau đớn nhất trong quá khứ vì chính điều đó đang dày vò cô. Tuy nhiên, dường như có một mảnh kí ức vỡ vụn khiến Phương Anh không thể nào chắp vá lại.
Diễn biến tiếp theo của phim là hành trình Phương Anh đối diện và tìm ra sự thật cùng với sự giúp đỡ của những người xung quanh: Minh (Hiếu Nguyễn) - chồng của Phương Anh, Vy (Oanh Kiều) và Khoa (Steven Nguyễn) - đồng nghiệp của Phương Anh, Thái (Quách Ngọc Tuyên) - đồng nghiệp của Minh.
Đầu tiên, mình đặc biệt quan tâm đến chất lượng diễn xuất của nữ chính Phương Anh vì trước giờ mình không ấn tượng về cách diễn của Phương Anh Đào cho lắm. Những vai diễn nhẹ nhàng của cô trong những bộ phim như Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè hay Chàng Vợ Của Em vẫn chưa thể hiện được nhiều cảm xúc. Trong bộ phim hành động - giật gân trước đó là Bằng Chứng Vô Hình, cô vẫn chưa bộc lộ được hết khả năng diễn xuất của mình, khiến mình cảm thấy chưa đặt được hết niềm tin vào nhân vật.
Tuy nhiên, với Vô Diện Sát Nhân, dường như Phương Anh Đào đã mang đến cho mình một vai diễn tốt hơn. Mặc dù có sự chuyển đổi giữa hiện thực và giấc mơ liên tục nhưng mình thấy Phương Anh Đào đã có sự bắt nhịp rất nhịp nhàng và cho thấy sự hoảng loạn trong tâm lý khá ổn.
Những phân cảnh hành động, bị dập tơi bời của Phương Anh Đào cũng mang đến cảm giác chân thật. Khi phản kháng, cô cũng cho thấy rõ sự quyết tâm vượt lên nỗi sợ của mình để tìm ra chân tướng kẻ sát nhân. Thế nhưng cá nhân mình cảm thấy giọng nói của Phương Anh Đào vẫn còn là một điểm yếu khi chưa nghe ra kiểu cách của một người trong tình trạng sợ hãi lắm.
Về kịch bản, Vô Diện Sát Nhân vẫn khai thác vấn đề tâm lý bên trong con người, điều này mình thấy có điểm phim làm tốt nhưng cũng còn những hạn chế nhất định. Sự liên tưởng giữa những điểm tương đồng trong ảo mộng và thực tế là điểm khiến mình cảm thấy thú vị.
Điểm phim đã làm tốt chính là lồng ghép yếu tố giấc mơ tạo ra hai thế giới đối lập song song tưởng chừng như tách biệt nhưng lại có những điểm chạm vào nhau. Chính sự va đập này đã tạo nên những điểm thực ảo lẫn lộn trong cuộc sống của Phương Anh.
>>> Xem thêm: Quái Thú: Căng thẳng với những cú máy dài và mâu thuẫn trong gia đình
Giấc mơ này cũng đặt ra cho mình rất nhiều giả thiết: có một thế giới khác trong giấc mơ của Phương Anh, giấc mơ đó là thật nhưng được ngụy tạo một cách hoàn hảo để che lấp hay tất cả mọi thứ chỉ là do Phương Anh tưởng tượng ra? Những diễn biến tiếp theo của phim dần cung cấp cho mình những “mã chú giải” để tìm ra câu trả lời. Đây cũng chính là điểm thú vị của dòng phim kinh dị slasher.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của yếu tố giấc mơ trong Vô Diện Sát Nhân chính là thiếu tính hệ thống và không có sự tăng tiến. Những gì diễn ra trong giấc mơ của Phương Anh chỉ là những câu chuyện rời rạc và dù cuối phim có được nối kết lại nhưng cũng không tạo được một đường dây thực sự có ý nghĩa.
Khi sự đan xen giữa thực và ảo trong giấc mơ ngày càng rõ, Vô Diện Sát Nhân cũng tạo dựng được những tình huống nhằm đánh lạc hướng suy nghĩ của mình về câu chuyện này. Nó khiến những giả thiết của mình có phần lung lay và rõ ràng, phim đã dẫn mình đi một vòng để về lại twist cũ.
Việc tìm ra chân tướng kẻ thủ ác trong Vô Diện Sát Nhân khiến mình liên tưởng đến khoảnh khắc Phương Anh dần gỡ từng lớp mặt nạ của hắn. Từ từ, hình ảnh đó sẽ hiện ra rõ nét hơn nhưng trước đó mình cũng phải rà soát lại hết những nghi phạm.
Vô Diện Sát Nhân đã xây dựng hệ thống niềm tin và đánh lạc hướng suy nghĩ của mình về những kẻ tình nghi khá ổn. Từ ông Trọng (bố bé Mai - người đã ra đi trong ca mổ của Phương Anh ngày xưa), Minh, Vy, Khoa, Thái,...dường như tất cả đều nằm trong diện tình nghi khi có những khoảnh khắc khá “trùng khớp” với hành vi của kẻ thủ ác.
Việc tạo ra nhiều tầng xung đột trong suy nghĩ của Phương Anh cộng với những tình tiết đan xen, chồng chéo càng làm Vô Diện Sát Nhân trở nên căng thẳng và đậm chất kinh dị slasher hơn. Nữ chính Phương Anh không chỉ vị vây lấy bởi một tên phản diện, mà còn nhiều hơn thế.
Có một tuyến nhân vật phụ ngầm tác động vào câu chuyện mà đến cuối phim mới vỡ lẽ ra. Điều này đã hợp lý hóa việc Phương Anh cảm nhận được sự thực ảo đan xen. Tuy nhiên, mình lại khá tiếc ở chỗ ý tưởng chỗ này tốt nhưng lại được làm khá vội vàng và thiếu đi tính thuyết phục.
Cá nhân mình thấy Vô Diện Sát Nhân cũng có vấn đề trong việc xây dựng hệ thống nhân vật. Có nhiều nhân vật hơi thừa, ví dụ như Thái - bạn của Minh hay cấp trên của Phương Anh ở bệnh viện. Cũng có những nhân vật có thể khai thác kỹ để đánh lạc hướng một cách chắc đòn hoặc hợp lý hóa hành vi hơn nhưng chưa thấy được là ông Trọng, Vy, Khoa và tên phản diện chính.
Vô Diện Sát Nhân có những cú twist dồn dập và những cú lật liên tục để khiến mình cảm thấy bất ngờ và tăng độ kịch tính. Thế nhưng càng về sau, Vô Diện Sát Nhân lại dẫn mình đi vào một con đường mòn trong việc lý giải và hợp thức hóa mọi thứ. Nguyên nhân của mọi việc lại vòng về một sự việc dễ đoán. Cái kết của Vô Diện Sát Nhân cũng có phần quá nhẹ nhàng.
>>> Xem thêm: Chất liệu tâm linh đa dạng trong Duyên Ma: Từ ma da đến cúng cô hồn
Tóm lại, với mình, Vô Diện Sát Nhân vẫn có những điểm sáng nhất định trong việc khai thác về chứng bệnh tâm lý mặc dù chưa làm rõ về nguyên lý hoạt động của não bộ cho lắm.
Yếu tố kinh dị slasher trong phim cũng được làm khá ổn chỉ là hơi lạm dụng âm thanh nên đôi khi thiếu đi tính chân thực. Nhìn chung vẫn ổn nhưng cũng có những điểm thừa, điểm thiếu khiến cho Vô Diện Sát Nhân như những đoạn ký ức rời rạc chưa được chấp nối lại một cách liền mạch.
* Bài viết của Lọ Lem chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn quan tâm đến tin tức mới nhất về những bộ phim sắp chiếu , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Vô Diện Sát Nhân? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận