Ban đầu khi biết đến bộ phim 11 Tháng 5 Ngày được tạo nên bởi những người trẻ, đạo diễn trẻ, diễn viên trẻ, tôi nghĩ chủ yếu phim sẽ mang đến màu sắc hài hước, tiếng cười, một làn gió mới khác với những bộ phim đang được phát trên sóng đài quốc gia. Tuy nhiên theo dõi bộ phim này tôi thấy càng xem càng hay, thông qua những tình tiết hài hước xen lẫn căng thẳng để ekip gửi gắm thông điệp, mang đến những bài học ý nghĩa trong cuộc sống.
Bộ phim xoay quanh Tuệ Nhi (Khả Ngân) - một cô gái mồ côi mẹ nhưng luôn được mọi người cưng chiều, yêu mến và nhường nhịn nên đã vô tình làm cho cô hình thành tính ích kỷ, tự cao tự đại, hay xem thường người khác. Sau khi bỏ nhà đi do cãi nhau với bố và bà nội vì những mâu thuẫn, nhân vật này đến sinh sống tại một xóm trọ nghèo. Chính những người nơi đây với sự chân thành, tình thương mến thương đã cảm hóa được cô tiểu thư nhà giàu, giúp Tuệ Nhi dần tìm được phiên bản tốt hơn của chính mình.
>> Xem thêm: Nhan sắc đẳng cấp 4 bà mẹ trong Hương Vị Tình Thân: Bà Dần đỉnh nhất
Tập 14 vừa phát sóng của 11 Tháng 5 Ngày khiến tôi thực sự “thấm”, Nhi qua nhà bà ngoại Đăng (Thanh Sơn) chơi và được mời lại ăn cơm vì tất cả mọi người đều đi vắng. Tuy nhiên “trời đánh tránh bữa ăn", vừa xới được vài miếng, đang nói chuyện vui vẻ thì mợ của Đăng về bất chợt và buông những lời lẽ mỉa mai vô cùng khó chịu, Nhi định “bật” luôn nhưng Đăng cản lại.
Khi về tới nhà, Nhi mới biết Đăng không ăn được cá nhưng vẫn cố cho bà vui, Nhi phản biện rằng tại sao không thích mà không nói ra, chính những lời giải thích của anh bạn này đã khiến tôi sững người một lúc. Đúng vậy, tại sao chúng ta luôn phải nói ra những lời thật lòng với người lớn, có những điều họ làm, mình cảm thấy không thích, thậm chí là khó chịu nhưng sâu trong thâm tâm họ chỉ muốn tốt cho chúng ta. Tôi đã từng như vậy và tôi nghĩ thế hệ Gen Z bây giờ cũng chẳng thiếu, đôi lúc chúng ta bực dọc vì bố mẹ nhắc nhở việc thức khuya, ăn không đủ bữa hay chăm học tập bớt chơi game lại, những điều đó thực chất là để tốt cho ai?
Đăng nói đúng: “Dù những điều chúng trải qua, tôi với bạn là không giống nhau. Nhưng dù sao nếu luôn đáp trả bằng sự nóng nảy thì thứ duy nhất chúng ta nhận lại là những sự tổn thương. Không phải đao kiếm hay súng đạn, mà chính lời nói ấy đã làm chúng ta tổn thương nhất.” Chẳng phải mỗi lần cãi vã, xung đột, khắc khẩu với bố mẹ thì không khí của gia đình lại trở nên căng thẳng và mỗi người cùng phụ huynh đều phải suy nghĩ, mệt mỏi, stress sao?
>> Xem thêm: Hương Vị Tình Thân: Bà Xuân hai lần thách thức ông Khang ly dị
Đăng đã giáng một hồi chuông cảnh tỉnh cho Tuệ Nhi về những điều cô ấy đã làm, những lần hỗn láo với bố và ông bà. Khi nghĩ lại nhân vật này nhận ra mình rất quá đáng, cái tôi cao làm tổn thương đến những người thân và chính bản thân mình. Chuyện chẳng có gì nhưng hai bà cháu cứ đụng tí là cãi nhau.
Nguyên nhân là do lúc trước mẹ Tuệ Nhi không đẻ được con trai nên bà cũng không thích cô cháu này. Nhưng sau mọi chuyện, khi mâu thuẫn căng thẳng thì chẳng ai dễ nói những lời yêu thương. Sau những xích mích ấy, lối giải quyết, bài học của bộ phim lại đến từ lời thoại của chính cô osin nói với Tuệ Nhi và bà nội: “Thế giới chỉ đổi thay khi bản thân mình thay đổi.”
Nhi luôn cho rằng do khoảng cách tuổi tác lớn nên bố và bà nội không hiểu cho cô, Nhi luôn muốn sống đúng với bản thân mình và nghĩ rằng cô là đứa cháu mà bà, bố không mong muốn. Bởi họ luôn cần một cháu trai đích tôn để nối dõi tông đường. Chính vì luôn thúc giục mẹ Tuệ Nhi phải sinh được một cháu trai nên dù có bị bệnh, bác sĩ khuyên ngăn nhưng mẹ cô vẫn giấu để mang thai và hậu quả là ra đi ngay trên bàn mổ, thế nên Nhi mồ côi từ năm 10 tuổi.
Nghĩ về những sai lầm trong quá khứ ấy, bà nội Tuệ Nhi rớt nước mắt, ân hận khi suy nghĩ, hành động của bà đã vô tình cướp đi sinh mệnh của người con dâu hiền lành, hết mực vun vén gia đình, chăm lo cho bà. Đâu đó trong xã hội hiện đại của chúng ta vẫn còn những người có suy nghĩ cổ hủ như vậy. Tình tiết phim này cũng là một bài học cho những gia đình giữ quan điểm sống gia trưởng, luôn nghĩ rằng con dâu là phải sinh được con trai để nối dõi, thế mới biết làm phụ nữ đã khổ, về làm dâu phải những gia đình như thế này còn khổ hơn trăm bề.
>> Xem thêm: Phương Oanh và những ngôi sao VFC "phất" lên hậu trùng tu nhan sắc
Chắc chắn sau tất cả mọi chuyện, nhân vật Tuệ Nhi sẽ dần được cảm hóa, trở nên điềm đạm, không còn nóng nảy và biết thấu hiểu, trân trọng hơn tình cảm của mọi người xung quanh dành cho mình, biết đặt mình vào vị trí người khác để ứng xử. Tôi nghĩ đó là một bài học mà thế hệ Gen Z nên áp dụng vào cuộc sống hiện đại.
*Bài viết của Đức Nguyên trên DienAnh.Net.
Theo dõi DienAnh.Net để cập nhật những tin tức phim ảnh mới và chính xác nhất.
Facebook - bình luận