Giao tiếp là hoạt động cơ bản của con người. Giao tiếp không chỉ giúp chúng ta kết nối với mọi người xung quanh mà còn là bước đệm để chúng ta thu về những cơ hội tích cực. Chính vì vậy, chúng ta nên không ngừng trau dồi kĩ năng giao tiếp. Trong bài này tôi sẽ chia sẻ với bạn 3 bí kíp nên ghi nhớ để phát triển kĩ năng giao tiếp của mình nhé!
Tầm quan trọng của giao tiếp
Xã hội luôn đòi hỏi sự liên kết, phối hợp giữa người với người để duy trì và phát triển. Và giao tiếp chính là công cụ để gắn kết, tạo điều kiện cho mọi người giao lưu, học hỏi cùng nhau. Từ đó, có thể phối hợp hoạt động và phấn đấu vì mục đích chung.
Giao tiếp là cách để chúng ta truyền tải suy nghĩ, cảm xúc, và cả ý kiến của mình. Chẳng hạn trong công việc, ta có ý tưởng tốt và kế hoạch chỉn chu nhưng lại không có khả năng trình bày và trao đổi giúp mọi người hiểu được thì dù có xuất sắc đến đâu cũng khó mà tiến bộ hơn nữa.
Càng là người thông minh, họ lại càng cố gắng rèn giũa kỹ năng giao tiếp hiệu quả và khôn ngoan. Phải chăng vì vậy mà người ta mới có câu “Khéo ăn khéo nói thì dễ có được cả thiên hạ”.
Bí kíp 1: Không xoáy sâu, đào bới chuyện quá khứ
Một người thông minh sẽ không đem chuyện xảy ra trong quá khứ của người khác để tạo tiếng cười trong cuộc trò chuyện của mình. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Vì thế mà chúng ta không thể hiểu được cảm xúc của đối phương khi không trải qua tình huống của người trong cuộc. Nếu không hiểu, chúng ta không có quyền để giễu cợt hay phán xét ai cả.
Bàn tán về người khác không làm ta đẳng cấp hơn, sau này xảy ra chuyện gì, người bị cười nhạo cũng có thể là ta. Bản thân chúng ta không ai là hoàn mỹ, thay vì dùng những lời lẽ tiêu cực để bàn về một ai, hãy dành thời gian đó để học hỏi và trau dồi bản thân. Nếu như muốn khuyên nhủ người khác về một sai lầm của họ, hãy lựa lời mà nói. Để họ hiểu được ta xuất phát từ tấm lòng chân thành muốn giúp đỡ chứ không phải chọc vào nỗi đau của họ.
Lời nói chẳng mất đồng tiền nào để mua, vì vậy, hãy lựa lời nói sao cho đẹp lòng đôi bên. Giao tiếp chỉ đơn giản bắt đầu từ những cuộc trò chuyện bình thường trong cuộc sống, chính vì thế, hãy luôn ghi nhớ bài học này để không mắc phải sai lầm.
Bí kíp 2: Thận trọng với những chuyện không biết rõ
Tuỳ tiện nói ra những điều mình chưa chắc chắn chỉ khiến ta trở nên thiển cận và thiếu suy nghĩ trong mắt người khác. Đừng vội vàng đánh giá một ai hay một sự việc chỉ vì vẻ bề ngoài. Chúng ta cần dành thời gian tiếp xúc, trải nghiệm, và tìm hiểu trước khi quyết định đưa ra một lời bình luận nào đó. Không phải chuyện gì chúng ta cũng có thể đánh giá qua đôi mắt. Đừng để hối hận vì lời nói kém hiểu biết của mình làm ảnh hưởng đến người khác. Trong giao tiếp, người suy nghĩ cẩn thận, chín chắn luôn giành được thiện cảm và lòng tin của đối phương.
Bí kíp 3: Bình tĩnh trước mọi tình huống
Giận quá mất khôn là lời răn dạy của ông bà ta truyền qua bao thế hệ con cháu. Mỗi người là một cá thế riêng biệt, khó tránh khỏi cảnh mâu thuẫn, tranh cãi trong những cuộc thảo luận. Tuy nhiên, nếu ai cũng chỉ biết khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình và tỏ thái độ gay gắt thì không những công việc không được giải quyết mà tình cảm cũng bị rạn nứt. Khi đối diện với hoàn cảnh như vậy, người giữ được sự lí trí, không tức giận, bình tĩnh mà chỉ ra những khúc mắc và đưa ra ý kiến giúp ích cho mọi người luôn là những người được nể trọng hơn cả.
Bên cạnh đó, không nên lãng phí thời gian và công sức để tranh cãi với những người không cùng nhân sinh quan và tần số với mình. Nếu ta tin tưởng bản thân làm đúng, hãy bình tĩnh giải thích và cứ làm theo cách ta đã chọn, không cần phải tranh luận với bất kì ai.
Kết: Mong rằng 3 bí kíp tôi vừa chia sẻ sẽ giúp bạn chinh phục kỹ năng giao tiếp, nâng cao giá trị bản thân trong mắt người khác và có thể xây dựng các mối quan hệ chất lượng trong cuộc sống.
* Bài viết của Trương Di chia sẻ tại box Cafe Danner
Đời người là cuộc hành trình vượt qua thử thách, nếu bạn có những tâm đắc về cuộc sống , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận