x

Đăng nhập

Comming soon...

Phim chiếu rạp

Việt

5 phim Việt chiếu Tết Nhâm Dần: Cộng lại mới được trăm tỷ

Thanh Hà 22:35 - 07/02/2022

Theo thống kê mà mình thu lượm được, những năm gần đây các bộ phim ra rạp vào dịp Tết là cơ hội để các nhà sản xuất “hốt bạc”, khi ra mắt đều đạt được những doanh thu ấn tượng. Có thể kể đến như: Siêu Sao Siêu Ngố (109 tỷ) hay năm 2019 có Cua Lại Vợ Bầu xấp xỉ 200 tỷ đồng và Trạng Quỳnh (100 tỷ). Bước sang năm 2020, Gái Già Lắm Chiêu 3 cũng mang về 165 tỷ giúp cho Ninh Dương Lan Ngọc củng cố ngôi vị “ngọc nữ trăm tỷ”. Điều này khiến cho mình hy vọng sau hơn nửa năm “đóng băng” phim chiếu rạp thì phim Việt sẽ ăn nên làm ra dịp Tết Nhâm Dần 2022, giống như Bố Già đã bùng nổ vào tháng 3 năm ngoái, hoặc ít ra cũng bằng chị bằng em của mấy phim Tết trước đây.

Tuy nhiên, thực tế lại khiến mình buồn vì các bộ phim ra rạp mới đều chưa đạt được doanh thu phòng vé hàng trăm tỷ đồng như trước kia. Và với tình hình doanh thu hiện tại 5 bộ phim Việt Nam ra rạp gồm: Chìa Khóa Trăm Tỷ, 1990, Nhà Nhông Bán, Mưu Kế Thượng Lưu và Trạng Tí Phiêu Lưu Ký khó có phim nào đạt được thành tích 100 tỷ đồng/phim như các bộ phim cùng ra mắt vào dịp Tết các năm trước.

Doanh thu phòng vé hiện tại của các bộ phim 

Theo dữ liệu mà mình tham khảo từ Box Office Vietnam, sau 7 ngày chiếu thì tổng doanh thu của 5 phim mới chỉ hơn trăm tỷ một chút. Theo đó thì Chìa Khoá Trăm Tỷ đang đạt doanh thu cao nhất khoảng 47 tỷ đồng. 1990 của đạo diễn Nhất Trung xếp thứ 2 với doanh thu phòng vé xấp xỉ 21,6 tỷ đồng. Theo sau là Nhà Không Bán với 20,3 tỷ đồng.

Bên cạnh những bộ phim kể trên, 2 phim Việt khác ra rạp trong thời điểm Tết năm 2022 này là Mưu Kế Thượng LưuTrạng Tí Phiêu Lưu Ký lại nhận về doanh thu phòng vé với những con số vô cùng ít ỏi. Bộ phim của đạo diễn Trần Bửu Lộc từng được kỳ vọng khác lạ so với dòng phim Tết ra mắt cùng thời điểm chỉ đạt vỏ vẹn gần 900 triệu đồng tiền bán vé. Vị trí áp chót thuộc về Trạng Tí Phiêu Lưu Ký với hơn 3,5 tỷ đồng, dù mong muốn ra rạp trở lại để vớt vát doanh thu nhưng cũng không mấy khả quan. 

Dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng 

Mình đã từng trông đợi việc 5 bộ phim Việt ra rạp đúng vào Tết Nhâm Dần 2022 sẽ giúp cho phòng vé năm nay tưng bừng mở hàng mở bát, nhưng rồi lại không được như thế. Minh nghĩ, do tình hình dịch bệnh một số địa phương ở miền Bắc, đặc biệt Hà Nội vẫn chưa cho phép mở cửa rạp phim là nguyên nhân chính khiến doanh thu phòng vé giảm mạnh trong mùa Tết năm nay. Mình nhẩm tính thì hiện tại các phòng vé trên toàn quốc dù mở cửa nhưng chỉ hoạt động hơn 60%, tác động không nhỏ đến doanh thu cả thị trường phim.

Chưa kể, sau thời gian dài giãn cách xã hội vì Covid-19, dù đã bước sang giai đoạn bình thường mới nhưng vẫn nhiều người ngại tụ tập nơi đông người, lo lắng nhiễm bệnh nên họ bỏ thói quen đi xem phim Tết, thay bằng những cách giải trí khác hoặc đơn giản là… ở nhà xem truyền hình. 

Thậm chí, mình còn thấy một số gia đình có điều kiện còn đầu tư các rạp chiếu phim tại gia, phục vụ xem phim ngay tại nhà với công nghệ vô cùng xịn sò, đẳng cấp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các phim ra rạp không chỉ của các nhà sản xuất trong nước mà cả quốc tế vào dịp Tết Nhâm Dần 2022 tại Việt Nam đều chung số phận, doanh thu phòng vé không được như kỳ vọng. 

Ở một khía cạnh khác, các bộ phim ra rạp dịp Tết Nhâm Dần 2022 hầu như toàn các bộ phim đã được ấn định ra mắt trước thời điểm Tết. Tuy nhiên, vì dịch bệnh nên liên tục bị dời lịch. Điều này cũng khiến tâm lý khán giả bị “nguội lạnh”, hết ngóng trông chờ ngày phim ra rạp, đặc biệt trong thời điểm Tết dịch bệnh vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề. Riêng Nhà Không Bán với Mưu Kế Thượng Lưu thì “mới toanh” nhưng cũng vì quá gấp gáp ra rạp nên khâu truyền thông cũng không được mạnh mẽ và đủ sức ảnh hưởng. Mưu Kế Thượng Lưu lại còn chuyển từ phim chiếu app sang chiếu rạp nên dễ chừng nhiều người không dám tin tưởng… nó sẽ hay.

Nội dung phim chưa đủ hấp dẫn 

Mình cho rằng điều làm nên thành công cho 1 bộ phim chiếu rạp, đạt doanh thu trăm tỷ cần phải hội tụ nhiều yếu tố, trong đó khâu nội kịch bản và kỹ năng diễn xuất của các diễn viên đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhìn chung, chất lượng phim Tết năm nay được đánh giá không vượt trội mặc dù các bộ phim quy tụ dàn diễn viên chính khá nổi tiếng, ngoại trừ tác phẩm điện ảnh Mưu Kế Thượng Lưu là những gương mặt… chiếu mạng / streaming app nhiều hơn là điện ảnh.

Mặc dù Chìa khóa trăm tỷ đang dẫn đầu về đánh giá lẫn số lượng vé bán ra (hơn 600 ngàn vé theo thống kê từ nhà sản xuất vào ngày 7/2), song mình thấy phim chưa có sự bứt phá. Bộ phim này còn khá nhiều lỗ hổng trong kịch bản dù cho remake từ nguyên tác Hàn Quốc vốn đã hay sẵn, nhưng khi “Việt hoá” thì vẫn nhiều lợn cợn lắm. Cặp đôi Thu Trang - Kiều Minh Tuấn diễn xuất sắc nhưng gánh còng lưng vì Jun Vũ - Anh Tú đúng nghĩa… visual cho đẹp chứ diễn thì í ẹ. 

Phim 1990 lại khiến mình thất vọng dữ dội, mặc dù đây là sản phẩm của đạo diễn Nhất Trung từng thực hiện bộ phim đình điện ảnh 200 tỷ - Cua lại vợ bầu. Vậy mà  nội dung lẫn kịch bản 1990 và khả năng diễn xuất của các diễn viên trong phim thực sự chán ngán. Đạo diễn Nhất Trung có vẻ không hợp lắm với kiểu phim thượng lưu nhà giàu, kiểu Gái Già Lắm Chiêu ý. 

Lan Ngọc, Diễm My 9x hay Nhã Phương đều giữ nguyên màu của họ từ xưa tới nay, nếu nói tiến bộ thì mình không thấy rồi đó. Còn 4 nam diễn viên là Quang Tuấn, Mạc Văn Khoa, Hải Nam hay Gin Tuấn Kiệt đều là dạng… có cũng được, không có cũng không sao. Nhất là 2 bạn trẻ Gin với Hải Nam diễn thực sự chán ngán, mình xem mà thấy mệt giùm.

Mình đánh giá Nhà Không Bán lại là “hắc mã” vì bỗng dưng bức phá sau vài ngày đầu tiên. Hồi đầu xem trailer, mình thấy cũng tạm chấp nhận được, đến khi ra rạp xem thì đúng là có nội dung khá tốt đó, lại hợp gu khán giả vì có kinh dị, có hài hước. Nếu như ekip của bộ phim tính toán kỹ hơn, đầu tư thêm thời gian vào phần hậu kỳ, lược bỏ các phần hài hước không cần thiết cũng như chiếu vào thời điểm khác thì mình tin là phim có thể “đút túi” kha khá đấy. Còn về Trạng Tí phiêu lưu ký là phim cũ đã ra mắt trước đó nhưng chiếu không bao lâu thì phải “cất” kho vì dịch, nay được ra rạp thì coi như vớt vát được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Truyền thông phim chưa rầm rộ 

Việc 1 bộ phim có thực sự thành công hay không, vai trò của truyền thông cực kỳ quan trọng. Cùng với việc tổ chức họp báo phim, trả lời phỏng vấn báo chí,... việc các diễn viên và đạo diễn cùng nhau ra rạp giao lưu với khán giả cũng được xem là cách truyền thông hiệu quả, dù cũ nhưng vẫn được nhiều đoàn phim trong nước lẫn quốc tế áp dụng rất thành công. Thậm chí, mình cho đây là cách hữu hiệu nhất trong giai đoạn phim mới bắt đầu chiếu. 

Mình quan sát thấy Chìa Khóa Trăm Tỷ đẩy mạnh hoạt động giao lưu với lịch cinetour của Thu Trang - Kiều Minh Tuấn, trong khi bộ ba mỹ nhân của 1990 là Lan Ngọc, Diễm My 9x với Nhã Phương lại ít xuất hiện giao lưu với khán giả. Mình nghĩ đây cũng phần nào khiến bộ phim của đạo diễn Võ Thanh Hoà “bỏ xa” 1990 xếp hạng ở vị trí thứ 2 doanh thu phòng vé phim Tết Nhâm Dần 2022. Điều này cũng xảy ra tương tự với Mưu Kế Thượng Lưu Trạng Tí khi nhà phát hành cũng hơi lơ là khâu truyền thông với bộ phim. À mà “cô Ba” Ngô Thanh Vân còn chẳng buồn nhắc đến phim mình, có vẻ “đả nữ” đang mê đắm trong tình yêu nên hơi lười chuyện công việc nhỉ? 

Về phía NSX của Nhà Không Bán sau thời gian đầu im hơi lặng tiếng, họp báo cũng chả rần rần gì thì vào dịp Tết, họ đã cho danh hài Việt Hương cùng các diễn viên như Bạch Công Khanh đi cinetour giao lưu ở nhiều tỉnh thành Đông Nam Bộ và miền Tây. Hiệu ứng từ những đợt cinetour này khá cao, mình còn thấy nhiều suất chiếu ở Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang phủ kín khán giả đến tận hàng A và nhờ vậy mà nhanh chóng có doanh thu phòng vé cao trong những ngày gần đây. 

Tạm kết

Mình nghĩ, việc 1 bộ phim thành công, đem lại doanh thu trăm tỷ như kỳ vọng cần phải hội tụ được đủ nhiều yếu tố, đầu tiên phải là chất lượng dựa trên kịch bản, nội dung, diễn xuất của các diễn viên. Thực ra khâu dựng phim, hậu kỳ cũng quan trọng lắm nha, coi phim 1990 mà mình phát bực vì dựng phim quá rời rạc, xem mà khó chịu luôn. 

Kế đến, quá trình truyền thông quảng bá cũng vô cùng cần thiết, và không chỉ nhà sản xuất hay đạo diễn “đơn thương độc mã” làm mà cũng cần các diễn viên phối hợp với nhau. Chứ nếu như mọi người chỉ “hô hào” trên mạng xã hội mà lười tham gia các hoạt động PR thì cũng không đủ lực giúp phim thu hút người xem đâu. Thế nên sau đợt phim Tết 2022 khá là ảm đạm này thì mình mong rằng những bộ phim sau sẽ làm tốt hơn để phục hồi phim chiếu rạp Việt Nam nha.

Bài viết của Thanh Hà trên DienAnh.net

Nếu bạn yêu thích các bộ phim Việt và muốn hóng hớt showbiz thì hãy theo dõi DienAnh.net để cập nhật những bài viết mới nhất và cùng ngồi tám với tui nhé!

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Công tử Bạc Liêu: Hiện tượng sống nửa đầu thế kỉ 20

Nga Cao

Nga Cao

Phim Công Tử Bạc Liêu của đạo diễn Lý Minh Thắng mượn nhân vật có thật để nói về tinh thần và những khát vọng của người Việt cách đây 100 năm.

Ba người phụ nữ trong Cô dâu hào môn: Mỗi cây mỗi hoa, bà nào cũng khổ

Nga Cao

Nga Cao

Ba nhân vật của Lê Giang, NSND Hồng Vân và Thu Trang đều có những góc khuất khó giãi bày trong phim điện ảnh Cô dâu hào môn.

Những bậc phụ huynh hết lòng vì con cái trong phim Cô Dâu Hào Môn

Nga Cao

Nga Cao

Những ông bố, bà mẹ trong phim Cô dâu hào môn sẵn sàng làm mọi thứ để khiến con mình hạnh phúc. Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Lê Giang đã khắc họa thành công.

Chất liệu dân gian trong phim Cám: Đột phá đến từ nhân vật thằng Bờm

Nga Cao

Nga Cao

Phim Cám, dị bản kinh dị của Tấm Cám vận dụng thành công những chất liệu dân gian quen thuộc và gần gũi, nhưng cải biên theo hướng mới mẻ, sáng tạo hơn

Trải nghiệm độc lạ mùa Giáng sinh cùng trò chơi ma sói trong Kẻ Ăn Hồn

Lindo

Lindo

Trò chơi quen thuộc ma sói nay đã được mang lên màn ảnh rộng cùng Kẻ Ăn Hồn. Đừng bỏ qua bộ phim hấp dẫn này nếu bạn cũng là một tín đồ của ma sói.

Yếu tố kinh dị trong Kẻ Ăn Hồn: Đáng sợ và đậm chất phương Đông

Nga Cao

Nga Cao

Bộ phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn sử dụng nhiều chất liệu dân gian để nhấn mạnh đến yếu tố kinh dị - tâm linh, khiến khán giả cảm thấy tương đối hài lòng.