Bỏ ra số tiền khoảng 23 tỷ đồng nhưng Bố Già của Trấn Thành thu về con số hơn 420 tỷ đồng và trở thành tác phẩm có doanh thu nội địa cao nhất mọi thời đại tính đến thời điểm hiện tại. Nhưng tham vọng của nam MC đình đám đâu dừng lại ở đó, anh còn nuôi tham vọng tung hoành phòng vé thế giới, khi phát hành phim tại nhiều bang lớn của Mỹ.
Lần đem chuông đi đánh xứ người này của Trấn Thành thu về con số cũng không hề nhỏ - 820.000 USD (khoảng hơn 18,6 tỷ đồng). Mặc dù được khán giả Việt khen nức nở, nhưng Bố Già lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ giới phê bình Mỹ. Trên trang đánh giá phim Rotten Tomatoes, con cưng của Trấn Thành nhận về 29% Cà Chua Thối.
Nhà phê bình Todd McCarthy của tờ Deadline nhận định: “The only Vietnamese director to ever make much of mark internationally is Tran Anh Hung, who in the 1990s gained an art house reputation with such films as The Scent Of Green Papaya and Cyclo. (Tạm dịch: Đạo diễn Việt Nam duy nhất để lại nhiều dấu ấn trên trường quốc tế là Trần Anh Hùng, người thành danh vào thập niên 1990 với các bộ phim Mùi Đu Đủ Xanh và Xích Lô”).
Lời mở đầu này đã cho thấy nhà phê bình Mỹ tiếp cận Bố Già với một góc nhìn về dòng phim nghệ thuật tham dự liên hoan phim chứ không phải điện ảnh thương mại Việt. Một lăng kính thú vị và tôi cũng đồng ý với quan điểm này của McCarthy khi soi xét một bộ phim dưới góc nhìn nghệ thuật.
Trong cả bộ phim, nếu các mảng miếng hài (vốn là sở trường của Trấn Thành) và âm nhạc được khán giả Việt khen ngợi hết lời thì McCarthy lại đánh giá vô cùng thấp. Ông cho rằng chất hài của phim chỉ là những màn sitcom liên tiếp với những trò đùa ngớ ngẩn.
Cảnh quay 1 tỷ đồng one-shot khiến Trấn Thành vô cùng tự hào ở phần mở đầu bị nhà phê bình chê là gương gạo, chớp lấy các hành động của nhân vật một cách thô thiển nhất. Những cảnh cãi vã, gây gổ trong con hẻm nhỏ được phụ hoạ bởi nền nhạc gây cười nhưng theo các thao túng cảm xúc một cách thảm hại.
Hay như tờ South China Morning Post, tác giả James Marsh có bài review với tiêu đề: Dad, I’m Sorry movie review: sitcom-style melodrama that topped the box office in Vietnam is an anarchic and overblown celebration of family dynamics (Tạm dich: Bố Già review: Bộ phim tâm lý tình cảm kiểu sitcom đứng đầu phòng vé tại Việt Nam hỗn loạn và phóng đại quá mức về động lực gia đình.)
>>> Xem thêm: Giải mã câu chuyện nhà ảo thuật khó hiểu nhất Chuyện Ma Gần Nhà
Tác giả Mark Keizer viết trên Variety: “For Americans, the major disappointment in “Dad, I’m Sorry” is that the soap opera-level plot machinations, wild tonal shifts and ceaseless bickering deny foreigners a proper introduction to the life of a contemporary working-class Vietnamese family” (Tạm dịch: Đối với người Mỹ, nỗi thất vọng lớn nhất ở Bố Già là tình tiết cốt truyện ở tầm phim truyền hình, sự thay đổi giai điệu hoang dã và những cuộc cãi vã không ngừng khiến người nước ngoài không được giới thiệu về cuộc sống gia đình thuộc tầng lớp lao động tại Việt Nam.)
Vậy liệu rằng Bố Già thực sự tệ hay không hợp khẩu vị người Mỹ? Tôi nghĩ rằng câu trả lời là cả 2. Đối với tôi, Bố Già có nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để gặt hái được thành công doanh thu khủng tới vậy. Không chỉ dựa vào danh tiếng vốn có của Trấn Thành, bộ phim còn có bước đệm webdrama hơn 90 triệu views trước đó.
Hơn nữa, thời điểm ra mắt Bố Già, rạp phim mới chỉ hồi sinh sau thời gian dài “đắp chiếu” vì dịch bệnh, thị trường nội địa lại đang trong “cơn khát” phim Việt. Nên con số 400 tỷ đồng doanh thu của Bố Già có thể được giải thích bằng nhiều lý do. Và điều đó không đồng nghĩa với việc chất lượng của phim thực sự tốt.
Đối với tôi, Bố Già chỉ dừng lại ở một bộ phim thương mại giải trí cơ bản, thoả mãn ở thời điểm xem, giống như một món mì ăn liền, đủ no nhưng không ngon. Chính vì tính tức thời ấy mà bộ phim nhanh chóng chìm sâu vào quên lãng của khán giả, bởi nội dung đơn giản, thiếu tính nghệ thuật, không có giá trị về mặt thời gian, chưa kể phim thiếu đi ngôn ngữ điện ảnh.
Nếu nói rằng phim Việt chưa bao giờ là gu của quốc tế thì tôi không nghĩ vậy. Trong mắt của những khán giả bên kia bờ đại dương, Việt Nam là một quốc gia nhỏ bé, từng trải qua 2 trận chiến khốc liệt với 2 cường quốc (về cả điện ảnh) là Mỹ và Pháp. Trong khi họ sở hữu một bề dày về nghệ thuật thứ 7, trở thành cái nôi sản sinh ra biết bao trào lưu, phong cách thì lịch sử điện ảnh Việt Nam vẫn còn rất non trẻ. Tuy nhiên, khán giả lẫn giới phê bình nước ngoài vẫn luôn nhìn vào phim Việt bằng lăng kính tò mò, tìm kiếm sự độc đáo, từ một nền văn hoá vốn xa lạ với họ.
Chẳng nói đâu xa, năm 2019 bộ phim Vợ Ba từng bị khán giả quê cha đất tổ chối bỏ, lại được đón nhận nhiệt tình ở Liên Hoan Phim Toronto. Hay gần hơn, chúng ta có Vị (Taste) của Lê Bảo được nhận giải đặc biệt ban giám khảo hạng mục Encounters của Liên hoan phim Berlin lần thứ 71, nhưng phải từ bỏ quốc tịch để được sống. Rồi xa hơn, chúng ta có Xích Lô cũng từng được Trần Anh Hùng đem đi tung hoành khắp thế giới. Thực tế, khán giả phương Tây luôn tò mò, tìm kiếm “sự thực” về cuộc sống của người Việt và họ sẵn sàng tôn vinh những tác phẩm của chúng ta nếu nó thực sự xuất sắc. Nên lý do Bố Già chưa được giới phê bình mở lòng đón nhận chỉ có 1 và 1 mà thôi, là tác phẩm này chưa đủ tầm.
>>> Xem thêm: Bảo Anh - Minh Tú diễn xuất trái ngược trong lần đầu đóng phim
Khi mà điện ảnh Mỹ đã có quá nhiều “món ngon”, tác phẩm hay, phim đủ mọi thể loại họ chẳng thiếu. Nên để chinh phục khán giả nước ngoài, phim Việt trước hết cần một tầm nhìn nếu không đủ rộng, đủ xa thì phải đủ sâu. Và như tôi đã nhắc đi nhắc lại, đạo diễn Việt xin hãy chăm chút cho kịch bản, nền điện ảnh nước nhà vẫn luôn khao khát một kịch bản gốc, một ý tưởng nguyên bản. Dù hình ảnh, âm thanh, diễn xuất có tốt đến đâu mà một kịch bản không thể chấp nhận được thì tác phẩm chắc chắn sẽ bị đào thải ra khỏi thị trường.
Bài viết được Hoa Le gửi về cho DienAnh.net
Theo dõi DienAnh.net để cập nhật tin tức phim ảnh mới và chính xác nhất.
Facebook - bình luận