x

Đăng nhập

Comming soon...

Phim chiếu rạp

Việt

Chất liệu tâm linh đa dạng trong Duyên Ma: Từ ma da đến cúng cô hồn

Lọ Lem 16:00 - 18/08/2022

Câu chuyện tình người duyên ma vốn dĩ không mới nhưng mình thấy lại chưa được khai thác nhiều ở Việt Nam. Sự xuất hiện của Duyên Ma có thể được xem như một làn gió mới và chứng minh được một điều rằng những chuyện xưa tích cũ của người Việt mình vẫn còn rất nhiều thứ để khai thác. Tuy nhiên, theo như cá nhân mình đánh giá, những chất liệu dân gian trong Duyên Ma chỉ mới dừng lại ở mức giới thiệu câu chuyện vì cách khai thác chưa đủ sâu.

Duyên Ma có đề cập đến những điều cấm kỵ và những lý giải về thế giới người âm nhưng nó chỉ đơn thuần được nhắc qua một cách lớt phớt. Cùng mình điểm qua một số chất liệu dân gian được sử dụng trong Duyên Ma nhé!

Ma da kéo giò

Theo như mình tìm hiểu, ma da là một cái tên ông bà ta thường dùng để chỉ những linh hồn ra đi ở nơi có nước. Cũng chính vì quanh năm suốt tháng bị vùi dưới đáy sông nên họ luôn tìm cách “kéo giò” những người lọt vô mắt xanh của mình khi đi ngang qua đó. 

Ma da làm vậy là bởi vì truyền thuyết kể rằng, khi tìm được người thay thế vị trí của mình, họ sẽ được leo lên bờ và thoát khỏi đáy nước lạnh lẽo. Mình thấy nhiều người còn đồn đoán là ma da còn có thể được giải thoát khi tìm được người thế chỗ. Vậy nên ma da được cho là một trong những truyền thuyết dân gian đáng sợ nhất trước giờ. 

Những người không may bị kéo giò sẽ chìm rất sâu và khó để kiếm được. Thậm chí mình thấy nhiều gia đình còn phải mời thầy cúng hay làm những thủ tục rất phức tạp để “gặp” được người đã khuất.

Mình nhớ có một thời điểm vào khoảng năm 2019, khi bộ phim điện ảnh Bắc Kim Thang ra rạp đã rộ lên câu chuyện dân gian kinh dị về ma da. Bài đồng dao Bắc Kim Thang vốn dĩ thân thuộc với tuổi thơ mỗi người bỗng nhiên trở thành câu chuyện không mấy tích cực. 

Câu hát: “Chú bán dầu qua cầu mà té. Chú bán ếch ở lại làm chi. Con le le đánh trống thổi kèn. Con bìm bịp thổi tò tí te tò te” như bị biến chất trở thành một phiên bản ma mị hơn. Nội dung của bài đồng dao này chính là một hôm, chú bán ếch thấy con le le và con bìm bịp bị mắc kẹt trong bẫy nên đã giải thoát cho chúng. Để đền ơn chú bán ếch, le le và bìm bịp đã báo tin cho anh rằng ma da dưới sông đang âm mưu kéo giò anh và anh bán dầu.

Anh bán ếch lập tức báo cho anh bán dầu nghe nhưng anh ấy lại không tin. Sau đó, anh bán ếch rủ anh bán dầu nhậu và chuốc say để anh không thể qua cầu khi trời rạng sáng. Không ngờ, anh bán dầu vẫn cố chấp đi qua và gặp bi kịch. Xót thương cho bạn mình, anh bán ếch đã làm ma chay còn le le và bìm bịp thì “đánh trống, thổi kèn” để tiễn đưa.

Có thể thấy, chỉ với câu chuyện về ma da thôi đã có rất nhiều dị bản và mình tin là chất liệu này vẫn còn đủ sức hấp dẫn với khán giả Việt Nam nếu biết cách khai thác. Tuy nhiên, Duyên Ma lại đem đến cho mình một lát cắt chưa đủ hấp dẫn về câu chuyện này. 

Chuyện ma da kéo giò trong Duyên Ma chỉ đơn giản là Ngọc (Ngọc Trinh) chơi nín thở dưới nước cùng đám bạn rồi vô tình bị kéo đến suýt chầu trời. Duyên Ma không hề cho mình biết được người kéo Ngọc là ai, liệu có ẩn khuất gì không hay đơn thuần chỉ là cái cớ để Ngọc trỗi dậy con mắt âm dương.

Sau khi Ngọc “xém” thăng thiên như vậy thì có khả năng nhìn thấy vong. Duyên Ma chỉ cung cấp thông tin cho mình đến đó chứ không giải thích gì thêm. Mình hiểu một phần là do điều này cũng chỉ được dân gian truyền miệng, chưa có lý giải cụ thể nhưng việc chỉ đưa ra sự việc rồi thôi đã làm cho chi tiết này trở nên thiếu tính thuyết phục với mình.

Cúng cô hồn và đốt giấy tiền

Tục cúng cô hồn của người Việt, theo như mình tìm hiểu chính là một hình thức thể hiện sự từ bi với những người cõi âm. Theo dân gian, vào ngày Rằm tháng 7, Quỷ môn quan sẽ “mở cửa” để những vong hồn còn luẩn quẩn lên trần gian hưởng lộc mà gia đình, người thân đốt xuống. 

Tập tục này được nhắc đến trong Duyên Ma, cá nhân mình cảm thấy cũng chỉ cung cấp lượng thông tin vừa đủ, như một cách tái hiện lại những gì diễn ra thường ngày.

Bên cạnh đó, Duyên Ma cho mình thấy được cách mà Ngọc cúng kiến, đốt giấy tiền. Tuy nhiên, mình thấy có một chỗ Duyên Ma đã làm tốt được đó là có nhắc đến một điều mà ít người để ý. Đó chính là nếu cúng sai ngày và không khấn vái tên tuổi, ngày ra đi thì người âm sẽ không thể nhận được phần lễ vật mà người nhà đốt xuống. Đốt qua loa, đại khái, thiếu tính chính xác thì khi xuống dưới không có gì để xác nhận, những linh hồn hiền lành sẽ không tranh giành lại những linh hồn khác.

Những lưu ý với “ma mới”

Những lưu ý này gắn liền với câu chuyện của nhân vật Minh (Kiều Minh Tuấn). Khi mới “đăng xuất”, thần thức của linh hồn còn yếu nên phải kiêng kị nhiều điều. Những điều này được nhân vật Ngọc nói với Minh, ví dụ như chỉ nên ở trong nhà, không nên đi đâu xa, không nên ra nắng, nếu muốn đi đâu nên đợi tầm chiều, khi hoàng hôn xuống hẳn đi. 

Thế nhưng những lưu ý này cũng chỉ được nhắc đến qua loa chứ chưa có câu nào giải thích lý do tại sao phải như vậy. Mình hiểu được là những gì truyền miệng thì không thể tìm được điều gì chính xác hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu như Duyên Ma có thể đem đến một cách giải thích để cung cấp thông tin có giá trị thì mình nghĩ sẽ dễ thấm sâu vào tâm trí người xem hơn. 

>>> Xem thêm: Nhập Hồn: Đi vào khuôn mẫu cũ kỹ nhàm chán, tất cả đều là trò lừa lọc

Vong uất hận sẽ mạnh hơn

Trong Duyên Ma, mình thấy có sự phân tầng sức mạnh rõ rệt. Mặc dù cùng là ma như nhau nhưng Bạch Cát (Quỳnh Anh) trông có vẻ đáng sợ hơn hẳn so với “tam ca ba con ma” do nghệ sĩ Phi Phụng, Hải Triều, La Thành đóng.

Mình nghĩ lý do một phần là do Bạch Cát tự rời bỏ cuộc sống và lúc ra đi vẫn ôm nhiều uất ức. Cũng chính vì còn quá nhiều chấp niệm nên Bạch Cát không thể về cửu tuyền mà cứ lẩn quẩn ở nơi từng gieo mình. Cô vẫn nuôi hy vọng tìm được ý trung nhân đích thực và đáp trả những ai xen vào. 

Mình thấy Bạch Cát dễ bị “hắc hóa” hơn các vong bình thường khác. Bạch Cát cũng thường hay biến thành phiên bản đen tối để dọa Ngọc.

Sống chung với người âm sẽ bị kéo theo

Việc cô Quỳnh (Lê Lộc) nói chuyện với Ngọc (Ngọc Trinh) về việc sống chung với người âm sẽ dễ bị kéo theo đã khiến câu chuyện trong Duyên Ma đảo hướng hoàn toàn. Mình thấy nó như một cú huých để Minh (Kiều Minh Tuấn) nhận ra vấn đề, quyết tâm rời bỏ Ngọc để đảm bảo an toàn cho cô. 

Tuy nhiên, trên thực tế mình lại thấy có rất nhiều vấn đề cần được làm rõ ở đây. Đúng thật là Duyên Ma đã cung cấp cho mình thêm thông tin là sống chung với người âm sẽ bị kéo theo nhưng mình lại nghi ngờ về tính chính xác của điều này. 

>>> Xem thêm: Hạ Cánh Khẩn Cấp: Mang hơi thở thời đại, đề cao yếu tố con người

Trong dân gian cũng có lan truyền về ý này nhưng theo như mình tìm hiểu cũng tùy trường hợp chứ không phải lúc nào cũng vậy. Cũng tùy vào có hợp vía hay không hoặc là bản thân hồn ma đó có ý xấu với người dương hay không nữa. Không phải hồn ma nào cũng hại người và muốn kéo người đó theo. Thậm chí, còn có những hồn ma ở cạnh để phù hộ cho người sống giống như việc hồn ma La Thành và Hải Triều thủ vai đứng ngoắc khách cho Quỳnh (Lê Lộc) bán hủ tiếu. 

Nhìn chung, cá nhân mình thấy chất liệu dân gian trong Duyên Ma có điểm cộng nhưng cũng cũng có điểm trừ gây tiếc nuối. Điểm cộng chính là những chất liệu này khiến cho câu chuyện mang màu sắc liêu trai và tạo nên một thế giới tâm linh huyền ảo cho bộ phim. Còn điểm trừ chính là cách khai thác những chất liệu này còn hời hợt, thiếu chiều sâu và thiếu sự nghiên cứu, đầu tư kỹ lưỡng để tạo nên một sản phẩm chất lượng. 

* Bài viết của Lọ Lem chia sẻ tại box Phim Việt Nam

Nếu bạn quan tâm đến tin tức mới nhất về những bộ phim sắp chiếu , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.

Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Duyên Ma? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Công tử Bạc Liêu: Hiện tượng sống nửa đầu thế kỉ 20

Phim Công Tử Bạc Liêu của đạo diễn Lý Minh Thắng mượn nhân vật có thật để nói về tinh thần và những khát vọng của người Việt cách đây 100 năm.

Ba người phụ nữ trong Cô dâu hào môn: Mỗi cây mỗi hoa, bà nào cũng khổ

Ba nhân vật của Lê Giang, NSND Hồng Vân và Thu Trang đều có những góc khuất khó giãi bày trong phim điện ảnh Cô dâu hào môn.

Những bậc phụ huynh hết lòng vì con cái trong phim Cô Dâu Hào Môn

Những ông bố, bà mẹ trong phim Cô dâu hào môn sẵn sàng làm mọi thứ để khiến con mình hạnh phúc. Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Lê Giang đã khắc họa thành công.

Chất liệu dân gian trong phim Cám: Đột phá đến từ nhân vật thằng Bờm

Phim Cám, dị bản kinh dị của Tấm Cám vận dụng thành công những chất liệu dân gian quen thuộc và gần gũi, nhưng cải biên theo hướng mới mẻ, sáng tạo hơn

Trải nghiệm độc lạ mùa Giáng sinh cùng trò chơi ma sói trong Kẻ Ăn Hồn

Trò chơi quen thuộc ma sói nay đã được mang lên màn ảnh rộng cùng Kẻ Ăn Hồn. Đừng bỏ qua bộ phim hấp dẫn này nếu bạn cũng là một tín đồ của ma sói.

Yếu tố kinh dị trong Kẻ Ăn Hồn: Đáng sợ và đậm chất phương Đông

Bộ phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn sử dụng nhiều chất liệu dân gian để nhấn mạnh đến yếu tố kinh dị - tâm linh, khiến khán giả cảm thấy tương đối hài lòng.