x

Đăng nhập

Comming soon...

Review phim

Hàn

Decision To Leave: Tuyệt tác trinh thám lãng mạn nhất tôi từng xem

Hoa Le 15:35 - 15/07/2022

Bước ra khỏi rạp, kết thúc hành trình phá án cùng với thám tử Hae-joon (Park Hae-il), nhưng tâm trí tôi vẫn lửng lơ, quẩn quanh những suy tư không hồi kết về Seo-rae (Thang Duy), về một mảnh tình đã tan biến theo sóng biển. Và đó chính là Decision To Leave, câu chuyện tình lãng mạn, tinh tế mới nhất được kể dưới đôi bàn tay tài hoa của đạo diễn Park Chan-wook. 

Decision To Leave (Quyết Tâm Chia Tay) dẫn chúng ta theo chân Hae-joon, một viên thám tử điển trai, lãnh đạm, yêu nghề và có cuộc hôn nhân êm đềm với người vợ là một nhà khoa học làm việc ở thị trấn Ipo, cách nơi chồng làm việc khoảng vài giờ đồng hồ. Họ duy trì tình trạng hôn nhân như vậy suốt nhiều năm, chỉ gặp nhau vào cuối tuần bởi ai cũng muốn được cuốn theo đam mê công việc của chính mình. 

Một ngày nọ, Hae-joon được đảm nhận vụ án của một người đàn ông trung niên qua đời khi rơi từ trên vách núi xuống. Mọi sự nghi ngờ đổ dồn về phía Seo-rae - cô vợ trẻ xinh đẹp của người đàn ông xấu số, cô ta là người Trung Quốc và nhập cảnh trái phép vào đất Hàn. 

Như một thói quen đã trở thành phong cách phá án của Hae-joon, anh từ từ chậm rãi tiếp cận, theo dõi người góa phụ trẻ tuổi này. Anh tiếp tục dõi theo cô từ bên ngoài căn hộ vào ban đêm ngay cả khi bằng chứng ngoại phạm quá đủ để thuyết phục viên thám tử về sự vô tội của người phụ nữ ngoại quốc này. Nhưng anh làm vậy vì lý do duy nhất là căn bệnh mất ngủ vô phương cứu chữa. Song cũng chính điều đó đã vô tình làm Hae-joon lún sâu vào lưới tình của Seo-rae từ lúc nào không hay.

Vốn dĩ đây là một tác phẩm chính kịch, lãng mạn, có chút melodrama đặc trưng của phim Hàn và yếu tố bí ẩn, nên tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng về tính chất hành động, phá án của bộ phim. Và quả thực đúng như vậy, hành trình điều tra của Hae-joon và cộng sự không giống như một bộ phim tội phạm thông thường. 

Có những phân cảnh, người xem được theo chân nam chính lần theo từng manh mối, song hành trình phá án này lại diễn ra rất nhanh chóng, chứ không chậm rãi, lần theo từng dấu vết như những tác phẩm trinh thám (tôi lấy ví dụ như Se7en của David Fincher hay Oldboy của Park Chan-wook). Hay có cả những phân cảnh với những cú zoom shot tạo cho tôi cảm giác như đang theo dõi một bộ phim tài liệu thuật lại một cuộc điều tra với góc nhìn thứ ba khách quan. 

Decision To Leave không giống với những bộ phim trước đây của đạo diễn Park Chan-wook, chẳng nhiều pha hành động giật gân, ám ảnh, lăn giường táo bạo như Oldboy, không có những hình ảnh rùng rợn như Sympathy Of Lady Vengeance, Sympathy For Mr. Vengeance, càng không có những cú plot twist muốn xoắn não giống The Handmaiden. 

Hoá ra, vị đạo diễn này chỉ mượn những vụ án để làm cái cớ kể về mối tình éo le, lạ lẫm của Hae-joon và Seo-rae mà thôi. Khoảng phân nửa nội dung phim xoay quanh câu chuyện phá án và trở thành lớp nền giúp hình thành chuyện tình của cặp đôi chính. 

>>> Xem thêm: Quyết Tâm Chia Tay: Phim kịch tính, bí ẩn về chuyện tình "lạ"

Song, đối với tôi, đây là một tình yêu đáng để kể và suy ngẫm. Cách mà họ phải lòng nhau được diễn tả hết sức tinh tế, khiến tôi phải bất giác mỉm cười trước sự duyên dáng ấy. Ngay từ những giây phút đầu gặp mặt, Hae-joon và Seo-rae đã trao cho đối phương một ánh mắt hết sức dịu dàng. Anh ân cần, nhẹ nhàng mời cô một suất ăn sushi cao cấp ngay cả khi đó là nghi phạm của vụ án. 

Điều này làm tôi tự hỏi, liệu sự theo dõi Seo-rae trong căn hộ suốt nhiều đêm là vì thói quen, vì muốn phá án hay đơn giản đó là cách Hae-joon muốn được nhìn thấy người phụ nữ mình thầm thương? Có phải bởi vậy mà anh dễ dàng tưởng tượng bản thân đang thâm nhập vào đời sống của nữ goá phụ, nhìn ngắm rồi quan tâm cô?

Tinh tế chẳng kém Hae-joon, Seo-rae tuy là người bị theo dõi nhưng lại chủ động tạo ra vô số cơ hội để được ở gần vị thám tử. Trong bữa ăn đầu tiên của họ tại đồn, họ phối hợp cùng nhau dọn bàn, không một động tác thừa, cứ nhịp nhàng như thể đã sống cùng hoặc biết đối phương từ rất lâu. Một người thích đi theo dõi, một kẻ muốn có ai dõi theo mình 24/7, cứ thế họ trở thành những mảnh ghép lập dị dành cho nhau. 

Cho đến tận sau này, khi gặp lại, trong khi người vợ loay hoay không biết Hae-joon để khăn giấy ở túi áo nào, thì Seo-rae vẫn nhớ như in. Cô thuộc từng thứ của anh, 12 chiếc túi áo vest, 6 chiếc túi quần, đâu là chỗ để kem tay, đâu là vị trí của son dưỡng, khăn giấy, cô đều ghi nhớ và lấy chúng dễ dàng mà chẳng cần suy nghĩ.

Thế nhưng, khi Seo-rae chạm vào sự kiêu hãnh và nhân phẩm của Hae-joon, khiến niềm tin của anh như vỡ vụn, thì đó cũng là lúc chuyện tình của họ đã định sẵn một cái kết đầy đau thương. Cùng với ánh mặt trời, Seo-rae tan biến trong những gợn sóng và bọt biển lăn tăn, để lại một vụ án không bao giờ có lời giải dành cho Hae-joon. 

“Phút giây anh nói anh yêu em, tình yêu nơi anh đã tan biến. Phút giây tình yêu nơi anh tan biến, tình yêu nơi em lại bắt đầu”, Seo-rae dành lời cuối cho Hae-joon trước khi tự biến mình thành một ẩn số. Thổ lộ như vậy, nhưng thực chất suốt thời lượng 2 giờ 18 phút của bộ phim, chẳng có một câu lãng mạn như vậy cả. Không có lời “Anh yêu em” nào được thốt ra, nhưng sâu thẳm bên trong Seo-rae và Hae-joon, họ hiểu rằng mình đã yêu đối phương rất nhiều, chỉ tiếc rằng họ lại rơi vào tình ái khi con tim không chung nhịp đập.

Không chỉ có một kịch bản ấn tượng, mà Decision To Leave còn có phần âm thanh và hình ảnh không thể chê vào đâu được. Góc quay độc đáo, được đặt ở mọi nhân vật, thậm chí là thông qua con mắt của người đã mất, khiến tôi có chút rùng mình. Khung hình lúc có khi kéo ra xa tạo cảm giác mênh mông, vô định nhưng lúc lại kéo gần lại, ép nhân vật vào trong một không gian ngột ngạt, chật hẹp, bức bối. 

Màu xanh lá và xanh dương liên tục trở đi trở lại trong phim, trên trang phục của Seo-rae và cả bức tranh treo trong nhà cô. Quả thực, thật khó để tôi phân biệt được bức hoạ ấy đang vẽ những con sóng xô vào nhau hay những ngọn núi trùng điệp. Hay khi gặp nữ chính trở về, Hae-joon nói áo của Seo-rae màu xanh lá còn vợ anh lại nói là xanh dương. Bởi rõ ràng nam chính là người thích núi, còn bà xã anh lại mê biển. Mà như cách Seo-rae nói: Người trí tuệ thích nước, người nhân từ thích núi. 

Âm nhạc góp một phần quan trọng tạo nên cảm xúc của phim. Đối với tôi, một bộ phim có hay không nhất thiết phải có quá nhiều âm thanh, lại càng không nên nhét một bản nhạc vào chỉ để nhắc khán giả đây là đoạn gay cấn, khúc này bi ai, khúc kia vui vẻ. 

Trong Decision To Leave, âm nhạc trở thành yếu tố bổ trợ, khơi gợi những cảm xúc và sự kịch tính cho từng phân cảnh, nó xuất hiện đúng và đủ. Ca khúc chủ đề The Mist không chỉ có phần giai điệu sâu lắng mà phần lời cũng day dứt về mối tình buồn, không hồi kết. Nhà soạn nhạc Jo Yeong-wook tiếp tục đồng hành cùng Park Chan-wook để tạo nên những giai điệu từ dàn nhạc giao hưởng, nổi bật nhất là tiếng violin như bóp nghẹt từng hơi thở và trái tim người xem mỗi phân cảnh gay cấn.

Về phần diễn xuất, tôi phải dành lời khen đặc biệt cho Thang Duy. Nhân vật của cô đặc biệt thú vị, ẩn chứa sự tinh nghịch, thông minh nhưng cũng đôi chút lập dị và cuốn hút. Không cần phải diện những bộ cánh phô diễn hình thể, cũng không cần nói lời đường mật khơi gợi, Seo-rae cũng cho thấy được tình cảm, sự ham muốn chất chứa của bản thân thông qua ánh nhìn đầy khao khát. 

 >>> Xem thêm: Người Môi Giới: Phim tựa dòng suối mát lành xoa dịu mọi tâm hồn

Chưa bao giờ Park Chan-wook khiến tôi cảm thấy thất vọng, bởi sau hàng loạt tuyệt tác thì Decision To Leave xứng đáng được xếp vào hàng ngũ những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh xứ sở kim chi. Từ hình ảnh, âm thanh, cho đến kịch bản đều được thực hiện chỉn chu, đưa người xem trải qua từng cung bậc cảm xúc của một hành trình trinh thám lẫn tình yêu. 

Mặc dù là một tác phẩm tranh giải tại một liên hoan phim đầy tính hàn lâm như Cannes nhưng Decision To Leave vẫn dung hoà được yếu tố nghệ thuật và giải trí và không hề khó hiểu hay đánh đố người xem. Nên chắc chắn, tôi sẽ quay trở lại rạp để thưởng thức bộ phim này một lần nữa.

* Bài viết của Hoa Le chia sẻ tại box Mọt phim Review

Nếu bạn yêu thích các Decision To Leave và các bộ phim của Park Chan-wook, hoặc đang tìm kiếm một tuyệt phẩm để thưởng thức , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.

Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Decision To Leave (Quyết Tâm Chia Tay)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Trẻ trâu không đùa được đâu: Đậm chất rock, tình cảm “gà bông”

Nga Cao

Nga Cao

Trẻ trâu không đùa được đâu là bộ phim Thái Lan xây dựng câu chuyện về thiếu nhi và thanh thiếu niên. Tác phẩm có nhiều điểm đáng nhớ dù tồn tại thiếu sót.

Paris Has Fallen: Bộ phim hành động cực đã, cuốn hút từng tập trên K+

Hải Lệ

Hải Lệ

Lấy bối cảnh Paris, các tập phim Paris Has Fallen trên K+ xoay quanh âm mưu của một kẻ khủng bố cực đoan với kế hoạch đe dọa an ninh quốc gia và chính phủ Pháp.

Công tử Bạc Liêu gần gũi với thế hệ gen Z như thế nào?

Nga Cao

Nga Cao

Phim điện ảnh Công tử Bạc Liêu - Tác phẩm mới của Song Luân hứa hẹn thu hút đối tượng khán giả gen Z vì khắc họa tính cách nam chính Ba Hơn trẻ trung, gần gũi.

Làm Giàu Với Ma: Phim kinh dị còn nhiều thiếu sót của Hoài Linh

Nga Cao

Nga Cao

“Làm giàu với ma" - phim có Tuấn Trần, NSƯT Hoài Linh đóng chính kết hợp phong cách tình cảm - gia đình với kinh dị.

Quỷ Ăn Tạng (Tee Yod): Vẫn giữ được sự rùng rợn của nguyên tác

Nga Cao

Nga Cao

Quỷ Ăn Tạng xứng danh là bộ phim kinh dị "nặng đô" đạt doanh thu cao nhất tại "Xứ Chùa Vàng", phim vẫn giữ được những điều cốt lõi của câu chuyện nguyên tác.

Quỷ Cẩu: Truyền tải được nhiều thông điệp nhưng làm kỹ xảo chưa tốt

Lindo

Lindo

Quỷ Cẩu có nội dung chỉn chu, quy tụ dàn diễn viên thực lực của cả hai miền Nam - Bắc nhưng phần hiệu ưng, kỹ xảo của phim được làm chưa thực sự tốt.