Ngay từ tựa đề của bộ phim, Fast And Feel Love đã khiến mình liên tưởng đến Fast And Furious, một bộ phim nói về tốc độ. Bộ môn thể thao mà nhân vật chính Kao chơi trong phim là xếp ly, muốn chiến thắng cũng nhờ vào tốc độ. Và trong cái tên Fast And Feel Love, tựa việt là Tăng Tốc Về Phía Em cũng đề cập đến tốc độ.
Thế nhưng hầu hết mọi người đều tập trung vào tốc độ xếp ly của Kao, về cuộc đua của Kao trên đường tiến đến giải vô địch thế giới mà không để ý rằng Jay (bạn gái Kao) cũng đang phải chạy đua trên con đường tìm đến hạnh phúc của chính mình.
>>> Xem thêm: Fast And Feel Love: Miếng hài thú vị, tận dụng mọi yếu tố để gây cười
Mình nghĩ một phần là Fast And Feel Love đã làm chưa tốt việc thể hiện chuyển biến tâm lý nhân vật Jay và cuộc đua ngầm mà cô đang “tăng tốc” nên phần này khá mờ nhạt. Tuy nhiên, qua một vài phân cảnh trong phim mình cũng phần nào hiểu được nỗi khổ tâm mà Jay đã và đang phải chịu đựng.
Cả hai nhân vật chính Kao và Jay đều phải chạy thật nhanh để kịp đạt được điều mình mong ước. Mình thấy nó mang tính khái quát cao, và chắc hẳn đâu đó trong mỗi người chúng ta cũng đang chạy trên một cuộc đua ngầm như vậy. Trong bài viết này mình sẽ đi sâu hơn về cuộc đua ngầm của nhân vật chính Kao và Jay nha.
Kao
Fast And Feel Love mở đầu bằng một phân cảnh quen thuộc là cô giáo ngồi nói chuyện với từng học sinh về định hướng tương lai. Mình thấy trong đám học sinh đó có người đã định hướng được con đường cho bản thân mình nhưng có người thì không. Dù cho thế nào thì cô giáo cũng bác bỏ ước mơ và cho rằng những thứ mà đám học sinh đang theo đuổi là vô bổ, không có tương lai.
Đến Kao thì cô giáo lại nói Kao chính là người không có tương lai nhất. Điều này đã vô tình tác động tiêu cực vào suy nghĩ của Kao. Thay vì từ bỏ thì Kao càng tăng tốc một cách chóng mặt hơn để chứng minh lời cô giáo là sai.
Rất may là Kao hành động theo hướng đó chứ mình nghĩ với những nhãn dán mà cô giáo ám thị vào đám học sinh thì nhiều người sẽ trở nên hoài nghi vào con đường của chính mình, có thể ngày càng trở nên mông lung, vô định và cảm thấy mình vô dụng hơn. Mình thấy đó cũng là một dạng của hành vi thao túng tâm lý.
Mặc dù bây giờ thời buổi tân tiến, hiện đại, thế hệ giảng viên cũng bắt đầu tư duy thoáng hơn nhưng vẫn còn xuất hiện nhiều người như cô giáo trong Fast And Feel Love. Mình nghĩ bộ phim cũng phần nào lên án vấn nạn này và con đường mà Kao lựa chọn cũng như những gì mà cuối cùng anh đạt được cũng đã phần nào đưa đến thông điệp hãy tin vào năng lực của chính mình.
Kao gặp Jay, Jay đã nói với Kao là: “Nếu chúng ta yêu thích điều chúng ta làm, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc.” Thật ra câu thoại và cả thông điệp này thì nó không mới với mình nhưng nó được thốt ra trong một bối cảnh rất phù hợp nên mình cảm thấy nó nhẹ nhàng, dễ chịu và dễ thấm hơn. Chắc cũng chính vì vậy mà Kao đã có thêm động lực để theo đuổi con đường này đến cùng.
Jay
Mình nghĩ là sẽ rất nhiều người thấy được bản thân mình ở Jay. Jay là một cô gái bình thường, không có ước mơ gì cao xa, không biết điểm mạnh của mình là gì và có phần hơi tự ti về bản thân mình.
Jay gặp Kao, Kao đã nói với Jay là: “Khả năng đặc biệt của cậu là sự tốt bụng.” Từ đó, Jay trở nên vui vẻ, yêu đời và biết nhìn nhận về bản thân hơn mặc dù mình thấy là cô vẫn còn tự ti.
Cho đến khoảng thời gian sau, khi đã quen với công việc của một bà nội trợ, bắt đầu cảm thấy thích thú với những món đồ chơi trẻ con và gặp lại một người bạn của mình, Jay mới dần nhận ra khao khát thật sự của cô là làm mẹ đám trẻ.
Ước mơ của Jay là được trở thành một người mẹ. Có lẽ với nhiều người thì ước mơ đó thật tầm thường và cô gái nào cũng có thể làm được điều đó nhưng mình thấy đúng là ai cũng làm được nhưng không phải ai cũng có thể làm tốt. Hơn nữa, ước mơ nào cũng xứng đáng được tôn trọng.
Mỗi người đều được sinh ra với một sứ mệnh riêng, có thể sứ mệnh của Jay là trở thành một người mẹ tốt. Nhưng thực tế thì việc đó không hề dễ dàng với cô khi cô sống với một người như Kao.
>>> Xem thêm: Fast And Feel Love: Kịch tính, gợi nhớ Fast And Furious
Jay phải đối diện với việc mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây trôi qua số trứng sẽ rụng và cô lại mất đi một ít cơ hội làm mẹ. Mình thấy cảnh quay vào chiếc đồng hồ thể hiện sự hồi hộp của Jay khi mỗi khắc trôi qua rất hay nhưng mà tiếc là chỉ có cảnh đó thể hiện rõ về cuộc đua ngầm của Jay thôi.
Tình yêu và tình cảnh của Jay và Kao làm mình nhớ đến mối tình giữa Choi Taek và Duk Sun trong Reply 1988. Choi Taek là một tuyển thủ cờ vua, Duk Sun sau này là một cô tiếp viên hàng không. Tuyển thủ thì lúc nào cũng phải tập trung tập luyện và thi đấu nên trong mối quan hệ đó Duk Sun cũng phải chịu nhiều thiệt thòi như Jay phải chịu với Kao.
Kao và Jay yêu nhau nhưng cuối cùng lại không đến được với nhau. Thật ra kết cục không rõ ràng lắm, với mình nó là một sự bỏ ngỏ hơn. Mỗi người có một con đường riêng, một sự lựa chọn riêng và một đích đến riêng cho cuộc đời.
Mỗi người cũng có một cuộc đua ngầm, bề ngoài có lẽ mình sẽ không thấy được điều đó, như Kao không biết được Jay đang phải đấu tranh như thế nào. Vậy nên, mình nghĩ cách tốt nhất là cứ để mọi thứ thuận theo tự nhiên và cố gắng tăng tốc thật nhanh để về đích.
Bài viết được Lọ Lem gửi về cho DienAnh.net
Cập nhật đầy đủ thông tin về Fast And Feel Love (Tăng Tốc Về Phía Em) tại Thư Viện Phim nhé.
Facebook - bình luận