x

Đăng nhập

Comming soon...

Phim chiếu rạp

Bom tấn

Giải đáp 6 thắc mắc lớn trong Kisaragi Station - Nhà Ga Nuốt Chửng

Lọ Lem 21:00 - 13/09/2022

“Trò chơi sinh tồn” trong Kisaragi Station (Kisaragi: Nhà Ga Nuốt Chửng) gợi nhắc cho mình đến việc dùng thang máy đi đến thế giới song song được lan truyền trên mạng xã hội vào khoảng những năm 2010. Motif giống nhau nhưng Kisaragi: Nhà Ga Nuốt Chửng thì lấy bối cảnh tại một sân ga không tồn tại ở hiện thực. Dĩ nhiên kiểu phim này sẽ có rất nhiều chi tiết cài cắm vào đó. 

Cùng mình tìm hiểu những chi tiết và lý giải cách vận hành của Kisaragi: Nhà Ga Nuốt Chửng nhé!

Đến nhà ga Kisaragi bằng cách nào?

Qua lời kể của Hayama, Tsunematsu đã tìm được cách đi đến thế giới song song “một phát ăn luôn”. Theo như mình thấy, cách thức này cũng khá đơn giản. 

Đầu tiên, cần khởi hành từ trạm Shin Hamamatsu vào lúc 10:30 tối. Sau đó bỏ qua đợt xuống trạm đầu tiên (theo như lời kể của Hayama thì do cô ngủ quên nên lỡ chuyến) và bắt tàu đi ngược lại. Tiếp đến lại bỏ qua thêm một chuyến tàu nữa, trở ngược lại Shin Hamamatsu. Cuối cùng, vào đúng 11:40 tối nếu thực hiện đủ các bước trên sẽ có đủ điều kiện đi đến nhà ga Kisaragi. 

Theo mình quan sát, khi đến nhà ga Kisaragi, người thực hiện “lượt chơi” đó sẽ thấy 5 người ngồi sẵn trên toa tàu: một ông nhân viên văn phòng ở độ tuổi trung niên; một nhóm thanh niên gồm 3 người, trong đó có 2 nam, 1 nữ và 1 cô nữ sinh trung học. Đây cũng là những nhân vật thường thấy trong các truyền thuyết đô thị tại Nhật Bản. 

Cách vận hành của nhà ga

Mình thấy những gì xảy ra trong Kisaragi: Nhà Ga Nuốt Chửng như một ván game. Cứ mỗi lần có “người chơi” tham gia vào câu chuyện, nó sẽ được thiết lập lại và những người đợi sẵn trong toa tàu đó sẽ như được xóa ký ức. 

Những diễn biến trong Kisaragi: Nhà Ga Nuốt Chửng khá đơn giản và thuận theo tự nhiên. Phim cũng xây dựng tính cách nhân vật khá rõ ràng và chính những người trong tòa tàu ban đầu sẽ được thay đổi chức năng để gây cản trở cho cuộc tẩu thoát. Mặc dù không có gì bất ngờ nhưng ít ra mình thấy nó hợp lý. 

Nhìn vào các nhân vật trong tòa tàu, mình nghĩ bạn cũng dễ dàng đoán được nhân vật nào sẽ “gây chuyện” trước. Thường thì trong các tình huống nguy hiểm, những cuộc tháo chạy mà có những cô cậu thanh niên thì mình thấy họ sẽ hay xảy ra xích mích và làm mọi chuyện rối tung rối mù lên trước. Trong Kisaragi: Nhà Ga Nuốt Chửng cũng vậy. Hai cậu thanh niên sẽ gây gổ với nhau trước vì mâu thuẫn trong lời nói: một kẻ ghét bị người khác ra lệnh và một kẻ lắm lời. Sau đó, sẽ có một kẻ bị những thứ giống như là mạch máu lan ra khắp người.

Kisaragi: Nhà Ga Nuốt Chửng xây dựng câu chuyện như là một cuộc chạy trốn nên ở mỗi chặng đường, khi đổi bối cảnh sẽ có những “chướng ngại vật” khác nhau. Khi tiếng trống Taiko xuất hiện, những thực thể đã bị biến dạng sẽ xuất hiện và đe dọa những người còn lại. 

Ở trạm đầu tiên - nhà ga sẽ là chuyện một trong hai thanh niên bị biến dạng. Sau đó, đến đường ray sẽ xuất hiện một cụ ông chỉ có một chân, chống gậy và luyên thuyên câu nói: “Dừng lại! Đi dọc đường ray nguy hiểm lắm!” trông rất creepy. 

Vào đến đường hầm Isanuri, Hayama thì gặp lại Shota và thấy những hiện tượng lạ trên tường, còn Tsunematsu lại không. Mình nghĩ có thể do ở đường ray, Tsunematsu đã diệt trừ được hiểm họa rồi nên có thể đi qua hầm cùng đám người còn sống sót một cách an toàn.

Qua khỏi đường hầm, nhóm người này sẽ gặp tiếp một anh tài xế taxi. Với Hayama thì hắn chủ động hỏi cho quá giang, còn Tsunematsu do cứu được nhiều người quá nên bị thiếu một chỗ. Cô đã nhanh chóng “hạ” tên tài xế giả dạng này rồi lên xe khởi hành nhưng cuối cùng cũng gặp chuyện với hắn và phải tiếp tục hy sinh người nhân viên văn phòng. 

Vì đến Tsunematsu, cô đã biết trước chuyện gì sẽ xảy ra qua vài lần kiểm chứng rồi nên sẽ né được những hiểm nguy bất chợt xảy đến. Tsunematsu cũng đã “đổi kịch bản” thành công và cứu được Miki, Daisuke, Asuka vài lần. Tuy nhiên, đến cuối phim, mọi chuyện đâu lại vào đấy. 

Quy luật sinh tồn 

Quy luật sinh tồn trong Kisaragi: Nhà Ga Nuốt Chửng được Shato nói với Tsunematsu trong lần chạm trán ở đường hầm Isanuri. Đó chính là “phải có người hy sinh” thì tiếng kèn Taiko mới chấm dứt và những người bị biến dạng mới biến mất. Chính vì vậy, trong cơn hoảng loạn, Shato mới muốn diệt trừ Hayama. 

Hiểu được quy luật này, Tsunematsu đã có nhiều pha xử lý thông minh và mình phải nói là gọn gàng hơn rất nhiều trong hành trình của cô. Ở đường ray, khi ông lão một giò đang tiến lại gần với vẻ hung hãn, muốn nuốt chửng cả đám người, Tsunematsu đã tận dụng Shato - người đã bị mạch máu lan khắp người ra quăng đến chỗ ông ấy. Sau đó, cả hai người nổ tung và biến mất không để lại chút dấu vết. 

 >>> Xem thêm: Ngược Dòng Thời Gian Để Yêu Anh: Chuyện tình ngọt lịm và thú vị

Thế nhưng, đúng là ở mỗi chặng đường, khi gặp nguy hiểm đều phải có người hy sinh thì những người còn lại mới tiếp tục được. Vậy nên khi qua khỏi đường hầm Isanuri, gặp người giả dạng tài xế, mặc dù có thể đánh ngất anh ấy và chiếm xe nhưng rồi hắn cũng quay lại. Lúc đó, người hy sinh là ông nhân viên văn phòng vì ông đã bị mắc kẹt lại ở vị trí tài xế.  

Người được cứu cuối cùng là ai?

Hayama đã thành công lừa Tsunematsu đến thế giới song song để tham gia vào cuộc trốn chạy đó để giải thoát cho Asuka - cô nữ sinh trung học, học trò của cô. Theo lời kể của Hayama thì mình hiểu là ban đầu, Hayama và Asuka là những người xa lạ, vô tình đi đến nhà ga Kisaragi. Họ cùng nhau trải qua những kiếp nạn nhưng rồi đến cuối cùng, khi đứng trước cánh cửa bí ẩn, Hayama đã bước vào trước và Asuka đã mắc kẹt lại. 

Chính vì trong lúc chạy trốn cùng nhau, Asuka đã nhiều lần cứu Hasumi và nhường cơ hội sống sót cho cô nên Hayama muốn tìm cách đưa cô bé trở về với thực tại. Sau khi trở về với thực tại, Hayama đã viết về nhà ga Kisaragi trên diễn đàn 2chan (Futaba Channel) với mong muốn tìm được ai đó để “thế chỗ” Asuka. Cô sinh viên nghiên cứu văn hóa dân gian Tsunematsu vô tình là người lọt vào bẫy của Hayama. 

Cách trở về thực tại

Theo như mình suy đoán, để thoát khỏi nhà ga Kisaragi và trở về thực tại, chỉ có một cách duy nhất là phải tìm đến được ngôi nhà và đi vào cánh cửa phát sáng ngay bên cạnh. Thế nhưng điều quan trọng là chỉ có người đầu tiên và duy nhất bước vào cánh cửa đó mới có thể trở về. Những người còn lại sẽ tiếp tục mắc kẹt lại ở thế giới kỳ lạ và đáng sợ đó. 

Qua lời kể, Hayama đã nói dối Tsunematsu rằng năm đó, cô đã nhường cho Asuka bước vào cánh cửa trước và cô bé đã bị nổ tung, sau đó cô mới được trở về với thực tại. Vậy nên Tsunematsu đã làm theo và dụ Asuka vào cánh cửa trước. Không ngờ thực tế người bước vào cánh cửa mới là người được trở về với thực tại.  

Kết cấu vòng lặp ở nhà ga Kisaragi

Cũng như những truyền thuyết đô thị khác ở khắp nơi trên thế giới, mình thấy nó sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Nó như một bộ game chiến thuật được thiết lập sẵn và cứ mỗi khi có người chơi mới, mọi thứ sẽ được làm lại từ đầu. Thế nhưng vì là game sinh tồn nên sẽ khốc liệt ở chỗ mỗi ván sẽ chỉ có một người duy nhất sống sót trở về với thực tại. 

Cuối phim, mình hiểu ra rằng mọi thứ đều nằm trong toan tính của Hayama và cô đã bẫy Tsunematsu làm vật thế thân để Asuka trở về thực tại. Đó cũng là cách để Hayama kiểm chứng cho quy luật vận hành của nhà ga Kisaragi và viết tiếp đoạn kết cho câu chuyện của mình. 

Sau khi câu chuyện về nhà ga Kisaragi được lan truyền rộng rãi, các cô nữ sinh khác, trong đó có cháu gái của Hayama đã rất thích thú và muốn thử. Cháu gái của Hayama đã thử và đi đến được nhà ga Kisaragi. Mình thấy câu chuyện trong Kisaragi: Nhà Ga Nuốt Chửng dừng lại ở đó cũng phần nào chứng minh rằng đó là kết cấu vòng lặp và người mới sẽ dần “thế chỗ” người cũ bằng một cách nào đó.

Câu chuyện đi thang máy vào thế giới song song

Trong lúc Hayama kể cho Tsunematsu nghe về câu chuyện ở nhà ga Kisaragi, Tsunematsu liền liên tưởng đến việc đi đến thế giới song song bằng thang máy. Tuy nhiên, mình thấy điều này chỉ được nhắc thoáng qua chứ không đi sâu. Mỗi thứ đều có một nghi thức riêng nhưng xét về bản chất, mình thấy cách thức đi đến thế giới song song bằng thang máy và toa tàu khá giống nhau. Nó cũng chỉ là sự lằn ngoằn trong việc đi lên đi xuống, đi tới đi lui nhưng phải tuân theo những con số nào đó. 

Việc đi đến thế giới song song bằng thang máy trước đó mình cũng có biết qua. Nó bắt nguồn từ một truyền thuyết đô thị ở Hàn Quốc. Mặc dù chỉ nhắc sơ qua nhưng những gì Tsunematsu đề cập đến cũng khá giống với những gì mình biết trước đó. 

Đầu tiên, bạn phải đi một mình. Sau đó bấm thang máy di chuyển lần lượt đến các tầng: tầng 4 -> tầng 2 -> tầng 6 -> tầng 2 -> tầng 10. Đi đến nhà ga Kisaragi, trên tàu có người khác cũng được nhưng với thang máy, bạn chỉ được đi một mình qua các tầng đó. Sau khi thang máy đưa bạn đến tầng 10, bấm trở lại tầng 5 và đứng đợi.

Một cô gái trẻ sẽ bước vào khi thang máy xuống tầng 5 nhưng bạn không được nói chuyện với cô ta. Đợi cho cô gái yên vị trong thang máy rồi bấm số 1. Đến lúc này nếu bạn “rén” quá thì có thể hủy bỏ nghi lễ bằng cách nhấn đại một nút bất kỳ trừ số 1. 

Còn nếu vẫn tiếp tục, thang máy đưa bạn đến tầng 10 thay vì tầng 1. Sau đó, thang máy đưa sẽ bạn qua tầng 9. Lúc này, bạn có thể hiểu nghi thức đã gần thành công. Khi bước ra sẽ là một thế giới khác, nhưng chuyện gì xảy ra thì mình không chắc vì tam sao thất bản nhiều quá. Cũng có nhiều chia sẻ về câu chuyện này trên mạng, nếu tò mò, bạn có thể tìm hiểu thêm nha. 

Trước đó Việt Nam cũng có làm một bộ phim về “trò chơi thang máy” với cốt truyện tương tự như những gì lan truyền trên mạng có tên là Thang Máy do Yu Dương thủ vai chính. Tuy nhiên, mình thấy bộ phim này vẫn chưa đủ đô với độ kinh dị mà mình được biết qua những câu chuyện. 

>>> Xem thêm: 15 chi tiết vô lý nhưng lại rất thuyết phục trong Môn Phái Võ Mèo

Cách kể chuyện của Kisaragi: Nhà Ga Nuốt Chửng không hay nhưng nó lại gợi nhớ cho mình đến những truyền thuyết đô thị đi đến thế giới song song, điển hình là việc đi bằng thang máy. Thế nhưng mình thấy Kisaragi: Nhà Ga Nuốt Chửng dựng lại vụng về quá. Nhiều khi đọc truyện, đọc những bài chia sẻ của những người có trải nghiệm trước đó còn đáng sợ hơn nhiều.

* Bài viết của Lọ Lem chia sẻ tại box Phim khác

Nếu bạn quan tâm đến tin tức mới nhất về những bộ phim sắp chiếu , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.

Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Kisaragi Station (Kisaragi: Nhà Ga Nuốt Chửng)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Công tử Bạc Liêu: Hiện tượng sống nửa đầu thế kỉ 20

Phim Công Tử Bạc Liêu của đạo diễn Lý Minh Thắng mượn nhân vật có thật để nói về tinh thần và những khát vọng của người Việt cách đây 100 năm.

Ba người phụ nữ trong Cô dâu hào môn: Mỗi cây mỗi hoa, bà nào cũng khổ

Ba nhân vật của Lê Giang, NSND Hồng Vân và Thu Trang đều có những góc khuất khó giãi bày trong phim điện ảnh Cô dâu hào môn.

Những bậc phụ huynh hết lòng vì con cái trong phim Cô Dâu Hào Môn

Những ông bố, bà mẹ trong phim Cô dâu hào môn sẵn sàng làm mọi thứ để khiến con mình hạnh phúc. Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Lê Giang đã khắc họa thành công.

Chất liệu dân gian trong phim Cám: Đột phá đến từ nhân vật thằng Bờm

Phim Cám, dị bản kinh dị của Tấm Cám vận dụng thành công những chất liệu dân gian quen thuộc và gần gũi, nhưng cải biên theo hướng mới mẻ, sáng tạo hơn

Trải nghiệm độc lạ mùa Giáng sinh cùng trò chơi ma sói trong Kẻ Ăn Hồn

Trò chơi quen thuộc ma sói nay đã được mang lên màn ảnh rộng cùng Kẻ Ăn Hồn. Đừng bỏ qua bộ phim hấp dẫn này nếu bạn cũng là một tín đồ của ma sói.

Yếu tố kinh dị trong Kẻ Ăn Hồn: Đáng sợ và đậm chất phương Đông

Bộ phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn sử dụng nhiều chất liệu dân gian để nhấn mạnh đến yếu tố kinh dị - tâm linh, khiến khán giả cảm thấy tương đối hài lòng.