Dù thời buổi hiện nay chúng ta không còn phải đối diện với quá nhiều thiên tai, thảm họa nữa nhưng mình thấy những bộ phim khai thác đề tài này vẫn luôn tạo được sức hút mạnh mẽ với khán giả. Những bộ phim đề tài thảm họa cũng có đa dạng chủ đề khác nhau, trong bài viết này mình sẽ đề cập đến sự cố về máy bay vì sắp tới đây có một bộ phim ra mắt thuộc chủ đề này đó là Emergency Declaration (Hạ Cánh Khẩn Cấp).
Trước khi đến với Emergency Declaration (Hạ Cánh Khẩn Cấp), hãy cùng mình điểm lại một số bộ phim khai thác đề tài thảm họa máy bay đáng xem nhất nhé!
Alive - Sống Còn (1993)
Alive là bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Alive: The Story Of The Andes Survivors của tác giả Piers Pauld Read. Phim về một tai nạn máy bay của các cầu thủ bóng bầu dục thuộc trường cao đẳng Stella Maris Carlitos Paez. Họ đang trên máy bay 571 của không quân Uruguay để đến tham dự một trận đấu với đội tuyển Chile thì gặp một sự cố bất ngờ. Khi bay qua dãy núi Andes, máy bay của họ đã gặp nhiễu động, đảo hướng và va chạm với một ngọn núi gần đó.
Sau đó ngay lập tức 6 người bị văng ra khỏi máy bay và kết thúc vai diễn của mình. Nhân vật chính của Alive - Antonio và một vài đồng đội của cậu bị thất lạc nhau giữa núi băng tuyết. Họ vừa phải chịu đựng cái lạnh của băng tuyết vừa phải cố tìm được đường về.
Alive là một trong những bộ phim kinh điển về đề tài sự cố máy bay vì tính chân thật của nó. Những ngọn núi sừng sững lần lượt hiện ra cùng với không khí hỗn loạn, cảnh hành khách la hét trước khung tinh và cách mà con người chống chọi với những thử thách mang tính sống còn được miêu tả trong Alive mình nghĩ là với những ai đã xem qua thì khó có thể quên được.
Con Air - Không Tặc (1997)
Không Tặc là bộ phim kể về chàng sĩ quan người Mỹ - Cameron Poe và niềm hạnh phúc khi được làm cha của anh. Trớ trêu thay, anh lại phải “đi bóc lịch” 10 năm khi cố gắng bảo vệ vợ mình khỏi mấy tên say xỉn. Tuy nhiên, vì có hành vi tốt nên 8 năm sau anh đã được thả ra.
Trong suốt khoảng thời gian đó, vợ anh thường xuyên gửi ảnh và cập nhật về cô con gái của hai người. Vậy nên khi biết tin mình được tại ngoại sớm, anh vô cùng háo hức để gặp lại vợ con. Nhưng chỉ ít phút sau khi cất cánh trở về nhà, chiếc máy bay lại bị chiếm giữ bởi một nhóm xấu xa. Cameron Poe buộc phải chiến đấu để giữ sinh mệnh về đoàn tụ cùng vợ con.
>> Xem thêm: 10 câu thoại sâu sắc nhất trong Cuộc Chiến Đa Vũ Trụ
Không Tặc không chỉ đơn thuần là cuộc chiến trên không giữa con người với thiên nhiên mà còn là cuộc chiến sinh tử giữa những người trên chuyến bay định mệnh C-123 “Jailbird” với nhau. Phim đã cho thấy những góc khuất, những mặt tối nhất giữa những tù nhân tưởng chừng như đã được cải tạo thành công.
Không Tặc đã phác họa được hình ảnh một người chồng cố gắng hết sức để bảo vệ vợ, một người cha bảo vệ con và chiến đấu để được trở về với gia đình của mình. Mặc dù đa số phân cảnh trong Không Tặc vẫn tập trung vào chuyến bay nhưng diễn biến tâm lý của nhân vật chính Cameron Poe đã cho mình thấy được sức mạnh của tình cảm gia đình vô cùng sâu sắc.
Sully - Cơ Trưởng Sully (2016)
Sully - Cơ Trưởng Sully là bộ phim được thực hiện dựa trên một sự kiện có thật về sự cố máy bay vào năm 2009. Đó là tai nạn của chuyến bay mang mã số 1549 của US Airways. Điều tuyệt vời, khác với sự tang tóc của những bộ phim về máy bay khác đó chính là tất cả hành khách trên chuyến bay này đều được sống sót trở về nhờ vào tài năng xử lý vấn đề của cơ trưởng Sully.
Sully đã quyết định hạ cánh khẩn cấp trên dòng sông Hudson, sau đó anh đã nỗ lực để đưa những hành khách của mình vào bờ an toàn. Điểm tạo nên thành công cho Cơ Trưởng Sully chính là tài năng diễn xuất tuyệt vời của tài tử Tom Hanks. Từng biểu cảm, hành động và diễn biến tâm lý của Sully đều được Tom Hanks thể hiện vô cùng tốt.
Thêm một yếu tố giúp Cơ Trưởng Sully tạo được điểm khác biệt so với những bộ phim cùng đề tài khác chính là sau khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần, cơ trưởng Sully đã phải đối diện với một trận chiến mới khi hội đồng National Transportation Safety Board cáo buộc anh và phi hành đoàn hành động quá liều lĩnh, không tuân theo mệnh lệnh từ mặt đất. Nó đã đặt ra câu hỏi về định nghĩa thực sự của đạo đức nghề nghiệp trong trường hợp này.
The Captain - Chuyến Bay Sinh Tử (2019)
The Caption - Chuyến Bay Sinh Tử được cho là bộ phim thảm họa về ngành hàng không có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Chuyến Bay Sinh Tử được làm dựa trên câu chuyện có thật vào ngày 14/05/2018 tại Trung Quốc, khi chiếc phi cơ Airbus A319 của hãng hàng không mang mã hiệu 3U8633 bị vỡ kính chắn gió ở khoang lái phụ. Nó thực sự vẽ ra khung cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” cho những phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay này.
>> Xem thêm: Chị Chị Em Em 2 và những phim Việt sắp ra mắt đều đáng mong đợi
Chuyến Bay Sinh Tử có cách dẫn dắt, mở đầu khá lôi cuốn, khiến mình tập trung vào từng diễn biến của phim. Phim tập trung vào cơ trưởng của chuyến bay nên tình đồng chí, đồng đội cũng được đề cập và khai thác câu chuyện khá tốt. Chuyến Bay Sinh Tử cũng có đề cập đến yếu tố gia đình nhưng hơi hời hợt và không được đánh giá cao lắm.
Điểm cộng lớn nhất cho Chuyến Bay Sinh Tử là hình ảnh vô cùng đẹp, góc quay diễn tả chân thực được thực tế mà những nhân vật trong phim phải đối mặt. Phần dàn dựng bối cảnh của phim cũng vô cùng công phu và chu đáo.
Emergency Declaration - Hạ Cánh Khẩn Cấp (2022)
Emergency Declaration - Hạ Cánh Khẩn Cấp xoay quanh một biến cố hàng không kinh hoàng khi chiếc máy bay chở đầy hành khách đang trên đường tới Hawaii bỗng nhiên bị yêu cầu hạ cánh khẩn cấp. Phim đề cập đến vấn đề luật pháp nên sẽ vừa có bối cảnh mặt đất, vừa có bối cảnh trên không.
Câu chuyện trong Hạ Cánh Khẩn Cấp bắt đầu khi chuyến bay bị yêu cầu dừng và phải đợi thông tin điều tra từ cơ quan chính thủ. Lý do này sẽ được bóc tách và lý giải ở cuối bộ phim.
Mình thấy cơ bản về nội dung của Hạ Cánh Khẩn Cấp có phần hơi khô khan. Phim được nhiều người chú ý vì tạo hình của nhân vật và sự xuất hiện của dàn diễn viên hơn. Trong đó, Park Hae Joon vào vai người đứng đầu của trung tâm xử lý khủng hoảng, Lee Byung Hun hóa thân thành một người cha đi theo đứa con gái bị mắc hội chứng sợ máy bay, Jeon Do Yeon vào vai một nữ lãnh đạo mạnh mẽ, là Bộ trưởng bộ giao thông nội địa, Swan là nhân vật bí ẩn nhất trong phim do chỉ được đề cập đến là “một vị khách trên chuyến bay”.
Mình nghĩ dòng phim này vẫn luôn tạo được sức hút một phần có lẽ vì phim sinh tồn luôn biết cách tạo tình huống kịch tính và lôi cuốn người xem. Phần nữa là vì trong những tình cảnh khốc liệt đó, bản chất của con người sẽ được bộc lộ rõ nhất. Nó còn cho chúng ta thấy được về sức chiến đấu của con người và cách mà con người đối xử với nhau khi đứng trước lằn ranh sinh tử.
Tuy nhiên thể loại phim này đòi hỏi sự đầu tư từ rất nhiều yếu tố vì chi phí sản xuất cao, diễn viên cũng cần có sự bảo chứng về diễn xuất, quay dựng cũng khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy mà cũng phải bẵng đi một thời gian mới có một bộ phim thuộc đề tài thảm họa, đặc biệt là về máy bay ra rạp. Mặc dù rất ủng hộ và trân trọng nỗ lực của ekip làm phim nhưng thực sự thì Hạ Cánh Khẩn Cấp vẫn chưa khiến mình hào hứng ra rạp xem phim vì nội dung khá khô khan và chưa có điểm nhấn đặc biệt nào.
* Bài viết của Lọ Lem chia sẻ tại box Phim Hàn Quốc
Nếu bạn là mọt phim Hàn Quốc và không bỏ qua bất cứ tác phẩm nào của xứ sở kim chi , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Emergency Declaration (Hạ Cánh Khẩn Cấp)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận