Chúng ta luôn được nhắc nhở rằng phải rèn luyện, phát triển bản thân hằng ngày. Đây là một quá trình dài, đòi hỏi mỗi người không được tự mãn, kiêu ngạo với những gì đã tiếp thu bởi vì thế giới ngoài kia rất lớn. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng sống trên đời cần tu dưỡng đức tính khiêm tốn, để luôn biết phấn đấu mỗi ngày.
Sống khiêm tốn như thế nào?
Khiêm tốn chính là không tự đề cao bản thân, không khoe khoang, luôn luôn học hỏi những điều hay lẽ phải từ mọi người xung quanh. Người có đức tính khiêm tốn thường cho rằng kiến thức của mình chỉ bằng hạt cát so với sa mạc, cần phải không ngừng trau dồi nhiều hơn nữa. Những người này không bao giờ chỉ vì thành công hiện tại mà tự cao, họ luôn cho rằng đó chỉ là điều nhỏ bé, không đáng kể, để tiếp tục học hỏi và làm việc. Hiểu được khả năng của mình tới đâu chính là cơ sở, là động lực thúc đẩy ta phát triển.
Khiêm tốn còn giúp ta nhận ra những khuyết điểm của bản thân mà sửa đổi, luôn sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu những góp ý khác để ngày càng mở rộng kiến thức, hoàn thiện bản thân hơn.
Vậy mà hiện nay vẫn còn nhiều người chìm đắm trong thành công nhất thời, mà dừng lại sự cố gắng. Từ đó, họ dần thụt lùi so với những người đang ra sức làm việc mỗi ngày. Bởi vậy mà người xưa mới có câu “Thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân”, nghĩa là bên ngoài có bầu trời khác, còn người tài giỏi đến đâu ắt sẽ có người tài giỏi hơn.
Làm thế nào để rèn luyện sự khiêm tốn?
- Chấp nhận khả năng của bản thân: Chúng ta không ai là hoàn hảo cả, không ai có thể giỏi tất cả mọi phương diện được. Núi này cao rồi sẽ có núi khác cao hơn. Học cách quan sát những người giỏi hơn mình, để xem xét bản thân ta làm được đến đâu, lượng sức mình mà kiên trì cố gắng. Chỉ khi ta thừa nhận bản thân mình vẫn còn nhiều thiếu sót, yếu kém trong cuộc sống thì mới trở nên khiêm tốn được. Có như vậy, mới đón nhận được sự góp ý, hỗ trợ của người khác và tài giỏi hơn.
- Không khoác lác: Khi ta đạt được một thành công nhất định và cảm thấy tự hào về thành tựu mình có thì đó là một cảm xúc vô cùng bình thường. Tuy nhiên không ai thoải mái khi có một người luôn khoe khoang về thành công của người đó. Nhất là khi khoe với những người tài giỏi hơn thì họ chẳng mấy để ý và cảm thấy chúng ta lố bịch. Khi bạn đạt được kết quả tốt, không cần bạn nói ra mà mọi người vẫn tự biết thì họ sẽ tôn trọng và ngưỡng mộ bạn hơn, cả về thành tựu cũng như sự khiêm tốn của bạn.
- Không tranh giành công lao về mình: Chúng ta có quyền để tự hào về điều chúng ta đã làm được. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng không ai có thể hoàn thành công việc một mình cả. Ta có những người bạn, những người đồng nghiệp hỗ trợ ta dù là trực tiếp hay là thầm lặng. Đôi khi sự giúp đỡ ấy chỉ là một lời góp ý nhỏ hay một hành động. Nhưng ta phải ghi nhận trong hành trình ta đi đến thành công luôn có mọi người đã bên cạnh ta, chứ không phải ta có thể bước đi một mình.
- Biết ơn những gì đang có: Thay vì kiêu ngạo với những ưu điểm ta được hưởng bẩm sinh, hãy luôn biết ơn và trân trọng bằng thái độ chân thành nhất. Ta nên cảm thấy biết ơn để nhận ra ta may mắn nhường nào, từ đó có thêm động lực vươn xa.
Kết: Trí tuệ của bản thân, không cần phải luôn miệng khoe thì người khác mới biết đến được. Mà tài giỏi và sống khiêm tốn lại càng dễ giúp người ta biết đến và nể phục mình hơn. Đôi khi mình biết rõ việc này nhưng lại kém hiểu biết ở việc khác, cần người chỉ bảo, vậy nên tôi mong bạn hãy luôn trong tâm thế học hỏi, đón nhận kiến thức và lấy sự khiêm tốn làm thước đo trong cách đối nhân xử thế.
* Bài viết của Tiêu Dao chia sẻ tại box Cafe Danner
“Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”, nếu bạn cũng đang trên con đường tu tâm dưỡng tính , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận