Salonpas nhớ không lầm là đã hai lần hoãn chiếu vì đại dịch, cuối cùng Linh Hồn Vũ Nữ (tựa gốc: KKN Di Desa Penari) – “bom tấn” kinh dị Indonesia cũng cập bến Việt Nam. Không uổng công chờ đợi thì bộ phim lần này lại khiến mình khá thích thú với những phương thức truyền tải câu chuyện khéo léo.
Về cốt truyện, phim kể về chuyến thực hiện công ích “bất ổn” ở ngôi làng xa xôi của một nhóm thanh niên gồm 6 người Nur (Tissa Biani), Widya (Adinda Thomas), Ayu (Aghniny Haque), Bima (Achmad Megantara), Anton (Calvin Jeremy) và Wahyu (Fajar Nugraha).
Đóng vai trò chủ đạo là Nur, cô gái dường như là có giác quan thứ 6. Vừa đặt chân đến nơi, Nur đã lập tức có linh cảm chẳng lành về vùng đất này. Và quả thật là như vậy, theo lời người dân nói thì ở đây có đến tận 2 ngôi làng. Đương nhiên “ngôi làng” thứ 2 là bất khả xâm phạm vì không thể nhìn thấy bằng mắt thường, bởi lẽ đó là nơi cư ngụ dành riêng cho những linh hồn đã khuất. Tình huống truyện tuy không mới nhưng mình lại thấy lối khai thác vào ngôi làng bí ẩn này cũng hay ho đó chứ.
Cùng lấy ý tưởng từ câu chuyện có thật, trong khi những bộ phim khác có phần lan man và thiếu tính lan truyền thì Linh Hồn Vũ Nữ lại là một sự khôn khéo khi biết dung hòa cường điệu của mình. Đây là một ưu điểm nổi trội mà mình nhận thấy được ở bộ phim lần này của vị đạo diễn Awi Suryadi.
Bộ phim không “nhảy” quá nhiều
Với hầu hết những tác phẩm kinh dị khác, mình thường thấy các nhà làm phim ưa chuộng sử dụng jumpscare để tạo độ đáng sợ cho “đứa con tinh thần” của mình. Nhưng lại có nhiều trường hợp lạm dụng quá mức yếu tố này nhằm mục đích che đậy cho những câu chuyện yếu ớt và điều này vô tình lại khiến chuyện phim của họ trở nên thô thiển.
Còn với Linh Hồn Vũ Nữ, mình lại thấy khá khả quan khi Awi Suryadi không dùng jumpscare một cách sáo rỗng mà nó lại có chừng mực và được phân bố phù hợp. Bởi vậy cảm giác của mình với bộ phim khá thoải mái, đơn giản vì họ không cố ý “hù dọa” phóng đại để gây kịch tính trong những thước phim của mình.
>>> Xem thêm: Trailer Karem: Cốt truyện tẻ nhạt, nhàm chán đến mức khó tin
Phim kinh dị “vui vẻ”
Nếu không phải là người ưa chuộng thể quá “nặng đô” hay chỉ là người mới tập tành chơi “hệ kinh dị” thì mình nghĩ Linh Hồn Vũ Nữ sẽ khá thích hợp với bạn đấy.
Để diễn tả về bộ phim, mình nhận thấy nó giống như việc đi cùng đám bạn vào nhà ma trong những khu vui chơi vậy đó, cảm giác sợ hãi cũng có mà quan trọng là không khí vui vẻ sẽ được bổ trợ rất nhiều. Hơn nữa, bộ phim lần này còn được đan xen vào những truyền thuyết rùng rợn mà giới trẻ yêu thích. Đó là câu chuyện về “ngôi làng rùng rợn” hay “ma lạ kỳ”, và không ai khác ngoài Badarawuhi sẽ là con “ma lạ kỳ” đó sao.
Một điều tiện thể mình nói ở đây luôn chính là việc “chọn mặt gửi vàng” khi giao cho Aulia Sarah thủ vai Badarawuhi là một điều hoàn toàn đúng đắn. Từng biểu cảm khuôn mặt, hình dáng cơ thể và thậm chí cả động tác lắc lư của nữ diễn viên đều diễn tả lại được những hình dung mà dân gian phản ánh về Badarawuhi.
Kỹ xảo điện ảnh và diễn xuất tuyệt vời
Về mặt hình ảnh, mình khuyến khích phải dành một lời khen thật lớn cho những thước phim lần này của Linh Hồn Vũ Nữ. Những ánh đèn mập mờ, một không gian u tối, bộ phim đã truyền tải được những đặc trưng phù hợp với điều kiện thiếu thốn nơi thôn quê hẻo lánh. Thậm chí cả những ẩm ướt, những vật dụng có phần “bẩn” một tý như thảm ăn, cũi, ghế ngồi và vườn,… cũng được thể hiện rõ qua sự khó chịu của nhân vật.
Linh Hồn Vũ Nữ là một bộ phim được đầu tư chỉn chu, mình còn biết thông tin về việc nhà sản xuất đã bỏ ra tận 15 tỷ rupiah cho bộ phim này. Vì vậy, những kỹ thuật quay phim và hiệu ứng kỹ xảo được đặc biệt chú trọng. Sự bóng bẩy của kỹ xảo điện ảnh đã được thể hiện tốt qua những phân khúc cận cảnh. Điển hình là cảnh gây sợ hãi cho Nur hay Widya, cảnh “nóng” từ Bima hay cả những lần thoắt ẩn thoắt hiện của ma nữ Badarawuhi.
Về mặt diễn xuất, các diễn viên cũng đã có màn thể hiện hết mình để thổi hồn vào nhân vật. Đó là Tissa Biani trong vai cô gái đạo Hồi điềm tĩnh và có phần ngây thơ. Là một Widya luôn mang đến những cảm giác sợ hãi cho mình trên màn ảnh qua sự thể hiện của Adinda Thomas.
Đặc biệt về phần Aghniny Haque trong vai diễn Ayu thì lại càng đáng quan tâm hơn. Phong thái diễn xuất của nữ diên viên khá tự nhiên và không quá “lố lăng ô dề”. Và đây là tất cả những điểm mạnh mình nhìn thấy ở Linh Hồn Vũ Nữ lần này.
Tuy nhiên thì đâu đó, bộ phim vẫn còn tồn đọng nhiều thiếu sót nhất định.
Đầu tiên về yếu tố bất ngờ, vốn chuyển thể từ một chủ đề lan truyền trên mạng xã hội và không thêm thắt quá nhiều tình tiết, điều này làm cho những người trước đó đã từng đọc qua những câu chuyện phiến đó như mình lại có phần hụt hẫng khi xem lại.
Thứ hai là mình thấy có nhiều chi tiết phi logic khó chấp nhận trong phim. Bên cạnh đó, lỗi trang điểm cũng khiến mình khá khó chịu. Thay vì tạo ấn tượng kỳ lạ và rùng rợn khủng khiếp, Linh Hồn Vũ Nữ lại chọn cách hóa trang cho nhân vật như một zombie. Các nhà làm phim cần phải xác định lại định hướng của mình là triển khai sự đáng sợ cho những linh hồn chứ không phải một thay ma.
>>> Xem thêm: Karem, Vật Chứa Tử Thần: Kinh dị lỗi thời, thất bại từ khâu kịch bản
Dù vậy nhưng mình vẫn đánh giá cao những động thái tích cực mà Linh Hồn Vũ Nữ mang lại. Nhìn chung bộ phim sẽ là một trải nghiệm xứng đáng khi bỏ tiền ra rạp đó nha. Bạn nghĩ sao về Linh Hồn Vũ Nữ thì cũng để lại bình luận bên dưới nhé.
* Bài viết của Salonpas chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn là người đam mê thể loại kinh dị và loạt tác phẩm của Indonesia , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim KKN Di Desa Penari (Linh Hồn Vũ Nữ) ? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận