Hành trình đi tìm lại em gái Anne của nhân vật Peter đã mở ra thế giới muôn vạn điều kỳ ảo trong Đại Náo Cung Trăng. Bộ phim đẹp như một câu chuyện cổ tích và mang lại nhiều thông điệp sâu sắc.
Có lẽ điều mà mình không ngờ nhất là có hẳn một bộ phim hoạt hình nói về cuộc sống của những đứa trẻ ở Đức với nhiều vấn đề đang gặp phải, đặc biệt trong độ tuổi dần trưởng thành. Đại Náo Cung Trăng mở ra một câu chuyện đầy hư cấu khi tác giả nhân hóa một con bọ thừa hưởng những cảm xúc như một con người, các cuộc xung đột giữa những kẻ độc tài nhưng lại luôn tỏ ra nhân từ với những người đấu tranh vì sự tự do.
>>> Xem thêm: Đại Náo Cung Trăng: Phim dẫn tôi vào thế giới vũ trụ và cổ tích kì ảo
Wukong tin chắc, bằng một cách nào đó, đạo diễn Ali Samadi Ahadi đưa bạn vào thế giới của những điều huyền ảo mà chỉ tận chốn thiên đường xa xôi, vũ trụ mịt mù kia mới mở ra điều ấy. Cảm nhận chung của mình với tác phẩm Đại Náo Cung Trăng là vỡ lẽ ra nhiều thứ, khiến bản thân tiếp nhận thêm những thứ mới như việc khái niệm về sự sống trên Mặt trăng, hay bậc thang dẫn lên thiên đường.
Đại Náo Cung Trăng xoay quanh cuộc hành trình giải cứu cô em gái tinh nghịch Anne của cậu bé Peter. Hai anh em luôn có những bất hòa và Anne thường chọc giận khiến cậu luôn khó chịu. Nhưng vì lời hứa bảo vệ và chăm lo cô em gái trước khi bố qua đời, nên Peter đành nén cơn giận và tiếp tục mọi thứ như không có gì xảy ra.
Một ngày nọ, cô bé bị gã Quỷ Trăng bắt cóc trong khi cố giúp chú bọ Zoomezeman. Để giải cứu em gái, Peter buộc phải đến Cung Trăng, gặp Thần Ngủ ở Đồng cỏ sao. Cả hai phải cùng tham gia một cuộc đua kỳ thú dọc dải Ngân hà với những vị thần thiên nhiên khác. Chuyến hành trình mở ra những thứ mới lạ về cuộc sống ngoài vũ trụ, giúp Peter học được nhiều thứ.
Nhìn chung, Đại Náo Cung Trăng có một ý tưởng khá mới lạ khi các nhà làm phim biến tấu những ý tưởng “ngờ nghệch” thành một bộ phim chứa đựng những điều kỳ ảo. Từ những nhân vật như Peter, Anne cho đến chú bọ Zoomezeman, họ đều có nét đặc trưng của những người tin vào khả năng bản thân.
Điển hình với Peter, cậu luôn mang một tham vọng được chinh phục vũ trụ như cách mà bố cậu đã làm trước đây, xuyên suốt hành trình giải cứu Anne, những thử thách đặt ra không thể khiến cậu chùn bước bởi lòng tin sắt đá ở bản thân.
Hay nhân vật Anne, sự ngỗ nghịch với anh trai suy cho cùng cũng là cách cô bé muốn khẳng định và thể hiện bản thân trước mặt người lớn. Bởi khi bị bắt cóc, người Anne luôn nhắc đến đó là Peter và trong cuộc đối thoại với Quỷ Trăng, cô bé đã có những câu thoại khá hài hước, nhưng nghĩ kĩ nó lại là sự quan tâm của cô bé dành cho Peter.
Wukong thấy mô típ phim hoạt hình của các biên kịch, đạo diễn đều xây dựng hành trình, phiêu lưu như một chặng đua để các nhân vật có thể học hỏi và vượt qua những trở ngại của bản thân. Đại Náo Cung Trăng cũng vậy, Ali Samadi Ahadi sử dụng hoàn toàn những chất liệu dân gian của văn học Đức nhằm tạo ra một câu chuyện về sự thay đổi của Peter và Anne.
Điểm đặc biệt đó là bộ phim đưa mình đi khám phá thế giới thiên đàng và vũ trụ bao la. So với Chuyến Phiêu Lưu Trời Ơi Đất Hỡi mà mình đã từng xem, bộ phim này có một tầm nhìn rộng hơn, bối cảnh không gian mở hẳn lên cả vũ trụ, hành tinh và không bị tập trung vào mỗi thiên đàng như chuyến phiêu lưu của Tootson và Ludiwoods.
Thế giới trong Đại Náo Cung Trăng được chia làm hai bối cảnh. Một là quốc gia của Peter sinh sống với mọi điều phiền toái bủa vây cậu, đi học thì bạn bè trêu chọc, về nhà thì gặp em gái. Wukong nghĩ, có lẽ thế giới riêng của Peter là những lúc cầm những bức ảnh của người cha và nghĩ ra hàng loạt viễn cảnh khác nhau. Đó chính là lúc cậu được tận hưởng sự yên bình.
Hai là Mặt trăng, một thế giới mà nhiều người ao ước được đặt chân lên. Tuy nhiên, mình thấy kịch bản khá thực tế hay có lời giải thích và dẫn vào câu chuyện nơi đây là những điều kỳ ảo, xa xôi so với thế giới con ngườ, sự sống chỉ đơn thuần là một màu đen phủ đầy hành tinh này.
Tưởng chừng nó lại là những gì mà Peter cần, nhưng trải qua hành trình phiêu lưu cùng Thần Ngủ, cậu mới nhận ra cách mình lựa chọn sống với nơi đó như thế nào.
Mặt khác, có những phân cảnh khá buồn tẻ và ảm đạm khi lên án việc những kẻ độc tài trở thành chỉ huy. Wukong nghĩ, so với một bộ phim lấp lánh những thứ kỳ diệu nhưng lại xuất hiện bất chợt các “nốt trầm” ảnh hưởng phần nào đến tổng quan mạch truyện. Mình thấy điều đó nó không những không nhịp nhàng, mà dễ khiến người xem có những suy nghĩ khác về Đại Náo Cung Trăng.
Hơn nữa, cách giải quyết của Peter khá “nặng đô” khi cậu sử dụng bạo lực để chấm dứt các cuộc tranh cãi. Nếu là một tác phẩm dành cho trẻ em với những thông điệp đúng đắn, tích cực thì biên kịch đã có sự lựa chọn khá tệ. Mình không nhận ra tính giáo dục nào khi để Peter tác động mạnh tay với tên phản diện.
>>> Xem thêm: Đại Náo Cung Trăng: Hoạt hình sâu sắc thừa hưởng từ chất liệu dân gian
Wukong nghĩ họ có thể sử dụng nhiều cách để giải quyết cao trào. Nhưng thay vào đó, kịch bản lại sử dụng một hình thức tra tấn khủng khiếp làm hướng đi tốt nhất cho một cậu bé.
Mình nghĩ rằng các nhà biên kịch nên cân nhắc lại cách gửi gắm thông điệp được lồng vào câu chuyện, bởi vì hầu hết các phim hoạt hình, ngoài sự sáng tạo về nội dung hay thẩm mỹ đồ họa, đó là yếu tố giúp bộ phim thành công.
Đại Náo Cung Trăng là một câu chuyện thơ mộng nhưng lại bị phá vỡ bởi cách giải quyết không thông minh của nhân vật chính, khiến mình khá thất vọng. Đồ họa, tạo hình, kỹ xảo trong phim khá chỉn chu và hợp mắt nên nếu để xem vì mục đích giải trí, mình tin bộ phim vẫn làm hài lòng mọi người.
Còn bạn. Bạn nghĩ sao về bộ phim này? Hãy để lại suy nghĩ của bạn dưới phần bình luận cho mình nhé.
* Bài viết của Wukong chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn mê phim hoạt hình hay những nhân vật bước ra từ truyện tranh , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Moonbound (Đại Náo Cung Trăng)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận