Một trong những điều mình yêu thích nhất về Vũ trụ Điện ảnh Marvel là hành trình “trưởng thành” thấy rõ từ các nhân vật. Từ Thor, Iron Man đến người rõ ràng nhất, cậu nhóc trung học Peter Parker. Các phim trước của Spider-Man đã tăng dần độ khó của game bằng cách cho cậu chiến đấu với những kẻ phản diện vũ trụ.
Thế nhưng dù sao thì Người Nhện trẻ vẫn đủ thông minh và nhanh nhạy để tự bảo vệ mình cũng như cứu nguy đồng đội nữa. Sau cùng mình thấy Spider-Man: No Way Home giống như một “món ăn theo yêu cầu của khách” khi nhồi nhét khá nhiều fan service vào trong bộ phim vậy. Hãy cùng mình xem là tại sao lại vậy nha!
>>> Xem thêm: Người Nhện mạnh đến mức nào khi so với các Avengers (P2)
*Bài viết có tiết lộ nội dung phim Spider-Man: No Way Home
Spider-Man: Far From Home kết thúc với việc Peter Parker bị kẹt trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, vì danh tính của cậu đã bị tiết lộ, cũng như phải bắt chịu trách nhiệm cho sự ra đi của Mysterio. No Way Home ngay lập tức tiếp tục câu chuyện này, khi Peter Parker chỉ có vài phút để sống cuộc sống bình thường. Sau đó, cậu nhóc Peter đã hoảng sợ và cố gắng về nhà nhanh nhất có thể cùng cô bạn gái MJ (Zendaya) giữa làn sóng truyền thông dồn dập.
Sự nổi tiếng đột ngột mang đến hậu quả nghiêm trọng cho Peter và bạn bè của cậu. Không chỉ mất đi quyền riêng tư cá nhân, cuộc sống của họ đảo lộn khi bị điều tra, và thậm chí bị từ chối vào ngôi trường họ hằng mơ ước. Cảm thấy đây là cái giá quá đắt mà bạn bè phải trả, Peter tìm đến Doctor Strange (Benedict Cumberbatch) để nhờ thực hiện một câu thần chú khiến cả thế giới quên rằng Peter là Người Nhện. Thế nhưng rồi câu thần chú đã bị phá vỡ khi Peter cứ liên tục thay đổi yêu cầu, và rồi những kẻ từ Đa Vũ Trụ dần tiến đến Trái Đất.
Câu chuyện có vẻ rất hấp dẫn và cuốn hút, nhưng dù sao đi nữa thì Peter đã gây ra một mớ hỗn độn và cậu cần phải gửi trả những tên ác nhân này về thế giới của chúng. Thế nhưng khi Peter biết rằng những nhân vật phản diện này đã bị “xử lí” bởi các Spider-Man khác, cậu quyết định tìm cách “chữa trị” cho họ và trao họ cơ hội thứ 2 để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo mình thấy, hình tượng này khá là phù hợp với Người Nhện của Marvel: một người ngây thơ, tốt bụng, tin người và có phần hơi bướng bỉnh khi khăng khăng đòi làm việc thiện với những kẻ ác mà không mảy may nghi ngờ rằng mọi thứ có thể trở nên cực kì tồi tệ. Trong ba kẻ phản diện chính, Electro luôn bị thúc đẩy bởi lòng tham thống trị, Doc Ock thì bị người đời coi thường, còn Norman Osborn thì bị kẻ ác dẫn lối. Thế nên mình không hiểu tại sao Peter lại dám nghĩ rằng việc sử dụng chiếc “la bàn đạo đức” của mình lại có thể cảm hóa được những kẻ không hề có đạo đức?
Thế nhưng No Way Home cũng mang lại trải nghiệm “mãn nhãn” vì người xem được cuốn vào vòng xoáy ma thuật trong một cuộc đấu nhẹ nhàng giữa Doctor Strange và Spider Man diễn ra trong Thế Giới Gương. Và trong những trận chiến khác, mình thực sự cảm thấy Marvel đã “nâng cấp” các cảnh hành động của họ vì cảnh Peter Parker giao chiến với Green Goblin trong hành lang chật hẹp thật sự rất mướt mắt và nghẹt thở.
Các cảnh hành động của No Way Home có phần gây cấn hơn nhiều và vào cuối bộ phim, một màu tối tăm cũng được bao trùm khi cậu nhóc ngày nào đã phải đương đầu với những tổn thương về cả mặt tâm lý và thể chất. Trong những lần trước, dù mọi chuyện có tệ ra sao, cậu vẫn luôn có dì May, MJ, Ned và cả chú Happy sát cánh. Nhưng lần này thì khác, lần này, Peter Parker đã không còn nhà để về và chẳng có ai ở cạnh.
Đạo diễn Jon Watts đã tạo ra một cơ hội cho bộ ba Người Nhện gặp mặt, cùng nhau chiến đấu và rồi giải quyết từng câu chuyện, từng vấn đề một theo một cách rất tinh tế nhưng vẫn phù hợp. Mở đầu, bộ phim vẫn tươi sáng và nhẹ nhàng hơn một chút so với các phim MCU khác, đồng thời, những người bạn học của Peter ở Midtown High School vẫn được lên hình khá nhiều. Và vì thế nên dù đoạn sau có đen tối một chút, mình vẫn cảm thấy không quá năng nề. Và thú thực với mọi người, mình đã cười rất nhiều trong suốt một nửa đầu phim.
Ngoài ra, fan Marvel, gồm cả mình còn lấn cấn khá nhiều về sự hiện diện của Tony Stark trong series Nhện, đầu tiên là vai trò như một người hướng dẫn trong Homecoming, rồi để lại hẳn một di sản lớn cho Peter trong Far From Home. Rất may là Tony Stark không còn là một phần của phương trình No Way Home nữa; ngoài ra, Stephen Strange cũng không hề có ý định thay thế vị trí đó - và điều đó chính là yếu tố chính khiến nhân vật chính của chúng ta trưởng thành.
Nhưng dù sao thì theo mình, việc Peter Parker của MCU không có một phản diện riêng cho mình mà phải đi chống lại các nhân vật phản diện của Peter Parkers trong quá khứ khiến cho bộ phim trở thành một món ăn ngon mắt được phục vụ chỉ cho fan mà thôi; chứ nếu đối với những người mới xem và tiếp xúc với MCU lần đầu, bộ phim này sẽ trở nên khá khó hiểu và bối rối vì chẳng hiểu sao lại có…hai người Nhện nữa từ đâu chui ra mà cả rạp lại hét ầm ĩ thế?
Cuối cùng thì, đây đúng là chuyện buồn để đời nhất của Người Nhện rồi. Tom Holland từ “cậu bé vàng” đã thực sự trở thành Peter Parker “nhọ” nhất thời đại rồi đó mọi người. Vai diễn của cậu ấy đã đạt đến độ gần như hoàn hảo, và điều đó lại thật sự khá đau lòng. Cậu ấy trẻ, nhiệt huyết, nghiêm túc và ấm áp hết sức tưởng tượng, là một người luôn luôn cố làm điều đúng đắn nữa. Thế nhưng lần vấp ngã này có lẽ sẽ ám ảnh cậu ấy mãi mãi về sau nữa.
>>> Xem thêm: After-credit của No Way Home: Dr. Strange hắc ám xuất hiện
Được coi là phần kết thúc hoàn hảo của series Home của Người Nhện ở MCU, bộ phim thực sự là một điểm sáng nhất trong những bộ phim được phát sóng vào năm 2021. Sức lan tỏa của Spider-Man mạnh đến nỗi bộ phim đã vượt lên dẫn gần đầu trong cuộc đua phòng vé. Nếu như bạn có thời gian, bạn nhất định phải ra rạp để thưởng thức bộ phim, đừng vì những lời chê bai và spoils mà nản lòng nhé, vì bạn sẽ cảm thấy cực kì “đã” đó!
* Bài viết của Seizedix gửi về DienAnh.Net.
Nếu bạn yêu thích Phim Âu Mỹ, hãy vào DienAnh.net để xem thêm nhiều bài viết hay nha.
Facebook - bình luận