x

Đăng nhập

Comming soon...

Phim chiếu rạp

Việt

Phim Việt tháng 5: Đầu tư chục tỷ nhưng lỗ nặng vì kịch bản kém

Pa Bích 16:45 - 25/05/2022

Có ai đồng ý với mình rằng phim điện ảnh Việt tháng 5 này thật sự đáng thất vọng không? Từ 578 Phát Đạn Của Kẻ Điên đến Kẻ Thứ 3 không có gì ấn tượng, dù rằng kinh phí đầu tư của 2 phim này đều ngất ngưỡng.

Bạn có biết rằng 578 Phát Đạn Của Kẻ Điên, với sự góp mặt của hoa hậu H'Hen Niê, có kinh phí lên tới 60 tỷ đồng, nhưng chỉ thu về tầm 2,5 tỷ đồng trong 5 ngày ra rạp; trong khi đó Kẻ Thứ 3, phim của Lý Nhã Kỳ, đầu tư đến 33 tỷ nhưng lỗ nặng khi doanh thu không đạt nổi 1 tỷ đồng sau gần 2 tuần công chiếu.

Mức kinh phí trung bình của một phim điện ảnh Việt sẽ nằm ở mức 20 tỷ đồng và cả 2 bộ phim kể trên đều thuộc dạng đầu tư “khủng”. Chơi tất tay cho “đứa con tinh thần” của mình là tốt nhưng mọi công sức, tiền bạc của họ và đồng đội đổ sông đổ bể hết chỉ vì không đầu tư kịch bản tới nơi tới chốn.

578 Kẻ Thứ 3 chứng minh rằng không phải lúc nào phim được đầu tư lớn cũng sẽ cầm chắc cửa thắng, mà còn là canh bạc đầy rủi ro. Doanh thu lèo tèo và sự thờ ơ của khán giả là câu trả lời chính xác nhất cho chất lượng thật của 2 tác phẩm này. 

Sau khi xem xong 578Kẻ Thứ 3, mình liền thắc mắc tại sao họ có thể bỏ số tiền lớn đến vậy cho một kịch bản cũ kĩ và nhàm chán? Dàn diễn viên cũng không phải những cái tên xuất sắc hay tạo được sức hút mạnh mẽ.

Lý do thất bại đủ cả, từ chủ quan đến khách quan… nhưng chung quy lại vẫn là do phim không hay. Trong điện ảnh, chúng ta thường quan tâm đến yếu tố nghe - nhìn mà quên rằng câu chuyện cốt lõi và thông điệp truyền tải, thứ đọng lại sau cùng trong tâm trí khán giả khi rời rạp. Thế mà 578 và Kẻ Thứ 3 lại đánh mất điều đó.

Với 578, chúng ta có thể thấy phim khai thác triệt để yếu tố hành động và võ thuật với các bối cảnh và nhân vật được đầu tư công phu, đẹp mắt. Nhưng những cảnh phim hào nhoáng đó chẳng thể che lấp được sự non yếu trong kịch bản của phim. 

Câu chuyện về tình cha con, người hùng diệt trừ băng nhóm xã hội đen vốn đã quá quen thuộc, nếu không gọi là nhàm chán và dễ đoán. Cú twist cũng không tạo được sức nặng và còn gây khó hiểu. Tâm lý nhân vật từ chính diện đến phản diện đều xây dựng hời hợt, thiếu chiều sâu. Tất cả tổng hòa lại thành một nồi lẩu thập cẩm lộn xộn nhưng hương vị nhạt nhòa vô độ.

Do nam chính là người Pháp gốc Việt, nên buộc phải lồng tiếng và chính điều này đã tạo ra nhược điểm lớn cho 578. Do diễn viên không thể nói tiếng Việt thành thạo nên gây ra hạn chế về góc quay hay đạo diễn phải thêm thắt các yếu tố khác để che đi khuôn miệng giả trân. H'Hen Niê được thêm vào phim ngoài yếu tố tạo sức hút truyền thông thì mình chưa tìm được mục đích nào khác. Vai diễn mờ nhạt, bỏ đi cũng không ảnh hưởng đến mạch phim lắm mà thêm vào thì kiểu cho có cái để nói. 

>> Xem thêm: 578 Phát Đạn Của Kẻ Điên: Kịch bản nhiều lỗ hổng đáng tiếc

Còn câu chuyện của Kẻ Thứ 3 thì thôi rồi, nó cũ kĩ và sến sẩm tới mức đáng sợ, chưa kể dính phốt đạo ý tưởng từ tiểu thuyết Pháp. Ngay cả Lý Nhã Kỳ cũng thừa nhận phim “đã cũ” do thực hiện từ vài năm trước. Nhưng đó không phải lý do chính đáng, thiếu gì phim phải mất nhiều thời gian để hoàn thành nhưng rõ ràng kịch bản của Kẻ Thứ 3 chỉ giỏi thắt nút chứ không giải quyết nó một cách sâu sắc. Các yếu tố kĩ xảo của phim cũng thuộc dạng “dởm”, thêm vào cũng không có tác dụng gì ngoài trưng ra sự vụng về trong khâu hậu kì.

Diễn xuất của Lý Nhã Kỳ và Han Jae Suk sến quá mức quy định, không khác gì phim truyền hình Hàn hơn chục năm về trước. Lời thoại trong phim thì ô dề và thiếu tính thực tế. Cũng như 578, nam chính của Kẻ Thứ 3 không nói rành tiếng Việt nên phải lồng tiếng từ đầu đến cuối. Mà giọng lồng với khuôn miệng không hề khớp nhau làm mất đi cảm xúc về ngôn ngữ thật sự.

>> Xem thêm: Kẻ Thứ Ba: Cách kể không tốt nhưng truyền tải được thông điệp mới mẻ

Cả 578 Kẻ Thứ 3 chung quy lại đều gặp thất bại lý do chính là vì đầu tư sai chỗ. Nếu nhà sản xuất và đạo diễn chịu trau chuốt kịch bản hơn các yếu tố khác thì mọi chuyện có lẽ đã khá khẫm hơn. Dù làm phim hoành tráng đến đâu, nghe - nhìn đã đến đâu mà kịch bản và nhân vật chán phèo thì cũng chẳng thể ăn nên làm ra được. 

Không cần biết họ đã đầu tư công sức, tâm huyết và tiền bạc nhiều đến mức nào nhưng làm ra một tác phẩm dở thì mọi thứ đều vô nghĩa. Khán giả hiện đại rất thông minh, họ biết chọn lọc chứ không chỉ tin vào hiệu ứng truyền thông. Một khi phim không hay thì có làm rầm rộ hay kể khổ đến cạn nước mắt cũng chẳng cứu được doanh thu thê thảm.

2 trường hợp trên theo mình là bài học đắt giá cho các nhà làm phim trong khâu đầu tư sản xuất. Kịch bản suy cho cùng vẫn là trái tim của tác phẩm, cần xây dựng nó trọn vẹn và đẹp đẽ trước khi muốn thực hiện những điều vĩ mô khác. 

*Bài viết do Pa Bích gửi về DienAnh.Net

Cập nhật đầy đủ thông tin về Kẻ Thứ Ba và 578 tại Thư Viện Phim nhé. 

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Công tử Bạc Liêu: Hiện tượng sống nửa đầu thế kỉ 20

Phim Công Tử Bạc Liêu của đạo diễn Lý Minh Thắng mượn nhân vật có thật để nói về tinh thần và những khát vọng của người Việt cách đây 100 năm.

Ba người phụ nữ trong Cô dâu hào môn: Mỗi cây mỗi hoa, bà nào cũng khổ

Ba nhân vật của Lê Giang, NSND Hồng Vân và Thu Trang đều có những góc khuất khó giãi bày trong phim điện ảnh Cô dâu hào môn.

Những bậc phụ huynh hết lòng vì con cái trong phim Cô Dâu Hào Môn

Những ông bố, bà mẹ trong phim Cô dâu hào môn sẵn sàng làm mọi thứ để khiến con mình hạnh phúc. Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Lê Giang đã khắc họa thành công.

Chất liệu dân gian trong phim Cám: Đột phá đến từ nhân vật thằng Bờm

Phim Cám, dị bản kinh dị của Tấm Cám vận dụng thành công những chất liệu dân gian quen thuộc và gần gũi, nhưng cải biên theo hướng mới mẻ, sáng tạo hơn

Trải nghiệm độc lạ mùa Giáng sinh cùng trò chơi ma sói trong Kẻ Ăn Hồn

Trò chơi quen thuộc ma sói nay đã được mang lên màn ảnh rộng cùng Kẻ Ăn Hồn. Đừng bỏ qua bộ phim hấp dẫn này nếu bạn cũng là một tín đồ của ma sói.

Yếu tố kinh dị trong Kẻ Ăn Hồn: Đáng sợ và đậm chất phương Đông

Bộ phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn sử dụng nhiều chất liệu dân gian để nhấn mạnh đến yếu tố kinh dị - tâm linh, khiến khán giả cảm thấy tương đối hài lòng.