Kỳ nghỉ lễ cuối năm được ví như thời điểm vàng đối với các nhà làm phim để có thể đưa đứa con tinh thần trình làng. Nhưng đứng trước hàng loạt bom tấn nước ngoài, nhiều tác phẩm Việt đành phải “quay xe” để tránh đụng độ. Tuy nhiên, đạo diễn Trần Hữu Tấn lại sẵn sàng đưa Rừng Thế Mạng trở lại phòng vé, trở thành bộ phim Việt tiên phong ra rạp sau hơn nửa năm dịch Covid-19 càn quét.
Nhiều người nói đây là một sự mạo hiểm, song với ê-kíp làm phim “không phải bây giờ thì là khi nào” nữa. Và trong bài viết này, hãy cùng DienAnh.net lắng nghe tâm sự, chia sẻ từ đạo diễn Trần Hữu Tấn - “cha đẻ” của Rừng Thế Mạng.
DienAnh.net xin chào anh Trần Hữu Tấn. Phim Rừng Thế Mạng vừa chính thức ra mắt truyền thông báo chí và khán giả sau gần 2 năm sản xuất và chuẩn bị mọi thứ. Cảm xúc của anh hiện tại như thế nào?
Tôi thật sự rất xúc động khi nhìn thấy "đứa con" tinh thần của mình cuối cùng cũng được ra rạp sau một hành trình dài. Cảm giác này tôi chờ đợi đã rất lâu và tôi đang rất háo hức chờ đợi những nhận xét và đánh giá của giới chuyên môn lẫn khán giả.
Một bộ phim gần như đã hoàn thành 90%, chỉ giờ “gió nổi lên” để ra khơi, nhưng rồi đôi lần hoãn vì dịch COVID-19. Những lúc ấy, tâm trạng của anh và ekip ra sao?
Việc một bộ phim bị hoãn chiếu là điều không mong muốn với bất kỳ đạo diễn, nhà sản xuất hay ê-kíp nào. Đã nhiều lần tôi rơi vào trạng thái hụt hẫng nhưng chỉ là cục bộ, vì nhìn xa hơn tình hình dịch bệnh và sức khỏe của người xung quanh mới là điều cần ưu tiên quan tâm.
Đã bao giờ anh chán chờ đợi tới mức nghĩ rằng, thôi thì rạp mở cửa là mình chiếu ngay, hoặc bán hẳn do các app xem phim streaming để thu hồi vốn?
Không bao giờ tôi có ý nghĩ đó dù nhiều lúc hụt hẫng và chán nản. Việc công chiếu phải được xét trên nhiều yếu tố, nếu không thấy sự thuận lợi tuyệt nhiên tôi và nhà sản xuất sẽ không bao giờ để phim ra rạp, không bao giờ có chuyện "đem con bỏ chợ".
Vậy tại sao anh và ekip lại quyết định chốt lịch chiếu Rừng Thế Mạng vào đợt 31/12 này? Anh muốn “miếng bánh” của ngày lễ kéo dài 4 ngày chăng?
Phim của chúng tôi tính luôn thời gian sản xuất là đã gần 2 năm, vì vậy nếu tiếp tục hoãn giá trị của bộ phim sẽ ngày càng giảm. Hơn nữa trong thời điểm hiện tại cũng không ai chắc chắn đâu là thời điểm ra rạp tốt hơn. Rừng Thế Mạng là một tựa phim đã có rất nhiều khán giả chờ đợi, cùng với dịch bệnh ở nhiều địa phương nhất là Tp.HCM đã được kiểm soát, cuộc sống và các hoạt động giải trí đang trên đà hồi phục. Vì vậy ngày 31/12/2021 theo tôi là thời điểm thích hợp để bộ phim ra rạp. Nếu không phải bây giờ thì là khi nào!?
Cũng có nhiều phim Việt lên lịch ra rạp cuối năm 2021, nhưng rồi thấy Spider-man: No Way Home nên sợ quá “quay đầu xe” cả rồi. Tôi thấy nhiều người bảo “Rừng Thế Mạng không sợ à”, vì đụng độ thêm cả Matrix 4, 007 - toàn bom tấn hạng nặng của Hollywood.
Như bạn đã nói đúng, dịp cuối năm nay rạp phim của mình có một rổ bom tấn nước ngoài, nhưng đồng thời thiếu vắng phim Việt. Với tôi đây là một điểm lợi lẫn bất lợi. Bất lợi là giữa những thương hiệu phim lớn chắc chắn một tác phẩm phim Việt sẽ không phải là ưu tiên mua vé, nhưng mặt khác chúng tôi vẫn tin vì chỉ có mỗi Rừng Thế Mạng là phim Việt nên chắc chắn vẫn sẽ nhiều khán giả yêu thích và ủng hộ. Vì vậy chất lượng của tác phẩm sẽ chìa khóa sống còn.
Anh tự tin vào điều gì ở Rừng Thế Mạng để vững tâm cho ra rạp vào thời điểm này?
Tôi rất tự tin vào chất lượng và nội dung của tác phẩm phim sinh tồn đầu tiên của Việt Nam sẽ chinh phục được khán giả.
Vậy còn điều khiến anh phải lo lắng trăn trở cho số phận của đứa con đầy trắc trở này?
Thời điểm này, bất kể phim nào cũng lo lắng tình hình dịch bệnh. Tôi hi vọng rằng dịch bệnh sẽ ngày càng thuyên giảm và trong tầm kiểm soát trong thời điểm phim ra rạp.
Bao nhiêu tiền cho Rừng Thế Mạng thì sẽ giúp anh “ăn ngon ngủ yên”?
Ở thời điểm chưa có dịch tôi sẽ đưa cho bạn một con số, còn hiện tại phim ra rạp và được đông đảo khán giả đón nhận là tôi đã "ăn ngon ngủ yên"
Lật lại quá khứ nhé, tôi từng đọc và thấy anh chia sẻ với báo đài rằng, anh chọn địa danh Tà Năng Phan Dũng làm địa điểm chính để quay phim. Anh có điều gì ở đó khiến bản thân lưu luyến vậy?
Nói điều này không biết bạn có tin không, phim này là địa điểm chọn tôi, chứ không phải tôi là người chủ động chọn. Trong một lần đi gọi là bung xoã đầu óc sau phim Bắc Kim Thang, tôi lên lịch đi trekking ở một vài con thác và khu rừng, trong đó có Tà Năng Phan Dũng. Chính đêm nghỉ lại cung đường này, một cảm giác không diễn tả được bắt tôi phải làm bộ phim về nơi đây, hình ảnh kịch bản cũng từ đêm đó mà dần dần hình thành.
Vậy tại sao có ý nghĩa như thế với anh, mà anh lại đổi tên phim sang thành Rừng Thế Mạng? Anh muốn “câu khách” hơn?
Cái này tôi thừa nhận với anh là đúng. Tà Năng Phan Dũng là một tên phim rất ý nghĩa, tuy nhiên cái tên này chỉ phổ biến trong một cộng đồng yêu phượt hoặc người địa phương hay xa hơn là những bạn trẻ yêu thiên nhiên khám phá. Ngoài các nhóm đối tượng ấy ra, gần như không ai biết. Do đó, tôi và nhà sản xuất đã quyết định đổi tên, nhưng gọi là để "câu khách" thì không hẳn, chính xác là mong muốn được tiếp cận nhiều hơn với mọi người, vì thật ra sau nhiều chuyện có thật ở địa danh này, không hiểu sao cũng có nhiều phượt thủ, dân địa phương cũng bắt đầu gọi nơi đó là "Rừng Thế Mạng".
Việc làm một bộ phim lấy cảm hứng từ những chuyện có thật, thường gây tranh cãi nhiều lắm. Nhất là với người thân của những người gặp chuyện trong quá khứ. Anh đã lường trước, tính toán gì cho điều này?
Chuyện này hoàn toàn ngoài dự tính của tôi. Lúc chuyện tranh cãi bùng lên tôi có nói chuyện với đại diện của gia đình phượt thủ gặp chuyện. Tôi giải thích với họ rằng bộ phim lấy cảm hứng từ các chuyến đi của tôi, một vài chi tiết của các vụ tai nạn đã được đăng lên báo chí. Chứ tôi có nằm trong nhóm đi chơi gặp nạn đâu hay tiếp cận được ai có thông tin từ họ để dựng thành phim. Nhưng vì một số người đã có thành kiến rồi thì có giải thích cũng bằng thừa, nên để bản thân bộ phim, tôi và cả nhà sản xuất được minh oan, tôi mong muốn mọi người xem phim và sẽ tìm thấy câu trả lời.
Tôi xem phim và thấy quá trình quay phim này quá cực. Việc leo lên đỉnh núi với những chiếc xe thô sơ chở đạo cụ và diễn viên, rồi thiếu thốn lương thực nước uống… Tại sao anh lại mạo hiểm cho cả team như vậy?
Phim thuộc thể loại sinh tồn thì cách làm phim cũng phải sinh tồn chứ sao! Nói đùa thôi chứ tôi muốn tạo sự chân thật nhất cho người xem. Vì vậy chỉ còn cách duy chuyển vào trong đó để quay phim. Đã có nhiều ý kiến khuyên tôi nên quay phim trường để tránh rủi ro, mạo hiểm. Nhưng theo tôi chỉ cần bạn chuẩn bị không tốt thì dù có quay ở đâu cũng sẽ gặp chuyện bất trắc, chưa kể đây là phim sinh tồn yếu tố chân thật PHẢI ĐƯỢC ĐẶT LÊN HÀNG ĐẦU.
Làm phim về trekking, lại quay thật trong một khu rừng mà đến cả dân lành nghề cũng ngán đi vào đó. Anh có bao giờ sợ “phim giả chuyện thật”, ekip bị mắc kẹt ở đấy?
Tôi chưa bao giờ sợ chuyện đó, chúng tôi đi làm việc chứ không phải đi du lịch do đó tất cả mọi khâu đều được chuẩn bị rất kỹ càng. Tính kỷ luật được đặt lên hàng đầu. Nhờ vậy tôi mới đang ngồi nói chuyện với bạn, chứ nếu không giờ này báo chí sẽ đăng đầy một đạo diễn bị mắc kẹt mấy tháng trong Tà Năng Phan Dũng đến giờ vẫn chưa tìm thấy.
Làm cách nào để đoàn phim của anh “an toàn” ra khỏi khu rừng đó khi mà kim chỉ nam hay Google Maps cũng vô phương?
Vì đoàn tôi vào rừng "rủ" rất nhiều người dân địa phương, thổ địa đi cùng, chứ không phải "đi vào rừng mà không có rủ ai".
Quá trình chuẩn bị cho sự an toàn khi quay phim này được anh chuẩn bị ra sao? Mất bao lâu để anh đảm bảo việc ghi hình sẽ không xảy ra sự cố bất trắc?
Chúng tôi đi rất nhiều lần cung đường này, phần tiền kỳ được chuẩn bị trước 6 tháng, dù đã tính rất kỹ nhưng người tính vẫn không bằng "rừng" tính đó.
Nhưng rồi nó có bất trắc nào mà anh với ekip Rừng Thế Mạng không tính trước được?
Đó là ánh sáng và gió. Bạn cứ tưởng tượng chỉ mới tầm hơn 15h chiều thôi, mặt trời đã thấp hơn ngọn cây, cả khu rừng không còn chút ánh sáng để quay. Còn gió thì cực kỳ lớn ảnh hưởng đến việc thu âm trực tiếp cũng như và cảnh quay.
Thông điệp mà anh muốn gửi gắm đối với các bạn trẻ thích phượt là gì với Rừng Thế Mạng?
Tôi trông chờ những câu trả lời của các bạn sau khi xem phim. Vì có thể mỗi một người xem sẽ có thông điệp riêng cho mình.
Bàn về diễn viên nhé. Tôi tò mò vì sao anh lại chọn Trần Phong và Huỳnh Thanh Trực cho tuyến chính? Họ đâu phải là cái tên nổi tiếng?
Tôi không chọn diễn viên mà tôi chọn nhân vật. Cả Phong và Trực đều cho tôi thấy họ chính là Bách và Kiên bước ra từ kịch bản.
Anh chọn họ bằng cảm giác, hay có thử thách thi thố từ hồi casting?
Tất cả diễn viên phim tôi chọn đều bằng cảm tính. Tôi chưa bao giờ casting diễn viên.
Lúc tôi xem phim này, tôi nghĩ rằng, chỉ có diễn viên trẻ, mới, ít tiếng tăm thì mới lăn xả chịu cực chịu khổ như vậy được. Chứ quay phim mà leo núi thật, đi vào rừng thật rồi chịu bao nhiêu là thứ từ trèo đèo lội suối xuống tháng lên dốc… như vậy, diễn viên nổi tiếng chắc ngại lắm. Anh có nghĩ vậy không?
Tôi không nghĩ vậy, có khi diễn viên nổi tiếng cũng khao khát có được một nhân vật để họ có dịp thể hiện, làm mới bản thân và cởi bỏ khuôn khổ hay hình ảnh mà khán giả đã quen thuộc. Quan trọng là duyên số, phim ảnh là duyên số và vai diễn đến với mỗi người cũng là duyên số.
Nếu đổi vai Trần Phong với Huỳnh Thanh Trực cho nhau, anh thấy có ổn không?
Ha ha, không ổn. Ngay từ đầu tôi đã xác định, đóng đinh trong đầu mình Phong là Bách và Trực là Kiên. Bởi vì thần thái ngoại hình và tính cách ngay cả giọng nói của các bạn đã cho tôi định hình được nhân vật của mình.
Ấn tượng của tôi với bạn Trực là series sitcom vui vui đóng vai Chem Chép cùng BB Trần - Hải Triều, tính cách tếu táo có phần nhõng nhẽo. Tôi tò mò anh nhìn thấy tiềm năng diễn xuất của bạn này từ chỗ nào để nhào nặn ra vai diễn gai góc như thế này?
Thật ra tôi nhìn diễn viên không phải qua các tác phẩm hay thể loại các bạn ấy đã từng đóng, mà qua cách các bạn ấy nói chuyện với tôi về nhân vật, về đời sống, về cuộc sống và đặc biệt là về PHIM ẢNH. Tôi ấn tượng với Trực qua 1 tấm hình, trước đó không hề biết bạn là diễn viên hài hay đã từng tham gia gì. Bức ảnh của bạn gây ấn tượng với tôi bằng ánh mắt. Vì vậy tôi quyết định gặp bạn, và khi gặp, khi nói chuyện xong thì tôi tin mình đã tìm thấy nhân vật của mình.
Anh chấm điểm cho Trực và Phong ra sao, tôi không muốn một con số bằng nhau và… “dĩ hoà vi quý” đâu nhé. Vì sao họ có số điểm đó?
Tôi không thể chấm điểm hơn thua cho Trực và Phong được. Vì không ai đi so sánh Pizza và Phở bao giờ.
Các diễn viên như Trực với Phong đã “than thở oán trách” với anh ra sao sau quá trình quay phim quá cực khổ này? Tôi nghĩ dễ gì họ không than với áp lực kinh khủng như vậy nhỉ?
Họ hỏi tôi nếu có làm phần 2, làm ơn mời họ nữa nha.
Anh ý đồ cài cắm yếu tố tình trai vào trong Rừng Thế Mạng không? Tôi cảm nhận chuyện tình cảm đơn phương, và đến kết thúc thì vỡ lẽ ra nhiều thứ.
Không bao giờ có chuyện yếu tố tình trai trong Rừng Thế Mạng. Tôi không thích làm về cảnh “lăn giường” và đam mỹ. Phim tôi sẽ không bao giờ có 2 yếu tố đó.
>>> Xem thêm: Rừng Thế Mạng ra rạp giữa lúc loạt phim Việt “né gấp” Spider-man
Tôi thấy đang làm tiếp phim Chuyện Ma Gần Nhà. Tính ra, anh liên tục đạo diễn phim kinh dị, từ Bắc Kim Thang tới Rừng Thế Mạng và tương lai. Anh thích thể loại này hay cảm thấy nó dễ có khách, dễ kiếm tiền hơn?
Nói thiệt là giờ nếu không làm phim kinh dị thì tôi không biết làm gì nữa. Thể loại này cho tôi nhiều trải nghiệm, thích thú và cả sự hoảng sợ. Nếu nói phim kinh dị dễ có khách, dễ kiếm tiền thì không đúng, đơn giản đây là niềm đam mê lớn của đời tôi.
Cái khó của làm phim kinh dị nằm ở đâu?
Bạn làm cho người ta sợ thì rất dễ, còn để làm cho người ta thấy ám ảnh mới là khó.
Anh có nghĩ khán giả Việt thích coi phim kinh dị, nhưng cũng kén lắm, nhất là phim Việt. Số lượng phim kinh dị Việt thành công không quá nhiều mà bị chê bai thì nhiều hơn. Có rủi ro quá không anh?
Trong tương lai thì tôi không biết, nhưng hiện tại đúng là sẽ không thể nào có những phim kinh dị đạt được con số 300 - 400 tỷ. Dù vậy, đây vẫn là thể loại đầy tiềm năng, rất an toàn để đầu tư và sản xuất. Còn rủi ro hay không thì thể loại nào cũng có, phần lớn là nằm ở kịch bản. Kịch bản mà không tốt thì đúng là rủi ro rồi.
Nếu không làm phim kinh dị nữa, anh sẽ làm thể loại phim nào?
Tôi mở quán cà phê sống qua ngày.
Tôi thấy Bắc Kim Thang, anh chọn dàn cast chính cũng là những diễn viên gạo cội lớn tuổi, còn diễn viên trẻ thì… rất trẻ, mới toanh, ít nổi tiếng. Do ekip của anh muốn kinh phí thấp nên không mời những ngôi sao phòng vé hay có nguyên nhân sâu xa gì khác?
Vẫn là yếu tố cảm tính và cảm giác của tôi giữa nhân vật và diễn viên đó. Hoàn toàn không có chuyện tôi không mời những ngôi sao phòng vé.
Tôi thấy điện ảnh Việt thường chọn mấy cái tên quen thuộc theo kiểu “bảo chứng phòng vé”, vì các nhà đầu tư cũng an tâm hơn mà rót vốn, nhà phát hành tự tin nhận phim hơn. Anh thấy điều đó thế nào?
Ở khía cạnh kinh doanh, điều đó hoàn toàn đúng và bình thường. Vì người ta bỏ tiền ra làm phim thì chắc chắn phải muốn có lời. Nhưng công thức này có đúng hay không trong tương lai thì không biết được. Vì thật ra có nhiều phim vẫn có ngôi sao phòng vé nhưng vẫn thất bại. Thành ra làm gì làm, kịch bản vẫn là thứ quan trọng nhất.
Sao anh không “1 kèm 1”, dùng một cái tên “quen mặt” phòng vé để kèm với một người mới?
À, có đó, bạn chờ xem Chuyện Ma Gần Nhà nhé! không phải "1 kèm 1" mà là" 3 kèm 3" luôn.
Anh đánh giá lứa thế hệ diễn viên trẻ, mới hiện tại ra sao, tiềm năng thế nào? Anh có thể cho tôi một số gương mặt mới mà anh đánh giá cao họ khi theo dõi, xem phim?
Đúng là tôi có thấy nhiều gương mặt mới tiềm năng, nhưng vì tôi sẽ không thường nhận xét một ai đó hay đánh giá một ai đó mà họ chưa cộng tác với tôi, nên khi những dự án của tôi trong tương lai mà gọi tên các bạn, có nghĩa là các bạn có những thứ rất hay và đã chinh phục tôi.
Còn câu chuyện diễn viên tốt nghiệp trường lớp (ĐH SKĐA chẳng hạn) và diễn viên tự phát (các hotboy hotgirl người mẫu…) thì sao? Anh đánh giá những bạn này như thế nào? Anh sẽ lựa chọn, hoặc nhắm đến những người ra sao cho các dự án phim của mình?
Tôi quan niệm: làm nghệ thuật phải có khiếu bẩm sinh hoặc tài năng bẩm sinh. Tôi không quan trọng các bạn có xuất phát điểm từ đâu, miễn là bản thân các bạn thật sự có tài, nghiêm túc với công việc diễn viên, tự điều đó ở các bạn sẽ gây chú ý với tôi.
Anh tự đánh giá mình đang ở đâu trên thị trường phim chiếu rạp hiện tại?
Tôi vẫn là "một tấm chiếu mới".
Ai là đối thủ của anh trong lĩnh vực này?
Tôi không xem ai là đối thủ cả, tôi chỉ muốn phim sau của mình sẽ hay hơn phim trước của mình.
Còn câu chuyện phim điện ảnh, hiện nay rạp phim đối mặt nhiều thử thách vì COVID-19, nền tảng streaming app thì phát triển mạnh mẽ. Anh có muốn dịch chuyển từ rạp lên app hay không? Tôi không nói đến chuyện “phát hành lần 2”, mà là sản xuất original series trên app.
Tôi đã có sự sẵn sàng cho chuyện đó và hi vọng sẽ có duyên hợp tác với các đối tác trong tương lai.
Anh muốn nói điều gì với khán giả về việc Rừng Thế Mạng ra rạp, một lời nhắn nhủ gì đó chẳng hạn?
Tôi xin được lấy chất lượng của Rừng Thế Mạng để mời gọi tất cả mọi người hãy ra rạp và cảm nhận bộ phim.
Cảm ơn anh vì đã trả lời phỏng vấn của DienAnh.net. Tôi xin chúc cho Rừng Thế Mạng hoàn thành vai trò tiên phong để phim Việt quay lại rạp chiếu sau thời gian giãn cách xã hội khá lâu vừa qua.
>>> Xem thêm: Trần Phong và dàn sao Rừng Thế Mạng từng học gì trước khi đi diễn
Trong vị thế người tiên phong, đạo diễn cũng như ê-kíp Rừng Thế Mạng hoàn toàn tự tin chất lượng của tác phẩm sẽ chinh phục được khán giả Việt. Chính sự mạo hiểm này sẽ tạo nên bước đệm giúp phim nội địa trở lại mạnh mẽ trong thời gian sắp tới.
Rừng Thế Mạng khởi chiếu ngày 31.12. 2021. Tác phẩm lấy bối cảnh tại Tà Năng - Phan Dũng, cung đường phượt nổi tiếng nằm ở ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận. Trên hành trình, phượt thủ Kiên (Huỳnh Thanh Trực) bị lạc đoàn, phải đơn độc trải qua cuộc chiến sinh tồn giữa rừng. Kịch bản được truyền cảm hứng từ những chuyến đi của đạo diễn Trần Hữu Tấn và những người bạn.
Là một trekker chính hiệu của Tà Năng - Phan Dũng, nhà làm phim muốn mang đến sự choáng ngợp diệu kỳ lẫn những hiểm nguy khó lường, thậm chí cả các yếu tố tâm linh huyền bí trên cung đường lừng danh này. Dự án được ghi hình trong 36 ngày, từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2020, ở chính Tà Năng - Phan Dũng. Đoàn phim phải đi bộ nhiều cây số vào trong rừng, dựng lều trại để ngủ lại và sử dụng nhiều xe công nông, xe chuyên dụng để vận chuyển thiết bị, thực phẩm, nước uống ở địa hình hiểm trở.
Rừng Thế Mạng (tên cũ là Tà Năng - Phan Dũng) do ProductionQ - Creative House sản xuất, Galaxy Studio phát hành, khởi chiếu toàn quốc vào ngày 31/12/2021. Phim quy tụ các diễn viên Huỳnh Thanh Trực, Trần Phong, Thùy Anh, Thùy Dương, Lê Quang Vinh, Nguyễn Phước Lộc, NSƯT. Hữu Châu, Kiều Trinh, Bích Hằng, Hưng Võ. DienAnh.net hân hạnh là đối tác truyền thông chiến lược của dự án phim điện ảnh Rừng Thế Mạng.
Bài viết của Hoa Lê trên DienAnh.net
Nếu bạn yêu thích các bộ phim Việt và muốn hóng hớt showbiz thì hãy theo dõi DienAnh.net để cập nhật những bài viết mới nhất và cùng ngồi tám với tui nhé!
Facebook - bình luận