Sau khi cày đi cày lại Tây Du Ký đến hàng chục lần, mình phát hiện ra tác phẩm này quy tụ rất nhiều yêu tinh trong thần thoại. Và tình cờ làm sao khi những con yêu tinh này cũng từng xuất hiện trong rất nhiều bộ phim tiên hiệp sau này. Thế nên, hôm nay mình muốn cùng mọi người so sánh thử xem tạo hình dàn yêu quái trong Tây Du Ký với loạt phim bây giờ coi khác và giống nhau thế nào nhé!
1. Kim Sí Điểu
Kim Sí Điểu ở siêu phẩm về thầy trò Đường Tăng chính là đại bàng cánh vàng, con trai Phượng Hoàng, cậu của Như Lai, em trai Khổng Tước Đại Minh Vương Bồ Tát, thân phận cực cao. Tuy nhiên, chắc mọi người cũng nhận ra một điều, trong Tây Du Ký, cứ là nam yêu quái thì chắc chắn sẽ có tạo hình đáng sợ. Thế nên mọi người đừng bất ngờ khi nhìn thấy phiên bản tả thực này nhé.
Còn Kim Sí Điểu nổi tiếng nhất trên màn ảnh Hoa ngữ lại thuộc về Tư Phượng của Thành Nghị trong Lưu Ly Mỹ Nhân Sát. Chắc nhiều bạn cũng ngỡ ngàng giống mình, vì Tư Phượng chẳng có điểm gì để chứng minh quan hệ họ hàng với con yêu tinh trong Tây Du Ký cả. Đã không đen nhẻm thì chớ, Tư Phượng còn đẹp trai vô cùng. Thi thoảng, nhân vật này lại khiến mình u mê bởi đôi cánh vàng lộng lẫy, mỗi lần bung xòe là chiếm trọn spotlight.
>>> Xem thêm: Mỹ nhân cổ trang Cbiz đeo mặt nạ "ố dề": Dương Mịch ngỡ đai cổ, Thi Thi như manga
2. Khổng Tước
Đây cũng là nhân vật có vai vế rất cao trong Tây Du Ký. Bởi Khổng Tước và Kim Sí Điểu đều do Phượng Hoàng sinh ra. Nhân vật này được phong làm Phật mẫu với hiệu Khổng Tước Đại Minh Vương Bồ Tát. Thân thế khủng, nhan sắc của Khổng Tước cũng nổi trội chẳng kém. Người vào vai này là nữ diễn viên Kim Xảo Xảo.
Trong Hương Mật Tựa Khói Sương, nhân vật Tuệ Hòa do Vương Nhất Phi thủ vai là công chúa Điểu tộc, chân thân là con khổng tước. So với Khổng Tước của Kim Xảo Xảo, Tuệ Hòa có phần hụt hơi về khí chất lẫn khí phách, về mặt ngoại hình thì mình cũng đánh giá Kim Xảo Xảo cao hơn nhé.
3. Hồ ly tinh
Hồ ly tinh mà mình muốn nhắc đến trong đây chính là Ngọc Diện Hồ Ly của Trịnh Ích Bình và Bạch Thiển của Dương Mịch trong Tam Sinh Tam Thế Thập Lý Đào Hoa. Xét về diện mạo thì đúng là mỗi người một vẻ, Trịnh Ích Bình quyến rũ, mị hoặc đúng chất yêu tinh, còn Dương Mịch thì trông cao ngạo, bá khí theo style "bà nội tứ hải bát hoang".
Lý do mình chọn Bạch Thiển để so sánh với Ngọc Diện Hồ Ly là vì cả 2 nhân vật này có nhiều nét tương đồng. Đầu tiên họ đều là hồ ly trắng. Tiếp theo, địa vị của cả 2 trong giới hồ yêu rất cao. Bạch Thiển chính là con gái của Hồ đế Bạch Chỉ, kế thừa ngôi vị Đông Hoang nữ đế của Thanh Khâu. Còn cha của Ngọc Diện Hồ Ly là Vạn Tuế hồ vương, sau khi cha mất cô cũng được thừa kế toàn bộ gia tài của ông.
4. Yêu hầu
Tôn Ngộ Không thì chắc chẳng ai xa lạ nhỉ? Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không là con khỉ sinh ra từ hòn đá, sau khi học được 72 phép thần thông thì đại náo thiên cung, sau đó theo Đường Tăng đi thỉnh kinh và được phong là Đấu Chiến Thắng Phật. Trong ký ức của mình, Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng sở hữu đôi mắt sáng thông minh và khuôn mặt lông lá đặc trưng.
Trong Lưu Ly Mỹ Nhân Sát có nhân vật Vô Chi Kỳ, vốn là yêu hầu. Theo tìm hiểu của mình thì Vô Chi Kỳ chính là nhân vật trong Sơn Hải Kinh, vừa là yêu quái lại vừa là yêu tiên, tính cách phản nghịch, thường xuyên gây họa trên sông nước, nhưng đồng thời lại là hiếu tử, được các vị thần tán dương và lập miếu thờ phụng. Nhiều học giả cho rằng Vô Chi Kỳ chính là nguyên hình của Tôn Ngộ Không đó. Trong Lưu Ly, nhân vật do Phó Phương Tuấn thủ vai lại chẳng có nét gì giống yêu hầu cả, là một soái ca.
5. Cá chép tinh
Trong Tây Du Ký có một nhân vật là Linh Cảm Đại Vương vốn là con cá chép được nuôi trong ao sen của Quan Thế Âm Bồ Tát nhưng sau này lại lẻn xuống trần gian làm loạn, tự xưng là Linh Cảm Đại Vương. Đây là tạo hình của nhân vật này trong phim Tây Du Ký, đỏ rực rỡ.
Nhắc đến nhân vật này thì mình lại nghĩ đến Triệu Lệ Dĩnh. Bởi cô từng có tạo hình cá chép đỏ cũng sặc sỡ chẳng kém trong bộ phim Truy Ngư Truyền Kỳ. Điểm khác biệt là nhân vật Hồng Lăng vốn thơ ngây, đáng yêu và lương thiện chứ chẳng chiếm sông làm bá chủ như Linh Cảm Đại Vương.
6. Mãng Xà tinh
Trong Tây Du Ký phần 2, có một nhân vật là Mãng Xà tinh khiến thầy trò Đường Tăng được một phen trầy trật. Dù chân thân của yêu tinh này đáng sợ thật, nhưng lúc hóa người thì lại quyến rũ, ma mị đến lạ. Người đảm nhận vai mãng xà là nữ diễn viên Bác Hoằng có vẻ đẹp mang nét dị vực rất đặc biệt, khiến mình nhớ mãi không quên.
Còn trong Tam Sinh Tam Thế Thập Lý Đào Hoa, có một "trà xanh" khó yêu thương cũng là mãng xà thành tinh đó. Có ai nhớ Thiếu Tân, nhân vật đã "giựt" vị hôn phu Tang Tịch của Bạch Thiển không? Vai diễn này được giao cho An Duyệt Khê, sao nữ có dung mạo thơ ngây, đáng thương.
7. Đông Hải Long Vương
Chắc mọi người chẳng còn xa lạ gì với Đông Hải Long Vương trong Tây Du Ký nhỉ? Tên của ông là Ngao Quảng, thống trị Đông Hải và cũng là người đứng đầu Tứ Hải Long Vương. Sau này, ông bị Tôn Ngộ Không lấy mất Định Hải Thần Châm. Theo mình, đây là một trong những nhân vật có tạo hình ấn tượng nhất Tây Du Ký, vừa mang nét của rồng lại vừa uy nghi, bá khí.
Còn trong Trầm Vụn Hương Phai, nhân vật Đông Hải Long Vương do Vương Kiến Tân thể hiện thì ít nét của Long Vương hơn, chỉ có mỗi cặp sừng để nhận dạng.
>>> Xem thêm: Chẳng thèm cài trâm, dàn mỹ nhân cổ trang lấy lưới đội lên đầu: Đặng Tụy Văn "ố dề"
Từ bài so sánh này, chắc mọi người cũng dễ dàng nhận ra sự khác biệt của dàn yêu - thần trong Tây Du Ký so với các bộ phim tiên hiệp bây giờ nhỉ? Trong Tây Du Ký thì dàn yêu quái nam đều là tạo hình tả thực, còn yêu tinh nữ thì mỗi người một vẻ mỹ miều. Còn trong phim tiên hiệp bây giờ, dù chân thân là gì thì các nhân vật luôn xuất hiện với vẻ ngoài thướt tha, khó mà nhận ra thân phận thật.
Giữa 2 phong cách tạo hình này, bạn thích cái nào hơn?
* Bài viết của Tiểu Vũ Khứ Linh chia sẻ tại box Phim Hoa Ngữ
Nếu bạn yêu thích các bộ phim Hoa ngữ , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Tây Du Ký? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận