Người xưa quan niệm rằng bất kể ai dù có ngoại hình như thế nào, giàu hay nghèo, cao hay thấp thì mỗi người đều cần phải tu dưỡng. Đó là điều quan trọng thực sự trong cuộc sống. Tôi thấy rằng khi chúng ta vui vẻ, nếu để niềm vui lấn át sẽ trở nên mềm yếu, buông thả, dễ dẫn đến thất bại. Thất bại nhiều thì sẽ đánh mất lý trí. Mất đi lý trí sẽ sinh ra buồn rầu, ủ dột, buồn lại khiến trái tim yếu ớt. Yếu ớt và thất vọng khó có thể vực dậy, đó là ta đang không coi trọng cơ hội được sống rực rỡ của chính mình.
Mọi sự nên tùy duyên, đừng cưỡng cầu. Thuận theo duyên số, thích nghi với mọi trường hợp mới mong tâm thái tốt đẹp. Mọi chuyện xảy ra cần xét xem nên làm thì hãy làm, còn không nên làm thì tốt nhất đừng bao giờ làm. Không nên quá khắt khe, những điều chính mình không muốn xảy đến với mình thì đừng áp đặt lên người nào đó.
Con người cao ở nhẫn: Trong hầu hết mọi chuyện cấp bách, có tính nhẫn nại sẽ nâng phẩm chất con người lên hàng cao cấp. Con người quý ở thiện: Cuộc sống luôn tích đức làm việc thiện thì mới là đáng yêu quý. Con người hơn nhau chữ ngộ: Một người có hiểu thấu đạo lý nhân sinh thì mới là kiệt xuất.
Công danh lợi lộc trong đời cũng chỉ như gió thoảng mây trôi, có khả năng tiêu tán bất kỳ thời điểm nào. Duy chỉ có tiếng thơm là lưu truyền mãi mãi về sau. Kẻ chỉ mong hạ người khác xuống để bản thân mình được nâng lên cao hơn thì chỉ là hạng tiểu nhân, không được người đời xem trọng. Người khiêm nhường, kính cẩn, nâng người hạ mình, mới là điều mà người quân tử nhắm đến.
Những người nhiều chuyện, tất nhiều thị phi, nảy sinh lời ra tiếng vào. Người nhiều toan tính thì sẽ sinh phiền não. Người nhiều suy tư hoài tưởng, sẽ sinh ra ủ dột. Người nhiều uất ức trong lòng sẽ sinh căm phẫn. Khi tâm thái đã bình thản thì khí ắt sẽ thuận lợi, tâm loạn thì vạn sự tất sẽ rắc rối. Một người với tâm trạng căng thẳng thì mọi chuyện sẽ lệch lạc. Vậy nên, cung kính người thiện lành, nghiêm khắc với người xấu chính là tự mình hành thiện cho mình.
Người xưa có câu: “Người đọc sách mà không tu dưỡng đức thì chỉ là nô lệ của chữ. Dạy tri thức mà không tán thành thực hành thì chỉ như hòa thượng thuận miệng tụng kinh mà không giác ngộ. Người tạo dựng sự nghiệp mà không chú trọng phẩm hạnh thì chỉ như đóa hoa nở trong nháy mắt sẽ héo tàn”.
Tự kỷ luật bản thân chính là tu dưỡng. Có sức mạnh trong tâm như thế sẽ không ngông cuồng dựa vào thế lực ỷ mạnh hiếp yếu, không nhẹ dạ bị cám dỗ bởi thói đời bên ngoài. Bản lĩnh sẽ luôn vững vàng như dãy trường thành ngăn sóng gió. Thẳng thắn đối mặt chính mình, dùng tâm tính bình ổn, điềm đạm đối đãi với người khác một cách thuần khiết. Kết giao bạn bè để nâng cao cốt cách, giữ gìn được khí phách, có thể ngẩng đầu hiên ngang trước giông bão cuộc đời. Người như vậy giữ được sự tự tôn và luôn tin vào chính mình.
Lão Tử từng nói: “Biết người là khôn ngoan, còn biết mình là sáng suốt. Thắng người là kẻ có sức, tự thắng mình mới chính là kẻ mạnh”. Khốn cảnh không to tát gì mà điều đáng sợ nhất chính là đánh mất đi chí hướng và sự nỗ lực phấn đấu của mình.
Sống ở đời, hầu hết các vấn đề xảy đến đều không đúng được như nguyện vọng của con người. Bởi vậy, ở vào hoàn cảnh bần cùng, càng nên giữ tâm an định, tin vào chính bản thân mình. Thực hiện được như thế là, ta sẽ nhận thức được rằng sinh mệnh của chúng ta luôn có sức sống mới mới, làm cho hằng ngày hằng giờ đều là một khởi đầu mới.
Kết: Mỗi người là một cá thể duy nhất. Tôi cho rằng tất cả đều có vẻ đẹp riêng, ưu điểm riêng. Chúng ta cao ở "nhẫn", quý ở "thiện" và hơn nhau ở chữ "ngộ". Cuộc sống vốn luôn tươi đẹp như vậy, bầu trời vốn là trong xanh như vậy. Điều cần thay đổi không phải là hoàn cảnh, mà chính là tâm thái của mỗi người.
* Bài viết của Tiêu Dao chia sẻ tại box Cafe Danner
Đời người là một quá trình hoàn thiện và tu dưỡng bản thân, nếu bạn có những tâm đắc về cuộc sống , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận