Ra mắt lần đầu vào cuối năm 2021, Spider-Man: No Way Home đã chính thức mở ra cánh cửa đến đa vũ trụ cho MCU, đưa nhiều nhân vật khét tiếng trở lại. Với sự mong đợi của khán giả, mình không quá ngạc nhiên khi bộ phim này gây bão trên toàn cầu, chứng minh kế hoạch đa vũ trụ của MCU là vô cùng tiềm năng.
Chưa dừng lại ở đó, với việc đưa loạt trùm phản diện từ các loạt phim Spider-Man trước đây trở lại, No Way Home còn phá vỡ một nỗi lo đã tồn tại từ lâu của thể loại siêu anh hùng. Trong nhiều năm qua, bất kỳ bộ phim siêu anh hùng nào có nhiều hơn hai nhân vật phản diện luôn được cho là rất có khả năng thất bại.
“Nỗi lo lắng ba nhân vật phản diện” luôn được coi là thứ khiến nhiều tác phẩm siêu anh hùng trở thành bom xịt và là một yếu tố để người xem có thể đánh giá chất lượng phim cũng như độ thành công của các bom tấn thuộc thể loại này. Điển hình như Spider-Man 3 của Sam Raimi, việc cố gắng kết hợp ba trùm phản diện là Goblin mới, Sandman và Venom là một trong những lý do khiến bộ phim không thể xuất sắc như hai phần đầu tiên.
Tương tự, The Amazing Spider-Man 2 cũng thất bại ê chề khi cố gắng kết hợp Rhino và Sinister Six. Các phim X-Men cũng không thoát khỏi vấn đề trên khi X-Men: The Last Stand (phần ngoại truyện của Magneto, Jean, and the Cure) và X-Men Origins: Wolverine đều được đánh giá không cao. Như mình đã nói ở trên, Spider-Man: No Way Home cuối cùng đã phá vỡ điều trên bằng cách giới thiệu tới 5 nhân vật phản diện vào trong một bộ phim thành công rực rỡ cả về mặt doanh thu lẫn đánh giá từ giới phê bình.
Sau khi chiến đấu với Vulture trong Spider-Man: Homecoming và Mysterio ở Spider-Man: Far From Home, Người Nhện (Tom Holland) đã được trao cơ hội chiến đấu với 5 kẻ phản diện đến từ đa vũ trụ. Nếu như xét đúng theo “lịch sử” trên, No Way Home đã hội tụ đủ yếu tố để trở thành một thảm họa về cả nhịp độ phim lẫn cách kể chuyện. Thế nhưng thật may mắn, sự đón nhận nồng nhiệt của bộ phim từ cả giới phê bình lẫn khán giả cho thấy việc có quá nhiều nhân vật phản diện chưa bao giờ là vấn đề.
Vấn đề thật sự mà các bộ phim siêu anh hùng phải đối mặt không phải là có bao nhiêu nhân vật phản diện, mà là làm thế nào để tập hợp tất cả họ vào chủ đề của bộ phim và nâng tầm nhân vật chính. Chọn một cốt truyện phù hợp cho tất cả trùm phản diện là cách No Way Home tránh được vấn đề thực sự đằng sau thất bại của các bộ phim cùng thể loại.
Mặc dù có cách xuất hiện và mức độ quan trọng khác nhau trong suốt bộ phim, tất cả các nhân vật phản diện trong No Way Home đều góp phần vào sự trưởng thành của Peter Parker bằng cách khiến anh phải đối mặt với những thách thức. Spider-Man: No Way Home đã là một bước ngoặt không chỉ của các bộ phim về Spider-Man mà còn là cả ngành sản xuất phim siêu anh hùng và việc tìm ra cách để phá bỏ cái dớp “quá nhiều nhân vật phản diện” là một trong những lý do giải thích cho điều đó.
>>>Xem thêm: 10 câu hỏi ở kịch bản cần được giải đáp trong Spider-Man: No Way Home
Đối với bản thân mình, Spider-Man: No Way Home chính là bộ phim siêu anh hùng xuất sắc nhất mà mình được xem trong 2 năm vừa qua. Nếu chưa xem bom tấn đình đám này, hãy xem ngay đi vì mình tin rằng đây là trải nghiệm điện ảnh mà bạn nên có trong đời.
* Bài viết của Seizedix gửi về DienAnh.Net.
Nếu bạn yêu thích Phim Âu Mỹ, hãy vào DienAnh.net để xem thêm nhiều bài viết hay nha.
Facebook - bình luận