Tính đến nay đã 14 năm kể từ khi ra mắt Iron Man, bộ phim đầu tiên của Vũ trụ điện ảnh Marvel, mở đầu cho kỷ nguyên thống trị của dòng phim siêu anh hùng. Mặc dù không nhận được nhiều giải thưởng như những dòng phim khác, nhưng không thể phủ nhận sức hấp dẫn cũng như mức độ quy mô của Marvel Studios trong việc phát triển thương hiệu và đầu tư vào các sản phẩm của mình.
Trải qua 3 giai đoạn đầu tiên, thành công của MCU không chỉ nhờ vào sự liều lĩnh của các nhà làm phim, mà còn là một sách lược cực kỳ hợp lý để gây dựng nên đế chế điện ảnh của riêng mình. Không những thế, Wukong nghĩ Vũ trụ điện ảnh Marvel còn có sức ảnh hưởng đến nền điện ảnh hiện đại. Vì sao à? Kéo xuống dưới xem mình phân tích thử nhé.
Chiến lược phát triển lâu dài của MCU, tạo tiền đề vững chắc từ giai đoạn 1
Cá nhân mình nghĩ, kinh doanh luôn là điều quan trọng với tất cả mọi người, để có được thành công, người làm kinh doanh phải có một kiến thức và sự am hiểu nhất định về thị trường cũng như các yếu tố khác.
Mặt khác, nếu xét đến sự lâu dài và duy trì thành công ấy, đòi hỏi những người thực hiện phải có một tầm nhìn lớn lao và một đội/nhóm vững mạnh. Đó là một trong những điều mà Marvel Studios may mắn sở hữu được.
Theo như mình tìm hiểu, những năm 60 khi dòng phim cao bồi lên ngôi, nhiều người vẫn chưa thể xác định được thể loại nào sẽ phát triển vào nhiều thế kỷ sau.
Trải qua giai đoạn thập niên 90 khi điện ảnh bắt đầu có dấu chân của dòng phim khoa học viễn tưởng như Quái Vật Không Gian, Công Viên Khủng Long, Đặc Vụ Áo Đen, Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao… thì đó là giai đoạn mà những thế hệ trước đã từng một thời “cuồng” như chúng ta bây giờ.
Đến tận giai đoạn từ 2008 trở về sau, cả thế giới bắt đầu chú ý đến các Iron Man, Captain America, Thor, Hulk… và đỉnh điểm là Avengers (2012) đã tạo một tiếng vang hết sức lừng lẫy cho vũ trụ anh hùng Marvel. Từ đó tên tuổi của hãng phim Marvel Studios cũng bắt đầu được quan tâm hơn.
Có một điều mình cứ luôn đặt nghi vấn cho bản thân: “Vì sao Marvel Studios lại có sức ảnh hưởng đến mọi người như vậy. Ngay cả một khán giả hoàn toàn mới toanh như mình chưa từng xem bất kỳ một phần phim riêng nào của Iron Man hay Captain America, lại vẫn muốn được hiểu đa vũ trụ là gì, du hành thời gian là gì?”
Quay trở lại những năm đầu giai đoạn 1 của MCU, khi ấy cái tên Tony Stark / Iron Man hay Steve Rogers / Captain America vẫn còn là một cái gì đó khá mới với mình. Thời gian ấy, siêu anh hùng Marvel mình biết duy nhất, chắc chỉ mỗi Spider-Man và đôi khi bản thân còn phải lẫn lộn sang vũ trụ DC với Batman hoặc Superman.
Mãi cho đến khi được xem trận chiến tại New York của Biệt đội báo thù trong Avengers (2012) mình mới thật sự khẳng định Marvel Studios đã dày công nhiều năm liên tục để cho ra đời một đội Avenger từ những giấc mơ viển vông của họ.
Trả lời phỏng vấn cho một bài báo, Kevin Feige, chủ tịch của Marvel Studio hồi tưởng lại thời điểm trước khi Iron Man ra mắt: "Liệu The Avengers có khả thi không? Lúc đó chúng tôi chẳng có kế hoạch cụ thể nào, nó chỉ là một giấc mơ viển vông. Rất nhiều thứ mà chúng tôi đã thực hiện bắt đầu bằng những giấc mơ viển vông".
Và đến khi Avengers (2012) chính thức sở hữu 1,5 tỷ USD trong tay, mình nghĩ có lẽ sự viển vông ấy đã trở nên thực tế hơn bao giờ hết. Ông cũng sẽ không nghĩ bản thân và đội ngũ sản xuất lại làm nên những nhân vật vàng cho điện ảnh Hollywood và cả quốc tế.
Nhắc đến điều này, Wukong hoàn toàn phải dành lời khen cho chiến lược của Marvel Studios, “chậm mà chắc” có lẽ là tôn chỉ mà hãng phim đã đề ra trong những giai đoạn đầu.
>>> Xem thêm: Rời xa MCU là bão tố: Song Chris đều thất bại ở phim mới
Với việc giới thiệu từng nhân vật nhỏ lẻ, đưa họ dần dần đến gần với mình qua màn ảnh rộng không chỉ giúp mình có thể nhận diện và nhớ kỹ từng nhân vật, mà còn là một cách giới thiệu các nhân tố góp mặt lâu dài trong đội hình của Avengers. Đặc biệt, khi khép lại The Avengers, hãng phim cũng không quên màn chào sân của tên phản diện Thanos.
Có thể thấy ngay từ giai đoạn 1, Marvel Studios đã tạo một tiền đề chắc chắn, nào là giới thiệu đội Avengers, màn xuất hiện “cameo” của Thanos, khẳng định thương hiệu bằng những đoạn mid-credit và after-credit quen thuộc. Tựu trung, nó lại là yếu tố đồng hành cùng Vũ trụ điện ảnh này trong tương lai.
Đến giai đoạn thứ 2, trong khi những bộ phim như Iron Man 3, Captain America: The Winter Soldier, Guardians of the Galaxy được đánh giá cao về chất lượng lẫn doanh thu, thì phần phim Avengers: Age of Ultron lại bắt đầu có dấu hiệu biến động về mặt chất lượng.
Cụ thể phần phim được cho là không thể vượt qua cái bóng của The Avengers, nhiều lỗ hổng trong kịch bản và phản diện chưa thật sự thuyết phục.
Mặc dù doanh thu cũng không đến nỗi tệ khi sở hữu 1,4 tỷ USD, nhưng xét về điểm đánh giá từ Rotten Tomatoes cho 4 phần phim của Avengers, thì Wukong thấy Age Of Ultron đứng chót bảng với 76%.
Khép lại giai đoạn 2 không mấy hoàn hảo, mình nghĩ có lẽ Marvel Studios đang dần hiểu ra tầm quan trọng và vị trí của họ đối với khán giả. Chính vì vậy, với sự kiện Civil War đã dần mở ra nhiều hướng giả thuyết cho tương lai sau này của các siêu anh hùng.
Đặc biệt hơn khi Marvel Studios chính thức mở cửa, chào đón Spider-Man (một nhân vật vốn dĩ thuộc quyền sở hữu của Sony) gia nhập vào MCU, ngoài ra các yếu tố xoay quanh phép thuật từ Doctor Strange hoặc những nguyên lý khoa học như thuyết lượng tử, du hành thời gian của Ant-Man cũng phần nào giúp cho phong cách làm phim của MCU đa dạng hơn.
Quan trọng nhất là hai sự kiện Avengers: Infinity War và Avengers: Endgame đã nâng doanh thu của Marvel Studios lên những con số không tưởng khi cả hai bộ phim lần lượt sở hữu 2 tỷ và 2,8 tỷ.
Hơn nữa, bộ phim Avengers: Endgame khép lại 3 giai đoạn đầu với những sự kiện làm nên cả thương hiệu phim, cụ thể là việc Captain dùng cây búa Mjolnir tấn công Thanos, cú búng tay định mệnh của cả Hulk và Iron Man, sự hy sinh của Natasha hay đơn giản là màn so kè căng thẳng của Wanda với Thanos…
Mình nghĩ đây chính là thời khắc mà chỉ những ai là khán giả hâm mộ của Marvel mới hiểu được. Ngay khi cú búng tay của Iron Man diễn ra, nó đại diện cho sự khép lại một giai đoạn vàng son của vũ trụ siêu anh hùng.
>>> Xem thêm: Thor: Love And Thunder thua nhẹ Ragnarok vì 5 yếu tố này
Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà làm phim phải tìm tòi những ý tưởng có liên quan và xâu chuỗi tất cả mọi thứ lại với nhau để tạo nên một vũ trụ có tính liên kết nhất định, nếu muốn giữ vững thương hiệu và nối gót thành công của 3 giai đoạn trước. Đây cũng là một trong những yếu tố đã làm nên MCU.
Ảnh hưởng đến nền điện ảnh hiện đại
Có thể thấy một điều là kinh đô Hollywood cực kỳ may mắn khi có được MCU, bởi hãng phim đã đi từ những bước chậm rãi trong quá trình xây dựng nên vũ trụ điện ảnh của mình. Với gia tài đồ sộ lên đến gần 30 phim (tính đến thời điểm hiện tại), vũ trụ điện ảnh này đã và đang dần bước lên những nấc thang mới không những trong công nghệ làm phim, mà còn là cách đưa những ý tưởng mới đến với công chúng mà mình thấy được.
Quan trọng nhất là thành công của Vũ trụ điện ảnh Marvel không thể bắt chước cũng không thể làm theo vì nó là duy nhất.
Mặt khác Wukong nghĩ việc manh nha cụm từ “Vũ trụ điện ảnh” giống MCU của những hãng phim khác tưởng chừng là một “miếng bánh” dễ ăn nhưng thật chất họ đang chọn một con đường khó đi hơn bao giờ hết, nổi bật nhất là Warner Bros.
Họ vội vã cho ra đời các siêu anh hùng và làm một cách gượng gạo, nhồi nhét quá nhiều tình tiết cũng như các nhân vật trong giai đoạn ngắn. Wukong thấy có vẻ họ muốn hơn thua với MCU nhưng thực chất lại là “gậy ông đập lưng ông”. Điều này gián tiếp làm phá sản kế hoạch xây dựng DCEU và khiến mình không mấy thiện cảm với nhà sản xuất.
Song song đó, Warner Bros. càng làm càng sai khi cho ra đời hàng loạt các thương hiệu Vũ trụ Kaiju, Vũ trụ Ám Ảnh Kinh Hoàng. Duy chỉ có một điều đúng nhất mà Wukong thấy được ở họ, chính là hãng phim đang khẳng định tài năng của những người tạo ra Vũ trụ điện ảnh Marvel. Và chiến lược kinh doanh bằng “vũ trụ” này sẽ là mẫu hình mà các nhà làm phim đang thèm khát tại Hollywood.
>>> Xem thêm: Sức mạnh của mỗi thành viên Liên Minh Siêu Thú DC
Tổng kết
Với những gì Wukong chia sẻ, bạn có thể thấy rõ Vũ trụ điện ảnh Marvel đã ảnh hưởng khá nhiều đến nền điện ảnh quốc tế. Từ những nhân vật trong truyện tranh, bằng phép màu của công nghệ làm phim và khối óc sáng tạo không ngừng, Marvel Studios đã “hô biến” họ trở nên sống động hơn qua màn ảnh rộng.
Có thể thấy, không chỉ là một đế chế khổng lồ trong ngành phim ảnh quốc tế, mà Wukong phải khẳng định “Kinh đô Hollywood may mắn khi có MCU”.
* Bài viết của Wukong chia sẻ tại box Vũ Trụ Phim Marvel
Nếu bạn yêu thích vũ trụ điện ảnh Marvel , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Thor: Love and Thunder? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận