Một bộ phim có gây được ấn tượng ban đầu với khán giả hay không một phần lớn là nhờ tựa đề. Từ trước đến nay, những bộ phim giờ vàng được đánh giá khá cao về cách đặt tên ngắn gọn, súc tích lại vừa tóm tắt được nội dung tác phẩm như: Thương Ngày Nắng Về, Hương Vị Tình Thân, 11 Tháng 5 Ngày,... nhưng dạo gần đây dường như việc đặt tên đang dần bị mất ý tưởng. Không dài ngoằng thì cũng vô nghĩa làm tôi khá thất vọng.
>> Xem thêm: Đừng Làm Mẹ Cáu: Mới tập đầu, Nhan Phúc Vinh, Quỳnh Kool đã là oan gia
Đừng Làm Mẹ Cáu
Mới nhất có thể kể đến là bộ phim Đừng Làm Mẹ Cáu, nghe tên phim xong mà tôi chưng hửng vì không hiểu tại sao lại có thể đặt tên như vậy. Bộ phim với Quỳnh Kool trong vai chính trên hành trình làm mẹ bất đắc dĩ sau khi người chị qua đời. Cùng với đó là Quỳnh Lương trong vai Vy cũng phải làm mẹ trẻ con vì cô trót mang thai ngoài ý muốn vói người chồng hiện tại. Dù trải qua rât nhiều khó khăn, nhưng hai bà mẹ vẫn từng cố gắng từng ngày để học được cách yêu con, chăm sóc con.
Nội dung được giới thiệu là vậy nhưng cái tên lại “trời ơi đất hỡi”. Câu nói này chẳng khác nào là đang trách mắng con chứ không phải như thông điệp mà phim muốn truyền tải. Thậm chí, trong phim Quỳnh Kool cũng liên tục dùng câu nói này với con mình, về phía tôi thì thấy không tự nhiên cho lắm. "Đừng làm mẹ cáu" là một ý không đẹp dù có là câu nói trong đời sống hàng ngày hay nhan đề một bộ phim chiếu trên truyền hình.
Hành Trình Công Lý
Một bộ phim với tựa đề xa rời diễn biến tiếp theo đó chính là Hành Trình Công Lý. Chắc ai cũng đã biết, bộ phim được đổi tên từ Người Vợ Tốt ngay “phút thứ 89” mà tôi cũng không hiểu tại sao. Tôi nghĩ ý đồ này nhằm hướng khán giả đến với một bộ phim đề tài pháp luật chứ không đơn thuần là chuyện vợ chồng.
Nhưng ngược lại, tôi lại chỉ thấy những drama chồng chéo, không đâu vào đâu. Cách hành xử, nghiệp vụ nghề nghiệp thì bị chê lên chê xuống vì không đúng theo nguyên tắc của ngành. Hình tượng luật sư của Hồng Diễm cũng xây dựng hời hợt. Tên phim là Hành Trình Công Lý, nhưng tôi lại không thấy công lý ở đâu khi nữ chính nhiều lần hành động khiến ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm, nhất là đối với giới luật sư.
Thông Gia Ngõ Hẹp
VFC đã làm một bộ phim và đặt cho nó cái tên Thông Gia Ngõ Hẹp - chỉ khác một chữ với câu thành ngữ "Oan gia ngõ hẹp" ai ai cũng biết. Tên phim này cũng gọi là có ý tưởng đó, nhưng tôi lại thấy nó tối nghĩa và không đọng lại được gì. Sự chơi chữ đậm chất gen Z nhưng bộ phim thì lại “í ẹ” hết chỗ nói, cố tình tạo sự thu hút cho giới trẻ nhưng trên phim lại lấy tuyến nhân vật cao tuổi làm mấu chốt.
Cụm từ “Thông Gia Ngõ Hẹp” có thể gây tò mò, ít nhiều bắt tai; nhưng giống với phần lớn những câu thành ngữ, tục ngữ chế khác, hoàn toàn mù mờ về nghĩa. Tôi nghĩ rằng việc đặt tên này đã phản tác dụng.
Chồng Cũ, Vợ Cũ, Người Yêu Cũ
Tôi không hiểu vì sao biên kịch lại đặt được cái tên dài ngoằng như vậy luôn. Ngay tại lúc này đây, tôi còn rất ngại viết ra đầy đủ tên phim này vì quá dài. Tôi cho rằng nó khá sến sẩm và rắc rối, lại còn toàn nhắc đến người cũ nữa chứ, chẳng ai muốn nghe, muốn đọc xíu nào.
Nhan đề bộ phim có Việt Anh và Lã Thanh Huyền trong vai cặp vợ chồng phải đương đầu với những rắc rối từ cuộc hôn nhân đầu tiên của ông chồng. Tên phim chỉ có 7 từ nhưng lặp lại từ "cũ" đến ba lần, thấy cái tên thôi mà tôi đã ngờ ngợ, rằng đây là điềm báo về bộ phim. Và nó đã xảy ra thật, nội dung phim hoàn toàn rỗng tuếch, rắc rối và chồng chéo lên nhau y như cái tên phim.
Anh Có Phải Đàn Ông Không?
Tên phim là một câu hỏi nghe có vẻ khá lạ nhưng đối với câu này thì lại mang đầy định kiến về đàn ông. Không thể phủ nhận rằng đây là bộ phim đáng xem, đó là những thước phim tua ngược về cuộc sống của những người đàn ông thời buổi hiện đại. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi con đường khác nhau. Có thể thấy, “Anh Có Phải Đàn Ông Không?” là lời trách móc ẩn dưới hình thức một câu hỏi. Và người hỏi câu đó chắc chắn là do vợ, cũng vì điều này mà làm dậy sóng dân mạng, tranh cãi nảy lửa.
Một bộ phim đại diện cho đàn ông, những hoang mang, mệt mỏi của một người đàn ông nhưng tên phim lại đại diện bằng cảm xúc của người phụ nữ. Tôi cho rằng điều này hơi sai sai nhưng phim khá hay nên tôi tạm cho qua phần nào.
Có thể nói, việc đặt tên phim là rất quan trọng, nó có thể khiến cho nhiều người suy nghĩ sai về một vấn đề nào đó. Nó cũng khiến cho một người có thể bỏ qua cả bộ phim chỉ vì cái tên quá rỗng tuếch. Bởi vậy nên, tôi mong rằng đã là phim giờ vàng thì cái tên cũng phải được trau chuốt một chút. Còn bạn, bạn có nghĩ như tôi không? Hãy để lại bình luận bên dưới nha.
>> Xem thêm: Đừng Làm Mẹ Cáu: Mới tí tuổi, bé Voi đã biết cách lấy le với "crush"
* Bài viết của Chloe Nguyen chia sẻ tại box Phim Việt Nam
Nếu cũng quan tâm đến Đừng Làm Mẹ Cáu và những bộ phim truyền hình VTV , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Đừng Làm Mẹ Cáu? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận