Công tâm mà nói thì với mình, The Black Phone là phim kinh dị ổn nhất ra rạp từ đầu 2022 đến giờ. Sự trở lại của nhà Blumhouse lần này vẫn giữ được phong độ, khiến mình sởn da gà.
Tuy nhiên, The Black Phone vẫn có khá nhiều lỗ hổng về khâu kịch bản. Trường hợp của The Black Phone không phải là kịch bản hời hợt mà là xây được cái sườn chắc nhưng lại không đào sâu. Chính vì vậy mà dù cho đã tai, đã mắt, The Black Phone vẫn chưa khiến mình cảm thấy thực sự thỏa mãn.
The Black Phone là phim tâm lý, kinh dị, giật gân đánh dấu sự trở lại của nhà Blumhouse sau Trốn Thoát (2017), Halloween (2018)… Phim kể về một kẻ quái dị (tạm gọi là The Grabber) có sở thích kì lạ: Giữ trẻ em dưới tầng hầm. Ban đầu, hắn sẽ đối xử tốt với bọn trẻ, sau đó dụ chúng chơi trò chơi “Cậu bé hư”. Khi thắng được bọn trẻ, hắn sẽ được qua màn mới.
Một ngày, cậu bé Finney vô tình lọt vào mắt xanh của The Grabber và bị đưa đến một căn phòng kỳ quái dưới tầng hầm. Căn phòng đó có chứa một chiếc điện thoại đen. Chiếc điện thoại này bị hư nhưng lại có khả năng kết nối đặc biệt và chính nó đã giúp Finney trốn thoát khỏi The Grabber. Finney có một cô em gái sở hữu khả năng đặc biệt là Gwen. Trong lúc Finney mất tích, Gwen cũng dùng khả năng của mình để tìm kiếm manh mối giải cứu anh trai.
The Black Phone được làm theo kiểu phim đa tuyến, vốn là cách kể chuyện quen thuộc trong các bộ phim kinh dị, hồi hộp, giật gân. Phim có 2 tuyến truyện chính tương ứng với hành trình là hành trình tìm cách tự giải cứu chính mình của Finney và hành trình tìm ra manh mối đến chỗ anh trai của Gwen.
Hai tuyến truyện tuy tách biệt nhưng có điểm giao ở một số chỗ ví dụ như khi Finney bắt điện thoại, một nhân vật mới xuất hiện thì chuyển cảnh qua giấc mơ của Gwen có sự xuất hiện của những nhân vật đó. Giấc mơ của Gwen cũng góp phần tiết lộ quá khứ của nhân vật. Mình thấy đó là một cách đưa backstory vào khá hay.
Hai tuyến truyện trong The Black Phone được làm theo lối đan cài, mọi tình tiết như bắt chéo, lồng vào nhau một cách hợp lý, logic tạo nên sự liên kết giữa mạch phim. Đến cuối phim khi Gwen tìm được Finney thì 2 tuyến truyện ghép lại thành một, tạo nên một khoảnh khắc vỡ òa.
Điểm mình thích nhất trong The Black Phone là sự chỉn chu về mặt hình ảnh và âm thanh. Dường như bất cứ thứ gì liên quan đến mặt nghe nhìn phim đều làm rất tốt. Ngay từ những phút giây đầu tiên mình đã thấy màu phim của The Black Phone đậm chất thương hiệu Blumhouse, đó làm tone màu vàng nâu có phần hơi cũ kỹ nhưng ở mức độ vừa phải.
Tạo hình của nhân vật The Grabber cũng vô cùng ấn tượng. Chiếc mặt nạ trông đáng sợ kia chính là điểm tạo nên sức hút cho The Black Phone kể từ khi tung những hình ảnh đầu tiên. Nó cũng đã tạo nên dấu ấn đặc biệt cho thương hiệu này, tiếc là The Grabber đã gục dưới tay Finney rồi chứ không thì mình nghĩ với chiếc mặt nạ này Blumhouse cũng có thể khai thác để làm tiếp các phần sau.
Nhân vật The Grabber này tuy lúc nào cũng chỉ đeo một chiếc mặt nạ với tạo hình không có gì thay đổi nhưng cũng biết cách khiến người xem đỡ nhàm chán bằng cách lúc thì gỡ nửa mặt trên, lúc thì gỡ nửa mặt dưới. Khúc cuối bị giựt nguyên cái mặt nạ nhưng chưa nhìn thấy mặt được bao lâu là sắp hết vai luôn rồi.
Âm thanh trong The Black Phone đúng chất là tinh túy của Blumhouse luôn. Nhiều cảnh mình thấy cũng bình thường nếu bịt tai lại nhưng thật sự là có âm nhạc vô nó khác hẳn. Không khí dồn dập, âm thanh được lồng vào theo nhịp diễn biến tâm lý của nhân vật khiến mình cảm thấy hồi hộp theo từng nốt nhạc.
The Black Phone là phim kinh dị nên chắc chắn không thể nào bỏ qua yếu tố kinh dị rồi. Yếu tố kinh dị trong The Black Phone mình thấy được rõ ràng nhất qua hai thứ: một là những màn xuất hiện của The Grabber, hai là cuộc trò chuyện của Finney và những nạn nhân cũ đã khuất. Yếu tố kinh dị này cũng có những điểm cộng và điểm trừ nhất định.
Những màn xuất hiện của The Grabber có những cú jumpscare nhưng mình thấy nó ở mức độ vừa phải chứ không lạm dụng. Đa số jumpscare góp mặt ở phần đầu thôi chứ vào giữa rồi đến cuối phim, thấy bóng dáng The Grabber đi từ xa hay đứng lấp ló phía sau là mình bắt đầu thấy rén rồi khỏi cần hù luôn.
The Grabber chỉ ra tay với 2 lần, một là cuộc chạm trán ở giữa phim khi Finney chạy trốn, hai là màn final combat ở cuối phim. Tuy nhiên mình thấy lúc chạy theo bắt Finney ở giữa phim khá bình thường, cũng chỉ là cuộc xô xát thông thường, không có gì đáng sợ lắm. Cảnh cuối phim thì The Grabber chỉ xử lý người em tội nghiệp của mình thôi chứ chưa kịp làm gì Finney là bị phản đòn hú vía end game luôn rồi.
Đó cũng là điểm mình thấy khá tiếc ở nhân vật The Grabber. Rõ ràng xây dựng nhân vật ổn, tạo được không khí căng thẳng, rùng rợn mỗi khi The Grabber xuất hiện nhưng những hành động của The Grabber lại phá hỏng hết, không khiến mình cảm thấy đáng sợ bao nhiêu.
Những màn trò chuyện qua chiếc điện thoại đen của Finney với những nạn nhân đã khuất khiến mình cảm thấy sợ hơn nhiều. Chỉ cần nói thôi nghe đã rén rồi vì nó kiểu thều thào khá là chân thật, xong tới lúc thấy mấy người đó là muốn xỉu ngang luôn. Mấy màn xuất hiện đầu chưa kịp chuẩn bị tâm lý coi đúng hết hồn.
Sự kết nối qua điện thoại của Finney và những người bạn vô tình quen biết này cũng là một yếu tố siêu nhiên. Nó góp phần khiến phim trở nên ma mị, rùng rợn, bí ẩn và dẫn dắt câu chuyện vô cùng tốt. Nó tạo cho The Black Phone một nền tảng vững chắc để xây dựng nên những câu chuyện thú vị.
>>> Xem thêm: 5 bộ phim điện ảnh và truyền hình Pixar sẽ phát hành sau Lightyear
Mỗi người bạn trò chuyện với Finney qua điện thoại sẽ cung cấp cho cậu bé một thông tin quan trọng, giúp cậu bé từng bước đối diện với The Grabber và trốn thoát thành công. Mỗi người chỉ xuất hiện một lần và mức độ quan trọng, hiệu quả của thông tin sẽ tăng tiến dần khiến câu chuyện trong The Black Phone ngày càng gây cấn hơn.
Tuy nhiên, mặc dù The Black Phone có rất nhiều ưu điểm về phần nhìn lẫn phần nghe khiến phim có thể trở thành một bộ phim kinh dị đúng nghĩa nhưng nó cũng có một số điểm làm mình chưa thực sự thỏa mãn.
Đầu tiên là xuyên suốt The Black Phone, mình chưa thấy được lý do, động cơ hành động của The Grabber. Tại sao anh ta lại trở thành một The Grabber - phản diện chính của phim chắc chắn là điều không chỉ riêng mình mà những người xem phim sẽ thắc mắc thì The Black Phone chưa giải đáp được trong 1 tiếng 42 phút của phim.
Những nhân vật mà The Grabber chọn để bắt giữ cũng không có một điểm chung nào và mọi thứ đều rất random. Mình không biết được lý do tại sao The Grabber lại bắt Finney. Nếu là một phi vụ bắt giữ và thủ tiêu như vậy mà toàn là random thì mình nghĩ nó rất dễ gieo rắc nỗi sợ cho người xem.
Tuyến truyện của nhân vật Gwen trong The Black Phone ngoài cung cấp thông tin thêm về vụ việc qua những backstory của nhân vật và cho thấy diễn biến ở một chiến tuyến khác thì cũng không có tác động gì vào quá trình giải cứu Finney. Mình biết khả năng đặc biệt của Finney là một trong những thứ tạo nên sự đặc biệt và huyền ảo cho The Black Phone nhưng thật ra thì đến cuối phim Gwen mới tìm được nơi của anh trai. Và lúc đó, Finney cũng đã chiến đấu và giải cứu được chính mình rồi.
>>> Xem thêm: Ma Gương 3 và những phim ma từ truyền thuyết dân gian nửa đầu 2022
The Black Phone có thời lượng 1 tiếng 42 phút nhưng chỉ dành khoảng 22 phút cuối phim để giải quyết vấn đề. Chính vì vậy mình thấy kết phim khá nhanh, mọi thứ dễ dàng một cách bất ngờ vì không còn đủ thời gian để phức tạp nó nữa. Cái kết của The Black Phone là một cái kết khá thông thường và điển hình. Điều này không khiến mình cảm thấy khó chịu.
Thứ mình cảm thấy không hài lòng là màn combat cuối của The Grabber và Finney. Trong cả bộ phim chỉ có màn combat đó thôi mà phim cũng làm đại khái, qua loa quá. Finney được truyền động lực bởi người bạn Robin, sau đó quyết định luyện tập thể lực để đối đầu với The Grabber. Tập luyện mấy phát tự nhiên như có siêu năng lực đánh bại được kẻ thủ ác luôn khiến mình thấy hơi ảo.
Thêm nữa là The Black Phone có lồng ghép vào đó khá nhiều vấn đề có tiềm năng để khai thác nhưng không có cái nào được đào sâu đủ để truyền tải thông điệp nào cả. Từ chuyện những đứa trẻ vị thành niên xem phim R (phim không dành cho thanh thiếu niên dưới 17 tuổi, nếu xem phải có sự đồng ý của người lớn); Finney bị kiếm chuyện trong nhà vệ sinh và trêu đùa về giới tính; câu chuyện về tình cảm gia đình của gia đình Finney, Gwen... chuyện nào cũng chỉ được nhắc đến thoáng qua chứ chưa được khai thác triệt để.
Thông điệp cuối cùng của The Black Phone cũng khá cũ và chưa đủ sức thuyết phục mình. Câu chuyện phải vượt qua bóng ma tâm lý của bản thân để đối đầu với villain (kẻ ác) cũng đã xưa lắm rồi. Nếu chỉ vậy thôi thì nó chưa đủ sức nặng, nhất là với dòng phim này.
Tóm lại là, The Black Phone với mình là một bộ phim vô cùng chuẩn chỉnh về mặt hình thức nhưng rõ ràng nội dung kịch bản còn nhiều thiếu sót để bộ phim trở nên sâu sắc và đọng lại được nhiều hơn. Vậy nên The Black Phone chỉ khiến mình cảm thấy sợ trong lúc xem chứ chưa thể khiến mình cảm thấy ám ảnh. Nhưng dù gì The Black Phone vẫn là một bộ phim kinh dị rất đáng để trải nghiệm vì có lồng ghép yếu tố siêu nhiên tạo nên sự mới mẻ.
* Bài viết của Lọ Lem chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn quan tâm đến phim những thông tin mới nhất về các bộ phim sắp chiếu , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim The Black Phone (Điện Thoại Đen)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận