x

Đăng nhập

Comming soon...

Phim chiếu rạp

Âu Mỹ

Wonder Woman 1984: "Bom xịt" đáng thất vọng của DC

Hoa Le 18:00 - 26/06/2021

Nếu Wonder Woman (2017) cứu DC sau cú ngã ngựa của Batman Vs. Superman thì tất cả nỗ lực đó lại bị chính Patty Jenkins đạp đổ và đưa về hư vô với Wonder Woman 1984 (2020). Tôi thật sự không thể hiểu được, làm thế nào để vị nữ đạo diễn này có thể tạo ra một kiệt tác năm 2017, rồi cũng tự mình làm thêm một tác phẩm “bom xịt” vào năm 2020. Sự thất bại này khiến tượng đài nữ thần Diana trong tôi cũng bị lung lay không ít. Thật đáng tiếc khi trước đó tôi đã kỳ vọng rất nhiều vào WW84, để rồi chỉ thấy một bước thụt lùi của nhà DC. 

Lún sâu vào yếu tố diễm tình, sến sẩm 

Xuyên suốt bộ phim, không khó để tôi nhận ra được thứ phim muốn truyền tải thông điệp về sự chấp nhận thực tế. Con người không nên sống trong sự lừa dối chính bản thân và mọi người xung quanh.  

Mở ra WW84 là Diana hồi trẻ đã học được bài học về việc đạt điều mình muốn bằng sự thật. Bài học này sau đó cũng được lồng ghép vào câu chuyện của nữ chính với Steve Trevor (Chris Pine). Mặc dù đã hy sinh ở phần 1 nhưng anh bỗng quay trở lại nhờ vào điều ước của Diana. Song đây cũng là nguyên nhân khiến Diana phải trả giá khi cô mất đi một nửa sức mạnh của mình. Đến đây, tôi đã mong mỏi được nhìn thấy một phép thử thú vị dành cho Diana nhưng không, đạo diễn ném vào mặt khán giả một câu chuyện tình sến sẩm mà quên mất đây chỉ là cốt truyện phụ của phim. 

Không thể phủ nhận phản ứng hóa học tuyệt vời của Steve và Diana đã tạo được ở phần đầu, giúp Wonder Woman thu về lượng fan khổng lồ. Nhưng việc sa đà vào câu chuyện tình cảm của họ là không cần thiết. Sự yếu kém trong kịch bản thể hiện rõ trong cách xây dựng nhân vật nữ chính. Một Diana mạnh mẽ, quyết đoán và quyến rũ trong Wonder Woman 2017 đã biến mất và thay bằng một cô gái không một chút lý tưởng sống, suốt ngày chỉ biết tương tư người đàn ông đã biến mất từ 66 năm về trước. 

Chẳng rõ có phải vì mải mê, đắm đuối trong tình yêu hay không mà Diana trở nên kém hấp dẫn, sức mạnh của cô bị mất đi một nửa là cái giá phải trả cho điều ước. Điều này gây ức chế vô cùng cho người xem như tôi, khiến tôi chờ đợi đến hồi 3 để giải tỏa tất cả những cơn tức đang kìm nén bằng một màn giao tranh nảy lửa và thực sự bùng nổ. Nhưng tiếc thay, đạo diễn của phim không nghĩ vậy.

Cao trào cuối phim trượt dài trong nỗi thất vọng 

Sau khi có được lại sức mạnh, Wonder Woman có thêm bộ giáp mới với cặp cánh khá to và khá vô dụng. Ngoài việc bộ đồ trang trí cồng kềnh khiến cô có vẻ ngầu hơn thì nó chẳng có chức năng gì. Sau 3 phút được bung lụa thì bộ cánh hoành tráng này cũng nhanh chóng bị xé toang. Lúc này, ngồi trong rạp tôi đã phải ngẩn người ra một lúc và tự hỏi, đạo diễn Jenkins đưa chi tiết này vào để làm gì, để khoe nhà DC nhiều tiền và đầu tư được bộ giáp chất lượng chăng? 

Chưa hết đâu, thứ khiến tôi tụt mood hơn cả đó là màn đấu đá với Cheetah vỏn vẹn chưa đầy 10 phút. Phản diện Barbara nhanh chóng bị thất bại. Cùng với đó, cách giải quyết vấn đề cuối phim khi để Diana có bài diễn thuyết dài với mong muốn mọi người rút lại điều ước, khiến bộ phim tựu chung lại không khác gì một cuốn sách giáo dục công dân. Tôi không hiểu vì lý do gì mà mọi người lại tin lời Diana trong khi lời nói của cô chưa đủ sức nặng, suy cho cùng tại sao họ lại phải hy sinh mục đích cá nhân của mình chỉ để vì lý tưởng thế giới tốt đẹp hơn. Hơn nữa, những điều ước của con người thường bị nhìn ở góc độ phiến diện, rằng ai cũng ước mình có thật nhiều tiền bạc và địa vị, chẳng lẽ không ai ước rằng mình sẽ được hạnh phúc hơn, thoát khỏi sự áp lực và liệu những điều ước như vậy có phải quá tham lam không Diana?

Xây dựng phản diện gượng gạo, ngây ngô

Không chỉ nữ chính Diana đâu mà ngay cả các nhân vật thuộc phe phản diện trong phim cũng được khắc họa một cách gượng gạo, hời hợt và ngây ngô vô cùng. Trong một bộ phim anh hùng, bên cạnh chính diện thì tuyến phản diện đáng lẽ phải được chăm chút đầu tư nhất, bởi sự thú vị của họ sẽ là đòn bẩy nâng tầm thế lực chính nghĩa. Nhưng WW84 lại tỏ ra kém cỏi trong phần này. 

  >>> Xem thêm: Cruella: Tạo hình nịnh mắt thật sự, Emma Stone diễn xuất quá đỉnh

Kẻ xấu Maxwell Lord (Pedro Pascal) và Barbara Minerva là 2 phản diện đáng chú ý nhất trong phim. Đầu tiên là Lord, từ con số 0 người này bỗng thành trùm cuối dù không có khả năng gì đặc biệt. Ngoài việc là một doanh nhân pha ke thì tất cả yếu tố thay đổi cuộc đời hắn là sự “tình cờ”. Chẳng hiểu vì lý do gì mà trong hàng triệu người ở nước Mỹ, viên đá thần kỳ có thể ban cho mọi người điều ước họ muốn lại rơi trúng vào tay gã này. 

Thay vì tập trung phát triển nhân vật này với những quyền năng bỗng từ trên trời rơi xuống đầu hắn, thì đạo diễn lại rao giảng một bài học đạo đức cũ rích, được thể hiện qua kẻ xấu này đó là: đừng tham lam vì mọi thứ đều phải trả giá. Việc khắc họa nhân vật Lord như một cách để Patty Jenkins tung cú đấm chính trị, nhưng rất tiếc rằng nó lại vô cùng kém hiệu quả. 

Nhưng đáng thất vọng hơn cả phải là Barbara Minerva (Kristen Wiig). Từ một cô gái vui tính, hiền lành nhưng bị chôn vùi bởi sự phân biệt đối xử, cô vô tình bắt gặp viên đá vạn năng và ước mình có thể được như Diana. Vì không muốn mất đi điều ước nên cô quyết định bảo vệ Lord và trở thành cánh tay đắc lực cho hắn. 

 >>> Xem thêm: Bom tấn Venom 2 tung trailer đầy mùi "cà khịa" Spider-Man

Thay vì thể hiện một chủ nghĩa nữ quyền đúng đắn, tất cả những gì tôi thấy được trong WW84 là một thế giới với lũ đàn ông đều khốn nạn, buông lời chế giễu ngoại hình và gạ gẫm Barbara với mục đích đớn hèn, khiến cô khao khát được xinh đẹp và sở hữu sức mạnh vô song. Nhưng dường như Jenkins đã đi ngược lại với làn sóng nữ quyền, bởi lời ước của nữ phản diện này khiến cô không còn là chính cô nữa. Từ “cô gái nerd”, Barbara giờ đây có được khao khát của mình là eo thon, chiều cao, thần thái, phối đồ gợi cảm và được trai công sở vây quanh thay vì xua đuổi như trước. 

Rồi tiếp theo, sau khi biến thành Cheetah, trận chiến của cô và Diana cũng chóng vánh hơn cả tốc độ trở mặt của người yêu cũ. Cuối cùng sau khi thua cuộc, cô bị đạo diễn bỏ ngỏ, khiến tôi không có nổi một sự kết nối với nhân vật này. 

Nói tóm lại, WW84 là tổ hợp của những sự thất vọng, khiến tôi khó lòng tiêu hóa được nội dung những như bài học đạo lý khiên cưỡng của đạo diễn Patty Jenkins. Ngoài việc Gal Gadot rất xinh đẹp ra thì nhân vật Diana của cô mất hẳn đi sự hấp dẫn khi bị cuốn vào một kịch bản dài lòng, lê thê.

*Bài đóng góp của Hoa Lê gửi về DienAnh.Net.

Phim Chiếu Rạp là chuyên mục mà chúng mình khai thác đặc thù về tất cả các phim đã đang và sắp chiếu. Nơi bạn có thể tìm kiếm mọi thứ về điện ảnh từ các bài tham khảo, phân tích, đánh giá, nhận định đến bàn tán, cung cấp thông tin… một cách nhanh chóng, chính xác và dễ hiểu nhất. Là một “mọt phim” có tâm, chúng mình sẽ mang đến cho các bạn những bài viết hay và thú vị nhất.

Đừng quên theo dõi fanpage DienAnh.Net để cập nhật tin tức mới nhất về làng giải trí nhé!

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Công tử Bạc Liêu: Hiện tượng sống nửa đầu thế kỉ 20

Phim Công Tử Bạc Liêu của đạo diễn Lý Minh Thắng mượn nhân vật có thật để nói về tinh thần và những khát vọng của người Việt cách đây 100 năm.

Ba người phụ nữ trong Cô dâu hào môn: Mỗi cây mỗi hoa, bà nào cũng khổ

Ba nhân vật của Lê Giang, NSND Hồng Vân và Thu Trang đều có những góc khuất khó giãi bày trong phim điện ảnh Cô dâu hào môn.

Những bậc phụ huynh hết lòng vì con cái trong phim Cô Dâu Hào Môn

Những ông bố, bà mẹ trong phim Cô dâu hào môn sẵn sàng làm mọi thứ để khiến con mình hạnh phúc. Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Lê Giang đã khắc họa thành công.

Chất liệu dân gian trong phim Cám: Đột phá đến từ nhân vật thằng Bờm

Phim Cám, dị bản kinh dị của Tấm Cám vận dụng thành công những chất liệu dân gian quen thuộc và gần gũi, nhưng cải biên theo hướng mới mẻ, sáng tạo hơn

Trải nghiệm độc lạ mùa Giáng sinh cùng trò chơi ma sói trong Kẻ Ăn Hồn

Trò chơi quen thuộc ma sói nay đã được mang lên màn ảnh rộng cùng Kẻ Ăn Hồn. Đừng bỏ qua bộ phim hấp dẫn này nếu bạn cũng là một tín đồ của ma sói.

Yếu tố kinh dị trong Kẻ Ăn Hồn: Đáng sợ và đậm chất phương Đông

Bộ phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn sử dụng nhiều chất liệu dân gian để nhấn mạnh đến yếu tố kinh dị - tâm linh, khiến khán giả cảm thấy tương đối hài lòng.