Nội tâm của con người thực ra rất mạnh mẽ. Điều khiển và chế ngự khiến nội tâm hướng đến việc tập trung vào những mục tiêu lớn lao trong cuộc đời là một loại năng lực. Khả năng kiểm soát nội tâm càng mạnh, cảnh giới tư tưởng của con người càng cao.
Phiền não tức bồ đề
Đấu tranh giúp chúng ta lớn lên. Đấu tranh là quá trình thúc đẩy chúng ta trưởng thành. Với một thế giới quan theo lẽ thường, tất cả những tranh đấu sinh ra giữa người với người, giữa cá nhân với các đoàn thể, giữa những cộng đồng với nhau đều là cách thức thiết yếu giúp mỗi cá nhân trong đó trở nên cứng cáp và vững chãi hơn trên con đường tiến bộ trí tuệ thông thường.
Một nội tâm mạnh mẽ, phải trải qua rất nhiều cuộc đấu tranh
Con đường đạt đến trí tuệ tâm linh thì hoàn toàn khác biệt. Cái chúng ta cần tranh đấu, cần chiến thắng và chấm dứt không gì khác ngoài ngã kiến và vô minh của chính ta đối với thế sự. Nó là sự cố chấp và ràng buộc giữa tâm trí bất nhị và các pháp hữu vi thế gian. Là so đo tính toán đúng – sai, hơn – thiệt giữa bản thân và người khác. Là tham đắm vật chất trần tục, thù hận chấp trước được – thua, si mê níu bám vào những loại dục vọng thấp hèn.
Biết được điều này mở ra cho chúng ta một con mắt nhìn đời quảng đại. Thực tập diệt trừ được điều này, mở tiếp một con mắt nhìn thấu vạn sự. Hai con mắt luôn bị tấm kính bụi bặm mang tên vô minh che khuất bấy lâu bỗng nhiên hiển lộ cho người thấu suốt chân lý tối thượng của vũ trụ. Đây mới thực sự là đấu tranh sinh tồn.
Hãy nhìn đời bằng ánh mắt bao dung
Một khi ngã kiến tiêu tan, vô minh tận diệt, phiền não và đau khổ cũng theo đó mà lụn bại. Còn sự tranh chấp nào khó khăn hơn nữa giữa việc ta phải tìm cho ra kẻ thủ ác nằm sâu trong con người mình, nơi vô thủy vô chung? Hãy luôn sáng suốt với thân – khẩu – ý của chính mình.
Chúng là bạn và cũng là thù từ bao đời nay. Bản chất của sự vật không rời tự nhiên. Mọi triết lý kinh viện hay tất thảy ngôn ngữ giáo điều làm sinh khởi những định nghĩa hoặc khái niệm về vạn vật hữu vi đều phải “quỳ gối” dưới chân giá trị của một loại tĩnh lặng vô ngôn vượt thoát hết các quy luật của ngôn từ.
Vạn pháp quy về một. Một quy về vạn pháp.
Muốn tìm kiếm hạnh phúc đích thực, hãy thử một lần quay về với tự nhiên.
Hãy thử một lần nằm dưới ánh mặt trời, dỏng tai lên nghe lời thì thầm của gió xô vào lá, một lần đặt những bước chân lên “bụng” của đất mẹ, vô âm ngồi thư thái trên một phiến đá vô tri, vô giác… mọi thứ đến từ thiên nhiên đều hiển lộ một chân lý bất nhị (không hai): Vạn pháp quy về một, một quy về vạn pháp.
Cả tự tánh cùng lý trí xét đoán có có – có không đều im bặt, nhường chỗ cho thứ học thuyết duy nhất của vũ trụ mang tên tĩnh lặng. Chung quy cái biết học thuật chỉ tạo cho chúng ta phiền não hay tính phân biệt đối xử giữa ngu và khôn. Không có gì là thực thể chân tánh. Vạn pháp duy tâm tạo, tâm không tạo ra ngôn ngữ thì vật không có một hình tướng nhất như.
Sự kết hợp tinh túy nhất của đất trời chính là con người và cảnh vật
Mọi so đo tính toán phải – trái, thường – biến đều từ ngôn ngữ học nhị nguyên mà ra. Cái học cao nhất là học tâm trí chính mình, học chân lý vũ trụ bất nhị, học tự nhiên nâng đỡ muôn loài và học về sự sâu sắc của tĩnh lặng. Đừng chấp vào văn tự, hãy cảm lấy cái tư duy sáng suốt của mình về sự vật hiện tượng. Tất cả chân lý đều nằm ở những điều giản dị nhất.
Thật khó có thể diễn tả thành lời khái niệm nhất nguyên với những con người đang còn loay hoay trong vòng kìm tỏa của các hình thức so sánh, đối đãi. Ví như câu chuyện hai người cãi nhau về một con gà. Một người cho rằng nó là gà trống vì nó biết gáy, người kia khăng khăng đó là gà mái vì nhận thấy rằng nó đẻ ra những quả trứng. Người thứ ba đi ngang thấy lộn xộn liền phán rằng: “Nó là một con gà”. Hai người kia dường như ngộ ra được điều gì liền im bặt.
Khi ta hiểu rõ nội tâm, chân lý vũ trụ sẽ hiện lộ sáng suốt
Ý thức về trạng thái tuyệt đối của một sự vật hoặc hiện tượng là thứ trí tuệ sai lầm. Tuy nhiên, phá bỏ ý thức hệ nhị nguyên và tiến gần đến chân lý vĩnh cửu siêu việt nhất nguyên, bất nhị, mọi thứ tồn tại trong cái “một” và “một” quy về toàn thể là hành động đưa chúng ta đến gần hơn với các đấng thần linh, với một bản thể toàn năng tuyệt đối. Đó chính là sự tĩnh lặng.
Tự mình tham vấn tâm mình, tìm ra căn nguyên gây nên chấp trước và phiền não, từ đó quán chiếu và loại bỏ chúng ra khỏi tâm trí, ấy là đang tầm cầu hạnh phúc, là đang trên đường đắc được chân hạnh phúc.
Facebook - bình luận