Người xưa tương truyền “tướng do tâm sinh”, trong đó “tâm” nghĩa là tấm lòng, còn “tướng” không chỉ nhắc tới tướng mạo mà còn đề cập tới không gian xung quanh của người đó. Trong tâm của một người nếu chỉ tồn tại toàn những toan tính, ích kỷ thì không những ngoại hình sẽ phản ánh được mà cảnh vật xung quanh cũng thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Trái lại, người luôn giữ trạng thái hiền hoà, thoải mái và vui vẻ sẽ sở hữu dáng vẻ phúc hậu, đồng thời ngoại cảnh cũng nhờ đó mà trở nên rực rỡ hơn.
Gần đèn thì rạng.
Chúng ta có thể bắt gặp không ít dạng người trong xã hội luôn mang sự căm phẫn và oán trách trong lòng. Những người này luôn nhìn đời bằng thái độ tiêu cực, cảm thấy cuộc sống bất công, giận dữ vì thân phận không bằng bạn bè, buồn bã vì chẳng có ai thấu hiểu mình, thậm chí oán trách những điều vô lý chỉ vì “giận cá chém thớt”. Giận dữ hay trách móc vốn dĩ là thái độ tiêu cực, là một dạng cảm xúc xấu nhất khiến các mối quan hệ trở nên tồi tệ và căng thẳng hơn. Hành động này không chỉ làm tổn hại tới thể chất, tinh thần của bản thân mà còn vô tình đẩy người khác ra xa hơn.
Đứng trước một vấn đề, người không muốn tìm cách giải quyết mà chỉ biết phàn nàn sớm muộn gì cũng bị mọi người xa lánh và trở nên cô lập. Trách móc, oán hận chính là một loại độc dược có thể gây tác dụng ngược lại cho bản thân, chẳng hạn như huỷ hoại những nỗ lực, cố gắng và thành tựu hiện có của mỗi người. Việc trở nên giận dữ và than vãn chẳng thể làm cho vấn đề trở nên tốt hơn, muốn giải quyết triệt để chi bằng kết hợp trí, lực và tâm. Vận trình cuộc đời của con người sẽ thay đổi theo từng giai đoạn, cho nên muốn cải thiện vận mệnh bản thân là điều hoàn toàn có thể.
Trách móc, oán hận chính là một loại độc dược có thể gây tác dụng ngược lại cho bản thân.
Truyền thuyết kể lại rằng, vào thời cổ đại có một thợ thủ công sống tại tỉnh Sơn Đông. Lớn lên với vẻ ngoài khôi ngô tuấn tú nhưng anh ta lại thích khắc tạc những hình tượng ma mị, huyễn hoặc. Hầu hết những sản phẩm của anh đều có “hồn” và sống động, cảm hoá được không ít người và dĩ nhiên, sự nghiệp của anh ta cũng phất lên như diều gặp gió. Ngày nọ, anh nhìn mình trong gương và cảm thấy vô cùng hoảng sợ, thảng thốt vì vẻ ngoài xấu xí, già nua và dữ dằn. Anh không ngại tìm đến những vị danh y nổi tiếng nhưng chẳng ai có thể cứu giúp.
Một ngày khác, anh thợ này trên đường đi đã dừng lại ở một ngôi đền và kể hết sự tình với một ông lão. Ông lão mới đáp lại: “Tôi có thể giúp điều ước của anh trở thành sự thật, với điều kiện là anh hãy tạc cho tôi một số bức tượng Quan Thế Âm với các dáng điệu khác nhau”. Anh ta thấy vậy mới vui vẻ và bèn chấp nhận ngay, sau đó liền bắt tay vào nghiên cứu diện mạo cũng như những biểu cảm của Quan Thế Âm Bồ Tát. Người nghệ nhân rất tâm huyết thực hành theo đạo đức của Ngài như thể chính mình là đức Quan Thế Âm.
Người nghệ nhân rất tâm huyết thực hành theo đạo đức của Ngài như thể chính mình là đức Quan Thế Âm.
Sau nửa năm nghiên cứu và miệt mài làm việc, anh thợ này đã khắc được một số bức tượng sinh động của Phật Bà Quan Âm, thể hiện lòng từ bi, khoan dung, rộng lượng và hướng thiện. Ai nấy đều thán phục trước những bức tượng sinh động như thật. Người nghệ nhân cũng không khỏi ngạc nhiên, nhưng là ngạc nhiên trước dung mạo đã hoàn toàn thay đổi của bản thân - phúc hậu, dũng mãnh và nghiêm trang hơn.
Rõ ràng, từ Trung Y cổ đại cho tới sinh lý học hay tâm lý học hiện đại đều có thể nhận thấy đạo lý “tướng do tâm sinh” là điều hiển nhiên. Tướng mạo của một con người chính là sự kết hợp giữa hai bộ phần “hình” và “thần” tạo nên. Hình tướng là đặc trưng của sinh lý, còn thần tướng vừa bao hàm nhân tố sinh lý, vừa phụ thuộc vào sự tu chỉnh quyết định. Từng nhất cử nhất động cho tới từng ý niệm của con người trong cuộc sống trải qua một thời gian sẽ dần ngưng đọng và biểu hiện trên khuôn mặt, tức “hữu chư nội tất hình chư ngoại” (có gì bên trong ắt xuất hình bên ngoài”.
Tướng mạo của một con người chính là sự kết hợp giữa hai bộ phần “hình” và “thần” tạo nên.
Tâm niệm nảy sinh hay biến chuyển cũng sẽ ảnh hưởng lên thân thể mỗi người. Nếu như chúng ta giữ được sự hiền hoà tĩnh tại trong nội tâm thì hiển nhiên người khác nhìn vào tướng mạo sẽ thấy sự đôn hậu, quanh minh chính đại, lòng dạ ngay thẳng. Nhờ đó sẽ giúp cho khí huyết điều hoà, ngũ tạng an định, công năng chính thường, thân thể khoẻ mạnh, ắt thể hiện ra khuôn mặt sáng sủa, thần thái phấn khởi, ai gặp mặt cũng cảm thấy dễ chịu, thoải mái.
Như vậy, có thể ví cuộc đời con người giống như một quá trình điêu khắc của anh thợ thủ công. Chúng ta có thể không khắc tạc nên những công trình vĩ đại hay cao siêu, nhưng chúng ta đều có thể làm nên những tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa, hướng thiện. Người thợ thủ công giỏi giang có thể có cuộc sống giàu sang phú quý, nhưng người thợ thủ công hiểu đạo đời mới chính là người mà thiên hạ tôn trọng, trân quý.
Facebook - bình luận