Tất cả mọi chuyện trên đời vốn dĩ mang hai mặt trái ngược nhau, các mối quan hệ giữa con người với nhau cũng không ngoại lệ. Thực tế chứng minh, mối quan hệ giữa người với người càng thân tình lại càng dễ nảy sinh hiềm khích, oán hận. Nghe có vẻ phi lý nhưng đúng thực là vậy, không phải cuộc sống trớ trêu mà đó là quy luật muôn đời của tạo hoá.
Mối quan hệ giữa người với người càng thân tình lại càng dễ nảy sinh hiềm khích, oán hận.
Không có gì tồn tại trên đời là hoàn toàn tuyệt đối, vậy thì cứ theo lẽ tự nhiên mà duy trì tình cảm ở một mức độ nhất định. Không ít người nói, các mối quan hệ càng khăng khít và gắn bó, đến khi nảy sinh chút mâu thuẫn thì liền trở mặt, xa cách. Tình cảm không phải cứ đậm sâu, nồng nhiệt thì sẽ không thể nhạt phai, nhất là khi con người lại có xu hướng ham mê những điều mới mẻ.
Không kể đến các mối quan hệ yêu đương hay tri kỷ, vì duy trì khoảng cách là lời nói thừa thải. Nhưng phải nhớ rằng, có khoảng cách thì chúng ta mới thấy trân quý các mối quan hệ xung quanh mình. Cuộc sống vốn chứa đựng nhiều bất ngờ, lòng người lại là thâm trầm và khó đoán vô cùng, có thể hôm nay thân thiết nói cười vui vẻ nhưng ngày mai đã “bằng mặt không bằng lòng”.
Có thể hôm nay thân thiết nói cười vui vẻ nhưng ngày mai đã “bằng mặt không bằng lòng”
Duy trì khoảng cách giữa người với người không khiến chúng ta trở nên xa cách hay lạnh nhạt đi, bởi đôi khi chỉ cần một ánh mắt đã có thể thấu hiểu, đôi khi nói nhiều lại thành ra dư thừa, vô nghĩa. Trong bất cứ mối quan hệ nào cũng cần sự tôn trọng lẫn nhau, nếu quá tự nhiên, thoải mái sẽ dần đánh mất thái độ này dành cho đối phương. Trong khi mỗi người lại có cái tôi cá nhân khá cao không cho phép người khác xem thường hay chà đạp.
Có thể nói chắc chắn rằng, trong mỗi người chúng ta ai cũng tồn tại sự ích kỷ, đố kỵ trong lòng. Càng thân thiết thì sự đố kỵ ấy càng tăng cao, từ đó nảy sinh nóng giận, căm ghét và oán trách, thậm chí làm ra những hành động tiêu cực. Chẳng phải tình yêu sâu đậm chính là cội nguồn của hận thù sâu sắc đó sao?
Trong mỗi người chúng ta ai cũng tồn tại sự ích kỷ, đố kỵ trong lòng.
Mối quan hệ giữa thầy và trò nếu không có khoảng cách nhất định, người thầy sẽ khó lòng dạy bảo được cho trò, trái lại, học trò dễ nhìn thấy những nhược điểm của thầy, không còn sự tôn kính nhất định. Khi sếp quá hoà đồng với nhân viên sẽ vô tình khiến nhân viên hiểu sai tính chất cấp bậc trong công sở, dần dà sếp không thể quyết định quyết đoán vì bị tình cảm chi phối, còn nhân viên ỷ lại mối quan hệ thân tình mà đánh mất niềm tôn trọng cấp trên. Còn đối với mối quan hệ vợ chồng, nếu không có sự tôn trọng lẫn nhau thì sẽ khó mà bền lâu và cùng nhau đi hết chặng đường đời.
Để dung hoà và duy trì tốt một mối quan hệ, thứ quan trọng và cần nhất chính là nghệ thuật sống. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm cần trau dồi và rèn luyện không ngừng, chứ không phải tự nhiên mà có được. Tuy nhiên, bằng cách nhìn tổng quát và khách quan, mối quan hệ giữa người với người có bền vững hay không lại phụ thuộc rất lớn vào bản thân mỗi người.
Để dung hoà và duy trì tốt một mối quan hệ, thứ quan trọng và cần nhất chính là nghệ thuật sống.
Con người phải có tấm lòng thiện lương, suy nghĩ thấu đáo, đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu chứ không được phán xét bằng cái nhìn phiến diện, suy nghĩ và đặt lợi ích của người khác lên đầu, có như thế thì dù là mối quan hệ nào cũng dần tự nhiên trở nên tốt đẹp.
Không ít trường hợp người đến rồi lại đi, cũng chẳng thiếu các mối quan hệ kết thúc trong sự tồi tệ, nguyên nhân là bởi vì người trong cuộc luôn có những đòi hỏi và áp đặt đối phương một cách phi lý. Khi sức chịu đựng đạt đến cực đại, dĩ nhiên cơn thịnh nộ và oán hận là điều dễ hiểu. Một mối quan hệ bắt đầu không có nghĩa là nó sẽ mãi mãi bền vững, nhất là nếu không có sự cố gắng và gìn giữ của người trong cuộc.
Mối quan hệ tốt bị tan vỡ, bởi vì người trong cuộc luôn có những đòi hỏi và áp đặt đối phương một cách phi lý.
Tóm lại, nhiều người trong chúng ta ít nhiều sẽ đôi lần gặp phải những rối rắm trong các mối quan hệ xã hội. Mỗi người mỗi tính, mỗi người mỗi suy nghĩ khó có thể đồng điệu, cho nên để dung hoà là một việc chẳng dễ dàng gì. Tuy nhiên, cách tốt nhất chúng ta có thể làm chính là sống cho mình, hiểu cho người, rộng lượng, bao dung và thấu hiểu. Trên đời này không có gì tuyệt đối, càng không sự lựa chọn nào là mãi mãi, người thân quen hôm nay có thể đã là người lạ ngày mai. Chúng ta nên giữ khoảng cách nhất định cho mọi mối quan hệ, nợ vật chất có thể trả bằng tiền bạc, còn nợ tình cảm chỉ có thể trả bằng hận thù.
Facebook - bình luận