1. Trưởng thành không đến từ việc chúng ta sống được bao nhiêu năm trên đời
Tuổi tác sẽ không nói lên được nhiều điều về sự chín chắn trong con người ta. Trưởng thành đến từ cách sống, cách suy nghĩ, cách nhìn nhận sự vật, sự việc dưới góc độ của một người đủ trải nghiệm và được bộc lộ thông qua việc chúng ta đối xử với thế giới như thế nào.
Một điều quan trọng hơn cả đó là cách chúng ta “sử dụng” chính con người mình ra sao trong cuộc sống đầy rẫy những thách thức sẽ khẳng định mức độ trưởng thành của mỗi người. Mất mát chính là cơ hội tốt để chúng ta tích lũy kinh nghiệm sống. Quá trình đối diện và chấp nhận những thương tổn, rồi từ đó gượng dậy sau những tranh đấu nội tâm để vượt qua sự mất mát tạo cho con người ta một dạng khí chất đặc biệt. Càng mất mát nhiều, càng trải nghiệm nhiều những nỗi đau tâm hồn, chúng ta càng mạnh mẽ.
Mọi nỗ lực từ trong vô thức đều sẽ được đền đáp xứng đáng
2. Tuổi trẻ có vấp ngã, trưởng thành mới thực sự thăng hoa
Đi qua thương tổn, chúng ta có thể khóc lóc như những kẻ yếu đuối đánh mất đi phẩm chất rắn rỏi thường có trong mình, ta cũng có thể vật vã quằn quại rất khó coi khi chịu đựng đau thương của sự mất mát. Nhưng sau tất cả, giây phút nhìn lại bản thân sẽ giúp chúng ta cứng cáp hơn trên con đường đi tới trưởng thành ngay từ trong tâm thức.
Không một ai trên Trái Đất này có thể sống yên ổn và bình lặng từ lúc sinh ra cho đến những tháng năm cuối đời. Đi qua nhiều thử thách của tuổi trẻ, cho đến những áp lực mà bản thân phải đối mặt khi ở ngưỡng cửa của một người trưởng thành, ai cũng sẽ tự mình nếm trải những giây phút yếu đuối trước một con người khác, hoặc có thể đó chính là đối mặt với sự thất vọng về bản thân khi ta tự soi mình vào một tấm gương phản chiếu.
Tương lai tươi đẹp đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào những tháng năm tuổi trẻ miệt mài phấn đấu
3. Sở dĩ con người ta đau khổ là bởi mãi theo đuổi những thứ sai lầm
Muốn đạt được hạnh phúc, hãy học cách bỏ đi từng chút mỗi ngày. Lòng tham và dục vọng là hai ngọn lửa thiêu cháy mọi con đường đi đến hạnh phúc. Có được một ít, chúng ta lại muốn có thêm một ít, thêm được một phần, ta lại muốn đạt được nhiều phần hơn nữa. Vòng luẩn quẩn của lòng ham muốn chính là không tự mình biết thế nào là đủ. Hạnh phúc đích thực không nằm ở chỗ ta có thêm bao nhiêu mà nó phụ thuộc vào việc ta cảm nhận được mình hiện đang đủ đầy thế nào.
Cuộc đời là một chuỗi những tháng ngày con người ta theo đuổi các mục đích riêng. Nhưng hầu như chúng ta đã cùng đặt sai mục đích. Khi đạt được những thành công nho nhỏ ban đầu, nếu đúng đắn, chúng ta sẽ lấy đó làm động lực thúc đẩy bản thân tiến tới việc giành được những thành quả kế tiếp với tinh thần hướng đến hạnh phúc trọn vẹn và công việc đó phải hợp đạo lý. Còn nếu sai lầm, ta cuồng vọng chạy theo danh lợi rồi quên mất thứ tạo ra hạnh phúc không phải là bản thân những thành công đó, mà chính là cảm nhận được hơi thở của niềm vui khi làm việc và những giá trị chúng ta tạo ra cho cộng đồng.
Hãy học cách buông tay những điều ta không thể với lấy
Ranh giới giữa hạnh phúc đích thực và khổ đau trong cuồng vọng quả thật rất mong manh. Nhưng chỉ cần chúng ta tĩnh tâm sáng suốt sẽ thấu rõ được đâu mới là mục đích đúng đắn để theo đuổi đến cùng và đâu mới thực sự là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời.
3. Hầu như ai cũng sống một cuộc đời tuyệt vọng trong im lặng
… Và sự tuyệt vọng thường đến từ việc sở hữu quá nhiều mong muốn. Nỗi phiền muộn chỉ tìm đến khi con người mong mỏi có được thứ này hay thứ khác mà trong tay lại không thể nắm bắt được những điều mình luôn khao khát.
Chúng ta ao ước tìm cầu sự vẹn toàn trong mọi việc nhưng ít ai chịu ngồi yên suy nghĩ rằng khát vọng của con người là vô hạn mà khả năng đáp ứng của tạo hóa lại quá phải chăng, điển hình là nó quá keo kiệt khi ban cho phần lớn chúng ta chưa đầy một trăm năm sống trên đời để có thể làm được hết những điều ta mong muốn.
Đừng biến cuộc sống của mình thành những tháng năm tuổi trẻ cô đơn
Mọi rắc rối trong vấn đề tiền bạc hay các sự cố về mặt vật chất đều bắt nguồn từ hai chữ “nhiều hơn”. Chi bằng ta hãy thử nghĩ cách làm sao có thể sống trọn vẹn trong từng giây phút chỉ với một mức độ giàu sang nhất định mà không cần suy nghĩ quá nhiều đến việc phải hy sinh niềm vui và hạnh phúc của cá nhân mình để kiếm ra được nhiều tiền hay nhiều vật chất hơn.
4. Đừng tiêu tốn thời gian quý giá cho những mối quan hệ không cần thiết
Chúng ta càng để tâm đến việc duy trì tình bằng hữu với càng nhiều người, năng lượng ta dành cho bản thân sẽ càng ít đi. Chỉ cần một vài người bạn tốt sẵn sàng có mặt bên cạnh những lúc khó khăn, mọi vấn đề gây ra khổ tâm trong trí óc ta sẽ được giải quyết nhanh chóng. Trò chuyện với một người thấu hiểu được tâm hồn ta giống như việc thì thầm với bản ngã thứ hai của mình.
Lúc hứng khởi nói nhiều, niềm vui của cả hai được nhân lên vô hạn; lúc im lặng nhìn nhau, không cần mở miệng cũng đã biến mọi ưu phiền tan biến. Một người bạn thực sự sẽ đến khi ta cần, chỉ một ánh nhìn có thể thấu suốt mọi sự. Không cần mở lời, tất thảy suy nghĩ như thể đã được nói ra.
Im lặng khi không cần thiết. Từ bỏ khi không còn được ưu tiên
Phần lớn con người sợ sự im lặng vì điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ phải đối mặt với những tiếng nói nội tâm liên tục được phát ra trong đầu mình. Không nhiều người biết rằng, tất cả những gì mà ta đang hiện diện ngay lúc này đều bắt nguồn từ những suy nghĩ có trong tâm trí.
5. Thực tại được hình thành nên từ tư duy của chúng ta
Trong trạng thái yên ắng của sự tĩnh lặng, nhờ vào sức mạnh kỳ diệu của những suy nghĩ nội tâm, chúng ta có khả năng thấy được bản thân với một hình hài khác, một dáng vẻ khác và kèm theo đó là một tư duy khác để tạo nên con người sẽ tồn tại trong những khoảnh khắc tương lai sắp tới.
Tiếng nói trong đầu ta có giá trị làm nên con người ta hiện tại. Nhiều ý kiến cho rằng tiếng nói nội tâm chính là bản ngã mà chúng ta luôn sở hữu. Thực tế thì bản ngã con người là một thực thể rất khó để lý giải một cách chính xác. Xét trên khía cạnh siêu hình, có thể xem tiếng vọng nội tâm là bản ngã duy nhất mà một người đang nắm giữ.
Tập yêu những suy nghĩ tích cực, bởi đó là nguồn gốc của mọi hoàn cảnh tốt đẹp có trong đời ta
Chúng ta muốn giải thoát chính mình ra khỏi bản ngã nhưng ít ai hiểu rằng bản ngã không thực sự tồn tại khi mà con người ta, bao gồm cả thể xác lẫn tâm hồn, được hình thành xuyên suốt qua hiểu biết về sự nhận thức và cảm giác mình đang hiện hữu sau quá trình trải nghiệm về cuộc sống và sự tồn tại.
6. Cách chúng ta nhìn nhận những sự kiện là cách mà ta thể hiện con người mình
…Còn cách chúng ta nhìn nhận bản thân như thế nào thì lại hoàn toàn khác. Sự thật là con người bây giờ của chúng ta đang hiện diện như thế nào phần lớn được tạo nên từ cách ta nhìn nhận thế giới. Về hoàn cảnh, bất kể nó diễn ra theo cách nào và kết cục của nó ra sao, nếu nhìn nhận vấn đề dưới con mắt tích cực, ta không thể là một người tiêu cực trước hoàn cảnh đó được.
Và nhiều sự kiện tiêu cực được nhìn nhận bằng con mắt tích cực của ta cũng giúp ta sống thoải mái hơn và ít lo lắng hơn trước mọi hoàn cảnh. Về con người, nếu chú trọng đến khía cạnh tốt đẹp của một người, dù họ có xấu xa đến mấy trong mắt thế nhân, thì họ vẫn luôn là một người tốt đẹp, chí ít là trong mắt ta. Vì vậy có thể nói rằng tâm tính của chúng ta được hình thành như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào cách ta đánh giá ngoại cảnh và người khác ra sao.
Yêu bản thân là cách hoàn thiện chính mình tốt nhất
Mặt khác, cách chúng ta tự nhìn nhận bản thân mình sẽ phản ánh cách thức ta được đối xử tốt hay xấu từ con người và thế giới bên ngoài. Điều này nói lên rằng, nếu chúng ta tự nhận mình là một người trầm cảm hoặc yếm thế, người khác sẽ tỏ ra thương hại ta trong từng hành vi và câu nói của họ.
Còn nếu chúng ta cho rằng bản thân mình đang thực sự rất hạnh phúc thì niềm vui sẽ lan tỏa ra xung quanh không gian chúng ta đang sống và thu hút được trạng thái tích cực đến từ lối sống của người khác. Từ đó, ta cũng sẽ nhận lại nhiều giá trị của tình yêu thương.
Facebook - bình luận