Lúc còn trẻ, sức khỏe còn nhiều, hãy vui vẻ chịu thiệt một chút, nghĩ cho người khác nhiều hơn bản thân thì mới mong làm nên sự nghiệp. Người chỉ biết có lối sống vụ lợi, nhỏ nhen toan tính thì mãi mãi bị coi như kẻ tiểu nhân khôn lỏi.
Chịu thiệt là một loại phúc báo
Để trở thành người có trí tuệ thì nên biết trông rộng, nhìn xa thay vì suy xét thiệt hơn, so đo tính toán, lấy lợi ích bản thân làm trọng. Hãy suy nghĩ cho người khác một phần bởi chỉ khi nhận rõ được chân lý nhân quả, lúc túng thiếu sẽ không lo sợ đói nghèo vì đã biết cho đi; lúc giàu sang phú quý không sợ đổ vỡ vì đã biết làm thiện giúp người.
Người mạnh khỏe hãy tích cực chịu thiệt thòi, cố gắng sống vì mọi người nhiều hơn, thành quả tạo ra là trở thành một con người đức độ, báo đáp về sau là một đời dư dả, an bình. Đừng suy nghĩ quá nhiều về thành tựu vật chất, cũng đừng dẫm chân lên kẻ khác hòng đứng được cao hơn vị trí của họ.
Đạo trời vô cùng, lòng người bất trắc, chỉ có Nhân và Nghĩa là bất biến vĩnh hằng
Hãy hạ mình nhìn xuống, đời còn biết bao kẻ khổ. Kẻ mạnh là kẻ biết nâng đỡ người khác trên đôi vai của mình để tạo ra sự công bằng xã hội chứ không phải hạng thấp kém chỉ biết đạp trên lưng người khác hòng phô trương vị thế bản thân.
Không bao giờ là quá muộn để thực hành hạnh bố thí. Một đồng bạc cắc cũng là bố thí. Một cái bắt tay hay một cái ôm với người đang buồn khổ cũng là bố thí. Không phải cứ bạc tiền, vật chất xa hoa mới là cho đi. Bố thí còn là giúp đỡ người khác bằng nhân cách cao thượng của bản chất con người chúng ta. Giúp người miếng cơm cũng là giúp. Nở một nụ cười khiến người khác vui vẻ một ngày cũng là mang lại giá trị tinh thần lớn lao cho họ.
Hãy nhìn xa trông rộng, hãy nghĩ về chân lý. Trước mắt có thể không phải là cái ta đang mong cầu nhưng đạo đức sẽ hướng ta đến nơi ta muốn đến.
Im lặng là vàng, nhẫn nhịn là bạc, giúp người là đức, chịu thiệt là phúc
Không bao giờ là quá muộn, tất cả chỉ là thử thách
Người cao thượng là người biết xem khó khăn chỉ như viên gạch rơi trúng chân mình khi đang đi, gắng sức bước lên, vượt qua chướng ngại để trưởng thành và phát triển. Kẻ hèn kém là kẻ nhìn đời bằng một con mắt, cho rằng thử thách là những vách ngăn không tài nào đục lỗ chui qua được.
Vậy nên mới có hạng người một đời nghèo đói. Mọi giá trị của con người đều không thể được đo đếm bằng của cải vật chất mà tất cả luôn xuất phát từ ý chí vươn lên. Mở rộng nhãn quan của mình ra để thay đổi tầm nhìn về nhân thế, cuộc đời chúng ta sẽ khác đi đáng kể sau khi biết được phong cách sống cao thượng, nhân văn.
Người trưởng thành sẽ không khoe mẽ kiến thức cũng như sự giàu có của mình mà là người khiêm tốn, nhã nhặn và luôn có thái độ tôn trọng lối sống của người khác.
Chỉ cần chúng ta dám bắt đầu, mọi việc đều không bao giờ là quá muộn
Chúng ta đang sống trong một thời đại công nghiệp mà ở đó mọi giá trị đạo đức của con người phần lớn được đo đếm bằng các đại lượng vật chất như tiền bạc hay của cải. Bằng chứng là hầu hết những phân chia về địa vị, những câu hỏi xã giao mang đậm tính khuôn phép so sánh hơn thua vật chất, hay cách đong đếm thành công thông qua số lượng mẫu đất và cổ phiếu chứng khoán mà ai đó đang sở hữu… Và do vậy, chúng ta thiếu thời gian để chăm sóc cho bản thân hay nói chính xác hơn rằng ta đã để tâm hồn khô héo vì bị lãng quên.
Thực tế thì giá trị chân xác nhất của chúng ta không được đo bằng tiền, nhà đất, cổ phiếu hay một khối lượng vàng ròng nào cả vì khi chết rồi thì ta mang chúng theo bằng cách nào? Chỉ là con số không tròn trĩnh lúc giã biệt cõi đời.
Giữa người với người, hơn thua nhau ở trí tuệ và cách sống
Vậy nên, hãy tận dụng thời gian, bớt chút khoảng không nhàn rỗi để chăm chút cho tâm trí và linh hồn ta nhiều hơn. Ai cũng cần tiền để sống, cần nhà để ở. Không thể nói rằng để tiến lên một bậc cao hơn trong tầng lớp nhận thức về giá trị của sự hiện hữu chỉ cần có mỗi tâm hồn cao thượng là đủ, vì vật chất là thứ công cụ nuôi dưỡng thân tâm chúng ta, không có nó thì ta không thể tồn tại được.
Nhưng, vẫn hãy biết đủ. Và biết được rằng sau khi đã có đủ rồi thì giá trị con người được đo bằng khả năng tư duy cũng như ý nghĩa mà tư duy đó mang lại cho một cộng đồng người.
An nhiên tự tại ấy lại vui
Được – mất, hơn – thua rồi cũng bỏ
Có một vị thư sinh đến hỏi thầy giáo của anh ta rằng: “Làm thế nào để đánh bại đối thủ của mình?”. Thầy giáo mỉm cười, sau đó liền dùng một nhành cây, vạch xuống đất một đường thẳng. Thầy nói: “Con hãy làm cách khiến cho đường thẳng này ngắn lại mà không xóa nó, trả lời được rồi hãy đến tìm ta”.
Thư sinh mang theo bài toán của thầy giáo về nhà. Hắn nghĩ mãi, nhưng cũng không biết làm cách nào khiến đường thẳng kia ngắn lại mà không xóa nó đi cả. Rõ ràng là một yêu cầu vô lý. Thư sinh giải hết 3 ngày mà không tìm ra đáp án, bèn đến gõ cửa nhà phu tử một lần nữa. Hắn nói: “Thưa thầy, con thật không biết làm cách nào khiến đường kẻ này ngắn đi cả”.
Chiến thắng bản thân mình là thành quả vĩ đại nhất
Vị thầy giáo mỉm cười, sau đó lại dùng một nhánh cây khác, nhẹ nhàng vẽ một đường thẳng song song với đường thẳng kia, nhưng dài hơn đường thẳng cũ một tấc, đoạn mỉm cười: “Con xem, chẳng phải là đường thẳng cũ đã ngắn hơn so với đường thẳng mới rồi sao?”
Thầy nhẹ nhàng giải thích: “Đối thủ của con chính là đường thẳng ban đầu, con không có cách nào khiến cho họ trở nên tồi tệ hơn. Nên chỉ có một cách duy nhất, đó là khiến cho bản thân con trở nên xuất sắc hơn. Đừng quan tâm đối thủ của mình ngắn hay dài, hãy cứ trở thành đường thẳng dài nhất. Đến lúc ấy, chẳng ai có thể đánh bại được con”.
Hãy cố gắng để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình
Trong cuộc sống cũng vậy, đôi khi chúng ta luôn nhìn vào những thành công của người khác và mong ước hoặc ghen tị. Chúng ta không thể chờ mong đối thủ bước lùi để kém cỏi hơn chúng ta mà chỉ có cách tự nỗ lực để trở nên giỏi giang hơn, bản lĩnh hơn đối thủ.
Cuộc đời là những chặng đua, nếu bạn sớm hài lòng với bản thân mình thì sớm muộn gì cũng sẽ bị những đường thẳng khác vượt lên. Do vậy, thay vì hy vọng người khác thất bại, gục ngã, thì chính mình hãy đứng dậy, kiên cường vượt qua sóng gió.
Facebook - bình luận