Vượt qua hàng loạt tác phẩm như Em Và Trịnh, Maika, Dân Chơi Không Sợ Con Rơi, 578: Phát Đạn Của Kẻ Điên trở thành đại diện Việt Nam dự Oscar 2023. Kết quả này khiến tôi ngỡ ngàng, hụt hẫng, tiếc nuối vô cùng và thậm chí là xấu hổ cho nền điện ảnh nước nhà.
So với chất lượng của một bộ phim mà tôi đánh giá khá cao trong năm 2022 - Đêm Tối Rực Rỡ, thì rõ ràng 578: Phát Đạn Của Kẻ Điên thua kém hơn hẳn trên tất cả phương diện. Nội dung nhạt nhoà, phi logic, không mang một ý nghĩa, thông điệp nào, diễn xuất gượng gạo, bối cảnh được quảng bá là đầu tư hoành tráng triệu đô nhưng suy cho cùng chỉ là trò PR “ô dề” lố lăng. Với từng ấy yếu tố, tác phẩm đầu tay của H’Hen Niê trở thành thảm họa phòng vé, thua lỗ đến gần 60 tỷ đồng và phải nhanh chóng rút khỏi rạp.
Là một khán giả đã thưởng thức bộ phim này, tôi băn khoăn rất nhiều sau khi bước ra khỏi rạp chiếu. Vì sao đến tận bây giờ, người ta vẫn có thể làm những sản phẩm ngô nghê, gượng gạo đến thế này? Nhưng điều tai hại hơn cả là một ý tưởng làm phim quá hời hợt lại bị ảo tưởng là tuyệt tác, bom tấn phòng vé được. Nếu tôi là nhà sản xuất thì chắc chắn 578 không có cửa để được nhận đầu tư, bởi vì kịch bản này hoàn toàn không có đến 1% tiềm năng hay sự xứng đáng để được khán giả yêu thương.
Chỉ riêng điều này đã khiến tôi mường tượng được ra tương lai của 578 ở giải Oscar 2023. Đến đây, tôi bỗng ngẫm lại, hoá ra Bố Già được đại diện Việt Nam tham dự giải thưởng này hồi năm ngoái vẫn chưa phải điều đáng xấu hổ nhất với điện ảnh nước nhà.
Còn nhớ cách đây 1 năm, bộ phim đầu tay của Trấn Thành từng tạo cơn sốt phòng vé và trở thành tác phẩm Việt cán mốc 420 tỷ đồng nhanh nhất lịch sử điện ảnh nước nhà. Thế nhưng, trái với doanh thu ngất ngưởng, xô đổ hàng loạt kỷ lục thì đây lại là tác phẩm có nội dung gây tranh cãi nhất năm đó.
>>> Xem thêm: Bảo Thanh không đóng phim 3 năm vẫn mua nhà, tậu xế tiền tỷ
Đối với tôi, Bố Già chỉ dừng lại ở một bộ phim tình cảm gia đình giải trí, ngồi trong rạp cười phà phà thoải mái, rồi khóc tu tu và đến khi đứng dậy, người ta dễ dàng quên sạch mọi thứ. Chính vì thể, chúng ta chẳng thể kỳ vọng rằng đây phải là phim nghệ thuật mang tầm vĩ mô được. Nên dĩ nhiên khi được gửi đi tham gia Oscar 2022, Bố Già dừng chân ở phòng sơ loại.
Thú thực, đây đã nên được coi là một thành tích rồi, bởi nếu đặt Bố Già lên so sánh với 3 đại diện châu Á khác là Drive My Car (Nhật Bản), A Hero (Iran) và Lunana: A Yak In The Classroom (Bhutan), thì quả thực phim nhà ta có với cũng không thể tới.
Trước đó, hai đại diện khác của Việt Nam là Mắt Biếc (2020) và Hai Phượng (2019) cũng là những bom tấn phòng vé, thu về doanh số cả trăm tỷ, nhưng đều bị loại từ vòng gửi xe của Oscar. Những kết quả này chẳng có gì bất ngờ đối với tôi.
Bởi soi lại lịch sử điện ảnh Việt, những bộ phim chất lượng ổn như Cha Cõng Con, Mùi Cỏ Cháy, Chuyện Của Pao, Mùa Len Trâu, Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng, còn phải nhận về cái kết chẳng mấy khả quan. Tác phẩm duy nhất nhận được đề cử là Mùi Đu Đủ Xanh của Trần Anh Hùng vào năm 1993.
>>> Xem thêm: Bảo Ngọc: Hoa khôi nhí Tây Đô thân thiết với dàn Hoa hậu Việt đình đám
Thật đáng buồn khi nhìn vào những đại diện Việt Nam tranh cử Oscar mỗi năm, tôi cảm thấy chất lượng điện ảnh nước nhà như bước thụt lùi so với thời đại. Dẫu cho công nghệ sản xuất ngày một cải thiện, tiền đầu tư thì cứ tăng theo cấp số nhân, doanh thu cũng khả quan hơn rất nhiều nhưng dường như thứ đạo diễn quan tâm vẫn đơn giản là lợi nhuận, chứ chưa một ai đủ tâm và tầm để làm nên một kịch bản, tác phẩm điện ảnh mang tầm vóc thời đại để tranh giải quốc tế.
* Bài viết của Hoa Le chia sẻ tại box Sao Việt
Nếu bạn là mọt phim chính hiệu hoặc muốn cập nhật tin tức giải trí Vbiz hot nhất , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận