Tôi hi vọng bạn sẽ dừng lại một phút thôi, để ngẫm, để nghĩ suy, và để hiểu rằng, ngoài kia vẫn còn rất nhiều thứ chúng ta cần phải học. Có những điều bạn phải trải nghiệm, phải luyện rèn và ghi nhớ cả cuộc đời mới thấm nhuần ý nghĩa. Thời gian vẫn không ngừng trôi, con người vẫn cứ mải miết theo dòng chảy của xã hội để rồi quên mất những phút giây quý giá của cuộc đời. Sau đây là 7 điều bạn cần phải học:
Để hiểu hết ý nghĩa cuộc đời, chúng ta luôn cần học hỏi những điều mới mẻ
Thứ nhất, “học nhận lỗi”
Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.
Sống ở đời cần học được đạo lý “phải trái, đúng sai”. Khi chúng ta không thể đáp ứng trách nhiệm mà người khác giao phó, đó chính là lỗi sai mà ta phải nhận. Đừng đặt lòng tự tôn của mình lên quá cao để rồi khi thất bại, không ai muốn hợp tác với chúng ta lần thứ hai!
Một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn sự im lặng
Thứ hai, “học nhu hòa”
Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên. Cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì cuộc đời chúng ta mới dễ dàng trôi đi trong yên bình. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.
Biết lúc nào nên cứng rắn, lúc nào nên mềm mỏng. Đó chính là một nghệ thuật sống, là cách để kết giao thêm nhiều nhân duyên tốt đẹp. Khi người giận dữ, nên biết tự mình kiềm chế mà không đổ thêm dầu vào lửa. Khi người vui vẻ, hãy cùng chia sẻ chung một niềm hạnh phúc, đó là “đắc nhân tâm”.
Mềm mỏng để đắc nhân tâm, nhu hòa để thuận lòng người
Thứ ba,” học nhẫn nhịn”
Thế gian này học được chữ “nhẫn”, vạn sự khó khăn được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.
“Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu. Nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Chúng ta không có ai là hoàn hảo. Người sống trong đời phải mắc lỗi mới có thể hoàn thiện bản thân. Tha thứ cho người cũng là tự mình làm vui vẻ cho chính mình. Nhẫn nhịn cho người là tự tạo cơ hội cho mình.
Thứ tư, “học thấu hiểu”
Sống trên đời không có ai tự nhiên sinh ra là đã hiểu nhau. Chúng ta phải học lắng nghe, học bao dung và học thấu hiểu để ở bên cạnh người mà ta yêu thương. Sự thấu hiểu cũng có tác dụng hóa giải mọi thù hận trong lòng.
Lắng nghe, thấu hiểu và sẻ chia để thương yêu và bao dung
Thứ năm, “học buông bỏ”
Trong cuộc đời, có nhiều sự việc như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới tự tại được.
Nâng lên được, đặt xuống được. Những chuyện khiến bản thân không vui thì cứ nhẹ nhàng cho qua. Bởi cuộc đời là những trải nghiệm, những chuyến đi. Điều gì làm cho bản thân mình hạnh phúc thì cứ cảm nhận. Còn người nào, việc nào càng tiếp xúc càng khiến mình không vui thì đừng quan tâm.
Nếu thấy đau mà vẫn không chịu buông bỏ, đấy là ngu dốt của đời người
Thứ sáu, “học cảm động”
Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên đồng cảm. Đồng cảm là tâm thương yêu. Chỉ khi nào bạn cảm thấy mình được chia sẻ, và cho người khác cơ hội chia sẻ với mình, bạn có thể thực sự đồng cảm với mọi người. Nếu bạn muốn hiểu người khác và có một cái nhìn sâu sắc về họ, hãy thử sống đời của họ.
Hãy tìm ra sự tương đồng giữa bạn và người đối diện, để từ đó bạn có thể hiểu tâm tư của họ. Khi bạn lắng nghe họ một cách tự nhiên, không định kiến, điều bạn nhận lại có thể là sự chân thành, tin cậy, và chính bạn cũng được chia sẻ.
Đồng cảm là nền tảng để chúng ta phát triển lòng bao dung và vị tha
Thứ bảy, “học sinh tồn”
Cuộc sống của chúng ta không thể đoán trước được điều gì, kể cả những điều không may xảy đến. Vì thế mà chúng ta cần phải trang bị cho mình kỹ năng sinh tồn để thích nghi, sống sót trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.
Kết: Trên đây là 7 bài học cuộc sống tôi đúc kết được sau quá trình trải nghiệm, vấp ngã, đứng dậy và thành công. Hi vọng bạn sẽ tiếp nối những gì quan trọng và học nằm lòng để sau này nhìn lại, bạn đã thực sự có một cuộc sống tích cực và hạnh phúc nhất.
*Bài đóng góp của thành viên mạng xã hội DienAnh.Net.
Facebook - bình luận