Hào quang của giới giải trí luôn là thứ mà người đời xem nó là biểu tượng của những giá trị được tôn sùng nhất. Thế nhưng, mấy ai biết được đằng sau là cả một câu chuyện với rất nhiều thứ chỉ để đánh đổi vài giây phút ngắn ngủi làm nên màn trình diễn độc đáo trước công chúng. Câu chuyện về huyền thoại Elvis Presley qua bộ phim Elvis của đạo diễn Baz Luhrmann là một ví dụ.
Lần này Bánh Đúc sẽ không đánh giá nhiều về nội dung hoặc kịch bản, mình chỉ nêu cảm nhận cá nhân sau khi dành hơn 2 tiếng để trải nghiệm về giai đoạn vàng son của huyền thoại quốc tế Elvis dưới mác của một tác phẩm điện ảnh, nhận được nhiều đánh giá tích cực trong thời gian qua.
Elvis là bộ phim khai thác về những mặt tối cũng như niềm hạnh phúc xoay quanh những năm tháng làm nghề của danh ca Elvis Presley. Từ một đứa trẻ da trắng cơ cực, sống tại đồng quê mang ước mơ được trở thành Captain Marvel để bay đến hang Vĩnh hằng, cho đến lúc trở thành một huyền thoại quốc tế được công chúng đón nhận, anh luôn xem âm nhạc là người bạn, là một sự cứu rỗi những lúc cô độc. Mọi chuyện bắt đầu xáo trộn khi Đại tá Tom Parker trở thành người quản lý, kiểm soát mọi lịch trình và tất tần tật những thứ xoay quanh cuộc đời anh.
>>> Xem thêm: Elvis: Kịch bản chưa xứng tấm với cuộc đời của ông hoàng Rock 'n Roll
Cá nhân mình quan niệm rằng phim ảnh là công cụ phản ánh những lát cắt của cuộc sống, nói lên nhiều vấn đề xoay quanh xã hội và những thứ mà người ta chưa từng biết đến. Bỏ qua vấn đề kịch bản cũng như thời lượng phim, Elvis mang đến cho mình một cảm giác được sống lại khoảng thời gian vàng son của âm nhạc khi chính Presley là người tạc nên điều đó.
Cũng như bao đứa trẻ khác, anh có ước mơ, hoài bão và biết nghiêng mình trước âm nhạc, một thứ vốn dĩ mà người ta chỉ có thể cảm nhận chứ không chạm đến được. Sự tác động của những giai điệu đã thúc đẩy tinh thần của một cậu bé nghèo, không dám thể hiện mà bất chấp sự dè bỉu của đám đông, anh mang đến một năng lượng đáng kinh ngạc, khiến biết bao cô gái phải hò hét, rùng mình và đứng lên, vươn tới anh như một tượng đài.
Mình nghĩ tuy Tom Parker là một phản diện vụ lợi, nhưng nếu hỏi ông có thương Elvis Presley không thì Bánh Đúc nghĩ là có. Chứng minh ở chỗ ông luôn gọi anh bằng “con trai” và đi đến đâu ông cũng khoe rằng đây là “chàng trai của tôi”. Đến lúc nằm trên giường bệnh vào những năm tháng cuối đời, Parker vẫn nhớ về những khoảnh khắc ông cùng chàng ca sĩ của mình đã làm nên nhiều chiến công lẫy lừng.
Elvis xây dựng một câu chuyện cực kỳ dài dòng, nhưng không thể phủ nhận cách nhà làm phim gói gọn những mốc lịch sử quan trọng của cuộc đời Elvis lại trong vòng 2 tiếng rưỡi mà vẫn đủ tạo nên sự ý nghĩa với mình. Bánh Đúc nghĩ sẽ có đôi lần bạn nghĩ rằng những ánh hào quang kia đã che lấp lương tri của Elvis, khiến anh ngày một sa đà vào tệ nạn.
Thật chất đối với anh, âm nhạc là sự cứu rỗi, anh hát cho mọi người nghe, phục vụ cho nhiều khán giả cũng chỉ vì muốn trả ơn với âm nhạc. Nếu bạn có xem phim sẽ để ý, mỗi lần trình diễn xong, Elvis đều kiệt sức vì anh đã dồn hết năng lượng vào giọng hát và điệu nhảy của mình, tuy nhiên anh vẫn luôn tự hào vì bản thân đã làm hết sức và không bao giờ để khán giả thấy những giọt mồ hôi ấy.
Trong Elvis có một câu nói thế này: "Tôi đã nghe về một loài chim không chân. Loài chim ấy cứ bay mãi, bay mãi trên bầu trời và tựa vào cơn gió mỗi khi thấm mệt. Loài chim ấy chỉ đáp xuống một lần trong đời nó, đó là khi mất đi.”
Phải, Elvis Presley chính là chú chim không chân đó, anh chấp nhận để Parker làm người quản lý cho mình không phải vì sự nổi tiếng hay tiền bạc, mà là muốn được đi nhiều nơi, bay đến hang Vĩnh hằng như Captain Marvel, để rồi sau tất cả, anh “hạ cánh” năm 42 tuổi. Nhiều khán giả bày tỏ sự tiếc thương cho một huyền thoại, nhân tài ra đi khi còn bao dang dở với âm nhạc.
Elvis khiến mình bồi hồi ở đoạn kết phim khi nhà làm phim lồng ghép đoạn trình diễn cuối cùng của anh từ tư liệu có thật, ca khúc Unchained Melody vang lên như một lời khẳng định rằng âm nhạc không bao giờ bị bó buộc, nó phải được tự do.
Xuyên suốt Elvis, mình sẽ thấy được bối cảnh xã hội Hoa Kỳ lúc ấy vẫn còn nạn phân biệt chủng tộc, nhiều chính trị gia cho rằng người da trắng phải hát nhạc đồng quê và người da màu thì thuộc về dòng R&B. Tự bao giờ mà âm nhạc lại có sự chia rẽ đến vậy!
>>> Xem thêm: Nhìn lại sự nghiệp đầy thăng trầm của huyền thoại âm nhạc Elvis
Elvis mang đến cho mình hẳn 2 thái cực. Một mặt âm nhạc là sự cứu rỗi, thì ở một khía cạnh khác, nó vô tình là thứ khiến anh lạc lối và dẫn đến hệ lụy sau này. Bối cảnh xã hội thời ấy loạn lạc vì chính trị đang diễn ra những cuộc chia rẽ sắc tộc, cũng chỉ vì muốn trả ơn với âm nhạc, Elvis đành ngậm ngùi tiếp tục ký bản hợp đồng và làm theo mọi điều khoản của Đại tá Parker. Dần dần anh mất kiểm soát và tìm đến thuốc men như một cách để thả mình.
Bánh Đúc nghĩ có thể ngoài đời thật sẽ nhiều vấn đề hơn nữa, nhưng với một khán giả chưa từng biết đến câu chuyện của Elvis, mình khá ấn tượng khi Baz Luhrmann tập trung tất cả về góc nhìn của Đại tá Parker để diễn giải mọi thứ, dù tốt hay xấu, là thật hay dối trá thì Elvis vẫn là bộ phim cho mình thấy rõ sức mạnh của âm nhạc và đam mê bất tận của huyền thoại một thời.
Còn bạn. Bạn nghĩ sao về bộ phim? Hãy để lại bình luận cho mình nhé.
* Bài viết của Bánh Đúc chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn yêu thích điện ảnh Âu Mỹ , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Elvis? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận