Trận chiến ngoài khơi kéo dài 51 phút trong Hansan: Rising Dragon (Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy) đã cho mình thấy được quy mô, tầm cỡ của một cuộc chiến khốc liệt đi vào lịch sử Hàn Quốc và sự chỉ huy tài tình của danh tướng Yi Sun Shin.
Mặc dù Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy dành khá nhiều thời gian cho mình thấy được sự dày công chuẩn bị cho chiến lược của đô đốc Yi Sun Shin nhưng vẫn chưa có gì cho thấy quân đội Hàn Quốc có thể nắm chắc phần thắng. Phim cũng có nhiều cú lật kèo liên tục khiến mình lo ngại, không biết Yi Sun Shin sẽ lật lại tình thế ra sao.
Cái kết của Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy chỉ đơn giản là quân đội Hàn Quốc giành được thắng lợi hoàn toàn, nhưng làm thế nào Yi Sun Shin có thể làm được điều đó? Dưới đây là những lý giải của mình về chiến lược của Yi Sun Shin và những sự kiện diễn ra trong trận chiến cuối cùng trên đảo Hansan.
Xây dựng thành trì trên biển bằng địa hình cánh hạc
Với phương châm giảm thiểu số lượng binh sĩ thiệt mạng, sau khi nghiên cứu rất nhiều chiến lược, Yi Sun Shin đã tìm ra phương án chiến đấu phù hợp đó chính là xây dựng thành trì trên biển. Thành trì này theo như mình thấy chính là cách ngăn không cho quân địch tiến vào hải phận Hàn Quốc.
Để làm được điều này, Yi Sun Shin đã xếp các thuyền chiến theo địa hình cánh hạc. Tuy nhiên, địa hình cánh hạc này không được dàn trận sẵn ban đầu mà phải tuân theo kế hoạch rõ ràng, chỉ khi tới thời điểm thích hợp Yi Sun Shin mới ra hiệu lệnh cho binh sĩ chuyển đổi đội hình.
Ban đầu Yi Sun Shin có những chiến lược khác để triệt hạ một phần quân đội Nhật Bản. Thường thì một trận chiến sẽ chia ra thành nhiều giai đoạn và việc chuyển sang địa hình cánh hạc theo như mình thấy như một cú huých cuối cùng để triệt tiêu tất cả.
Lợi dụng địa hình bãi đá ngầm ở vịnh Gyeongnamryang
Theo như mình quan sát, chiến lược ban đầu của Yi Sun Shin trong trận chiến mang tính quyết định ở đảo Hansan chính là dùng 7 con thuyền của đội quân do Hướng đạo Eo chỉ huy để dụ quân địch đi vào bãi đá ngầm ở vịnh Gyeongnamryang.
Mình thấy đây là một quyết định khá liều lĩnh của Yi Sun Shin. Khi Yi Sun Shin đề cập đến điều này ở căn cứ, Đô đốc Won đã cho rằng như thế là quá mạo hiểm nên rút lui, sau đó Hướng đạo Eo vì tin tưởng Yi Sun Shin nên đã xung phong chỉ huy đội quân ra trận.
Bước đầu dụ thuyền địch do có sự hỗ trợ của thời tiết - sương mù che khuất tầm nhìn khiến quân đội Nhật Bản không thể biết chính xác có bao nhiêu con thuyền nên đã có phần lo lắng. Thế nhưng khi sương tan, thấy rằng chỉ có 7 chiếc thuyền, quân Nhật đã tấn công và triệt hạ số lượng đáng kể quân Hàn. Lúc bấy giờ mình thấy chỉ còn lại 3 chiếc thuyền và Hướng đạo Eo cũng bị thương.
Trước tình hình nguy cấp, Yi Sun Shin lập tức cho thuyền trực chiến do Vạn hộ Lee chỉ huy lên yểm trợ. Tuy nhiên, mình thấy tình hình cũng không khá lên cho lắm. Lúc đó cả thuyền của Hướng đạo Eo và Vạn hộ Lee đều đang nằm trong vòng vây của địch.
Thế nhưng sau đó, mekurabune bất ngờ xuất hiện giải vây và triệt hạ số lượng lớn thuyền địch. Nó còn hỗ trợ Hướng đạo Eo và Vạn hộ Lee dụ thuyền địch vào bãi đá ngầm để dùng địa hình phá hỏng thuyền của chúng. Đó là điều nằm ngoài dự tính của Yi Sun Shin vì ông đã nói với người chế tạo thuyền sẽ không ra trận cùng mekurabune.
Sự xuất hiện bất ngờ của quy thuyền mekurabune
Khi tên nội gián người Nhật lấy mất bản chế tác của mekurabune, Yi Sun Shin đã biết rằng Wakisaka sẽ phát hiện ra điểm yếu của nó. Vậy nên để tránh việc mekurabune trở thành điểm yếu của mình, Yi Sun Shin đã quyết định không ra trận cùng quy thuyền. Vả lại, khi đó mekurabune cũng bị bốc cháy và cần thời gian để sửa, Yi Sun Shin nghĩ rằng sẽ khó để hoàn thành trước khi ra trận.
Lúc nói chuyện cùng người chế tạo thuyền, mình thấy khi nghe quyết định của Yi Sun Shin, ánh mắt của ông ấy rất tuyệt vọng. Ông hứa rằng sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành và nói rằng con thuyền sẽ rất đặc biệt. Và quả thật, ông ấy đã giữ đúng lời hứa. Sự trở lại của mekurabune mình thấy rất ngoạn mục.
>>> Xem thêm: Thủy Chiến Đảo Hansan: Tái hiện trận chiến khốc liệt bằng kỹ xảo ổn áp
Không chỉ một mà theo như mình quan sát, có đến hơn 3 chiếc quy thuyền xuất hiện và sức công phá của chúng rất khủng khiếp. Trong đó có một chiếc quy thuyền vượt trội hơn cả khi đầu rồng có thể rút lại và phần dưới có thêm một đầu rồng nhỏ để húc vào phần dưới thuyền địch. Đó là con thuyền “chiến” nhất mà mình thấy trong suốt cả phim.
Dụ quân địch đến gần và sẵn sàng cận chiến
Yi Sun Shin đã cho nạp hai loại chất truyền dẫn phát ra lửa đặc biệt thay vì một như bình thường. Đó là thuốc pháo và thuốc trái phá. Điều này mình thấy có điểm hạn chế là sẽ tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn nên nạp được ít hơn. Tuy nhiên, nạp như vậy sẽ dễ dàng để cận chiến hơn.
Chính vì vậy mà mình thấy Yi Sun Shin đã tận dụng triệt để mọi yếu tố khác, tránh sử dụng quá nhiều thuốc pháo ở giai đoạn đầu để tiết kiệm nhiên liệu, để dành cho phần sau cận chiến. Chỉ khi hạ được một lượng lớn quân địch và dụ chúng đến gần, Yi Sun Shin mới cho quân đội vào địa hình cánh hạc và cận chiến bằng thuốc pháo.
Tuy nhiên, vì lực lượng quân địch quá đông và nhiên liệu có hạn nên vẫn sẽ có những lúc quân Hàn bị yếu thế, rơi vào tình huống nguy hiểm. Lúc này, mình thấy chỉ còn một điều họ có thể làm chính là khai pháo.
Khai pháo khi quân địch rơi vào bẫy cuối cùng
Khai pháo là thứ có sức công phá mạnh mẽ nhất, nhưng tất nhiên là nó tốn rất nhiều nhiên liệu và dường như sau khi làm điều này quân đội sẽ không còn gì để chiến đấu nữa. Chính vì vậy nó có thể coi là sức mạnh cuối cùng của quân đội Hàn Quốc. Vậy nên Yi Sun Shin cực kỳ cẩn trọng với hiệu lệnh này.
Mặc dù trong tình trạng nguy hiểm, cận vệ cầu xin khai pháo nhưng khi thấy chưa phải thời điểm thích hợp, Yi Sun Shin vẫn chưa vội đưa ra quyết định vì ông còn một chiếc bẫy cuối cùng. Khi quân địch rơi vào chiếc bẫy cuối cùng, không còn đường lui, Yi Sun Shin mới phát lệnh khai pháo và mình thấy là một phát ăn ngay.
Lúc bấy giờ cả biển Hansan mịt mù khói đen của lửa cháy và không còn sót lại một quân địch nào. Đến cả chủ công Wakisaka của quân Nhật cũng bị mũi tên của Yi Sun Shin nhắm trúng và lao xuống biển.
>>> Xem thêm: Trailer Thủy Chiến Đảo Hansan: Cuộc giao tranh quy mô và tầm cỡ
Song song với trận chiến trên biển, một đội binh Nhật Bản cũng kéo vào đánh chiếm Minh Quốc. Ban đầu quân Nhật có vẻ chiếm ưu thế về số lượng và khiến nhiều lính Hàn hy sinh vì lực lượng người dân Hàn đã được huy động để đánh trận chiến quyết định trên đảo Hansan.
Tuy nhiên, sau khi giành thắng lợi ở trận địa Hansan, quân Hàn nhanh chóng rút về yểm trợ cho đội quân dưới mặt đất nên quân Nhật cũng lép vế và tháo chạy về nước. Sau tất cả, quân đội Hàn Quốc cũng đã thành công trong công cuộc bảo vệ quê hương.
Với mình, Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy thực sự là một trận chiến dài hơi và có sự suy tính kỹ càng trong từng bước đi. Đô đốc Yi Sun Shin đã lãnh đạo trận chiến một cách tài tình và đem về cho Hàn Quốc một thắng lợi vẻ vang. Những gì được thể hiện trong Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy đã cho mình thấy được hình ảnh của một người anh hùng thực thụ chỉ huy một trận chiến khốc liệt xứng đáng đi vào lịch sử Hàn Quốc. Dù xét về cốt truyện, Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy không khác quá nhiều so với Đại Thủy Chiến (2014) nhưng nó đã làm rất tốt với tư cách là một phần tiền truyện.
* Bài viết của Lọ Lem chia sẻ tại box Phim Hàn Quốc
Nếu bạn quan tâm đến tin tức mới nhất về những bộ phim sắp chiếu , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Hansan: Rising Dragon (Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận