x

Đăng nhập

Comming soon...

Phim chiếu rạp

Hàn

Giải mã chi tiết ở Thủy Chiến Đảo Hansan: Quy hạm lợi hại ra sao?

Lọ Lem 19:00 - 05/09/2022

Là một bộ phim lịch sử mang tư tưởng lớn, mình nghĩ là Hansan: Rising Dragon (Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy) cũng khiến không ít người cảm thấy hơi ngộp về số lượng thông tin được cung cấp. Suốt 129 phút của phim, Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy đã khiến mình căng não với một trận chiến đầy cảm xúc, mang tính tự hào dân tộc. 

Không chỉ vượt trội về mặt kỹ xảo hình ảnh, Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy còn khéo léo lồng ghép vào đó những giá trị thời đại và giúp mình hiểu hơn về vị danh tướng được cả đất nước Hàn Quốc nể phục - Yi Sun Shin. 

Cùng mình điểm qua một số điều đáng chú ý trong Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy nhé!

 

Tư tưởng của Yi Sun Shin và Wakisaka

Mình thấy tư tưởng của các vị danh tướng gắn với cách xây dựng hình tượng nhân vật của họ. Yi Sun Shin được xây dựng là một vị tướng lãnh đạm, bản lĩnh và rất cẩn trọng khi đưa ra quyết định. Dường như lúc nào Yi Sun Shin cũng đang suy tính một điều gì đó về đại cuộc nhưng mình thấy rất khó để đoán được ông đang nghĩ gì. 

Ngược lại, chủ công Wakisaka lại toát lên vẻ hấp tấp, vội vàng và háo thắng. Wakisaka không từ mọi thủ đoạn để có thể giành chiến thắng và sẵn sàng hy sinh tính mạng của thuộc hạ để bảo vệ an toàn cho mình. 

Wakisaka (trái) - Yi Sun Shin (phải)

Trong trận Sacheon ở đầu Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy, trong khi Yi Sun Shin đứng ra bảo vệ binh sĩ của mình và bị thương thì Wakisaka chỉ coi kẻ dưới là một tấm lá chắn. Junsu - một vị tướng phe Nhật, cũng là người đã bắn Yi Sun Shin lúc đó đã cảm động trước hành động này của ông. Đặc biệt qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi ở căn cứ, Junsu đã thật sự khuất phục trước tư tưởng của Yi Sun Shin. 

Khi Junsu hỏi Yi Sun Shin: “Ý nghĩa của cuộc chiến này là gì?”. Yi Sun Shin đáp rằng: “Là cuộc chiến nơi mà chính nghĩa chống lại phi nghĩa. Không phải là cuộc chiến giữa hai đất nước”. Sau khi nghe xong, Junsu đã thấm nhuần tư tưởng của Yi Sun Shin và cầu xin vị danh tướng thu nhận mình. Đó cũng chính là một trong những phân cảnh cho mình thấy rõ nhất tư tưởng của Yi Sun Shin. 

Cảnh cuối cùng, Yi Sun Shin đứng với thuộc hạ của mình, nhìn về đảo Hansan (đảo Nhàn Sơn) và nghĩ về trận chiến đã qua. Sau trận chiến khốc liệt đó, Yi Sun Shin mong rằng đảo Nhàn Sơn có thể như tên gọi của nó, là một “ngọn núi lớn” che chắn cho vùng đất này. Có thể thấy, không chỉ đề cao yếu tố con người, Yi Sun Shin còn rất biết ơn sự hợp sức của thiên nhiên để giành được chiến thắng. 

Khi trận chiến kết thúc và quân đội Hàn Quốc giành được chiến thắng, tưởng rằng đã có thể thở phào nhẹ nhõm nhưng mình thấy Yi Sun Shin vẫn không vì thế mà lơ là.Vẫn như ban đầu, ông nói rằng thứ mà Hàn Quốc cần nhất lúc này là một chiến thắng hoàn toàn. Theo mình hiểu tức là không còn chiến tranh nữa và bá tánh được sống yên ổn. Vậy nên khi chiến tranh chưa thực sự chấm dứt, Yi Sun Shin vẫn canh cánh mối lo cho Tổ quốc. Điều này càng khiến mình nể phục sự cẩn trọng và tầm nhìn của vị danh tướng này hơn. 

Còn về phần chủ công Wakisaka, mình thấy ông rất hám danh lợi và có những hành vi vô cùng tàn nhẫn. Ngay từ cảnh mở đầu phim, Wakisaka đã ban lệnh xử tử những người lính vô tội chỉ vì họ báo tin rằng Yi Sun Shin đã chế tạo ra mekurabune - thứ giống với Bokkaisen trong truyền thuyết. Chỉ với một câu nói: “Nỗi sợ hãi rất dễ lây lan”, ông đã kết liễu luôn những người lính này. 

Wakisaka cũng có những bước đi liều lĩnh, bất chấp sự nguy hiểm cho thuộc hạ của mình và không bàn bạc trước với những tướng quân khác gây ra sự náo loạn trong nội bộ. Thậm chí, ông còn lấy quân của Kato và diễn ra cuộc xô xát giữa hai người. 

Mình thấy điểm khác biệt giữa Yi Sun Shin và Wakisaka có thể thấy rõ nhất qua những lúc nghiên cứu chiến thuật và đánh trận. Nếu Yi Sun Shin tìm tòi, nghiên cứu để ra được chiến lược thì Wakisaka chỉ làm một điều đơn giản chính là sai nội gián đi nghe ngóng lấy thông tin và tìm cách “phá” chiến thuật đó. 

Còn khi đánh trận, mình thấy Yi Sun Shin luôn đứng nghiêm nghị quan sát và bình tĩnh chỉ huy, không hề xáo động trước những chuyển biến bất ngờ hay lung lay trước lời van xin của thuộc hạ. Trong khi đó, Wakisaka luôn ngồi như một vị vua và tách biệt với thuộc hạ để ra lệnh. Mình để ý rằng Wakisaka rất dễ hoảng loạn, dễ thay đổi cảm xúc và đưa ra những quyết định liều lĩnh. 

“Quái vật biển thời Joseon” có gì đặc biệt?

“Quái vật biển thời Joseon” chính là cụm từ gây ấn tượng với mình nhất trong Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy. Cụm từ này được dùng để nói về mekurakane - chiến quy thuyền do Yi Sun Shin chế tạo ra. 

Đó là chiếc thuyền được chế tạo với vẻ ngoài giống với một con rùa, nắp thuyền đậy kín như mai rùa. Toàn thân nó được làm bằng chất liệu mà hỏa lực từ địch khó có thể gây ảnh hưởng. Đặc biệt, mekurabune còn gắn đầu rồng bằng kim loại nguyên khối, có thể dùng để tấn công. Chính vì vậy, nó gợi liên tưởng đến bokkaisen trong truyền thuyết khiến giặc Oa (cách gọi của người Hàn với quân lính người Nhật) khiếp sợ.

Những chi tiết cho mình thấy người Nhật sợ hãi chiếc quy thuyền này, đầu tiên chính là họ cài nội gián qua căn cứ của người Hàn để đốt cháy chiếc quy thuyền. Sau đó, Wakisaka luôn quan tâm nhất cử nhất động của Yi Sun Shin và những tin tức về việc sửa chữa nó. 

Đến hôm ra chiến trận, Wakisaka cũng sai thuộc hạ đi nghe ngóng tin tức để xem xem mekurabune có xuất hiện trong trận chiến không. Điều này mình thấy cũng dễ hiểu vì chiếc quy thuyền đó, mặc dù Wakisaka gọi nó là “thuyền mù” nhưng nó lại là mối đe dọa lớn với quân đội Nhật Bản. 

Mặc dù có sức mạnh khủng khiếp nhưng mekurabune cũng có điểm yếu. Khi tên nội gián ăn cắp được bản vẽ chế tác quy thuyền và cả bản phác thảo đội hình cánh hạc của Yi Sun Shin, Wakisaka đã nhìn ra được điểm hạn chế của những thứ này. Theo lời của Wakisaka, mình thấy Mekurabune có điểm yếu ở phần mạn thuyền, đó cũng là điểm chí mạng của quy thuyền. Thêm nữa là vì được chế tạo chống hỏa lực và che lấp cả phần nắp nên quy thuyền khá nặng, điều này sẽ khiến nó hạn chế về mặt di chuyển. 

>>> Xem thêm: Thủy Chiến Đảo Hansan: Tái hiện trận chiến khốc liệt bằng kỹ xảo ổn áp

Khi nghe Yi Sun Shin chế tạo được mekurabune và thấy được sức công phá của nó trong trận Sacheon, quân đội Nhật Bản cũng chế tạo và nâng cấp những chiếc thuyền chiến của mình. Họ cũng có một con thuyền húc với tên gọi là chiến hạm atakebune. Tuy nhiên, mình thấy đó cũng chỉ là con thuyền bình thường, không có điểm gì đặc biệt cho lắm ngoài một mũi tên sắt ở phía trước. 

Đội hình cánh hạc và chiến lược chiến đấu của Yi Sun Shin 

Mình thấy tư tưởng của Yi Sun Shin chi phối rất nhiều trong cách đưa ra chiến lược của ông. Theo như mình nghĩ, Yi Sun Shin muốn giảm thiểu tối đa số lượng binh sĩ hy sinh vô ích. Chính vì vậy, ông luôn rất cẩn trọng trong từng quyết định của mình. 

Yi Sun Shin học hỏi chiến lược của người xưa. Có một trận chiến trong lịch sử, vị tướng quân đã chỉ huy tài tình, không cần thiệt hại quá nhiều binh lính nhưng vẫn có thể bảo vệ được bờ cõi. Chiến thuật đó chính là xây dựng một thành trì vững chắc để quân địch không thể đi qua. 

Tuy nhiên, trận chiến đó là trên đất liền. Còn với trận chiến trên biển, Yi Sun Shin đã nghĩ ra một chiến thuật mới, phát triển từ ý tưởng đó, chính là xây dựng một thành trì trên biển bằng đội hình cánh hạc. 

Cụ thể, theo mình thấy, Yi Sun Shin sẽ dùng các thuyền chiến dụ quân đội Nhật Bản vào bãi đá ngầm để hạ chúng bằng yếu tố địa hình. Sau khi đã triệt hạ được một số lượng đáng kể thuyền địch và quân đội Nhật tiến đến gần, quân Hàn sẽ xoay thuyền lại để tạo thành địa hình cánh hạc thuận tiện cho việc dùng thuốc pháo và trái phá để cận chiến. Đến khi quân địch rơi vào bẫy cuối cùng của quân đội Hàn Quốc, Yi Sun Shin mới cho khai hỏa để triệt tiêu toàn bộ thuyền địch. 

Tình “đồng hương” và phân cảnh chiến đấu cảm động dưới mặt đất 

Ngoài trận chiến trên biển, Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy còn có một cốt truyện phụ, chính là cảnh chiến đấu dưới mặt đất của hai bên Hàn - Nhật. Theo như mình hiểu thì chiến lược đánh chiếm của quân Nhật sẽ là trong lúc diễn ra trận chiến ở đảo Hansan, phần còn lại của nghĩa binh sẽ tiến thẳng vào Minh Quốc. Vậy nên trong cùng một thời điểm, chúng ta sẽ được chứng kiến cả hai trận chiến khốc liệt song song. 

Trong lúc quân đội Nhật Bản đang rối ren vì phát hiện ra nội gián người Hàn nghe được chiến thuật của mình và trốn thoát, Junsu cũng tìm cách tháo chạy về Hàn. Điều khiến mình cảm thấy ấm lòng chính là cách mà một người chỉ huy quân đội dưới mặt đất đối xử với Junsu. Dù biết rằng Junsu là lính Nhật nhưng ông ta không thủ tiêu Junsu. 

Người chỉ huy đó coi Junsu là bạn và cùng nhau chiến đấu chỉ vì một lý do đơn giản: “đồng hương là hướng về một hướng”, “hướng” ở đây chính là “chính nghĩa”. Phân cảnh cuối cùng khi quân Hàn giành được thắng lợi hoàn toàn, chính Junsu đã giơ cao ngọn cờ có ghi chữ “chính nghĩa”. Điều này càng làm mình hiểu hơn về tư tưởng của Yi Sun Shin ban đầu. 

Khi tiếp nhận Junsu, người chỉ huy đó có nói với Junsu rằng: “Nếu vượt qua được ải này, ta sẽ đãi ngươi một bữa thịnh soạn”. Mình thấy trong những hoàn cảnh như thế, khi quân đội phải chiến đấu ngày đêm và không có được những bữa ăn trọn vẹn thì việc nói rằng sẽ đãi nhau một bữa thịnh soạn quả là một điều xa xỉ. Câu nói này đã nói lên một ước muốn tuy giản dị nhưng lại rất khó khăn của những người dân bình thường trong thời điểm đó. 

Cuối cùng, người chỉ huy đó phải hy sinh và lời hứa đó đã không được thực hiện. Lời cuối người chỉ huy đó nói với Junsu là xin lỗi vì không thể đãi Junsu một bữa thịnh soạn và cảm ơn anh vì đã cùng ông ta hướng về chính nghĩa. Dù chỉ đi cùng nhau qua một đoạn đường ngắn ngủi và chiếm ít thời lượng phim nhưng những phân cảnh của hai nhân vật này thật sự khiến mình xúc động. 

Lý giải về tựa phim Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy

Mặc dù là bộ phim được làm để tái hiện trận chiến đi vào lịch sử Hàn Quốc và tôn vinh người anh hùng - vị danh tướng Yi Sun Shin nhưng mình thấy Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy cũng dành thời lượng đáng kể để nói về chiếc quy thuyền mekurabune. Mekurabune chính là người bạn đồng hành cùng Yi Sun Shin đi qua các trận chiến khốc liệt. 

Tuy nhiên, như mình đã đề cập, sau trận hỏa hoạn do tên nội gián Nhật gây ra, mekurabune đã thiệt hại nghiêm trọng. Yi Sun Shin nghĩ rằng không thể sửa chữa kịp, vả lại bản thảo của quy thuyền cũng đã vào tay Wakisaka. Điều này đồng nghĩa với việc hắn ta sẽ biết điểm yếu của quy thuyền và biến mekurabune trở thành điểm yếu của Yi Sun Shin. Vậy nên Yi Sun Shin đã quyết định ra trận mà không có mekurabune.

Thế nhưng đến cuối, người tạo ra chiếc thuyền đã kịp sửa nó và nâng cấp lên một level mới, vượt trội hơn trước kia. Chính mekurabune đã giải vây cho Huyện giám Eo và Vạn hộ Lee trong tình huống nguy hiểm. Mình thấy chiếc quy thuyền này cũng triệt hạ không ít thuyền địch và dọa Wakisaka một phen hú vía.

Cụm từ “rồng trỗi dậy” ở tựa đề Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy, mình nghĩ là để ám chỉ về cái kết của bộ phim. Khi đó, mekurabune - quái vật biển thời Joseon đã thật sự trỗi dậy và giúp hải quân Hàn Quốc giành được thắng lợi. 

>>> Xem thêm: Trailer Thủy Chiến Đảo Hansan: Cuộc giao tranh quy mô và tầm cỡ

Đó là những chi tiết quan trọng trong Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy mà mình nghĩ là khi hiểu rõ bạn sẽ thấy được cái hay của bộ phim nhiều hơn. Còn chi tiết nào bạn cảm thấy nói lên được giá trị tư tưởng của phim nữa không? Hãy để lại bình luận bên dưới cho mình biết với nhé! 

* Bài viết của Lọ Lem chia sẻ tại box Phim Hàn Quốc

Nếu bạn quan tâm đến tin tức mới nhất về những bộ phim sắp chiếu , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.

Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Hansan: Rising Dragon (Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Ba người phụ nữ trong Cô dâu hào môn: Mỗi cây mỗi hoa, bà nào cũng khổ

Ba nhân vật của Lê Giang, NSND Hồng Vân và Thu Trang đều có những góc khuất khó giãi bày trong phim điện ảnh Cô dâu hào môn.

Những bậc phụ huynh hết lòng vì con cái trong phim Cô Dâu Hào Môn

Những ông bố, bà mẹ trong phim Cô dâu hào môn sẵn sàng làm mọi thứ để khiến con mình hạnh phúc. Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Lê Giang đã khắc họa thành công.

Chất liệu dân gian trong phim Cám: Đột phá đến từ nhân vật thằng Bờm

Phim Cám, dị bản kinh dị của Tấm Cám vận dụng thành công những chất liệu dân gian quen thuộc và gần gũi, nhưng cải biên theo hướng mới mẻ, sáng tạo hơn

Trải nghiệm độc lạ mùa Giáng sinh cùng trò chơi ma sói trong Kẻ Ăn Hồn

Trò chơi quen thuộc ma sói nay đã được mang lên màn ảnh rộng cùng Kẻ Ăn Hồn. Đừng bỏ qua bộ phim hấp dẫn này nếu bạn cũng là một tín đồ của ma sói.

Yếu tố kinh dị trong Kẻ Ăn Hồn: Đáng sợ và đậm chất phương Đông

Bộ phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn sử dụng nhiều chất liệu dân gian để nhấn mạnh đến yếu tố kinh dị - tâm linh, khiến khán giả cảm thấy tương đối hài lòng.

Lan Phương bụng bầu 6 tháng, rạng rỡ trong ngày ra mắt phim Kẻ Ăn Hồn

Vượt qua nhiều vòng kiểm định chặt chẽ, Kẻ Ăn Hồn cũng đã chính thức được công chiếu tại các rạp trong toàn quốc, phục vụ những fan của dòng phim kinh dị.