Giới Hạn Truy Lùng là bộ phim có đầu đuôi rõ ràng và lý giải được về những động cơ hành động của nhân vật khiến mình cảm thấy mọi thứ đều hợp lý trong logic của nó. Tuy nhiên, sẽ có một vài chi tiết lướt nhanh mà mình nghĩ có thể bạn sẽ bỏ lỡ.
Cùng mình điểm lại những chi tiết đáng chú ý xuất hiện trong Giới Hạn Truy Lùng để lý giải về hành vi của các nhân vật trong phim nhé!
Quá khứ của Hye Jin và Yoon Dong
Hye Jin và Yoon Dong là hai chị em và cũng là cặp nhân vật phản diện mình thấy đáng thương nhất trong Giới Hạn Truy Lùng. Theo như lời kể của Hye Jin, lúc nhỏ vì ăn trộm tiền mua quà sinh nhật cho cô nên Yoon Dong đã bị bố tác động vật lý đến mức nhập viện. Nhìn cách cư xử của Yoon Dong ở thời điểm hiện tại, mình nghĩ không chỉ ảnh hưởng về thể chất mà cả tinh thần của anh cũng bị tác động ít nhiều và gây ra sang chấn tâm lý.
Sau sự va chạm đó, Hye Jin và Yoon Dong bỏ nhà ra đi và Hye Jin vô tình phải đóng luôn vai mẹ của Yoon Dong. Hye Jin nói rằng từ lúc đó về sau cô đã nuôi dạy Yoon Dong như con ruột của mình.
Mình thấy có một chi tiết thể hiện rõ sự bảo bọc của Hye Jin dành cho Yoon Dong và cũng cho thấy Yoon Dong có những dấu hiệu bất thường đó chính là cảnh Hye Jin tắm và chà lưng cho em trai mình. Ở độ tuổi như Yoon Dong mà vẫn để chị gái chà lưng và thể hiện sự thích thú như một đứa trẻ thì mình nghĩ không bình thường chút nào. Mình nghĩ có thể do cú sốc tâm lý quá lớn nên Yoon Dong đã dừng trưởng thành để tự bảo vệ mình trước những điều xấu xa của cuộc đời.
Đây cũng là motif mình thường thấy ở những bộ phim xoáy sâu vào những vấn nạn trong gia đình. Tức là khi người bố hoặc người mẹ không có khả năng nuôi dạy con cái và buộc chúng phải tự lập từ sớm thì thường những người con cả sẽ phải gánh gồng luôn cả chức năng của bố và mẹ để nuôi dạy những đứa em của mình.
Tất nhiên là điều này không tốt và nó sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy khác như việc sau này người em lớn lên thì người anh hoặc chị sẽ không thể rời xa chúng được hoặc là xem chúng là tất cả với mình nên khi chúng gặp chuyện chẳng lành sẽ không thể chịu đựng được,...
Trong Giới Hạn Truy Lùng, mình nghĩ hai chị em Hye Jin và Yoon Dong đang ở trường hợp số hai. Hye Jin kể rằng cô đã bỏ nhà đi cùng Yoon Dong khi chỉ mới lên tám tuổi và kể từ đó về sau hai chị em luôn bên nhau, chưa rời xa dù chỉ một ngày. Sau đó, khi cảnh sát Yoon tới và nói rằng chính cô đã làm Yoon Dong bay màu ở cánh rừng phía trước, Hye Jin đã không chịu được cú sốc này và lao vào đấu tay đôi với So Eun.
Trùm cuối thực sự là ai?
Người đứng sau, giật dây tất cả là Jun Park - một bác sĩ chuyên khoa cấy ghép nội tạng có tiếng tại bệnh viện mà trước đây gia đình Yeon Joo điều trị bệnh cho con gái. Thế nhưng đằng sau vẻ ngoài lịch thiệp và vỏ bọc nhân từ của một vị bác sĩ, mình thấy bộ mặt thật của hắn ta là một kẻ bị đồng tiền làm mờ mắt, hám danh hám lợi và bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được ý muốn của mình.
Jun Park đã dùng Hye Jin, Yoon Dong cùng với Myung Sun - bạn gái của Yoon Dong, mắc chứng bệnh tâm lý tương tự (nhưng không được đề cập đến quá khứ) cho những hành vi phi pháp của mình. Hắn lập một đường dây mua bán nội tạng trẻ em ở Philippin. Để có được những thứ đó, hắn đã nhắm vào những đứa trẻ có nội tạng tương thích với “đơn đặt hàng” và lên kế hoạch bắt giữ chúng.
Hye Jin, Yoon Dong và Myung Sun, mình thấy chỉ là những con rối làm theo lệnh hắn. Bọn họ đi theo hắn từ nhỏ nên mình nghĩ có thể là khi đó chưa nhận thức được những hành vi mất nhân tính này. Đến khi lớn lên vô tình những chuyện xấu đã ngấm vào người và xem đó như chuyện bình thường lúc nào không hay.
Do không được nuôi dạy đàng hoàng và không cảm nhận được tình thương từ nhỏ nên chúng thường sẽ cảm thấy “ớn lạnh” với những biểu hiện quan tâm, chăm sóc giữa những người thân trong gia đình với nhau.
Cuối phim, khi thấy So Eun đến tìm con và tỏ ra thân thương, Hye Jin đã hét lên rằng: “Chúng bây là đám bò sữa cực đoan, đụng đến con cái là nhảy dựng lên”. Câu nói này không khiến mình cảm thấy ghét mà còn thấy thương cho số phận của Hye Jin nhiều hơn. Vì cô chưa từng biết thế nào là được quan tâm, lo lắng nên từ tủi thân đã chuyển hóa thành oán hận.
Vì sao Yeon Joo lại có mặt trong tổ chức tội phạm?
Yeon Joo, mẹ của Ah Jin - cô bé bị rơi vào tay bọn xấu ở đầu phim cũng có liên quan đến đường dây của Jun Park. Theo những lời tường thuật trên phim, 3 năm trước Ah Jin cần cấy ghép tạng thế nhưng lại không tìm được phần cơ thể phù hợp nên Jun Park đã đặt điều kiện cho Yeon Joo là nhờ chồng cô giúp ông ấy khởi nghiệp ở Philippin. Thế nhưng dường như điều này đang vượt quá tầm tay của Yeon Joo nên cô không thể đáp ứng.
Sau đó, Yeon Joo vô tình bị cuốn vào vòng xoáy tội ác khi đã thông đồng với đám người Jun Park làm hại những đứa trẻ. Ca phẫu thuật năm đó, Ah Jin được cấy ghép tạng thành công cũng là nhờ Yeon Joo mang về. Theo mình thấy thì có lẽ Yeon Joo cũng đã nhúng chàm khá sâu rồi.
Vì sao Dong Hyun lại trở thành con mồi cho tổ chức?
Theo như mình hiểu thì có vẻ như Yeon Joo đã cắt đứt với tổ chức Jun Park một thời gian. Sau đó có hai giả thiết mình có thể đặt ra: một là đám người Hye Jin vô tình bắt nhầm con gái của Yeon Joo, hai là bọn chúng muốn bắt Ah Jin làm con tin để tống tiền gia đình Yeon Joo.
Sau đó, vì muốn tìm lại con gái nên gia đình Yeon Joo đã báo “cớm” và tìm người thế thân để đi gặp bọn tống tiền. Do không thể thương lượng được với đám người Hye Jin để đưa Ah Jin về nên Yeon Joo đã dùng Dong Hyun - con trai của cảnh sát Yoon như “một mạng đổi một mạng”.
>>> Xem thêm: Giải đáp 6 thắc mắc lớn trong Kisaragi Station - Nhà Ga Nuốt Chửng
Mình thấy trước đó Yeon Joo cũng đã rào trước với So Eun, hỏi rằng nếu người bị rơi vào vòng nguy hiểm trong trường hợp này là con trai của So Eun và trở về với chiếc quan tài thì cô sẽ phản ứng như thế nào. Lúc đó So Eun nói rằng sẽ truy tìm cho ra chân tướng kẻ thủ ác và thủ tiêu hắn. Có thể lúc đó Yeon Joo đã đẩy Dong Hyun làm kẻ thế thân cho Ah Jin để Yeon Joo có động lực lên đường giải cứu cả hai.
Nếu vậy thì So Eun là kẻ thế thân cho Yeon Joo còn Dong Hyun cũng là kẻ thế thân cho Ah Jin. Trong trường hợp này thì mình thấy Yeon Joo cao tay quá, nhưng thực chất ban đầu Yeon Joo cũng vì thương con thôi.
Sự ra đi của Myung Sun như hiệu ứng domino tự kết thúc tất cả
Myung Sun thuộc tuyến nhân vật phản diện, mình thấy dù không được nói nhiều về quá khứ như Hye Jin và Yoon Dong nhưng cô cũng đóng vai trò khá quan trọng. Sự ra đi của Myung Sun ở công viên khi giao đấu với cớm giống như hiệu ứng domino, xô ngã hết mọi vụ việc sau đó.
Myung Sun không còn nữa, Yoon Dong như bị đả kích lớn. Sau đó, Yoon Dong ngay lập tức tìm đến nhà Jun Park và làm cho hắn bay màu vì anh nghĩ rằng vì theo hắn nên Myung Sun mới phải hy sinh như vậy. Phân cảnh Yoon Dong tác động vật lý lên Jun Park là cảnh mình cảm thấy ghê rợn nhất trong suốt Giới Hạn Truy Lùng. Lúc Yoon Dong vật Jun Park ngã trên sàn nhà và dùng cây gậy đánh golf tác động để tiễn Jun Park về thế giới bên kia, mình thực sự sởn da gà.
Mình nghĩ rằng Jun Park làm mọi thứ là vì tiền của và cây gậy đánh golf trong nhà là minh chứng rõ nhất cho việc hắn đã kiếm được một khoản tiền kha khá nhờ vào những việc làm thất đức vì vốn dĩ golf là thú vui tiêu khiển của người giàu. Thế nhưng cuối cùng, Jun Park lại ra đi vì bị chiếc gậy đánh golf tác động. Mình nghĩ điều này có thể hiểu rằng chính những những đồng tiền dơ bẩn đã khiến anh phải trả một cái giá đắt, chính là mạng sống của mình.
Sau đó, Yoon Dong cũng bị quá khích hơn và muốn làm bay màu luôn cả cảnh sát Yoon. Tuy nhiên, vì một sự cố bất ngờ mà Yoon Dong lại phải “biến mất” trước. Cuối cùng So Eun tìm đến được con tàu nơi có con trai mình trên đó, cô đã nói với Hye Jin rằng chính cô đã thủ tiêu Yoon Dong. Khi nghe điều này Hye Jin đã lao vào và tấn công So Eun dữ dội. Thế nhưng cuối cùng, Hye Jin cũng đã thua trong trận chiến sinh tử và kết thúc tất cả.
Lý giải về tựa phim Giới Hạn Truy Lùng
Mình để ý thấy xuyên suốt Giới Hạn Truy Lùng sẽ có những chiếc đồng hồ bấm giờ xuất hiện trên màn hình để người xem biết là vụ việc đó đã diễn ra bao lâu. Ban đầu mình nghĩ chỉ là để tăng sự kịch tính cho bộ phim nhưng đến cuối phim nó đã được lý giải theo một cách khá thuyết phục với mình.
Cuối phim, Giới Hạn Truy Lùng đưa ra những số liệu có bao nhiêu phần trăm trẻ em không về nhà được sau 12h, 24h, 48h,... và “không về nhà được” ở đây theo như mình hiểu đó chính là đã ra đi vĩnh viễn. Vậy nên phải luôn có “giới hạn” cho việc truy lùng vì tốc độ ra tay của bọn xấu rất nhanh. Tựa đề của bộ phim Giới Hạn Truy Lùng, theo mình cũng có thể hiểu là một khoảng thời gian để cứu lấy những đứa trẻ vô tội.
>>> Xem thêm: Giải mã 7 chi tiết thú vị ở Ngược Dòng Thời Gian Để Yêu Anh
Giới Hạn Truy Lùng vẫn nói về những vấn đề xã hội và đặt chúng trong tương quan của một vụ án đòi tiền chuộc. Mọi thứ trong Giới Hạn Truy Lùng, theo mình thấy tuy không có gì quá mới mẻ nhưng đều được sắp xếp khá gọn gàng, logic. Những tình tiết trong Giới Hạn Truy Lùng ít nhiều đều có những hàm ý sâu xa, mình chỉ tiếc là cách thể hiện của nó chưa đủ sâu để mình có thể cảm nhận.
* Bài viết của Lọ Lem chia sẻ tại box Phim Hàn Quốc
Nếu bạn quan tâm đến tin tức mới nhất về những bộ phim sắp chiếu , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim The Limit (Giới Hạn Truy Lùng)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận