x

Đăng nhập

Comming soon...

Phim chiếu rạp

Hàn

Giải mã chi tiết về cách phản ứng của nhân vật trong Hạ Cánh Khẩn Cấp

Lọ Lem 15:00 - 16/08/2022

Emergency Declaration (Hạ Cánh Khẩn Cấp) rất chú trọng vào tiểu tiết. Có những chi tiết dù nhỏ thôi nhưng cũng gợi ra cho mình khá nhiều vấn đề. Đồng thời cũng có một số chỗ cá nhân mình thấy còn bỏ ngỏ và thiếu tính logic. 

Hãy cùng mình điểm lại những chi tiết đáng chú ý trong Hạ Cánh Khẩn Cấp nhé!

Cơ chế hoạt động của virus

Sự cố trên chuyến bay mang mã hiệu KI501 là một cuộc khủng bố sinh học đến từ sự lây lan của một loại virus không rõ nguồn gốc. Một kẻ có vấn đề về tâm lý với background là tiến sĩ đã âm thầm mang lên chuyến bay với mục đích duy nhất là xóa sổ hết những người dân vô tội ở đây. 

Theo như mình quan sát, ban đầu kẻ phản diện sẽ rải một lớp bột màu trắng trong nhà vệ sinh và cabin. Sau đó, những ai đi qua khu vực này sẽ phản ứng với virus. Tùy vào sức đề kháng và khả năng ủ bệnh, mỗi người sẽ có triệu chứng khác nhau. Mình thấy nhẹ thì váng đầu, chóng mặt, nổi mẩn đỏ, phát sốt,... nặng thì xuất huyết và toàn thân nổi bệnh da liệu rồi “thăng” ngay. 

Với những người phản ứng nhẹ với virus, mình thấy nó cũng như cảm sốt thông thường. Những cô tiếp viên cũng cung cấp thuốc cho những người này để cầm cự. Khi được tiêm thuốc, họ cũng trở nên khá hơn một tí. Tuy nhiên, thật sự thì mình chưa thấy được mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm của loại virus này lắm. Thậm chí, về nguồn gốc và ảnh hưởng của nó cũng còn khá mơ hồ. 

Động cơ hành động của kẻ phản diện

Chân dung và quá khứ của tên phản diện trong Hạ Cánh Khẩn Cấp được hiện lên qua lời kể của một nghi phạm - đồng nghiệp của hắn tại tổ chức Bricom. Người này kể rằng 3 năm trước hắn ta đã phát hiện ra một loại virus nguy hiểm. Loại virus này đã làm cho 3 người bị phơi nhiễm, trong đó có hắn. Tưởng chừng như được ghi công nhưng hắn lại bị sa thải. 

Thêm nữa là từ nhỏ hắn đã là một đứa trẻ trầm lặng, ít nói và có sở thích lập dị là soi mói những hành vi của người khác như chuyện đi đổ rác. Mình thấy tính cách này càng lớn hắn càng thể hiện rõ hơn. 

Ví dụ như việc ở sân bay, hắn cứ nằng nặc hỏi số lượng người trên chuyến bay và nghe lén chuyện của hai cha con Jae Hyuk. Đặc biệt là sau sự ra đi của người mẹ mà hắn hết mực yêu thương, hắn đã rơi vào khủng hoảng mà mắc chứng rối loạn đa nhân cách. 

Kinh khủng hơn là hắn tìm được niềm vui trong việc làm hại động vật nhỏ. Cứ mỗi lần căng thẳng, hắn lại làm như thế để giải tỏa cảm xúc. Đây cũng là điều mình thường thấy ở những tên có vấn đề về tâm lý. Điều này cũng phần nào lý giải được động cơ hành động của tên phản diện. Như hắn có nói trên chuyến bay, hắn muốn tất cả mọi người trên chuyến bay này phải bay màu cũng chỉ vì “vui”. Mình thấy giống như hắn đang xem những người đó là những con chuột bạch hay những động vật nhỏ để mua vui cho hắn vậy. 

Jae Hyuk sợ máy bay 

Cha con Jae Hyuk gợi nhớ cho mình đến cha con Seok Woo trong Train To Busan (Chuyến Tàu Sinh Tử). Tuy nhiên, trong Chuyến Tàu Sinh Tử, rõ ràng Seok Woo là một anh hùng chính hiệu, người chiến đấu từ đầu để bảo vệ con gái và mạng sống của những người xung quanh. Còn trong Hạ Cánh Khẩn Cấp, phải đến cuối phim, Jae Hyuk mới chứng tỏ bản lĩnh của mình vì anh sợ máy bay. 

Lý do Jae Hyuk sợ máy bay cũng được đề cập đến qua lời kể của cơ phó Hyun Soo. Trước đó, Jae Hyuk từng là phi công nổi tiếng cấp Alpha và là đồng nghiệp của Hyun Soo. Tuy nhiên, trong một chuyến bay khi gặp tình hình nguy cấp, anh đã phát lệnh hạ cánh khẩn cấp. Mặc dù có thể cứu sống được tất cả hành khách trong chuyến bay nhưng máy bay đã bốc cháy và khiến 2 người tiếp viên phải hy sinh, trong đó có vợ của cơ phó Hyun Soo. 

Sau sự kiện đó, Jae Hyuk trở nên sợ hãi và dường như không thể cầm lái được nữa. Cơ phó Hyun Soo cũng vì quá đau buồn nên cũng trở nên căm ghét Jae Hyuk. Từ đó hai người cũng không gặp lại nhau nữa. 

Cũng chính vì vậy mà khi lên máy bay, Jae Hyuk phải uống rượu cho say để quên đi nỗi sợ. Mình để ý thấy từ đầu đến giữa phim Hạ Cánh Khẩn Cấp, mặc dù Jae Hyuk có chủ động thăm hỏi tình hình nhưng anh chưa có động thái nào để giải quyết vấn đề. Thậm chí đến cuối phim, phải đến khi cơ trưởng hy sinh, cơ phó Hyun Soo cũng không thể cầm cự được nữa, Jae Hyuk mới gạt đi nỗi sợ để cầm lái. 

Nếu xét về dạng thức nhân vật, mình thấy Jae Hyuk ban đầu là một anti-hero (phản anh hùng), tức là một người có đủ khả năng nhưng lại thiếu một phẩm chất nào đó để trở thành hero (anh hùng). Rõ ràng Jae Hyuk có thể lái máy bay nhưng anh lại bị nỗi sợ ngăn cản, chưa đủ dũng khí để “bắt đầu lại”. Phải trải qua một quá trình đấu tranh, dằn vặt nội tâm và có sự chuyển biến tâm lý, Jae Hyuk mới có thể cầm lái và đưa hành khách trở về an toàn. 

Đội trưởng Koo quyết định thử nghiệm vắc-xin

Đội trưởng Koo vừa đứng ở vai trò là một người có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người dân, vừa là một người chồng có vợ đang ngồi trên chuyến bay KI501. Vậy nên mình thấy là dù cho có cố lý trí thế nào đi chăng nữa, đội trưởng Koo vẫn bị yếu tố cảm xúc chi phối và đưa ra quyết định liều lĩnh đó chính là tự tiêm virus vào người để thử nghiệm thuốc kháng sinh. Vì với anh lúc này, đó là cách duy nhất để biết được những người bị nhiễm virus trên máy bay có cơ hội để sống sót hay không. 

Mình thấy tình hình lúc đó cực kỳ căng thẳng vì vẫn chưa thể xác minh được loại kháng sinh và vắc xin chống virus có hiệu quả không. Vì điều này mà dù đã bay vào địa phận Hàn Quốc, chuyến bay bị khủng bố sinh học vẫn không thể đáp xuống được do có biểu tình phản đối hạ cánh. Lý do cũng dễ hiểu, chính là vì người dân sợ rằng sẽ bị lây nhiễm. 

Quyết định của đội trưởng Koo rất mạo hiểm nhưng cá nhân mình thấy dường như không còn cách nào khác. Trong cuộc hỗn chiến nào cũng phải có người hy sinh và việc đội trưởng Koo làm như vậy mình thấy cũng là một điều đúng đắn. Và cuối cùng, thuốc kháng sinh đã phản ứng được với cơ thể của đội trưởng Koo, anh bắt đầu khỏe hơn và lúc đó chuyến bay KI501 đã có thể hạ cánh. 

Tuy nhiên, cơ thể của đội trưởng Koo sau đó để lại di chứng khá nặng nề. Ở cuối phim, đội trưởng vẫn phải ngồi xe lăn, đeo ống thở, chưa thể cử động hay nói chuyện được. Ngoài những người mất mạng ngay trên chuyến bay sau khi nhiễm virus, hầu như còn lại mình thấy đều bị dư chứng khá nhẹ nhàng. Cơ phó Hyun Soo cũng may mắn vì ủ bệnh khá lâu và vẫn giữ được mạng sống. 

Điều này, theo như cá nhân mình nghĩ để lại di chứng thế nào còn phụ thuộc vào liều lượng tiêm hay nhiễm virus của mỗi người. Trong Hạ Cánh Khẩn Cấp không đề cập đến việc đội trưởng Koo tiêm liều lượng bao nhiêu nhưng theo mình thấy toàn thân đội trường đều bê bết chất dịch màu đỏ, trông khá giống những người ra đi ngay lập tức trên chuyến bay. 

>>> Xem thêm: Giải mã cái kết Nhập Hồn: Tất cả đều nằm trong trí óc của con người

Chi tiết này khiến mình suy đoán rằng, có thể đội trưởng Koo đã tiêm mầm bệnh vào ở mức cao nhất để có thể thử nghiệm ra được kết quả chính xác. Nếu giả thiết này là đúng thì với liều lượng như vậy, những người không có thuốc kháng sinh sẽ tiêu đời ngay, còn những người được tiêm kháng thể vào có thể sẽ sống sót nhưng đồng nghĩa với việc để lại di chứng nặng như đội trưởng Koo. 

Còn với trường hợp của cơ phó Hyun Soo, mình nghĩ có thể do anh bị nhiễm lượng virus ít hơn và cũng được cung cấp thuốc để cầm cự nên vẫn giữ được mạng. Vì lượng virus phát tán trên máy bay không đồng đều nên mình nghĩ, việc mỗi người bị nhiễm ở mức độ khác nhau cũng là điều có thể chấp nhận được. 

Máy bay hết nhiên liệu nhưng vẫn có thể bay nhiều vòng trên không 

Ban đầu cơ phó Hyun Soo có đề cập đến việc máy bay hết nhiên liệu nhưng đến cuối phim mình thấy việc máy bay có thể bay được nhiều vòng trên không, thậm chí là qua cả không phận của Mỹ và Nhật bản đã khiến nhiều người đặt câu hỏi.

Theo như mình để ý, có một lúc Hyun Soo có nói rằng vì thời tiết xấu nên cũng có đổ thêm tí nhiên liệu. Cũng có thể vì điều này mà máy bay có thể cầm cự thêm được một chút. Thêm nữa là phim cũng có nhắc đến việc hết nhiên liệu, không thể lái tự động được nên dường như khúc cuối Jae Hyuk cũng đã sử dụng các biện pháp khác để hạ cánh. 

Có quá ít thông tin để khẳng định về điều này nhưng mình nghĩ có thể logic phim là vậy, hoặc là do đã kéo dài thời lượng quá rồi nên Hạ Cánh Khẩn Cấp muốn lược bỏ bớt những khó khăn ở phần này và cho máy bay đáp cánh để kết thúc phim. 

Chính phủ Mỹ và Nhật Bản từ chối lệnh hạ cánh khẩn cấp

Mình thấy lý do chính phủ Mỹ và Nhật Bản từ chối lệnh hạ cánh khẩn cấp của chuyến bay mang số hiệu KI501 đều giống nhau, chỉ vì lý do đơn giản là họ biết rằng trên máy bay có mầm mống của virus và chưa có điều gì xác minh được có loại thuốc điều trị được cho dịch bệnh này. 

Cách mà chính phủ nước ngoài phản ứng với sự việc này cá nhân mình cảm thấy cũng rất văn minh và nó không khiến mình thấy khó chịu như trong một số bộ phim viễn tưởng hay tài liệu khác. Mình nghĩ điều này là vì Hạ Cánh Khẩn Cấp có nói rõ nguyên nhân chứ không giấu nhẹm đi gây ra sự ức chế. 

Những người trên máy bay quyết định không hạ cánh nữa

Ban đầu mình thấy những người trên máy bay ai cũng mong muốn được hạ cánh nhưng chỉ sau khi biết được phản ứng của những người dân Hàn Quốc, họ lại thay đổi quyết định. Những người dân Hàn Quốc khi biết tin chuyến bay KI501 bị nhiễm virus liền biểu tình phản đối việc máy bay hạ cánh. Mình thấy những hành vi thế này thuộc về phạm trù đạo đức, vậy nên không thể đánh giá là đúng hay sai. Mình hiểu được một điều, cũng là điều mà cơ phó Hyun Soo có nhắc đến, đó là “trong những tình huống như thế này, chúng ta dễ trở nên yếu đuối và sợ hãi”. 

>>> Xem thêm: Hạ Cánh Khẩn Cấp: Mang hơi thở thời đại, đề cao yếu tố con người

Khi nhìn thấy đồng hương “quay lưng” với chính mình như vậy, bản thân những người trên chuyến bay đó cũng cảm thấy mủi lòng. Từ việc muốn nhanh chóng trở về với gia đình, họ chuyển sang “sợ”: sợ mình làm ảnh hưởng đến những người dân vô tội khác và sợ mình lây nhiễm cho chính gia đình, người thân của mình. Hơn hết là khi đó, chính phủ Hàn Quốc đang rất căng thẳng vì số lượng người dân biểu tình chống đối lệnh hạ cánh cao quá, mà họ lại chưa có gì chứng minh được khả năng miễn nhiễm và phục hồi của những người bị nhiễm virus trên máy bay. 

Vậy nên, những người trên chuyến bay KI501 đã chọn cách không hạ cánh nữa để tránh nguy cơ lây nhiễm. Họ quyết định hy sinh để đảm bảo an toàn cho những người còn lại. Cảnh từng người trên máy bay facetime với gia đình, người thân để nhắn gửi yêu thương trước khi cắt đứt mọi liên lạc khiến mình thật sự cảm thấy xúc động. 

Soo Min bị bệnh chàm 

Việc Soo Min, con gái của Jae Hyuk bị bệnh chàm là một chi tiết nhỏ thôi nhưng mình thấy nó cũng gợi ra nhiều điều. Rõ ràng, bệnh chàm không lây nhiễm nhưng nhiều người, đặc biệt là trẻ con vẫn thường nghĩ xấu về nó. Soo Min ở trường học bị bạn bè xa lánh, chọc ghẹo vì mắc bệnh chàm nên từ nhỏ đã sinh ra nỗi mặc cảm. 

Vì vậy mà khi bị nhiễm virus, Soo Min càng trở nên sợ hãi và mặc cảm hơn vì sợ rằng nếu hạ cánh trở về, mình sẽ lây nhiễm cho các bạn. Chính Soo Min đã nói với bố mình đừng hạ cánh nữa. Đó cũng là câu nói có sức nặng nhất với Jae Hyuk. 

Hạ Cánh Khẩn Cấp có cài cắm rất nhiều chi tiết mà mình nghĩ là sau khi xem xong, phải ngẫm nghĩ và liên kết nó mới có thể hiểu được hết những gì mà bộ phim muốn truyền tải. Đó là những lý giải của mình về những chi tiết đáng chú ý trong Hạ Cánh Khẩn Cấp. Còn bạn, bạn nghĩ sao về những chi tiết này? Hãy để lại bình luận bên dưới nhé!

* Bài viết của Lọ Lem chia sẻ tại box Phim Hàn Quốc

Nếu bạn quan tâm đến tin tức mới nhất về những bộ phim sắp chiếu , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.

Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Emergency Declaration (Hạ Cánh Khẩn Cấp)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Công tử Bạc Liêu: Hiện tượng sống nửa đầu thế kỉ 20

Phim Công Tử Bạc Liêu của đạo diễn Lý Minh Thắng mượn nhân vật có thật để nói về tinh thần và những khát vọng của người Việt cách đây 100 năm.

Ba người phụ nữ trong Cô dâu hào môn: Mỗi cây mỗi hoa, bà nào cũng khổ

Ba nhân vật của Lê Giang, NSND Hồng Vân và Thu Trang đều có những góc khuất khó giãi bày trong phim điện ảnh Cô dâu hào môn.

Những bậc phụ huynh hết lòng vì con cái trong phim Cô Dâu Hào Môn

Những ông bố, bà mẹ trong phim Cô dâu hào môn sẵn sàng làm mọi thứ để khiến con mình hạnh phúc. Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Lê Giang đã khắc họa thành công.

Chất liệu dân gian trong phim Cám: Đột phá đến từ nhân vật thằng Bờm

Phim Cám, dị bản kinh dị của Tấm Cám vận dụng thành công những chất liệu dân gian quen thuộc và gần gũi, nhưng cải biên theo hướng mới mẻ, sáng tạo hơn

Trải nghiệm độc lạ mùa Giáng sinh cùng trò chơi ma sói trong Kẻ Ăn Hồn

Trò chơi quen thuộc ma sói nay đã được mang lên màn ảnh rộng cùng Kẻ Ăn Hồn. Đừng bỏ qua bộ phim hấp dẫn này nếu bạn cũng là một tín đồ của ma sói.

Yếu tố kinh dị trong Kẻ Ăn Hồn: Đáng sợ và đậm chất phương Đông

Bộ phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn sử dụng nhiều chất liệu dân gian để nhấn mạnh đến yếu tố kinh dị - tâm linh, khiến khán giả cảm thấy tương đối hài lòng.