x

Đăng nhập

Comming soon...

Phim chiếu rạp

Việt

Mến Gái Miền Tây: Cú lên đời từ webdrama lên bản điện ảnh

Hoa Le 13:45 - 27/03/2022

Nhiều năm trở lại đây, khán giả Việt chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các webdrama. Nội dung tuy đơn giản nhưng gần gũi, khai thác những góc nhìn mới mẻ, duyên dáng về đời sống con người là chìa khoá để các bộ phim ngắn mạng này thành công. 

Phải kể đến những cái tên sừng sỏ như Chị Mười Ba, Ai Chết Giơ Tay, Bố Già,... Nhìn thấy được tiềm năng từ các nội dung webdrama này, các diễn viên chính không ngại đầu tư số tiền khủng để đưa “con cưng” lên màn ảnh rộng. Đối với tôi, khoảng cách giữa một phim ngắn chiếu mạng với phim điện ảnh là vô cùng lớn. Thế nhưng nhờ hiệu ứng khán giả có sẵn, các bộ phim ăn theo này vẫn thành công rực rỡ. 

Chẳng hạn như Thập Tam Muội của Thu Trang thu về xấp xỉ 100 tỷ đồng, rồi Bố Già dưới bàn tay của Trấn Thành đã cán mốc 400 tỷ và trở thành tác phẩm có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt, tính tới thời điểm này. 

Nhìn vào thành công của người tiền nhiệm, cộng với lợi thế có sẵn, nhà sản xuất Ghe Bẹo Ghẹo Ai đã mang webdrama ra rạp vào ngày 25/3 với tên gọi mới - Mến Gái Miền Tây. Nhiều khán giả cho rằng bộ phim này đang “ăn theo” trào lưu webdrama lên điện ảnh. Tôi nghĩ rằng điều này chẳng sai, bởi rõ ràng thành công từ người đi trước đã chứng tỏ các bộ phim ngắn chiếu mạng hoàn toàn có tiềm năng để chinh phục khán giả. 

Rõ ràng gu xem phim của khán giả Việt không hề khắt khe, lại có tinh thần ủng hộ sản phẩm nước nhà nhiệt tình. Chưa kể, thị hiếu của khán giả nước ta từ trước tới giờ vẫn luôn là một bộ phim hài tình cảm nhẹ nhàng, phải gây cười, đôi lúc tạo khoảnh khắc xúc động để rồi rút ra một bài học ý nghĩa, vậy là đủ.

Hơn nữa, trước khi mang hình hài của Mến Gái Miền Tây, bộ phim của Võ Đăng Khoa cũng được đánh giá là webdrama thành công nhất về chủ đề miền Tây, liên tục lọt top trending YouTube. Với Ghe Bẹo Ghẹo Ai, chúng ta sẽ thấy được câu chuyện về LGBT chứa nhiều thông điệp nhân văn, dù không mới nhưng lúc nào cũng nóng. Thế nên, bộ phim đã sẵn có cho mình một lượng fan hùng hậu, sẵn sàng ra rạp để xem webdrama yêu thích lên thành tác phẩm điện ảnh thì sẽ ra sao.

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa rằng Mến Gái Miền Tây là một bộ phim ăn theo trào lưu nên được phép làm nội dung cẩu thả, dễ dàng chìm nghỉm ngoài rạp đâu nha. Tôi nghĩ rằng những ai đã là fan của webdrama này, chắc chắn sẽ không thất vọng về chất lượng bản điện ảnh. 

Dễ thấy nhất ở Mến Gái Miền Tây đó là sự nâng cấp trong diễn xuất so với phiên bản trước đây. Võ Đăng Khoa lên trình hẳn, nhất là những phân cảnh cảm xúc, đào sâu vào nội tâm nhân vật, lúc cô Mến bị người tình tặng cho cặp sừng, nhận ra bản thân đã ảo tưởng sức mạnh về tình yêu bấy lâu. 

Khi xem phim, tôi ấn tượng với 3 cơn mưa. Cơn mưa đầu tiên là vào ngày Mến dứt áo ra đi trong nhân dáng con gái, leo lên chiếc ghe rồi một mình rời khỏi quê nhà, bương chải. Cậu học trò Võ Thương Mến đã không còn nữa, thay vào đó là cô Mến chanh chua, miệng mồm, mang tiếng hung dữ nhưng thực ra “ngoài cứng trong mềm” vậy đó. Đêm mưa đó đánh dấu việc má Bảy giúp Mến trở thành một người phụ nữ, Hoài Nhớ lần đầu nhìn thấy hình ảnh “cậu bạn thân” làm con gái, và cũng đánh dấu cho việc Bình An quyết định sống đúng với tình cảm của mình, lấy xe đạp chạy đi sang tìm Mến giữa trời mưa to, tiếc là muộn màng khi anh cũng ân hận cả một thời gian dài.

Cơn mưa thứ hai chính là vào hôm Mến với Nhớ nói thật những suy nghĩ của nhau, khi cô Mến nhận ra sự ngộ nhận trong tình yêu và hiểu “chồng” mình cần gì, muốn gì, quan trọng hơn hết là bản thân Mến không thể đáp ứng những mong muốn đó. Mến ngồi trong nhà bật khóc to, ngoài kia Nhớ cũng chạy ra đứng giữa cơn mưa trong đêm lạnh giá mà gào lên rồi xách xe bỏ đi, y hệt cái cảnh Mến từng rời khỏi 12 năm trước.

Cơn mưa thứ ba là lúc Mến không còn gồng nổi, đứng trên sân khấu lô tô hát vang nỗi lòng của mình rồi bật khóc nức nở, các chị em trong đoàn vây lấy chở che cho Mến, hoà nước mắt với nước mưa. Xa xa kia, cũng có một người đứng khóc thầm trong mưa, dõi theo Mến: Bình An. Anh cũng buồn, cũng thương khi nhìn thấy crush 12 năm của mình như vậy, nhưng biết phải làm gi đây.      

Bấy nhiêu đó thôi là tôi đã thấy phim Mến Gái Miền Tây có một sự sâu sắc riêng của mình, có những ý đồ được cài cắm khéo léo, tinh tế để nâng cảm xúc của người xem. Phim có nhấn nhá, làm tốt trong việc mang đến tiếng cười cho người xem, khiến tôi nhìn xung quanh thấy khán giả vỗ tay đen đét, rồi sau đó có tiếng sụt sùi, có người lau nước mắt vì thương cho nhân vật.

>>> Xem thêm: Trailer Mến Gái Miền Tây: Hoài Linh giả gái, tái xuất màn ảnh

Bên cạnh cốt truyện và sự lên tay trong diễn xuất của Võ Đăng Khoa đó, dàn diễn viên phụ cũng hỗ trợ nhiệt tình, ai cũng có đất diễn vừa đủ, màu sắc riêng nổi bật nên dù không chiếm sóng vai chính, họ vẫn để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Một Ngọc Phước duyên dáng, xuất hiện 1 cảnh duy nhất mà khiến tôi tiếc, vì ít quá. Một Đại Nghĩa vừa đủ, kết nối câu chuyện của cô Mến cho khán giả, và gặp Mến vào những lúc cô cần. Ngay cả sự trở lại của nhân vật Thêm cũng làm tôi khá thích, vì ở webdrama, Thêm là người gây sóng gió thì kết phim Mến Gái Miền Tây, Thêm kết thúc mọi chuyện.

Chưa dừng lại ở đó, Mến Gái Miền Tây còn đánh dấu sự trở lại của nghệ sĩ Hoài Linh sau thời gian dài vắng bóng vì loạt lum xùm chấn động Vbiz. Đã vậy, nam diễn viên tiếp tục sở trường của mình - giả gái. Trong vai cô Bảy, Hoài Linh sẽ khiến khán giả phải sụt sùi nước mắt vì những phân cảnh diễn quá chân thực, xúc động. Tôi đã từng nghĩ, Hoài Linh giả gái trong phim này cũng chỉ để “câu khách”. Nhưng không. Má Bảy thực sự cần thiết cho mạch phim, cho cuộc đời của cô Mến. 

Câu chuyện tuy không mới mẻ, nhưng đủ gia vị hài hước, buồn đau, tức giận, vị tha. Để rồi cuối cùng, bộ phim gửi đến khán giả thông điệp nhân văn về con người, đặc biệt về cộng đồng LGBT. 

 >>> Xem thêm: Thu Trang và dàn mỹ nhân làng hài “chuyển mình” đóng phim kinh dị

Tưởng là một bộ phim ăn theo nhưng tôi thấy Mến Gái Miền Tây “ăn thật” mà. Từ ăn ở đây vừa có nghĩa rằng bộ phim đang phát huy những thế mạnh có sẵn từ webdrama, vừa cho thấy nội dung tác phẩm cực kỳ tiềm năng để thành công ở phòng vé.  Võ Đăng Khoa đã có một nước đi đúng đắn trong việc sản xuất bản phim chiếu rạp này, tận dụng thành công lẫn cốt truyện từ phim chiếu mạng ngày trước. Quan trọng là, tư duy của đạo diễn Trần Thanh Phong trong việc quay - dựng và điều phối đường dây để cho Mến Gái Miền Tây thực sự là một phim điện ảnh, chớ không mang hình dáng của việc cắt gọt từ webdrama đem ra chiếu rạp. Còn bạn, bạn nghĩ sao về bộ phim đậm chất miền Tây này, hãy chia sẻ dưới phần bình luận nhé.

Bài viết được Hoa Le gửi về cho DienAnh.net

Theo dõi DienAnh.net để cập nhật tin tức phim ảnh mới và chính xác nhất.

 

 

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Công tử Bạc Liêu: Hiện tượng sống nửa đầu thế kỉ 20

Phim Công Tử Bạc Liêu của đạo diễn Lý Minh Thắng mượn nhân vật có thật để nói về tinh thần và những khát vọng của người Việt cách đây 100 năm.

Ba người phụ nữ trong Cô dâu hào môn: Mỗi cây mỗi hoa, bà nào cũng khổ

Ba nhân vật của Lê Giang, NSND Hồng Vân và Thu Trang đều có những góc khuất khó giãi bày trong phim điện ảnh Cô dâu hào môn.

Những bậc phụ huynh hết lòng vì con cái trong phim Cô Dâu Hào Môn

Những ông bố, bà mẹ trong phim Cô dâu hào môn sẵn sàng làm mọi thứ để khiến con mình hạnh phúc. Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Lê Giang đã khắc họa thành công.

Chất liệu dân gian trong phim Cám: Đột phá đến từ nhân vật thằng Bờm

Phim Cám, dị bản kinh dị của Tấm Cám vận dụng thành công những chất liệu dân gian quen thuộc và gần gũi, nhưng cải biên theo hướng mới mẻ, sáng tạo hơn

Trải nghiệm độc lạ mùa Giáng sinh cùng trò chơi ma sói trong Kẻ Ăn Hồn

Trò chơi quen thuộc ma sói nay đã được mang lên màn ảnh rộng cùng Kẻ Ăn Hồn. Đừng bỏ qua bộ phim hấp dẫn này nếu bạn cũng là một tín đồ của ma sói.

Yếu tố kinh dị trong Kẻ Ăn Hồn: Đáng sợ và đậm chất phương Đông

Bộ phim điện ảnh Kẻ Ăn Hồn sử dụng nhiều chất liệu dân gian để nhấn mạnh đến yếu tố kinh dị - tâm linh, khiến khán giả cảm thấy tương đối hài lòng.